Nhớ nhạc sĩ Bắc Sơn, chợt thèm tô canh rau đắng
Vưu Văn Tâm
(Tưởng nhớ ngày nhạc sĩ Bắc Sơn xa rời cõi tạm, 23.02.2005)
Giáo sư Trương Văn Khuê dạy Quốc văn, Công dân giáo dục, Âm nhạc ở các trường công trung học công lập và tư thục từ tỉnh lẻ chuyển lên Sài-Gòn. Ông được khán giả biết đến tên tuổi trên lãnh vực văn nghệ nhiều hơn là một nhà mô phạm. Ông viết nhạc, biên soạn các vở thoại kịch và tham gia diễn xuất với nghệ danh Bắc Sơn.
Nhắc đến nhạc sĩ Bắc Sơn, giới thưởng ngoạn thường nhớ đến những bài hát ca ngợi quê hương, nơi có ruộng lúa bờ ao với những câu hò ngọt lịm như tâm tình người dân miền Nam thiệt thà, chơn chất. Âm nhạc của Bắc Sơn là hình ảnh của miền đất hiền hòa êm ả, có rặng tre đầu ngõ, có bụi chuối sau hè. Người nghe chợt thấy lòng nôn nao như tháng chạp mong chờ ngày tết đến hay xuyến xao về nơi chôn nhao, cắt rún để rồi dạ lòng cứ bồi hồi thương ba, nhớ má và bâng khuâng tiếc nuối một thuở ấu thơ nơi miền quê ngập nắng đã trở thành dĩ vãng xa mờ.
Lần thực hiện vở thoại kịch “Bếp lửa ấm” trong chương trình “Quê ngoại” ở đài truyền hình Sài-Gòn vào năm 1974, ông đã sáng tác nhạc phẩm “Còn thương rau đắng mọc sau hè” dành cho phần nhạc nền (soundtrack) với giọng hát của ca sĩ Hoàng Oanh. Chiến cuộc dâng cao, bài hát dạt dào nghĩa tình dù nghe chưa dứt bản nhưng đã sớm chiều tan theo khói súng cũng như tiếng đại bác đêm đêm dội về phố thị.
Tháng tư năm 1975, cơn lốc thời cuộc đã gây ra thảm cảnh chia ly nhưng người ra đi không chỉ lìa quê mà còn xa xứ, dạt trôi đến những bến bờ xa lạ. Ở một nơi cách xa quê nhà vạn dặm, dù mưa thu hay nắng hạ, dù bình minh rạng rỡ hay hoàng hôn xế bóng, lòng người vẫn thấy ngậm ngùi như chim nhớ lá rừng và thèm tô canh rau đắng. Từ đáy trái tim hay từ trong cõi nhớ, lời ca dạt dào của bài hát năm xưa cứ âm thầm vọng lại ..
Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn
Coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
Ai biết mẹ buồn vui, khi mẹ kêu cậu tới gần
Biểu cậu ngồi, mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Tô canh rau đắng nấu cua đồng ngọt lịm như tâm tình của má đã nuôi con khôn lớn, nên người. Lòng tham con người đã cắt chia tình mẫu tử. Nước mất, nhà tan, con xa lìa cha mẹ như đờn đứt dây tơ. Thời gian gội màu tóc phai phôi, tuổi già của má cũng gầy hao theo ngày tháng. Má không còn đủ hơi sức để chờ đợi đứa con xa. Khế rụng vươn vãi bờ ao, bông bưởi thơm tho vẫn còn rơi trắng sân nhà mà má đã khép mắt. Má thôi không còn hờn trách nữa, bao năm rồi sao út chưa lần ghé về thăm và dù mưa nắng bao mùa vẫn chưa kịp dừng chân ..
Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh
Dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh
Ước mơ được làm mây bay muôn phương và ghé thăm nhà, thăm má đã trở nên vời vợi, xa xôi khi quê hương còn lầm than, tơi tả. Nơi đất khách quê người thời gian trôi nhanh, quê nhà cứ hun hút. Mây trắng bay qua bầu trời xanh thẳm, tóc mình rồi cũng trắng như mây.
TV, 09.02.2023