Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, ngàn năm thương hoài

Vưu Văn Tâm

Nhờ có năng khiếu cộng với lòng đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ và thừa hưởng dòng máu văn nghệ từ thân phụ, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã tự mày mò học hỏi những nốt nhạc đầu đời và bước đi thật thành công trong không gian âm nhạc rộn ràng giữa khi miền Nam Việt-Nam còn thanh bình, thịnh trị.

Được đào tạo thành nhà mô phạm từ những ngôi trường tử tế ở cố đô Huế, Hà-Nội và giảng dạy Triết học, Quốc văn, Công dân giáo dục, Sử Địa ở các trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ-Tho rồi Petrus Ký Sài-Gòn, dù hành nghề tay phải với bảng đen, phấn trắng nhưng với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, âm nhạc luôn có sức quyến rũ tuyệt vời và vẫn là nỗi đam mê chất ngất.

Với sự cộng tác của nhiều giọng ca nổi tiếng đương thời, những chương trình ca nhạc chọn lọc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương được giới thưởng ngoạn mến mộ trên làn sóng điện cho đến đài truyền hình đã làm nên tên tuổi người nhạc sĩ đa tài này. Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương là một trong những người tiên phong bước qua lãnh vực kinh doanh băng nhạc và đạt được những thành tựu đáng kể. Hãng băng dĩa nhạc Tú Quỳnh toạ lạc ở Crystal Palace với hơn hai mươi tác phẩm nghệ thuật đã mang lại cho người sáng lập một nguồn lợi tức dồi dào và hơn nữa, khẳng định tên tuổi giữa thị trường âm nhạc với nhiều sắc màu rực rỡ. Hơn nửa thế kỷ sau, người yêu nhạc vẫn tìm nghe lại những tác phẩm của ngày xưa, vốn dĩ chất chứa nhiều kỷ niệm yêu thương với những giọng ca một thời vang bóng cho dù kỹ thuật thu thanh ngày đó còn thô sơ và trải qua biết bao biến thiên của thời cuộc.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác từ tuổi thiếu niên nhưng được công chúng yêu thích từ khi nhạc phẩm “Thu ca” được giới thiệu rộng rãi trên đài phát thanh và đài truyền hình. “Thu ca” được cảm tác từ những ngày mùa thu ở Hà-Nội, mang ảnh hưởng ít nhiều những cảnh trời thu bàng bạc trong cõi nhạc của Đoàn Chuẩn và được mến chuộng, gìn giữ cho đến bây giờ. Hiệp định Genève chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 đã khiến cho người con xứ Huế lần nữa giã từ đất Bắc và dạt trôi vào miền Nam chan hòa nắng ấm. Nhạc phẩm “Thương hoài ngàn năm” mượn ý từ câu ca dao ngày xưa “Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm” được ra đời trong những ngày đầu đặt chân trên vùng đất mới với lời ca chân thành, tha thiết nhắn về chốn cũ và gửi gắm mối tình thời trai trẻ đã bỏ lại nơi trời xa ..

Ngàn năm thương hoài một bóng hình ai

Tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai

Trăng khuyết rồi có khi đầy

Ngăn cách rồi cũng xum vầy

Mây bay bay hoài ngàn năm  

Dù cách xa giữa hoàn cảnh đất nước chia ly ngập tràn sông lệ nhưng đâu đó người nghe vẫn cảm nhận được nỗi niềm luyến thương tận đáy lòng và mỏi mong một ngày sum vầy dù bước chân đã âm thầm ra đi, mang theo bên mình một niềm thương nhớ mênh mang ..

Thương hoài ôi ngàn năm còn đó

Đá mòn mà tình có mòn đâu

Tình đầu là tình cuối người ơi

Suốt đời mình nguyện câu lứa đôi  

Mối tình thơ được âm thầm nuôi dưỡng dù ngày tháng có gầy hao. Dẫu hoa nở, hoa tàn, dù cho phận người sáng tối nhưng tình yêu ban đầu cứ khơi gợi luyến nhớ để ngàn năm thương hoài một hình bóng cũ ..

Thời gian âm thầm như nước về khơi

Lòng trót yêu người tình khó đổi thay

Hoa thắm rồi có khi tàn

tình ấy chỉ đến một lần

Tâm tư thương hoài ngàn năm  

Mấy mươi năm biến thiên, vật đổi sao dời, “Thương hoài ngàn năm” vẫn giữ được một chỗ đứng đẹp đẽ trong trái tim người yêu nhạc, lòng thuỷ chung trước sau như một dù hoàn cảnh đẩy đưa vào cuối ngõ cuộc đời. Sông trôi trăm ngã, người đi muôn hướng, xin hãy giữ cho nhau chút kỷ niệm ngày thơ dù mối tình ấy chỉ đến một lần và gieo rắc nỗi tiếc thương cũng như đớn đau suốt cả một kiếp người.

TV, 05.02.2023