Vài tài liệu về ông Petrus Ký và Chủng Viện Penang
Trương Quí Hoàng Phương
Theo tiểu sử của ông Petrus Ký được đăng trên trang web của Hội Dòng Dõi Petrus Ký (http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/home.html):
“Năm 1848, Cố Long đưa Trương Vĩnh Ký sang học tại Chủng viên Pinhalu ở Nông Pênh, Cao Miên. Năm 1851, trường chọn 3 học sinh xuất sắc nhất, trong đó có Trương Vĩnh Ký, để cấp học bổng đi du học tại Chủng viện Giáo Hoàng ở Pinang, Malaysia Năm ông 21 tuổi (1858), ông đang học năm thứ 6, chỉ còn 1 năm nữa là ông tốt nghiệp để chịu chức linh mục, nhưng ông vội vàng về nước vì hay tin mẹ hiền qua đời.”
Hình 1: Hình Cố Long, tức linh mục Bouillevaux (1823-1913). Nguồn Thư Viện Quốc Gia Pháp
Qua tìm hiểu được biết “Chủng viện Giáo Hoàng ở Pinang, Malaysia” tên chính thức là College General (tiếng Mã Lai Seminari Tinggi Katolik) hiện đặt tại Tanjung Bungah trên đảo Penang, Malaysia (https://en.wikipedia.org/wiki/College_General).
Hình 2: Chủng viện College General in Penang, nơi ông Petrus Ký đã theo học 6 năm (1852-1858).
Trong giai đoạn ông Petrus Ký theo học tại đây (1852-1858) thì chủng viện còn đặt tại Pulau Tikus trên đảo này. Trong sổ ghi tên các cựu chủng sinh của Chủng viện Penang (Alumni Collegii Generalis de Penang) niên khóa 1852-1853 ở trang 13, số thứ tự 261 có ghi tên Petrus Ky, 16 tuổi và năm tốt nghiệp 1858 (Nguồn FB Dzung Hoang).
Hình 3: Sổ ghi tên các cựu chủng sinh của Chủng viện College General in Penang.
Các chi tiết trên sổ này và trong tiểu sử về ông Petrus Ký đều khớp với nhau trừ chi tiết 16 tuổi trên sổ, vì nếu ông vào Chủng viện học năm 1852 thì theo cách tính tuổi Tây ông chỉ mới 15 (ông sinh năm 1837). Tuy nhiên có thể thời đó theo cách tính tuổi ta thì ông đã 16 tuổi và ông đã khai như vậy vì thời đó không có khai sinh?
Có thể tin tên Petrus Ky (chữ Petrus ở đây viết không có dấu sắc) trên trang 13 trong sổ Alumni của College General này là ông Petrus Trương Vĩnh Ký!
Theo hình các chủng sinh của Chủng viện College General in Penang năm 1866 (lúc này ông Petrus Ký đã về nước được 8 năm), hầu hết các chủng sinh mặc áo dài của người Việt Nam. Trên trang 13 sổ Alumni của trường nhiều chủng sinh cũng có tên Việt Nam và ghi là đến từ Cochinchine, vì thời đó đây là một chủng viện được các cha cố ở Việt Nam gởi chủng sinh qua đào tạo, do các chủng viện tại Việt Nam đã bị cấm hoạt động dưới triều vua Tự Đức.
Hình 4: Các chủng sinh của Chủng viện College General in Penang năm 1866
Trong số 117 Thánh tử đạo VN được Giáo hoàng John Paul II tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, có 5 vị nguyên là cựu chủng sinh của Chủng viện Penang – nơi ông Petrus Ký theo học từ 1852 đến 1858, trong đó được biết đến nhiều nhất là cha Philip Phan Văn Minh (đã được Giáo Hoàng Leo XIII tôn phong lên bậc chân phước ngày 27.05.1900).
Thánh Philip Phan Văn Minh, sinh năm 1815 là người cùng quê Cái Mơn với ông Petrus Ký. Ông được cha Taberd nhận cho đi học tại chủng viện Lái Thiêu. Năm 1833 khi vua Minh Mạng bắt đạo, ông theo cha Taberd trốn sang Thái Lan, rồi sau đó đến Chủng viện Penang để học thần học. Khi cha Taberd ở Calcutta, Ấn Độ trị bịnh và soạn Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị (tiếng Latinh là Dictionarium Anamitico-Latinum, hay còn được gọi tắt là Tự Điển Taberd) ông đã xin nhà trường cho “chú Minh” sang giúp. Bộ tự điển đã hoàn thành năm 1838. Ðến năm 1840 Ðức Cha Taberd qua đời, Thầy Minh trở lại chủng viện Penang để tiếp tục học. Thầy về nước và được chịu chức linh mục năm 1846.
Cha Philip Phan Văn Minh, bị bắt 26-2-1853 và bị xử trảm 3-7-1853 dưới triều vua Tự Đức. Lúc này ông Petrus Ký còn đang học tại Penang. Được biết tại sân trường của chủng viện Penang và trong nhà nguyện vẫn còn tượng của Thánh Philip Phan Văn Minh.
Hình 5: Thánh Philip Phan Văn Minh (1815-1853).
4 cựu chủng sinh người Việt còn lại của chủng viện Penang được phong Thánh là:
1) Linh mục Paul Lê Văn Lộc, sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Đinh. Bị xử trảm ngày 13 tháng 2 năm 1859 tại Gia Định.
