Nhớ Đại Sứ Bùi Diễm

Lâm Vĩnh Thế

(Nguồn: https://www.diendantheky.net/2021/10/lam-vinh-nho-ai-su-bui-diem.html)

Được tin Ông Đại sứ Bùi Diễm đã vĩnh viễn ra đi, lòng tôi không tránh được cảm xúc bùi ngùi và thương tiếc. Trước sau, tôi chỉ được gặp Ông có hai lần nhưng hình ảnh tốt đẹp, khả kính của Ông tôi sẽ không bao giờ quên được. Bài viết này là một nén hương lòng tôi kính dâng Ông, cầu nguyện cho Ông từ đây được yên vui và thanh thản trong Cõi Vĩnh Hằng.

Lần Gặp Gỡ Đầu Tiên

Mùa Thu năm 1971, tôi đang theo học chương trình Cao Học về ngành Thư Viện Học tại Đại Học Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Lúc đó Ông Bùi Diễm đang là Đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Người anh lớn của một người bạn thân của tôi hồi còn học ở Trường Trung Học Petrus Ký, anh L.Q.M., lúc đó đang là một trong các vị Cố Vấn tại Tòa Đại sứ. Một hôm, trong một dịp lễ và được long weekend, tôi về Washington, D.C. thăm Anh M. Sáng hôm sau, một ngày Thứ Bảy, Anh M. có công tác đột xuất phải đến Trường College of William and Mary, tại thành phố Williamsburg, thuộc tiểu bang Virginia. Anh cho tôi đi theo để được dịp viếng thành phố cổ kính này của Hoa Kỳ. Trước khi đi, Anh M. chợt nhớ là còn quên giấy tờ gì đó nên Anh lái xe đến Tòa Đại sứ để lấy. Tình cờ hôm đó Đại sứ Bùi Diễm lại đến làm việc (về sau tôi được Anh M. cho biết là Ông Bùi Diễm rất thường đến Đại Sứ Quán làm việc trong weekend vì trong tuần phần nhiều ông rất bận với các công tác bên ngoài Tòa Đại sứ nên không có thì giờ giải quyết các công việc, giấy tờ của Tòa Đại sứ), và vì vậy tôi được cái may mắn gặp ông, và tôi đã có một ấn tượng đầu tiên rất tốt về ông. Sau khi Anh M. giới thiệu tôi với ông, ông vui vẻ và niềm nở hỏi tôi học Đại Học nào và về ngành gì. Khi nghe tôi nói là học ngành Thư Viện Học ông có vẻ rất thích thú, bảo rằng Việt Nam mình bây giờ rất cần chuyên viên về ngành này, và chúc tôi học có kết quả tốt. Cuộc gặp gỡ của tôi với ông Đại sứ Bùi Diễm diễn ra rất ngắn, có lẽ chỉ độ 5 phút thôi. Gần 30 năm sau tôi mới có dịp gặp lại Ông lần thứ nhì.

Lần Gặp Gỡ Thứ Nhì

Lần gặp gỡ thứ nhì này của tôi với Ông Đại sứ Bùi Diễm diễn ra vào cuối tháng 3 năm 2000. Lần đó tôi đang dự một hội nghị tổ chức trong hai ngày, 31/March – 1/April, tại Vietnam Center, thuộc Trường Đại Học Texas Tech University, tại thành phố Lubbock, tiểu bang Texas.

Năm đó, Ông Bùi Diễm đã 77 tuổi, đã nghỉ hưu, và đang làm công tác thiện nguyện, với chức vụ Phó Chủ Tịch (Vice-Chairman) Hội Đồng Quản Trị (Board of Directors) của Vietnam Center. Buổi trưa ngày thứ nhứt của Hội Nghị, trong bữa tiệc do Vietnam Center khoản đãi các quan khách và tham dự viên, tôi may mắn được xếp ngồi chung bàn với Ông, như trong tấm ảnh dưới đây:

Dự tiệc tại Vietnam Center – Hai người ở giữa tấm ảnh: bên phải (mang kính) là Đại sứ Bùi Diễm, bên trái (cà vạt đỏ) là tác giả bài viết này

