Những Năm Đầu Trên Nước Úc
Lê Phước Hải
Chiếc máy bay Qantas từ từ đáp xuống phi trường Sydney đúng 11 giờ sáng sau 8 giờ bay từ Mã Lai. Ngày 25 tháng 9, 1978.
Ngồi trên chiếc xe bus chở dân tỵ nạn từ phi trường đến Villawood Hostel, tiểu bang New South Wales, nhìn những ngôi nhà gạch, ngói đỏ thưa thớt nằm dọc theo vệ đường, và vài chiếc xe chạy trên đường tôi có cảm giác hụt hẫng, thất vọng. Nước Úc trông thô sơ như miền quê Nam VN. Chỉ khác đa số nhà ngói đỏ so với mái tranh hoặc máy thiếc của VN. Không có vẻ văn minh đồ sộ của nước Mỹ hoặc các nước châu Âu như trong các phim ngoại quốc tôi đã xem qua ở VN, trong đó đầy rẫy những căn biệt thự to, cao ngất trời, sáng, bóng loáng với những bải cỏ rộng, xanh mát chung quanh.
Vượt biên chung với người anh họ H., và cùng được phái đoàn Cao Ủy Tị Nạn Úc chấp thuận cho định cư tại Úc chỉ sau gần 1 tháng ở đảo Kuching, Đông Mã Lai. Nhờ vào thủ tướng Malcolm Fraser (1930 – 2015) của đảng Tự Do với chính sách nhân đạo, mở rộng cửa đón nhận thuyền nhân VN đã bỏ nước ra đi tìm tự do. Tuy nhiên, có nhiều người hoặc cả gia đình tới đảo nầy từ nhiều năm trước, chưa được phái đoàn nước nào nhận, đành chờ. Vì thời gian ngắn ở đảo, tôi không có nhiều kỹ niệm nơi nầy. Không gì khác hơn, mỗi ngày cứ đúng 10 giờ sáng, lên văn phòng lắng nghe gọi tên xem có người thân gửi thư tới không? Một niềm vui nho nhỏ nếu được thư. Nếu trong thư có kèm theo vài chục đô, người nhận thơ càng vui hơn nữa. Để mua thuốc hút, hoặc mua thêm thức ăn bồi dưỡng. Hoặc 11 giờ sáng đợi ban điều hành phân phối thức ăn cho ngày hôm đó. Buổi chiều lang thang dọc theo bờ biển nhìn những dấu chân người còn sót lại, chưa bị nước cuốn đi. Ban đêm, nằm gác tay lên trán, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào… ngẫm nghĩ, không biết tương lai sẽ về đâu. Một ngày như mọi ngày. Thời gian lặng lẽ trôi. Đơn điệu. Tẻ nhạt. Buồn tênh !
Sau đó mang hành trang đáp máy bay tới Kuala Lumpur, khám sức khỏe, chờ ngày sang Úc. Nhờ sức khỏe tốt tôi được xếp vào chuyến bay 5 ngày sau đó. Ông anh họ, vì kém sức khỏe (có lẻ do hút thuốc quá nhiều) nên phải ở lại đây chữa trị 4 tuần sau mới đến Úc.
Tới Úc, ở hostel, bên cạnh phòng ăn, có văn phòng trợ giúp những người muốn tìm việc, mỗi ngày đều có dán những mẫu quảng cáo của hảng tìm nhân công.
