Pétrus Ký – Còn mãi với Nam kỳ Lục Tỉnh
Phan Văn Thạnh

Loạt bài trên báo Tuổi Trẻ tháng giêng 2016 về nhà bác học Pétrus Ký và ngôi trường nức tiếng với phát biểu “chói tai” của bà con Nam kỳ Lục tỉnh xa xưa: “học Pétrus Ký ra là làm cha thiên hạ đấy!”(1), đã lôi tôi về cái thời đồng phục sơ mi trắng, quần xanh dương chỉnh tề, đầy kỷ niệm thân thương.
Thú thực bảy năm trời theo học Pétrus Ký (61- 68), tôi và các bạn đồng trang lứa chỉ biết lờ mờ quá trình hình thành ngôi trường và chẳng hiểu gì nhiều tiểu sử hành trạng tên người được thêu trên miếng phù hiệu nhỏ đính mép túi áo ngực trái.
Mãi sau này qua nhiều nguồn tài liệu, thông tin mạng internet, tôi mới hiểu thêm về nhà bác học uyên thâm – tinh hoa văn hóa Nam kỳ Lục tỉnh nửa cuối thế kỷ XIX – người đã đứng tên “bảo lãnh” tinh thần cho ngôi trường danh giá nhất Saigon: Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký kể từ năm học đầu tiên 1928-1929 – với 200 học sinh.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898), hiệu Sĩ Tải, vốn là một đại văn hào có công rất lớn đặt viên đá đầu tiên xây dựng nền quốc văn mới Việt Nam hậu bán thế kỷ XIX, trong lúc chữ quốc ngữ đang ở trong thời kỳ phôi thai.
Ông người gốc Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyệnTân Minh (Vĩnh Long). Thân sinh mất sớm, ông được từ mẫu hết lòng dưỡng dục, dạy bảo. Từ thuở ấu thơ, ông học chữ Hán, rồi sang học chữ quốc ngữ. Được một vị linh mục công giáo người Pháp, tục gọi là Cố Long nâng đỡ, năm 11 tuổi, ông theo học trường Pinhalu ở Cao Miên, rồi qua học trường Pinang. Vốn là người có tư chất thông minh, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Pháp, Hán, Xiêm, Lào, Miên, Hy Lạp, La Tinh, Anh, Nhật, Ấn Độ.
Năm 1863, ông tháp tùng làm thông ngôn trong sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp. Trở về nước, ông được chính quyền Pháp mời dạy tiếng Việt và các tiếng Đông phương tại trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) cho các quan chức Pháp.
Năm 1869, làm chủ bút tờ Gia Định Báo và viết cho tờ An Nam Politique et Social – ông trở thành nhà báo đầu tiên của Việt Nam, vị tổ sư làm báo Việt. Đây là giai đoạn quan trọng nhất đời ông đối với đất nước nói chung và văn học báo chí nói riêng.
Năm 1870 giữ chức vụ Giám đốc trường Sư phạm Nam Kỳ (Ecole Normale), trung tâm đào tạo giáo chức đầu tiên ở miền Nam; dạy Hán văn, Quốc văn trường Tham Biện Hậu Bổ (Ecole des Stagiares) – nơi đào tạo những viên chức thuộc địa tại Saigon.
Năm 1886, theo lời đề nghị Toàn quyền Paul Bert, ông được bổ ra Huế sung vào Cơ Mật Viện để giúp cho sự giao thiệp giữa hai chính phủ Việt Pháp được dễ dàng. Được ít lâu, ông từ chức trở về Nam Kỳ và từ đó trở đi, ông chuyên chú vào việc trứ tác và biên soạn.
Ông mất ngày 1 tháng 8 năm 1898 tại Chợ Quán, Saigon – để lại một công trình văn hóa khổng lồ về văn học, chữ quốc ngữ, về một nền học thuật mới cho dân tộc.
Đa số sách của ông mang tính giáo khoa,chia làm hai loại:
1-Loại sáng tác: Chuyện đời xưa (1886), Chuyện khôi hài, Bất cượng chớ cượng làm chi (1882), Phép lịch sự An Nam (1883), Kiếp phong trần (1885), Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1881), Sách dạy chữ Quốc ngữ, sách dạy chữ Nho,Miscellanée (1888-1889), Grammaire de la langue Annamite (1883), Petit dictionnaire Francais-Annamite, Cours d’Histoire Annamite (1875-1877), Voyage au Tonkin en 1876.
2-Loại sách phiên dịch:
– Phiên âm văn Nôm ra Quốc ngữ: Gia huấn ca của Trần Hi Tăng(1882), Kim Vân Kiều(1875), Đại Nam Quốc sử diễn ca(1875), Nữ tắc(1882), Lục súc tranh công(1887), Phan Trần truyện(1889), Lục Vân Tiên truyện(1889).
– Dịch sách chữ Nho: Đại Học,Trung Dung (1889),Tam tự kinh (1887),Minh Tâm bửu giám (1891-1893).