2) Linh mục Joseph Đoàn công Quí, sinh năm 1826 tại Bình Dương. Bị xử trảm ngày 31 tháng 7 năm 1859 tại Châu Đốc.
3) Linh mục John Đoàn Trinh Hoan, sinh năm 1798 tại Kim Long, Huế. Bị xử trảm ngày 26 tháng 5 năm 1861 tại Đồng Hới.
4) Linh Mục Joseph Nguyễn Văn Lựu, sinh năm 1812 tại Gò Vấp. Bị xử trảm ngày 7 tháng 4 năm 1861 tại Mỹ Tho.
(Nguồn http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN).
Năm 1858 Petrus Ký về nước thọ tang mẹ trong bối cảnh cấm đạo gắt gao, khi Pháp đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858 và một năm sau đó đánh chiếm Gia Định (năm 1859); bốn sư huynh nêu trên của Petrus Ký đã bị xử trảm trong khoảng thời gian này.
Trong một bức thư viết tay bằng tiếng La Tinh của Petrus Ký gởi bạn học ở Penang ngày 4 tháng 2 năm 1859, được ông Nguyễn Đình Đầu sao chụp được tại Thư Viện Lưu trữ của Hội Truyền giáo Paris và công bố trong cuốn “Petrus Ký- Nỗi Oan Thế Kỷ” (trang 236 đến 238), ông Petrus Ký đã kể về nỗi thống khổ của linh mục và tín hữu Công Giáo bị truy nã và bị tra khảo đánh đập có đoạn viết:
“Các vị bề trên và tôi cùng chạy trốn vào trong rừng. Lúc đó người ta khám xét các nhà của tín hữu. Thầy trò đều phải trốn ẩn trong đồng cỏ cao, mỗi người theo khả năng của mình, người ở chỗ này kẻ ở chỗ khác. Họ đêù khôn ngoan ẩn trốn cho được an ninh. Người ta cho chúng tôi biết khi ấy họ đạo Cái Mơn đang bị khám xét…”
và
“Sau tai họa ấy lại tới một tai họa lớn hơn. Nguyên nhân là cuộc trốn chạy của thầy Nhiệm. Vì thế binh lính được sai đi khám xét cả ở Gia Định và Biên Hoà, từ xóm làng đến các sông ngòi đều bị khám xét. Đối với chúng tôi, sự sợ hãi đã lên tới cực điểm. Chỉ còn cách là chạy vào rừng, ở đấy là nơi hổ báo và thú rừng khác sinh sống. Tôi thấy nhiều sách vở của nhà đạo trôi nổi trên mặt nước từ Chợ Quán đến Ba Giồng…”
Hình 6: Lá thư tay viết bằng tiếng La Tinh của Petrus Ký gởi bạn học ở Penang ngày 4 tháng 2 năm 1859.
Trong lá thư này Ông Trương Vĩnh Ký viết chữ Vỉnh dấu hỏi và trong chữ ký thì lại là Kéy. Có thể đó là thời gian phôi thai của chữ Quốc Ngữ khi dấu hỏi ngã và cách viết chữ Ký hay là Kéy chưa thống nhất. Đây cũng là một việc dẫn đến gây tranh cãi về một nhân vật tên Petrus Key nào đó, mà theo tài liệu do ông Vũ Ngự Chiêu công bố trên hopluu.net ngày 17.02.2011 (http://hopluu.net/a183/vai-tai-lieu-moi-ve-petrus-key-truong-vinh-ky-1837-1898), tuy nhiên không đầy đủ với lý do “Vì lý do kỹ thuật, phóng ảnh của tài liệu lịch sử trên không được toàn vẹn (có một số từ rất khó đọc). Luật sư Trần Thanh Hiệp tóm lược nội dung thư”, về một nhân vật tên Petrus Key đã gửi cho Hải Quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry vào tháng 3/1859, kêu gọi quân Pháp nhanh chóng đánh đuổi quân nhà Nguyễn để cứu các tín hữu Ki-tô giáo tại Việt Nam, cùng với chữ ký của “Người nô bộc hèn mọn và vô dụng. Petrus Key”.
Hình 7: Tài liệu này do ông Vũ Ngự Chiêu công bố trên hopluu.net ngày 17.02.2011, về một nhân vật tên Petrus Key.
Tuy nhiên nét chữ và chữ ký của nhân vật Petrus Key mà ông Vũ Ngự Chiêu công bố và quả quyết đó là của ông Petrus Ký, hoàn toàn khác với nét chữ và chữ ký của ông Petrus Ký trong tài liệu của ông Nguyễn Đình Đầu. Việc ông Vũ Ngự Chiêu quả quyết lá thư cầu viện Pháp này là của ông Petrus Ký là thiếu căn cứ, tuy vậy vẫn đang được nhiều người nhằm mục đích phản bác lại công lao của ông Petrus Ký, cũng như đồng tình với việc “tạm ngưng phát hành” cuốn sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” viện dẫn!
Hình 8: Hình của ông Petrus Ký trong cuốn album “Voyage de l’Égypte à l’Indochine” xuất bản năm 1880 do hai nhiếp anh gia Pháp là Hippolyte Arnoux và Emile Gsell (1838-1879) chụp được phổ biến trên trang http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b84515897/f40.item của Thư Viện Quốc Gia Pháp. Tấm hình này đã được họa lại trên trang bìa cuốn “Petrus Ký Nỗi Oan Thế Kỷ”.
Trương Quí Hoàng Phương