2 tuần sau, anh Ba, khoảng 30 tuổi, người Tàu ngụ phòng kế bên, dựa theo tin tìm người làm, rủ 1 anh người Tàu khác tên Cỏn, 21 tuổi, cùng 2 anh em tôi, cùng đi tới hảng sơn Dulux ở Concord West xin việc làm. Tại đây, gặp ông supervisor đầu sói phỏng vấn. Anh Ba đại diện trả lời rõ ràng, nên 3 người còn lại không phải nói gì . Rồi ông nầy cho mỗi người 1 tờ giấy và 1 cây viết. Trên tờ giấy có viết sẳn 1 bài toán cộng, 1 bài toán trừ, và 1 bài toán nhân. Rồi ông bảo chúng tôi tự làm bài. Tưởng gì khó khăn, chứ mấy bài toán lớp vở lòng nầy. Làm xong, ông xem sơ qua, rồi dẫn chúng tôi đi quanh hảng, xem những nhân viên đang làm việc. Nhân công toàn là dân di dân, trung niên, Turkish, Greek, Italian, Indian, Czech, Hungarian, Polish, etc. lơ thơ vài ông Úc. Có nhiêu khâu khác nhau, như khâu có đường dây chuyền, bơm nước sơn từ 1 bồn lớn vào các bình 15 lít, hoặc 4 lít, vừa đầy thì bơm ngưng, bình được chuyền đi, đến 1 dây chuyền khác thì có máy đậy nắp lại, và chuyền đến 1 bải cuối . Rồi có người lấy bình sơn đầy để trên cái pallet. Khi pallet đầy, thì có người chở đem vào kho. Khâu khác, dây chuyền dán nhản giấy chung quanh lon rỗng 4 hoặc 15 lít. Ông bảo chúng tôi thứ 2 tuần sau tới đúng 7 giờ sáng, làm việc.
Làm ở đây, chúng tôi phải đón 2 chuyến xe. Xe lửa từ Leightonfield đến Burwood, rồi xe bus từ Burwood tới Concord West, và đi bộ khoảng 100m là tới hảng. Hảng nằm cạnh sông Parramatta. Nhưng công việc quần quật ở hảng, 30 phút nghỉ ăn sáng, và 1 giờ ăn trưa, không đủ để ngắm cái đẹp của con sông. Để tiện di chuyển, chúng tôi dọn ra khỏi hostel đến trọ 1 căn phòng ở Burwood. Đây là 1 căn nhà 2 tầng, có 3 phòng ngủ tầng trệt, và 2 phòng ngủ tầng một. Tầng trệt có nhà bếp, tủ lạnh và phòng vệ sinh chung, dành cho người thuê phòng tầng nầy. Tầng một cũng thiết kế như vậy.
Mỗi ngày đúng 6 giờ sáng là chúng tôi rời nhà, đón xe bus đi làm. 3:30 chiều tan hảng, đón xe bus về đến nhà gần 5 giờ. Về nhà, nấu cơm nước qua loa là chúng tôi vào phòng ở miết, nên không biết đến khách trọ nào khác cùng trú cùng nhà.
Đầu tháng 2, năm 1979, chúng tôi ghi tên học lớp Anh Văn 10 tuần lể, mỗi ngày 8 giờ, ở ĐH New South Wales. Chúng tôi lại dọn nhà 1 lần nữa, thuê 1 phòng ở Newtown, của 1 terrace house. Đón xe bus đi học. Lớp nầy có cô giáo trẻ Elizabeth, người Úc đứng lớp. Cô cao, ốm, trắng, tóc quăn, dài, rất xinh đẹp. Cô thường mặc quần jean, bó sát. Vào lớp để ngắm cô giáo là đủ để cả lớp không vắng một người. Trong lớp nầy, chúng tôi thân với Phong, người miền Trung, du học ở Nhật về ngành Hóa học, đang làm đồ án lấy Tiến Sĩ. Anh có ông anh cựu Thiếu Tá QLVNCH đang ở Lidcome bảo lảnh, nên sang Úc ở cùng ông anh. Anh của Phong có 7 người con. Có 2 hành nghề Bác Sĩ, 1 học ngành Y khoa đến năm thứ 2 thì bỏ, ở nhà dạy kèm Toán từ lớp 10 đến 12. Còn ông lái taxi, làm chủ hơn 10 căn nhà quanh vùng Lidcome, từ lúc giá nhà khoảng $50,000 một căn (Giờ khoảng 1 triệu đô). Bà chị dâu nấu 1 nồi thịt kho tàu to, để dành ăn cho cả nhà cả tuần. Mỗi ngày, Phong bới theo cơm, thịt kho, trứng để ăn trưa. Còn chúng tôi thì đơn giản hơn, đem theo bánh mì sandwich.
