Non sông, gia tài và chiến lợi phẩm

Phúc Tiến (PK 1973)

 (nguồn: http://nguoidothi.net.vn/non-song-gia-tai-va-chien-loi-pham-13398.html ngày 27/04/2018)

Người Việt có một chữ rất hình tượng, hoàn toàn thuần Việt để chỉ một lãnh thổ hay một quốc gia: “non sông”, đồng thời còn có cụm từ “non sông gấm vóc” để nói về nước Việt giàu đẹp.

Thế hệ chúng tôi trải nghiệm “non sông gấm vóc” không chỉ từ trang sách vỡ lòng mà còn từ cuộc sống tứ xứ nhộn nhịp của đô thành Sài Gòn, từ những cuộc về quê miệt vườn “Lục tỉnh”, những chuyến đi chơi Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Huế… Chỉ mới một nửa Việt Nam nhưng trong tim ngay từ tuổi nhỏ đã reo vui khi thấy đất nước giàu đẹp, dân tộc cần cù. Và rồi, tháng Tư 1975, người dân Việt ở hai đầu đất nước, sau 20 năm chia cắt, bỡ ngỡ đón nhận thêm một nửa Việt Nam ruột rà góp vào dải non sông mới.

Thử kiểm kê “gia tài của mẹ”

Thế hệ chúng tôi lớn lên được “nối vòng tay lớn” với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, đầy cổ tích nguồn cội. “Một bãi cát vàng xa cũng là Tổ quốc” (Chế Lan Viên), tình yêu và nỗi đau Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo ngày càng sâu thắm. Mỗi lần được du hành trên quê hương mình, ước mơ chung của bao thế hệ, chúng tôi thêm cảm nhận Bắc Trung Nam liền một dải là tài sản đa dạng, giá trị cao. Tài sản ấy không thể chỉ tính bằng vàng bạc, kim cương mà còn bằng công sức và xương máu của đầy đủ các dân tộc làm nên chữ S duyên dáng bên bờ Thái Bình Dương.

Có dịp ra với thế giới, đối chiếu đất nước với khu vực Đông Nam Á và xa hơn, chúng tôi càng nhận ra tầm vóc Việt Nam và của cải Việt Nam không hề nhỏ nhoi. Chưa kể tâm hồn Việt Nam, con người Việt Nam có không ít những điểm độc đáo, đã và đang đóng góp đáng kể cho văn hóa nhân loại. Mặc dù trong chiến tranh, Việt Nam chịu tổn thất rất nhiều về nhân mạng và kinh tế nhưng “non sông gấm vóc” giao lại cho các thế hệ hậu chiến vẫn còn hùng vĩ, lớn lao.

Thật kỳ diệu và may mắn, vốn liếng đất nước trong cuộc đầu tư khôi phục và kiến thiết quốc gia mới, không phải bắt đầu từ con số không! Vậy mà, thoáng chốc, đã hơn 4 thập kỷ, bây giờ thử xem, chúng ta đang giao lại cho các thế hệ Việt Nam trong thế kỷ XXI một tài sản như thế nào?

non song gia tai 01
Sau năm 1975, sân bay Tân Sơn Nhất có lúc đã dùng để trồng cây, khu vực xung quanh nhanh chóng biến thành khu dân cư đông đúc. Gần đây trong sân bay lại có thêm sân golf. Đây là một thí dụ rất điển hình về việc sử dụng tài sản quốc gia không hiệu quả dẫn đến gánh nặng tài chính và môi trường nặng nề cho các thế hệ hôm nay và ngày mai. Ảnh: TL

Đầu tiên, sự gia tăng lớn nhất và nhanh nhất của Việt Nam hậu chiến chính là dân số. Con số gần 100 triệu người (tăng gấp đôi so với 1975) vừa là cơ hội, vừa là thách thức kinh tế – xã hội. Dân đông, thị trường lớn, sức mua đáng kể, trở thành một trong những yếu tố hàng đầu thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam, theo dự báo sẽ hết vào năm 2041. Các thế hệ sau sẽ phải đối mặt với nhiều vấn nạn gay gắt khi dân số lão hóa bùng nổ. Thế hệ hiện tại phải biết cách khai thác nhanh khía cạnh tích cực của dân số lớn và trẻ, đồng thời phải đón đầu giải quyết các hệ quả kéo theo.

