Hoạt cảnh trong lớp những buổi học Tất niên
NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
ÁI KHANH (P.ký)
Những ngày cuối năm con Trâu này chẳng ma nào chịu học hành chi cả. Vào lớp là cứ nhao nhao lên đòi thầy cho chơi. Thầy không cho chơi bắt học là cả lớp rú lên như sắp cháy nhà không bằng. Ôi cha, bảy mươi tư cái ô pạc lưa đồng thanh hét lên thì phải biết. Có môn nhét bông gòn vào tai cho màng nhỉ được an toàn trên xa lộ đấy. Thế có rùng rợn, hãi hùng không đấy chứ ! Thế là cả lớp nhất định la hoài chẳng thèm học cứ đòi chơi nằng nặc, cả lớp rên rĩ năn nỉ, ỉ ôi, nào là Thầy ôi gần Tết rồi, thầy cho chơi đi thầy, người ta chơi um sùm thì tụi con lòng dạ mô mà học đây thầy…Thầy cho chơi đi thầy v.v.. Đấy, cái màn năn nỉ của lớp tôi đấy, chao ôi, lớp nì có khác, ham chơi hơn ham học…

Đau khổ ghê bà con ơi. Nào có màn năn nỉ không thôi, con bé Lưu Thị Nam nổi tiếng từ năm ngoái đến năm ni về cái màn văn nghệ cũng rên rĩ bài ca con cá nó sống vì nước, thầy không cho chơi chẳng khác nào sống mà biết thở, ôi chao nghe giọng ngâm rùng rợn í quên giọng ngâm oanh vàng thỏ thẻ của nàng cả lớp nín cười không nỗi. Thầy cũng cười, cả lớp được dịp tấn công tới tấp. Rốt cuộc thầy bằng lòng, cả bọn rú lên mừng rỡ (lại rú nữa) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trưởng ban văn nghệ leo lên bục gỗ, nhoẽn nụ cười giao duyên cùng bạn bè rồi oanh vàng thỏ thẻ..
Dạ thưa các bạn, hôm ni nhân dịp Xuân Giáp dần sắp dìa, dạ em xin hân hạnh trình diễn cùng các bạn vở tuồng cải lương hồ quảng có nhan đề là “Hoa Mộc Lan tùng chinh” cùng với sự góp mặt của các bạn: Huyền Nga, bạn Huyền Nga trong vai cha của Hoa Mộc Lan, Nam trong vai Hoa Mộc Lan và còn em, dạ em trong vai má con Hoa Mộc Lan ạ. Bi giờ tụi em xin bắt đầu trình diễn ạ..
Dưới lớp cả bọn đang im lặng nghe nàng Dung giới thiệu nghe hay quá, cả bọn vỗ tay hoan hô quá xá cỡ lại còn thêm tiếng la hét vì ngạc nhiên chẳng biết ba nàng học hồi nào mà dám cả gan hát hồ quảng cho bạn bè xem. Thầy phải lên tiếng cả bọn mới chịu im lặng ngồi thưởng thức.
Trên bục gỗ, nàng Dung trong vai má Hoa Mộc Lan ngồi trên ghế theo kiểu mấy bà già ngồi, mặt mày làm ra vẻ cú sụ vì Hoa Mộc Lan đi chơi chưa về. Huyền Nga từ trong đi ra cất cao giọng đằng hắng hỏi :
– Con Hoa Mộc Lan nó đi đâu mà chừng này chẳng thấy mặt mày nó đâu hết vậy a bà ?? Cả lớp cười muốn bể lớp vì cử chỉ và lời nói của cha Hoa Mộc Lan. Má Hoa Mộc Lan thảm não trả lời:
– Ai mà biết đâu, mà ông khéo hỏi hôn, hồi sáng nó nói với tui là vào rừng săn bắn. Đó, tui chỉ biết vậy thôi, ai dè nó đi chi dữ vậy ??