Émile Littré, nhà văn Pháp, năm 1862 đã viết: “Trên trái đất này rất khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Gặp người Anh, Trương Vĩnh Ký nói bằng tiếng Anh nhuần nhị như người Luân Đôn. Tiếp xúc với người Ý Đại Lợi, người Y Pha Nho, người Bồ Đào Nha… hay người Nhựt Bổn, Mã Lai, Xiêm… Trương Vĩnh Ký đều nói đúng theo âm luật của kinh đô nước đó… Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay”.
Năm 1874, Ông được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse.
Mười năm sau khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký tạ thế, trang đầu báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 4-6-1908 đã kêu gọi dựng tượng Trương Vĩnh Ký ở trung tâm Sài Gòn. Những người chủ biên tờ báo này vốn là những người yêu nước chống Pháp thuộc phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu.
Trang báo này viết về Trương Vĩnh Ký như sau: “Mặc dầu được người Pháp tin dùng làm một số việc, nhưng Trương Vĩnh Ký không ỷ thế chính trị để tham quyền cố vị, vinh thân phì gia, nên không làm hại gì quê hương. Sở dĩ phải cộng tác với người Pháp là vì bắt buộc, được yêu cầu, không phải tự ý và chỉ nhằm giúp cho người Pháp mới sang cai trị hiểu biết phong tục lễ nghĩa của người Việt Nam để mà biết cách đối xử. Ngoài ra suốt đời ông chỉ ngày đêm lo việc giáo dục bằng biên soạn, dịch sách báo. Vì thế Trương Vĩnh Ký xứng đáng là ông thầy đạo lý của cả Nam kỳ. Lập tượng ông là để tưởng niệm biết ơn ông và nêu gương ông”. (Tuổi trẻ online – 05/01/2016)
Bức tượng bán thân bằng đồng – tác phẩm của nhà điêu khắc Sylve Raffegeard (Pháp) thực hiện từ năm 1889, khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký còn tại thế, được đặt ở giữa sân trường, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn hóa, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký (6-12-1937).
Giữa lúc chữ quốc ngữ còn “đỏ hỏn”, hậu thế vô cùng tri ân công sức “bà đỡ” Pétrus Ký – người đã góp viên gạch đầu tiên xây dựng nền quốc văn mới Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, để hôm nay tôi-anh-chúng ta được thấy: “Tiếng Việt là tiếng mẹ. Tiếng Việt còn trong mỗi người thì hồn Việt còn. Người Việt còn thì còn nước non, dân tộc…”- (Giáo sư Hoàng Phê).
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã,đã dùng hai từ “đặc biệt” để nói về Trương Vĩnh Ký, một người ông rất kính trọng.
“Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam. Ông sống ở thời kỳ Pháp thuộc, nơi đó lại là Nam kỳ, thuộc Pháp. Mà khi mình sống thời kỳ Pháp thuộc, mình sống như thế nào trong giới học thuật đó, mà để mãi với thời gian thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Ông Trương Vĩnh Ký đã làm được điều đó. Những công trình nghiên cứu và con người, nhân cách của ông là muôn đời.”
Riêng tôi,chút kỉ niệm – thời điểm mùa hè 2001, có dịp tham gia công tác (Phó CT Hội đồng Giám khảo bộ môn Văn) – tuyển sinh lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Duyên tái ngộ – được trở về trường xưa, được gặp lại “cố nhân” sau hơn 33 năm tính từ năm ra trường 1968, phải nói vô cùng hạnh phúc và thật thú vị. Tại phòng Ban Giám hiệu (thời điểm đó HT thầy Đặng Thanh Châu, Phó HT thầy Trần Thành Minh), nhìn bức tượng bán thân Pétrus Ký nằm lẫn trong đống hồ sơ sổ sách hỗn độn, tôi thoáng ngậm ngùi cho cuộc thương hải biến vi tang điền. Ngôi trường còn đó. Tên trường bị xóa. Tượng danh nhân bị hạ. Đôi câu đối hai bên cổng chính bị đục bỏ (2)…. buồn không sao tả được. Tôi nhìn toàn cảnh sân trường ngày hè im vắng – những dãy hành lang dài mải miết, hình dung lớp học, thầy cô – cố moi óc nhớ lại những ngày xưa thân ái xa lắc xa lơ?
Bạn bè đâu rồi mà ngôi trường im vắng ?
Để khung trời niên thiếu nhẹ mây bay
Có tiếng chim líu ríu trong cây
Và xôn xao bên thềm chùm hoa nắng.
Bạn bè đâu rồi mà ngôi trường im vắng ?
Nghe râm ran phiên khúc gọi hè sang
Hàng cây đứng nhiều năm làm nhân chứng
Thay mấy lượt xanh, thả mấy vàng…
Bạn bè đâu rồi – một thời Pétrus
Trường xưa đây, thầy cô thành tinh huyết trong tôi
Dịp trở lại – nhiệm mầu duyên tái ngộ
Nhận hạt gieo, mang hoa trái gửi cho đời. (PVT)
Phan Văn Thạnh
(Saigon,20.01.2016,viết bổ sung 2018)
(1)Bài viết “Trường Pétrus Ký”của GS Nguyễn Thanh Liêm – nguồn petrusky.de
(2) Câu đối : “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt/Tây Âu khoa học yếu minh tâm” – GS Ưng Thiều.