Mặt khác, gần 100 triệu người với khoảng 2/3 lớn lên sau chiến tranh đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, quốc tế hóa vũ bão chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. “Thế giới phẳng” đã nhanh chóng đặt Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển, vào cùng một không gian, một mặt bằng của công nghệ cao, phương tiện và phương pháp làm việc hiện đại (internet, công nghệ không dây, máy tính, robot…).

Song hiện tại, Việt Nam vẫn đang là một nước nghèo cho dù bộ mặt thành thị – nhà cao cửa rộng có chuyển biến lớn, một phần người dân bắt đầu sử dụng nhiều phương tiện sinh hoạt tân kỳ ngang hàng với thế giới thứ nhất. Không thể quên Việt Nam còn đang nhận viện trợ, còn đang gánh nợ công ở mức báo động đỏ. Cái mốc 2020 – hoàn thành công nghiệp hóa đã phải dời xa hơn.

Còn đâu “gấm vóc”?

Không khó nhận ra các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước đang hao hụt lớn. Từ lâu, “rừng vàng” đã co hẹp, phải đóng cửa nhiều lần từ đầu thập niên 1990.  Một nguồn tài nguyên to lớn khác, “biển bạc” không còn “hào phóng” mà cứ nghèo đi. Những giếng dầu khí khai thác 30 năm trước – nguồn ngoại tệ “trời cho”, từng cứu hộ nền kinh tế nhiều phen, bắt đầu cạn kiệt. Các mỏ dầu khí tiềm năng “khủng” như Cá Rồng Đỏ hay Cá Voi Xanh đang bị “đường lưỡi bò” ngăn trở. Nguồn hải sản gần bờ bị nhiều tai nạn ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng. Nguồn hải sản xa khơi lại bị “tàu lạ” thường xuyên tìm cách phong tỏa.

Nhiều nguồn lợi khoáng sản hay nguồn lợi kinh tế trên cao nguyên và ven biển, ven sông nếu không cảnh giác có nguy cơ rơi vào tay ngoại nhân và ngoại bang. Biến đổi khí hậu theo dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long – hai vựa lúa Việt Nam. Ngay cả tài nguyên con người tuy đông nhưng chất lượng giáo dục thấp, môi trường xã hội quá nhiều vấn nạn nhức nhối cũng đang sa sút và thất thoát.

Càng xót xa hơn khi thấy “gia tài của mẹ” còn tổn thất lớn lao vì “đại dịch” tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng gần đây đã hé lộ ngày càng rõ những đường dây nhằng nhịt giữa những “tam giác ma quỷ” (chính quyền địa phương – ngân hàng – doanh nghiệp). Hơn thế nữa, sự hình thành những tập đoàn kinh tế quốc doanh khổng lồ không được giám sát đầy đủ, các nhóm lợi ích thân hữu, đan kết nhiều thành phần đã làm xã hội thêm bất công và bất an.

Thói quen “chạy chỗ”, “chạy chức”, “chạy quyền” trở thành cơ chế vô hình ngấm ngầm, làm hỏng bộ máy và nhân sự chính quyền và ngay cả doanh nghiệp. Gần đây, xảy ra chuyện cô giáo phải quỳ và rồi cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là chứng tích đau đớn cho việc xuống giá của những giá trị nhân văn nền tảng. Bệnh háo danh và giả danh học thuật đang “gậm nhấm” chính trường và ngay cả thương trường. Lợi ích công, không gian công bị xâm hại không chỉ trong đất đai hay di sản mà còn nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Nhìn chung, “gia tài của mẹ” sau hơn 40 năm hậu chiến, éo le thay, như lời hát nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự cảm, tiếp tục là “nước Việt buồn”.

