Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người lính và mùa xuân

Vưu Văn Tâm

Cuộc chiến khốc liệt thổi qua vùng đất hẹp. Những thanh niên trẻ măng xếp bút nghiên, rời ghế nhà trường lên đường theo tiếng gọi non sông. Họ đã hy sinh một quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp để giữ cho hậu phương được bình an. Cũng như bao trai tráng lớn lên trên giữa thời loạn lạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chấp nhận gian lao khi dấn thân vào cuộc đời binh nghiệp.

Khi tháng chạp cuối năm mang theo những cơn gió mùa khô lạnh, mọi người trên dãy đất hình chữ S lại hân hoan đón Tết, háo hức cho một năm mới với nhiều ước vọng. Tiếng pháo mừng xuân từ thành thị đến nông thôn cũng hòa với đất trời đang chuyển mùa, cây cành thay lá mới. Đêm ba mươi nơi tiền đồn heo hút, không bánh tét, không thịt mỡ dưa hành, không mùi khói nhang mà chỉ có những đốm sáng hỏa châu lướt qua thật nhanh trên những nóc chòi canh tĩnh mịch. Phút giao mùa nơi chiến tuyến heo hút không thân nhân, không gia đình bên cạnh hỏi sao không chạnh lòng khi nhớ đến những người thân. Người lính Nguyễn Văn Đông tuổi ngoài đôi mươi với tâm hồn nhạc sĩ nhiều cảm xúc đã để lại cho đời những cung bậc bùi ngùi ..

“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi”

(“Phiên gác đêm xuân”, Nguyễn Văn Đông)

Hành trang trong tim là mối tình thời trai trẻ còn gửi lại nơi quê nhà nhưng chiến cuộc dài đăng đẳng, đời lính rày đây mai đó biết bao giờ thuyền mới được về bến đỗ. Vì tổ quốc và trách nhiệm trên vai, bao niềm ước mơ yêu thương, sum vầy vẫn mãi là mơ ước xa xôi vời vợi ..

 “Xuân sang lả lơi chợt thấy hoa cười
Nỗi riêng chạnh nhớ một người
Từ mùa xuân trước tới bây giờ còn mơ”

(“Dáng xuân xưa”, Nguyễn Văn Đông)

Năm tháng trôi nhanh, mùa xuân có về nơi đóng quân tận miền xa hun hút. Ngó thấy cánh mai rừng bên vách núi cheo leo mới biết xuân đang về trên đất mẹ. Nỗi nhớ thương gia đình, niềm tiếc nhớ một tình yêu ở một nơi xa không biết bao giờ mới có dịp đoàn viên. Chiều rơi hờ hững tận nửa vòng trái đất, hỡi người yêu dấu bên bờ đại dương, có còn tưởng nhớ đến lời hẹn ước ngày xưa. Nơi chiến địa còn nồng mùi thuốc súng, hoa xuân rơi tan tác giống như tâm hồn người lính trẻ đang thổn thức kiếm tìm ..

“Chiều xuân có người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi phương trời cũ
Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng hình ai”

(“Nhớ một chiều xuân”, Nguyễn Văn Đông)

Hòa bình được lập lại, nhưng người ta bỏ lại sau lưng một đất nước ngập tràn sông lệ để mong đến được bến bờ tự do. Số phận những người lính còn kẹt lại bị bắt bớ và giam cầm như tử tội. Những bài ca dạt dào yêu thương chịu chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi, truân chuyên của chính tác giả. Hòa bình còn ở tận nơi đâu nên lẩn khuất trong những nét nhạc xuân là những tâm sự u buồn, lặng lẽ. Lời hát trong những bài ca xuân thật đẹp được lồng trong những giai điệu du dương, trầm bổng đã vượt thời gian hơn nửa thế kỷ và cho đến bây giờ đã vượt cả không gian len vào tâm trí của những người con xa xứ. Mùa xuân có về nữa không trên một quê hương tội tù, tang tóc.

22.01.2021