Hừ, bà cứ nuông chìu nó mãi, riết nó đâm ra hư đốn, một lát quan tuần phủ qua xem mặt nó cho con trai ổng, hỗng có nó mần sao bi giờ. Cái gì cũng tại bà hết á. Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà mà, người ta nói hông sai mà…
Má Hoa Mộc Lan nhảy đong đỏng, chống nạnh xỉa xói ông chồng.
Nè nè tui nói cho mà biết nghe. Làm cái gì mà nói con Hoa Mộc Lan nó hư tại tui chứ. Tại ông chứ tại ai. Ông nói bậy, ông coi chừng tui à….
Cả lớp lại cười mà lần này cười dữ dội hơn lần trước. Tôi nín cười cũng không nỗi, cười đau cả cái bụng trước hai nhỏ bạn đóng vai cha mẹ Hoa Mộc Lan. Cả lớp vẫn còn cười, trên bàn thầy cũng đang cười. Hai con bé Phương Dung, Huyền Nga vẫn tỉnh bơ làm trò. Lúc đó thì nhỏ Nam trong vai Hoa Mộc Lan đi săn bắn về tới, vừa ra sân khấu (sân khấu tưởng tượng) nàng Hoa Mộc Lan đã cất giọng ca rồi mà ca theo điệu hồ quảng, tôi chẳng nhớ hết nhưng nghe hay lắm cơ, ui chao nghe nàng ca hay quá cả lớp vỗ tay rầm rầm, có kẻ ái mộ quá trở nên bất lịch sự bằng cách lấy guốc đập bàn nghe muốn thủng màng nhỉ.
Thế là cha, mẹ Hoa Mộc Lan và Hoa Mộc Lan thi nhau ca, đủ thứ cả. Hồ quảng cũng co, vặn cổ bù lon.. ý quên Vọng cổ cũng có và có điệu gì hay lắm cơ mà tôi cũng chẳng biết gọi điệu đó bằng điệu gì nữa, cứ thế ba nàng trình diễn, lúc cha Hoa Mộc Lan bằng lòng cho Hoa Mộc Lan đi tùng chinh thì vãn tuồng. Ba nàng cúi đầu chào đàng hoàng rồi chạy về chỗ ngồi, ui chao cả lớp hoan hô quá xá cở. Vỗ tay đôm đốp có nhỏ đòi ba nàng hát tuồng Võ đại lang bán phở nữa cơ chứ.. nghe buồn cười muốn chết. Thầy cười khen ba nàng diễn thật hay có đường lắm lắm. Ba nàng cười thẹn thùng e lệ ngại ngùng. Một hồi chuông reng hết giờ, nàng Hoa Mộc Lan lúc nãy đại diện cả lớp chúc Tết, thầy cũng vui vẻ chúc lại cả lớp, lại vỗ tay hoan hô. Mần răng mà mấy nhỏ đó siêng vỗ tay hoan hô quá nhẩy ?? Cả bọn lục tục kéo nhau ra chơi đợi giờ thứ hai.
Hết giờ ra chơi, vào lớp gặp mặt thầy Quốc văn, cả bọn lại dỡ bổn cũ, lại diễn cái màn năn nỉ, thầy bằng lòng nhưng với điều kiện.. học một giờ còn một giờ sau thì chơi và thầy sẽ dạy ca, cả lớp phản đối mạnh mẽ nhưng nghe thầy bảo chương trình văn học sử hơi chậm ráng học hết phần này. Cả lớp hết phản đối ngoan ngoãn lấy tập ra ghi chép. Sau một hồi nắn nót ghi ghi, chép chép trong không khí thật im lặng chỉ nghe tiếng thầy đọc bài sang sảng…
Khi nghe thầy bảo hết bài, bây giờ được chơi, cả lớp lại ồn ồn nhộn nhịp um sùm như cái chợ sáng vậy đó. Màn này hơi đặc biệt thầy sẽ dạy cả lớp ca nên chẳng ai lên trình diễn văn nghệ chi cả, cả lớp soạn giấy bút ra chép bài ca thầy đọc. Bài dài ghê. Bài ca có tên là “Ca Dao Hòa Bình”. Sau màn chép nhạc xong bi giờ tới màn thầy dạy cả lớp ca. Thầy HIỆP lớp tôi rất vui tánh, hòa mình cùng đám học trò, thông cảm với học trò lớp đêm như tụi tôi nên cả lớp chẳng có gì ngạc nhiên trước một ông thầy như vậy cả. Từ lúc vào học lớp đêm cho tới bây giờ, gần năm năm dài tôi mới thấy một kỷ niệm cảm động ghi khắc vào thâm tâm.
