Nỗi Nhớ

Vưu Văn Tâm

Bây giờ là mùa hè, chuyến bay nối tiếp chuyến bay, các phi trường đan kín hành khách, người chờ đợi, kẻ ngóng mong. Ai nấy cũng háo hức trước một chuyến đi xa sau hơn hai năm dịch bệnh kéo dài đăng đẳng và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nắng ban trưa tô điểm thêm màu xanh của lá, phố xá hãy còn yên ắng vì thiên hạ rủ nhau đi nghỉ hè, lên rừng, xuống biển hay đến những nơi chốn xa xôi cho bỏ những ngày ‘stay home’ buồn bã, hắt hiu !

Mùa hè lại về theo vòng quay của quả đất và theo chu kỳ bốn mùa xuân hạ thu đông. Mùa hè của tuổi học trò với phút giây bịn rịn chia tay nơi sân trường, lớp cũ. Tàn phượng đỏ thắm che ngang khung cửa nhỏ hình như cũng nức nở, u buồn dưới cơn nắng hạ chói chang. Sân trường lao xao dưới ngàn bóng lá cũng bùi ngùi cúi mặt. Mùa chia tay cuối cùng của Tám và bè bạn đã hơn bốn thập kỷ nhưng sao cứ vấn vương và luyến nhớ trong lòng như mới hôm qua. Ngày tan lớp, mỗi đứa một hướng đi và cũng chưa biết được, cuộc sống sẽ trôi về đâu giữa cảnh đời xuôi ngược. Những vòng xe đạp cứ quay đều trên lối mòn quen thuộc và mang theo biết bao niềm thương, nỗi nhớ về một nơi chốn miên viễn, xa xôi.

Tám bâng khuâng nhớ Sài-Gòn, nhớ con đường Duy Tân cây dài bóng mát hay mặt đường Hồng Thập Tự tối đen vì nạn cúp điện triền miên. Người đi xe đạp nhiều hơn xe máy và may mắn nhận diện được lòng đường nhờ những chiếc đèn “hột vịt” của mấy tủ bán thuốc lá lẻ cũng như “cây xăng di động”, đong đếm từng lít xăng pha trộn với nước lã ! Sài-Gòn đâu có gì vui trong những ngày tháng u ám, buồn muôn thuở, bụi mù trời. Tuổi trẻ ngắn ngủi nơi đó với những ngày đói cơm, thiếu áo, chưa có được mảnh tình vác vai và xuống tàu vượt biển vào một ngày mưa thu hiu hắt. Vậy mà Tám cứ bâng khuâng màu áo trắng học trò giữa hai mùa mưa nắng đi về cũng như nỗi niềm tiếc nhớ cái tuổi thơ non nớt đã đi qua và không bao giờ trở lại !

Nếu mang nỗi buồn, nỗi nhớ của mười tám năm thời tuổi trẻ nơi quê nhà để so sánh với thi sĩ Tố Như thì lại khác, cho dù Tám chỉ biết đến thi sĩ họ Tố qua duy nhất một thi phẩm thật da diết trong nỗi nhớ ngút ngàn. Xin ghi rõ, bút danh Tố Như ở đây không phải là Tố Như của cụ Nguyễn Du với tuyệt tác “Truyện Kiều” đã được lưu truyền lâu nay. Sau khi đã nhắc nhở cũng như ví von, vay mượn từ nhiều sử tích xa xưa của xứ mình và các nước lân cận, tác giả đã dừng lại ở cuối bài với câu thơ chót thật dễ thương “Trăng nhớ hoàng hôn, anh nhớ em”. Có lẽ Tố Như cũng có cùng tâm sự như bao người trong cõi nhân gian này, khó mà quên được mối tình thời thơ dại, thuở đầu đời bước chập chững thấp cao.

Bài thơ “Nhớ” được nhạc sĩ Châu Kỳ phổ nhạc như chắp thêm đôi cánh bay vào lòng giới yêu nhạc hồi đầu thập niên bảy mươi, vượt thời gian lẫn không gian và sống mãi cho đến bây giờ. Xin mời đọc lại dưới đây thi phẩm “Nhớ” của Tố Như và lắng nghe ca sĩ Hồng Vân thổn thức nỗi nhớ mong trong từng cung bậc qua nét nhạc Châu Kỳ.

TV, 09.07.2022

Nhớ (Tố Như)

Đêm qua Phạm Thái nhớ Quỳnh Như

Đồng mạ xanh non nhớ vũng hồ

Chiêm nữ bâng khuâng ngồi nhớ bạn

Ngũ Hành Sơn có nhớ Tây Du

Trọng Thủy lên đường nhớ Mỵ Châu

Ngưu Lang, Chức Nữ nhớ nhau sầu

Cô Tô buồn nhớ Hàn Sơn Tự

Bến nước Tầm Dương nhớ thuở nào

Biết rồi Phạm Lãi nhớ Tây Thi

Chim nhớ cành đa muốn trở về

Đêm cũ xa xưa đèn nhớ bóng

Đường Minh Hoàng nhớ Dương Quý Phi

Khắc Chung rong ruổi nhớ Huyền Trân

Kim Trọng thương Kiều nhớ Thúy Vân

Trăm năm bến nhớ con đò cũ

Biết Tấn rồi đây có nhớ Tần

Lưu Bình trở giấc nhớ Châu Long

Lạc nẻo ai kia nhớ giống dòng

Nguyễn Huệ, Trưng Vương mình nhớ mãi

Con Hồng, cháu Lạc nhớ non sông

Bạch mã bên thành nhớ trạng nguyên

Chế Bồng Nga nhớ gót chinh yên

Mỵ Nương nhớ sáo Trương Chi lắm

Trăng nhớ hoàng hôn, anh nhớ em