Nhớ về Thầy Cô
Phạm Văn Đình
(Nguồn: Giai Phẩm Xuân Mậu Tuất 2018 – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)
Thầy Minh
Có những thời điểm mà mình không bao giờ quên được, như năm bảy mươi hai (Tú Tài một), năm bảy mươi ba (Tú Tài hai), vân vân. Ở tuổi sáu mươi nhìn lại, mới thấy cái áp lực khủng khiếp đè xuống tuổi thơ của chúng tôi thời đó. Gọi là tuổi thơ vì vào những năm đầu bảy mươi, tôi và đa số bạn bè chỉ mới 16 – 17 tuổi, chúng tôi bắt đầu biết yêu, biết nhớ, bắt đầu buồn khổ vì yêu đương, bắt đầu có những giọt lệ kín đáo nhỏ xuống vì tình.
Cùng lúc với cái cao điểm của tuổi dậy thì là cao điểm của chiến tranh. Làm sao mà quên được “Mùa hè đỏ lửa”, lệnh tổng động viên ban hành, con trai từ 17 tuổi trở lên phải nhập ngũ, đậu tú tài cũng đi mà không đậu cũng đi. Ở cái tuổi 17, có anh nào muốn vào lính? Với lệnh tổng động viên, học hành thi cử để làm gì?
Trong cái bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, tôi đã tìm được chút yên bình dưới mái trường Petrus. Nơi đó, tôi có bạn bè, chúng tôi chia xẻ với nhau nỗi băn khoăn về thời cuộc, sự ấm ức khi bị em gái cho leo cây, niềm vui khi em mỉm miệng cười.
Và cũng dưới mái trường Petrus, dáng dấp của những thầy cô thật bình tĩnh, vẫn giảng bài tận tụy, vẫn cố gắng làm tròn cái thiên chức của mình, đã làm cho chúng tôi quên đi được phần nào cuộc chiến khốc liệt, cái tang tóc điêu linh của xứ sở.
Tôi nghĩ, chính những giây phút chia xẻ đó, những giây phút yên bình đó, đã là keo sơn gắn chặt chúng tôi với ngôi trường, với thầy cô, mấy chục năm rồi, không suy suyển.
Vâng, đã bốn mươi lăm năm rồi, kể từ ngày tôi xa trường. Khoảng cuối năm bảy mươi ba, tôi đến chào thầy Trần Thành Minh và cô Thiên Chi trước khi xuất ngoại. Hai người dạy chúng tôi năm Tú Tài một. Thầy Minh mắt sáng như dao, nhân điện mạnh, nghiêm nghị, vui lắm thì hơi nhếch mép một tý, chẳng ai dám giỡn mặt, từ học trò đến giáo sư. Trên thực tế, thầy hiền như bụt.
Tôi có cảm tình đặc biệt với thầy Minh vì với tư cách Giám Học, thầy đã tha cho tôi vài tội cúp cua, không những thế, thầy còn đồng ý cho tôi và Khánh đi bán báo xuân Petrus Ký ở Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Lúc đó, tôi hơi thắc mắc là tại sao thầy không nghĩ rằng, mình vừa mới cho phép hai thằng giặc đó đi cua gái ba ngày liên tiếp? Sau này tôi mới biết, thầy muốn chúng tôi học hết mình, sống hết mình, đã là con trai thì cúp cua tán gái là chuyện bình thường, tụi nó biết lỗi thì mình tha. Một cái nhìn thật đơn giản, nhưng nhiều vị thầy hay bậc cha mẹ đã không xử sự được như thế.
Thầy Minh, em xin tạ ơn thầy. Thầy đã dạy em một bài học thật quý giá, phải để con trẻ sống cái đời của nó, và phải rộng lượng tha thứ khi chúng lầm lỗi.
Cô Thiên Chi
Tôi nhớ cô Thiên Chi nhiều hơn những thầy cô khác, không phải vì cái tính vui vẻ bình dân của cô, mà vì một lời mắng nhẹ nhàng và một lời khuyên sâu thẳm. Cô Chi dạy chúng tôi Pháp văn, vì là sinh ngữ chính nên giờ học với cô tương đối quan trọng.
Dạo ấy, tôi với Khánh cứ hay đi lòng vòng mấy trường con gái, thấy cô nào đẹp thì em tan trường về, anh theo Ngọ về. Một hôm, thấy Ngọ đi dung dăng dung dẻ với một Sinh Viên đại ca, áo quần thẳng nếp, giầy bóng loáng, vừa hào hoa, vừa trí thức với cuốn Paris Match trên tay. Nhìn lại mình, quần xanh áo trắng học trò, tóc tai bơ phờ, dép vừa bẩn vừa lẹp kẹp, phù hiệu Petrus đã được gỡ ra dấu trong túi quần, làm gì mà có quyển Paris Match cầm tay, mà nếu có đi chăng nữa thì cũng chẳng dám khoe, vì lỡ ai kêu mình dịch thì mình tịch. Tôi bực mình tự nhủ, bằng mọi giá, tôi phải đọc được sách báo bằng tiếng Pháp.
Vài hôm sau, tôi lên thư viện văn hóa Pháp, mượn quyển tiểu thuyết Papillon của Henri Charrière, rồi cứ thế tôi chong đèn tra tự điển đọc suốt. Có lẽ nhờ vậy, tiếng Pháp của tôi khá hơn một chút, nhưng đó chỉ là phần ngữ vựng, còn về văn phạm, vẫn dốt đặc cán mai.
Cô Chi nhìn thấy ngay cái khuyết điểm của tôi, và thường mắng một cách nhẹ nhàng – cái thằng Đinh này, ngữ vựng thì nhiều … mà văn phạm thì gần như hổng có.
Dạo đó, tuy còn trẻ thơ với suy nghĩ nông cạn, tôi cũng biết đó là một lời nhắn nhủ thương yêu – Đinh ơi, nếu em chịu khó học thêm một chút văn phạm nữa thì sẽ parfait. Và tôi bắt đầu có cảm tình đặc biệt với cô từ độ đó.
Nhưng lời khuyên sâu thẳm nhất cô đã dành cho tôi, là khi tôi đến chào cô vào cuối năm bảy mươi ba. Hôm ấy cô nói với tôi rằng – Em đừng quên là nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Vì vậy, em đừng buồn nếu sau này không làm được cái mà mình hằng ao ước.
Cô Chi, em xin tạ ơn cô. Bốn mươi mấy năm nay, em đã vượt qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống bằng lời khuyên giản dị đó. Em mong cô được nhiều sự tốt lành, sức khỏe tốt, và tâm tư lúc nào cũng yên bình trong tình thương của con cháu, và của những người học trò ngày xưa vẫn còn nhớ đến cô.
Khi tôi viết những dòng này, trời cũng bắt đầu ấm ở miến bắc Texas, vài cây hoa Lan Dạ Hương (Hyacinth) đã đẩy vài cái lá xanh lên khỏi đất, chỉ ít ngày nữa thôi là Tết, tôi cảm thấy thời gian đi mỗi ngày một nhanh, nhưng nghĩ cho cùng, thời gian vô tận nên nó chẳng đi đâu cả, chỉ có chúng ta vội vàng đi đến cuối đời.
Vậy thì cho tôi dừng lại trong giây lát, để cầu chúc tất cả những người bạn Petrus được mạnh khỏe an bình trong năm mới, để cúi đầu cảm tạ tất cả thầy cô đã đào tạo chúng tôi trong suốt bảy năm trung học, và để thắp nén hương lòng thương nhớ những thầy cô, những người bạn đã ra đi.
Phạm Văn Đình
Tháng giêng 2018