Đất nước không phải là chiến lợi phẩm

Hai mươi năm đầu trong thời hậu chiến, Việt Nam đã vất vả đấu tranh thoát khỏi vòng bao vây cấm vận của bên ngoài, đồng thời đấu tranh thoát khỏi những suy nghĩ và kế hoạch duy ý chí, thoát khỏi mô hình Xã hội Chủ nghĩa giáo điều.

Đổi mới và hội nhập như một con tàu được chạy đúng đường ray khi kinh tế thị trường được chấp nhận trở lại, nhiều giá trị phổ biến của nhân loại và dân tộc được đồng thuận. Tuy nhiên, con đường đất nước đi 20 năm qua không phẳng lặng bởi bên cạnh di chứng của căn bệnh bảo thủ, còn có di chứng của một căn bệnh khác đã lẳng lặng đeo bám đến bây giờ. Đó chính là căn bệnh thường thấy ở “bên thắng cuộc” coi mọi thứ là “chiến lợi phẩm”, “của chùa”, xài sao cũng được!

non song gia tai 02Trong tác phẩm TP.HCM mười năm (NXB Sự Thật 1985), ông Nguyễn Văn Linh – một trong những nhà lãnh đạo Đổi mới thời ấy, đã có những trang viết tổng kết giá trị nhiều mặt của kinh tế miền Nam mà đầu tàu là Sài Gòn sau khi tiếp quản. Theo ông, “chúng ta chưa biết giữ gìn chăm sóc thành phố như giữ gìn, chăm sóc máu thịt của mình”, mặt khác “chưa nhận thức được thực trạng kinh tế – xã hội của thành phố qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển nhất định”.

Quả thật, sau tháng Tư 1975, đã có những nhận xét sai trái coi kinh tế miền Nam là “què quặt lệ thuộc”, phủ nhận tính chất kinh tế thị trường và mở cửa với thế giới. Và do vậy, mô hình kinh tế kế hoạch, xóa bỏ tư nhân và thị trường được thực hiện ở miền Bắc, đã nhanh chóng áp dụng vào miền Nam. Các đợt “cải tạo công thương nghiệp”, “hợp tác hóa nông nghiệp” gây xáo trộn, mất mát về cả tài sản, nhân lực và nhân tâm.

Sau Đổi mới, “tư duy chiến lợi phẩm” tưởng đã tan biến song 20 năm qua chỉ chuyển sang những dạng khác. Những đầu óc quan liêu thích ban phát và cướp bóc, đổi lấy lợi lộc riêng tư, đã ủng hộ những thế lực ngầm chia chác các nguồn tài sản công, không gian công, kết nối thành mạng lưới và phe nhóm.

Thế nhưng, cuộc sống vẫn đang tiến về phía trước. Từ lúc Đổi mới, chắc chắn không người dân nào và không nhà lãnh đạo nào muốn quay lại thời kỳ quan liêu bao cấp, bế quan tỏa cảng, tự cung tự cấp. Thị trường thế giới và chính trường thế giới đã và đang cuốn hút Việt Nam phải hội nhập sâu rộng vào thời đại công nghiệp hóa, văn minh hóa toàn cầu. Việt Nam muốn được công nhận kinh tế thị trường đầy đủ thì phải tham gia đầy đủ và nghiêm túc tất cả các luật chơi chung.

Phải trở lại với một nguyên tắc, một đạo đức từ thời dân chủ được sáng lập: đó là non sông, đất nước không dành riêng cho ai! Không thể chung sống với những nhóm lợi ích riêng tư, không thể không tuyên chiến với những “tam giác ma quỷ”, những kẻ đang làm nghèo đất nước vì thiển cận và vì lòng tham không đáy. Phải dứt khoát xóa bỏ lối suy nghĩ duy ý chí và “chiến lợi phẩm” trong văn hóa và chính trị. Có thế, mới có thêm nhiều hành động và kế hoạch quyết liệt khôi phục gia tài tiền nhân, làm giàu trở lại gia sản cho các thế hệ mới!

Phúc Tiến