Tháng 3, năm 1980, tôi ghi danh học khoa điện toán ở Viện Kỹ Thuật NSW (NSWIT) (sau đổi tên thành Đại Học Kỹ Thuật Sydney (UTS) vào năm 1988). Chương trình gồm 3 năm học full-time và 1 năm thực tập ở các hảng xưỡng mới trở về trường lảnh bằng tốt nghiệp. Anh H. thì xuống Melbourne cũng học ngành điện toán. Lớp học nầy chỉ có 4 người VN ghi tên học. Khoa Hóa Học thì có nhiều sinh viên VN hơn, 7 người. Nhưng mỗi năm số sinh viên VN mỗi tăng dần. Năm sau có 6 người VN theo ban điện toán. Lúc nầy, ban điện toán rất thịnh hành do dễ tìm việc làm nên có nhiều người theo học. Có bạn đương thời du học ngành điện, hoặc điện tử sau học lại ngành điện toán. Những năm sau thấy xuất hiện nhiều sinh viên VN hơn với nhiều khoa khác như Hóa Học, Toán, Kỹ Sư Điện, Công Chánh.
Thời điểm nầy, đi học 1 tuần lảnh trợ cấp được $50. Nếu thất nghiệp, tìm việc làm thì lảnh được $55. Mướn 1 cái flat 2 phòng ngủ vùng bình dân thì tốn $45. Xăng 10 cents 1 lít. Lúc đó tôi thuê 1 cái phòng trong căn nhà lớn gần ĐH Sydney tốn $20 tuần, nên còn dư tiền mua thực phẩm sống qua ngày.
Trong thời gian học nầy, cuối năm nghỉ hè, tôi xin vào hảng Sims Metals, chuyên thu mua đồ phế như sắt, đồng, kẻm, hoặc nhôm vụn từ các đồ xây cất, hoặc các xe cũ, các lon bia, lon nước ngọt. Xong gom lại, có máy ép thành các khối vuông 50 x 50 cm, rồi chuyễn đi nơi khác trong nước hoặc xuất cảng sang Nhật, để được tái tạo thành các vĩ sắt hoặc nhôm. Hãng nầy mỗi ngày có 3 xuất, từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, và 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Tôi làm xuất chiều. Có khi hàng đến nhiều, tôi làm luôn cả thứ 7, và chủ nhật. Nhờ làm thêm, có dư chút ít tiền gửi quà về gia đình còn ở VN. 2 kỳ hè của những năm kế, tôi trở lại hảng nầy xin làm tiếp.


oOo
Thế mà thấm thoát đã 44 năm kể từ ngày may mắn đặt chân trên nước Úc. Quê hương thứ 2 của tôi ! Nơi đây có khí hậu mát mẻ. Có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông rõ rệt trong năm. Dân Úc đa số hiền lành, thân thiện. Cái nhìn ban đầu “hụt hẫng” với những căn nhà rời rạc ngói đỏ không còn nữa. Trái lại, tôi thấy chúng rất đẹp. Nét đẹp ngầm đơn giản và hồn nhiên ! Cũng dễ thương như những căn nhà mái tranh hay những cô gái quê da ngâm đen của miền quê VN. Một bầu trời khoáng đãng. Đất đồi rộng bao la. Chung quanh là biển xanh ngút ngàn. Nước Úc lớn quá. Ngoại trừ thủ đô Canberra, tiểu bang Victoria, Queensland, Western Australia, những tiểu bang khác tôi chưa có dịp đặt chân tới. Định bụng khi về hưu sẽ làm 1 chuyến khắp nước Úc. Sẽ đi. Tìm cái đẹp trong đơn sơ nhưng mặn mà tình người – dù khác màu da !!!
Tháng 10, 2022
LPH