Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và đêm mùa đông xa nhà
Vưu Văn Tâm


Ngày cuối năm, chàng thanh niên trọ học ở Hà-Nội không có tiền về quê ăn Tết nên đành chọn ở lại nơi phố thị. Hà-Nội đêm mùa đông giá rét, sương giăng khắp nẻo, chàng gom hết mớ quần áo trong mớ hành trang mang theo và mặc hết lên người mà vẫn thấy lạnh tái tê, buốt giá thịt da. Chân bước hững hờ đến ga Hàng-Cỏ và ngó thấy chuyến tàu sắp khởi hành lúc hoàng hôn, xế bóng. Vì không mua nổi chiếc vé xe nên chàng đành lững thững theo sau con tàu đang xuôi hướng. Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa dần khiến cõi lòng chàng thêm tê tái và mải miết trên những bước chân đơn côi. Qua nhiều ngõ ngách thì đến con phố Khâm-Thiên, còn gọi là “phố ả đào” vì nơi đó tập trung rất nhiều nhà hát ả đào. Phố vắng người thưa, chỉ còn mỗi hai ngôi nhà leo lét ánh điện. Đi ngang ngôi nhà thứ nhất, cửa mở nhưng không thấy được bóng người. Nghe tiếng chân rảo bước bên ngoài, cô ca nhi ở ngôi nhà thứ nhì tất tả bước ra đón khách. Khi thấy được hình hài lôi thôi của chàng thanh niên tuổi chừng đôi mươi, cô thất vọng quay lưng vào trong và không quên soi bóng mình qua tấm gương treo cạnh cửa. Cô còn nhẹ nhàng đưa cánh tay trần vuốt nhẹ lên mái tóc nhung huyền. Hình ảnh ấy khiến lòng chang trai trẻ xuyến xao và khắc ghi vào tâm trí. Đêm về khuya, chàng lặng lẽ đi tiếp trên những lối nhỏ, đường thuôn cho đến khi tiếng pháo giao thừa nổ vang, nghe tiếng chuông chùa xa xa vọng lại và nhà nhà mang bánh trái, trà quả ra trước hàng hiên cúng bái mới chịu quay về nơi căn gác trọ.
Cái rét mướt của mùa đông không thể nào sánh được với cái lạnh trong tâm hồn của người xa quê với trái tim mẫn cảm. Nỗi niềm cô đơn nơi đất lạ giữa đêm trừ tịch, nào biết được ai sẽ buồn hơn ai khiến chàng lữ khách thao thức, tưởng hình, thương bóng và gom hết tâm tư vào cung đàn, phím nhạc ..
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Nhạc khúc “Đêm đông” được chàng học trò nghèo ngày đó tức nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cho ra đời giữa đêm giao mùa, trên căn gác trọ nơi phố lạ, trời xa. Sau này, người bạn của ông là Kim Minh đã trau chuốt, gọt dũa, góp thêm lời để một “Đêm đông” được thấm thía hơn và sống mãi cùng năm tháng ..
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu


Tưởng cũng nên nhắc lại, khi mới ra đời “Đêm đông” được viết và hát theo thể điệu Tango. Thay vì “Tango”, ca sĩ Bạch Yến đã hát theo điệu “Slow Rock” khiến cho bài hát tăng thêm phần cảm xúc và dễ đi vào lòng người. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương rất hài lòng trong việc “phá cách” này và từ đó trở về sau, trên tờ nhạc rời (sheet nhạc), chữ “Tango” được thay bằng “Slow Rock” với hai tác giả là Nguyễn Văn Thương và Kim Minh. Ngoài Bạch Yến, rất nhiều ca sĩ đã hát “Đêm đông” rất thành công trên sân khấu phòng trà diễm lệ, các đại nhạc hội lớn nhỏ, đài truyền hình, đài phát thanh và thu thanh vào dĩa hát cũng như băng nhựa theo điệu “Slow Rock”. Nhân mùa lễ giáng sinh năm 1974, hãng dĩa và băng nhạc Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phát hành cuốn băng Sơn Ca số 9 với tiếng hát Lệ Thu. “Đêm đông” được chọn làm ca khúc mở đầu cho cuốn băng và theo thiển ý của người viết, ca sĩ Lệ Thu hát bài này hay nhất với lối hòa âm tuyệt vời của ban nhạc Lê Văn Thiện.



Ngày cuối năm, ở một nơi cách xa quê nhà vạn dặm, được nghe “Đêm đông” chợt thấy lòng bồi hồi, thổn thức và da diết nhớ thương những đường xưa, lối cũ. Ngày tháng có phôi phai nhưng có lẽ, trong lòng bạn, trong lòng tôi, hình bóng quê nhà một thuở sẽ không bao giờ phai nhạt.
TV, 27.12.2022