Rạp Hát Ngày Xưa

Vưu Văn Tâm

Đôi chân run rẩy lần dò từng bước trên lối xưa mà nghe lòng bồi hồi, xúc cảm. Cánh tay phải vịn vào vai đứa cháu đi bên cạnh và đôi mắt cố nhướng lên để tìm lại cảnh cũ, mong mỏi thấy được người xưa. Mấy chục năm sao dời vật đổi, khung cảnh quen thuộc ngày nào đã theo thời gian xa xôi hun hút. Cô đào hát xinh tươi như mộng của một thuở hoàng kim đã trở thành một lão bà ngót nghét tuổi tám mươi. Mái tóc xanh mịn màng thời son trẻ đã rơi rụng gần hết và chớm phôi phai theo tháng ngày gió xóa.

Rạp hát cải lương lớn nhất nhì Sài thành đã mang một diện mạo mới mẻ và hiện là chùm rạp chiếu phim tân kỳ với cái tên thời thượng ‘cinestar’. Khoảng đất trống mênh mông đối diện mặt tiền rạp thường được treo những tấm quảng cáo với sắc màu sặc sỡ đã được thay bằng một dãy nhà lớn nhỏ nằm san sát bên nhau. Từ hơn chục năm nay, cái tên “xóm Mả Lạng” đã được xóa hẳn trên bản đồ đô thành và được thay thế bởi những ngôi nhà khang trang hay các cửa hiệu thời trang còn nồng thơm mùi vôi mới. Sau mùa đại dịch dài đăng đẳng, chủ nhân đã cố gắng tân trang cửa tiệm và chong đèn thêm sáng sủa để có thể tiếp tục sống còn giữa thời bão giá.

Quán ‘billards’ bên cạnh rạp hát cũng mất luôn dấu tích. Còn đâu nữa bóng dáng của cậu Mười, chú Bảy, anh Hai .. Nhiều gương mặt đã khuất núi từ lâu và kẻ còn lại cũng gửi trí nhớ về một cõi mênh mông, xa vắng. Cà-phê quán cóc ở đầu con hẻm là nơi chốn tụ tập thường trực của những tay nhà báo hay ký giả kịch trường. Họ nghe ngóng những tin tức sốt dẻo của làng hia mão hay đợi chờ cơ hội chớp liền những bức ảnh sống động để tạo ‘scandal’ và kịp thời cung cấp cho bổn báo.

Đứa cháu trai cố gắng dìu bà đi tiếp vào con hẻm sâu. Nhà cửa lụp xụp năm xưa cũng được “lên đời” giữa xã hội nhập nhằng gạo châu, củi quế. Chốn này là chỗ ở của nhiều gia đình bám theo cuộc sống về đêm nơi rạp hát. Dù không là nghệ sĩ nhưng những công việc hậu đài, gác cửa hay dọn dẹp vệ sinh trong rạp hát và bán quà vặt trước cửa rạp đã giúp họ có được miếng cơm manh áo cũng như cải thiện được ít nhiều cuộc sống nơi mảnh đất Sài-Gòn ngựa xe chộn rộn. Cánh cửa vào hậu trường đã bị khóa kín và rệu rã, phai màu theo thời gian. Tranh thủ được chút chỗ trống, chiếc xe hủ tiếu mì mượn tạm nơi đó dừng bến, lấp luôn cánh cửa hậu trường và đợi khi xế chiều mới đến giờ xuất phát. Vài bậc trưởng lão có lẽ đã trú ngụ nơi này khá lâu và nhận diện được cô đào hát tiếng tăm lừng lẫy năm xưa. Họ trao nhau những câu chào hỏi chân tình và cho biết thêm những người sống theo rạp hát ngày trước đã không còn tại thế. Vì cuộc sống, đám cháu con cũng đã dời nhà đi nơi khác.

Thời gian không là liều thuốc tiên như sách vở thường hay nhắc nhở. Những gương mặt quen thuộc và những tuổi tên nức tiếng cũng phai mờ theo khói bụi thành đô. Cô đào hát sáng giá năm nào, thường hiện diện rực rỡ dưới ảo đăng và luôn được đón nhận những tràng pháo tay đến vỡ nóc rạp đã xa rồi trong cõi nhớ. Phấn son đã nhạt màu và y trang cũng mục nát giữa không gian vắng lặng với những tấm màn nhung treo nửa giùn nửa thẳng. Cảnh cũ đã được khoác lên màu áo mới, người xưa như tăm cá bóng chim, tiếng đờn như lạc điệu và những câu “xuống hò” đã lỗi nhịp song loan. Thời gian cứ mãi miết trôi đi như những dòng sông phân nhánh và không trở lại bao giờ.

07.07.2022