Thầy HIỆP hiền, ít khi nào la mắng học trò, lại hay vui vẻ hay cười đùa với học trò, cả lớp học đều mến thầy, mỗi lần cả lớp nói chuyện như nhóm chợ không nghe thầy giảng bài, thầy hăm sẽ nghỉ dạy lớp này làm cả lớp im thin thít thật buồn cười. Lớp tôi thì có tính, nhẹ không nghe chỉ thích nghe nặng mới ngoan ngoãn, kỳ ghê nơi.
Nãy giờ tôi nói gì không đâu, lạc đề rồi, à thầy HIỆP đang dạy ca, ôi chao cả trò lẫn thầy thi nhau hát hỏng, đứa nào đứa nấy rống gân cổ lên mà hét chứ đâu phải ca. Thế mà nghe vẫn hay thí mồ. Bài ca xem qua thì khó tới chừng biết ca rồi thì nó thật là hay.
Tuy nhiên có nhiều đoạn âm điệu hơi khó cả bọn hay ca sai thầy bảo mấy đứa ca còn còn hơi sượng ở đoạn này. Thày cứ nói ca sượng hoài làm cả lớp cười om sòm, nhỏ Thu Vân lên tiếng “sượng chỗ nào thì vạt bỏ đi thầy ạ…”, nhỏ Phương Dung thì lâu lâu lại hỏi “còn sượng hết thầy, được chưa thầy ạ ??” cả lớp lại cười. Từ đầu giờ đến cuối giờ tôi thấy cười là cười, ai cũng cười cũng vui cả, thầy cũng cười, bài ca thầy dạy xong cả lớp đã rành rồi, ca ba bốn năm lần cho thầy nghe, thầy khen hay quá, siêu quá giỏi quá làm cả lớp lỗ mũi nở bằng trái cà chua.
Ca xong lần nữa thì chuông reo hết giờ. Ra về, cả lớp ham ra về quá quên cả chúc Tết cho thầy chi cả. Thế là hết những phút giây êm đềm dễ thương của thầy và trò, thời gian nhanh quá, lớp học vắng hoe đâu còn không khí ồn ào vui vẻ nữa. Thầy trò ra về lòng đong đầy những kỷ niệm cho giây phút vừa qua. Ngày cuối năm của lớp……. Nghe trong lòng tôi…………đã qua. Thương vô cùng…..một mùa xuân cũ. Tàn một khoảng thời gian. Ngày mai ta đón chào mùa xuân mới đang về…
Ái Khanh – Petrus Ký 69-75
(nhớ vô cùng ngày ấy 12-01-1974)
- Bài viết này được đăng trên trang Mai Bê Bi nhật báo Chính Luận năm thứ 11 – số 2.977 ngày Chủ nhật 20, Thứ hai 21-1-74…đã tròn 48 năm, văn chương cú pháp còn nhiều non nớt ở lứa tuổi học trò hồn nhiên…
- Thầy Hiệp trong phần bài sau là thầy Nguyễn Văn Hiệp, Giáo sư dạy môn Việt văn lớp tôi, còn thầy ở đầu bài tôi không viết cụ thể tên nên không nhớ tên thầy và môn học.
- Bạn Huyền Nga, Lưu Thị Nam, Thu Vân trong bài viết có chung trong bức ảnh kèm theo, riêng bạn Phương Dung chỉ có được ảnh thẻ học sinh năm lớp 7
- Thêm một bài viết kỷ niệm về ngôi trường Petrus Ký yêu dấu ngày xưa của tôi..