Nhớ cô Phạm thị Thiên Hương, giáo sư Sử Địa

Trần Công Bình

Năm 1968, tôi học lớp đệ Ngũ 4 trường Petrus Ký, môn Sử Địa do cô Phạm thị Thiên Hương phụ trách.

Có một ấn tượng khó phai trong ký ức phần lớn của học trò thuở đó , lớn lên khi ra đời nhất là những ai làm nghề có chút dính líu đến việc phải “gõ đầu trẻ” mới thấy cái lỗi lầm đáng kể khi xửa, khi xưa của mình đối với cô Thiên Hương. Do rất nghiêm khắc trong dạy học nên cô “bị” phần đông cái đám “nhất quỷ, nhì ma” không thích. Ngay cả danh xưng, đa số vẫn thường nói với nhau là đến giờ “bà” Thiên Hương , thậm chí sửa tên Thiên Hương là Thiên Lôi (con xin lỗi hương hồn cô, khi viết chính xác điều này).

Giở lại trang thành tích biểu, tôi giật mình hơi có chút ngạc nhiên khi thấy môn Sử Địa lại là hệ số 2 , ngang hàng với môn Lý-Hóa, Vạn Vật, chỉ sau môn Toán hệ số 3 mà thôi. Như vậy, trong nền giáo dục VNCH, Sử Địa là môn học quan trọng hơn cả hội họa, thể dục, giảng văn (chỉ hệ số 1). Còn đối với tôi, tự thuở nhỏ, ba tôi đã dạy rằng học Sử Địa là để nhằm yêu nước, thầy Sử Địa hơn ai hết là người gợi mở tình tự dân tộc cho học sinh.

Thực vậy, đối với tôi, những bài Sử Địa không chỉ chấm dứt sau khi trả bài cho thầy, hay chấm hết sau niên khóa ; mà trái lại nó đeo đẳng cả đời tôi với sự tò mò, chưa hiểu hết, khi chưa được “mục thị sở tại” (nhìn tận mắt) . Hơn 30 năm sau khi học về chiến thắng Ải Chi Lăng hồi nhỏ, đi công tác ở Lạng Sơn, ghé thăm Ải Chi Lăng tôi thấy nổi cả da gà với sự hùng vĩ của nó. Hai bức vách đá cao nghệu, ép một con đường độc đạo đủ hai làn xe hơi (chắc là sau này có đường nhựa mới mở rộng, chứ mấy trăm năm trước, đường đất thì chỉ có đủ hai, ba con ngựa chen nhau qua mà thôi) .Thế thì quân Việt trên đèo lăn đá xuống bít ngõ rút của Tàu là phải thôi !

Vậy mà, hồi năm 1968, chỉ với tấm bảng xanh , trong chiếc áo dài sậm màu, khi giảng về địa lý Việt Nam, cô Thiên Hương đã cầm viên phấn trắng chấm cái điểm nhọn bắt đầu từ Móng Cái, uốn lượn hình chữ S đến tận Hà Tiên hình thành nên nước Việt Nam đẹp như người phụ nữ đội nón lá, cong mình ẻo lã trước biển Đông. Trong một bài làm , cô còn buộc học trò không nhìn hình mẫu mà phải vẻ nên bản đồ nước Việt bằng cách thuộc lòng. Chắc có lẽ khó như vậy nên cô bị học trò “ghét”. Riêng tôi, nhờ tập vẻ như vậy, chẳng mấy chốc, tôi nhớ và yêu các Tỉnh của đất nước mình, đến độ, khi làm công tác phát triển đại lý chuyển tiền của Ngân hàng , đến bất cứ Tỉnh nào, tôi cũng tìm lại những địa danh mà tôi đã từng thuộc lòng trên bản đồ , nhưng chưa thấy tận mắt . Bài học địa lý của cô, in mãi trong óc mãi đến hơn 30 năm sau tôi mới có dịp đi thực địa.

Sáng nay, đọc tin trên Face book , tôi bồi hồi xúc động khôn tả. Hình của cô chụp năm ngoái với thầy Sum đẹp, thanh mãnh hơn nhiều so với dáng vẻ khi xưa của cô. Trông cô rất khỏe mạnh, không có vẻ gì của một người già yếu. Vậy mà , cô lại đi xa …

Thưa cô Thiên Hương, viết những dòng này tưởng nhớ về cô mà cũng là xin chuộc những lỗi lầm không phải của lứa tuổi nông nổi học trò mấy chục năm trước. Kính mong hương hồn cô được nhẹ nhàng, thanh thản yên vui trên chốn thiên đường .

Học trò Petrus Ký của Cô

Kính cẩn

Trần công Bình