Nhạc sĩ Dzũng Chinh và màu tím chiều hoang biền biệt

Vưu Văn Tâm

Hết bậc trung học rồi ngấp nghé ngưỡng cửa đại học và đi vào đời lính muộn màng giữa cơn binh biến tràn lan, người lính Nguyễn Bá Chính được biết đến trước đó với cái tên Dzũng Chinh qua nhạc phẩm quen thuộc “Những đồi hoa sim” dựa trên bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hữu Loan. Bài hát được ra đời những năm đầu thập niên 60, khi cuộc chiến ở miền Nam Việt-Nam đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. “Những đồi hoa sim” được giới thiệu rộng rãi trên làn sóng điện truyền thanh, truyền hình từ bờ Nam vĩ tuyến 17 đến mũi Cà-Mau và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán thính giả thủ đô, miệt lục tỉnh, miền hỏa tuyến cũng như trong giới quân ngũ khắp bốn vùng chiến thuật. Dệt theo ý thơ “Màu tím hoa sim”, lời ca trong “Những đồi hoa sim” mộc mạc, đơn sơ được viết theo âm điệu “Slow Rumba” và kể lại một câu chuyện tình đau thương trong thời chiến dễ gây xúc động bồi hồi khi khói súng còn vương trên khắp nẻo ..

“những chiều hành quân ôi những chiều hành quân

tím chiều hoang biền biệt

một chiều rừng mưa, được tin em gái mất

chiếc thuyền như vỡ đôi

phút cuối không nghe được em nói

không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ

để không chết người trai khói lửa

mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì”

Mãn khóa Hạ sĩ quan trừ bị tại trường Đồng-Đế, Nha-Trang, Dzũng Chinh được điều động về đóng quân ở Trà-Vinh thuộc vùng bốn chiến thuật. Mối duyên âm nhạc đã bắt nhịp cầu cho nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác “Để trả lời một câu hỏi” làm quà văn nghệ cho Dzũng Chinh và ghi rằng “cho thằng bạn vai em, vì đời trôi dạt về miền quê hương tôi và cho tất cả bạn hữu của Dzũng Chinh vùng KBC 3054”.

Dzũng Chinh sáng tác không nhiều, bên cạnh những nhạc phẩm rất hay như “Tha-La xóm đạo”, “Đêm dài chưa muốn sáng”, “Hai màu hoa”, “Lời tạ từ” thì “Những đồi hoa sim” là tác phẩm đầu tay và thành công nhiều nhất. Thi sĩ Hữu Loan trong lần tiếp xúc với báo chí cũng cho biết, ông yêu “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh nhiều hơn cả so với một số bài hát được các nhạc sĩ khác phổ từ bài thơ “Màu tím hoa sim” của ông.

Giống như lời bài hát kể lể “mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến, ai hẹn được ngày về”, Dzũng Chinh cũng âm thầm hy sinh như bao đồng đội, gục ngã trước lằn tên mũi đạn để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Lạ thay, nơi chàng nhạc sĩ trẻ tuổi tài hoa, người lính mới vừa xung trận ngã xuống cũng là vùng đồi có nhiều hoa sim tím, mọc dài theo miền thùy dương cát trắng. Sinh ra ở miền quê biển và khi ra đi Dzũng Chinh cũng gửi lại xác thân nơi miền trùng dương sóng nước. Lời ca của bài hát ngày xưa như vận vào cái chết của người nhạc sĩ đã ra đi khi tuổi đời vừa hai mươi tám ..

“nói, nói gì cho mây gió

một rừng đầy hoa sim

nên để chiều đi không hết”

Khi hay tin người bạn đồng nghiệp qua đời, nhạc sĩ Thanh Sơn nghe lòng mình lạnh giá, tuôn rơi đôi dòng lệ và viết lên mấy hàng “Đọc tin trên báo” để vĩnh biệt người lính, người bạn vừa nằm xuống giữa bầu trời quê hương loan màu tím thẫm.

Mấy mươi năm khói lửa đã đi qua, đường về vẫn thênh thang, đồi sim vẫn còn trên lối cũ nhưng người lính trẻ Nguyễn Bá Chính, chàng nhạc sĩ hiền lành Dzũng Chinh đã vắng bóng và màu tím chiều hoang vẫn biền biệt nơi chốn trời xa.

TV, 10.11.2021