Tôi hết sức vui mừng được gặp lại Ông sau gần 30 năm. Tôi nhắc lại cuộc gặp gỡ chớp nhoáng lần đầu tiên với Ông tại Tòa Đại sứ VNCH ở Washington, D.C. vào năm 1971. Ông trầm ngâm vài ba phút và Ông đã nhớ lại. Ông hỏi thăm tôi về anh M. Tôi cho ông biết sau khi học xong về nước, trong khoảng thời gian 1973-1975, thì tôi có liên lạc với anh ấy, nhưng từ sau ngày 30-4-1975, và sau khi tôi sang định cư tại Canada từ tháng 9-1981, thì tôi hoàn toàn mất liên lạc với anh ấy. Ông cho tôi biết, sau khi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975, ông cũng có tìm Anh M. nhưng cũng không có tin tức gì. Sau khi biết tôi đã về làm việc cho Đại Học Saskatchewan Ông rất mừng cho tôi. Chúng tôi nói chuyện rất vui suốt bữa ăn trưa đó. Trước khi trở lại Hội Nghị, ông đã mời tôi tối hôm đó đi ăn cơm với Ông. Về phần tôi thì tôi tặng Ông một bản của bài thuyết trình mà tôi sẽ trình bày tại Hội Nghị vào ngày hôm sau.

Tối hôm đó, Ông đưa tôi đi ăn tối ở một nhà hàng Nhật trong thành phố Lubbock. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món nghề “múa dao” của anh đầu bếp người Nhật, vừa làm món ăn vừa phục vụ chúng tôi trên cái “bếp” đặt sát ngay bên cạnh cái bàn chúng tôi ngồi. Bữa ăn gồm ba món: cơm chiên, steak, và tôm hùm nướng. Về nước uống, Ông không gọi rượu Sake của Nhật mà order một chai Grand Marnier của Pháp. Thật đúng là một bữa ăn tối xứng với cấp bậc Đại sứ của Ông. Tôi thật sự cảm động trước tấm thạnh tình mà Ông đã dành cho tôi.

Trong câu chuyện tối hôm đó, tôi có thưa với Ông là tôi vừa đọc lại ấn bản mới của cuốn hồi ký của Ông, In the jaws of history, do nhà xuất bản đại học Indiana University Press mới phát hành năm trước đó (1999). Có lẽ vì thế Ông không có nói với tôi nhiều về những chuyện trước 1975 mà nói với tôi khá nhiều về những việc Ông đã và đang thực hiện cho Vietnam Center, trong đó có câu chuyện sau đây mà tôi còn nhớ đến ngày hôm nay. Trong công tác vận động ngân quỹ và tài liệu cho Vietnam Center, Ông đã liên lạc với một người bạn cũ đang sống tại Paris, Pháp. Người bạn này có lưu giữ đầy đủ bộ Công Báo Việt Nam Cộng Hòa, từ số đầu tiên (Năm thứ nhứt, 26-10-1955-) cho đến số cuối cùng khoảng hai tuần trước khi Miền Nam sụp đổ vào ngày 30-4-1975. Người bạn cho Ông biết là muốn hiến tặng trọn bộ Công Báo này cho Vietnam Center, tất cả đang được chứa trong tất cả hơn 30 thùng carton lớn. Ông rất vui mừng và đã liên lạc ngay với Đô Đốc Elmo Zumwalt, Jr. lúc đó đang là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Vietnam Center. Đô Đốc Zumwalt, do liên hệ cá nhân to lớn của ông, đã vận động Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một ngân khoản khá quan trọng để thuê một chuyến máy bay Dakota, Douglas C-47, bay ngay sang Paris để chở hơn 30 thùng Công Báo Việt Nam Cộng Hòa đó về cho Vietnam Center. Vietnam Center ngày hôm nay đã trở thành trung tâm lưu trữ tài liệu, nhứt là tài liệu đã được số-hóa (digitized), về Việt Nam Cộng Hòa lớn nhứt của Hoa Kỳ và rất có thể là của cả thế giới nữa. Sự đóng góp của Đại sứ Bùi Diễm, ở cương vị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, ở những bước đầu của Trung Tâm, phải công nhận là rất đáng kể.

Sau Hội Nghị, tôi tiếp tục giữ liên lạc với Ông và khi ấn bản tiếng Việt của cuốn hồi ký của Ông, Gọng kìm lịch sử, được nhà Phạm Quang Khai xuất bản tại Paris vào năm 2000, Ông đã gửi biếu tôi một bản với lời đề tặng như sau:

Sau đó, tôi có gửi kính biếu Ông cuốn sách của tôi in năm 2010, Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn, và thỉnh thoảng cũng có liên lạc với Ông qua điện thoại, điện thư, nhưng tôi không có có hội gặp lại Ông lần nào nữa cả.

Ông bà ta ngày xưa có nói: Sinh Ký Tử Quy, xin mừng Ông nay đã về với Tổ Tiên Ông Bà, sau khi đã hoàn tất kiếp Nhân Sinh gần trọn một thế kỷ thật xứng đáng. Cùng với bao nhiêu người Việt Nam trên khắp thế giới, cựu công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa nay không còn nữa, tôi rất nhớ Ông, Ông Đại sứ ơi!

Hamilton, Ontario, Canada