Nghề Kèm Trẻ Tư Gia

Lê Phước Hải

Trong những năm trước 1975, phong trào học thêm rất thịnh hành trong thủ đô Sài Gòn.

Khi lật sang trang giữa của nhật báo Chính Luận, quí vị sẽ thấy vô số mục quảng cáo những lớp luyện thi Tú Tài I và II, hoặc thi vào các phân khoa của các ĐH chuyên môn nổi tiếng SG, như Dược, Kiến Trúc, Kỹ Sư Phú Thọ, Nông Nghiệp, do các GS các trường ĐH, Trung Học đảm trách. Hoặc những lớp kèm trẻ tư gia từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 12, các môn Toán, Lý Hóa, Anh Văn, Pháp Văn do các Cử nhân, SV các trường đại học SG. Có tên những GS quen thuộc đứng lớp dạy ở nhiều trường công, tư khác nhau, khắp SG và Gia Định. Giống như các ca sĩ nổi tiếng, mỗi đêm phải chạy show liên tục từ phòng trà nầy sang phòng trà khác để đáp ứng nhu cầu mộ điệu của khán giả thành phố.
 
Lúc đang học lớp 11 trường PK, không nhớ được ai giới thiệu lớp kèm Toán Lý Hóa cho 2 chị em đang học lớp 9 tư thục (hình như do chị Hương của Lành). Ok, liền. Một tuần 1 tiếng rưỡi cho môn Toán, và 1 tiếng rưỡi cho Lý Hóa.

Hai em rất ngoan. Mỗi lần trước giờ “lên lớp”, đều để sẳn trên bàn một ly nước cam đá lạnh mời “thầy”. Cảm thấy rất ư là có “uy”. Nên “thầy” thao thao bất tuyệt,  vẽ lên bảng đen những công thức và cách giải những bài toán trường cho đem về, làm ở nhà. Hai em …học chăm chú, trên bảng viết thế nào, 2 em ghi xuống như thế nấy, đầy đủ. Sau đó ra bài, tuần sau kiểm lại. Tập bao bìa giấy kính, thẳng, sạch sẽ, chữ viết dễ đọc nhưng 2 em ít khi chịu làm bài. Bài cho để đấy, không đụng tới. Hỏi sao không làm, 2 em cười khúc khích “Khó quá thầy ơi, em không biết làm”. Thời gian cứ dần trôi … Mỗi cuối tháng nhận được phong bì dầy, tiền thù lao. Nhưng sau 3 tháng giúp 2 em …trao dồi kinh sử, dù “thầy” rất đảm đang và 2 em học rất ngoan nhưng tiếc thay, không hề tiến bộ so với trước khi bắt đầu học kèm. Trong lớp gần như …đội sổ. Buồn tình nên xin phép cáo từ, ngưng không dạy kèm tiếp.

Tháng sau, được giới thiệu dạy kèm 1 em trai khác, cũng học lớp 9, môn toán. Gia đình cậu bé hiền lành và rất khá giả. Nhà ở quận Năm, Chợ Lớn. Gia đình ở tầng 3. Tầng trệt là nơi buôn bán sỉ, tầng 2 là kho chứa hàng. Hàng hóa buôn bán, giao hàng khắp miền Nam. Sàn nhà và những bậc thang bằng cây nên lúc bước đi, dù nhẹ nhàng vẫn nghe tiếng chân vang lên lọp cọp.  Mỗi tuần dạy 1 giờ rưỡi. Hôm nào có lớp, bảo phải tới sớm trước nửa giờ, dùng cơm chiều xong rồi dạy. Tôi thường đến đúng 6 giờ chiều, có cơm dọn sẵn để trên bàn (Gia đình ăn cơm chiều sớm hơn lúc 5 giờ). Bao giờ cũng có 3 món ăn. Canh cải bẹ trắng, hoặc bông cải, hoặc canh chua lá me, cá lóc, giá, đậu bắp; thịt kho tàu, hoặc thịt ba rọi hình con cờ; dĩa trứng chiên, lạp xưởng, hoặc tôm riêm.

Cậu nầy mập, đẹp trai, tính hiền hòa, vui vẻ nhưng lười học. Chã bao giờ chịu làm bài trường cho. Bài giảng kỹ tuần trước, tuần sau hỏi lại, chỉ cười trừ, “quên” không biết phải giải như thế nào. Trong giờ học, thay vì tập trung lắng nghe, hắn hay trống lãng sang chuyện khác, hỏi những chuyện tào lao ngoài đời. Lắm khi tức quá, nhéo mạnh bắp vế non của hắn, hắn la “úi da” nhưng đâu vào đấy. Dù ráng kiên nhẫn, 6 tháng sau, chịu không nổi cậu ta, đành xin …từ chức!

Năm sau, đang học lớp 12. Học toán với thầy Nguyễn Minh Dân. Lý Hóa với thầy Nguyễn Sỹ Thân. Lớp Lý Hóa cảm thấy “vô” chút chút, còn lớp Toán quá “xa vời”, không hiểu thầy nói gì. Một phần, do không an tâm với “bụt nhà không thiêng”, nên rủ nhau cùng NV Lành, PV Minh và NN Trung ghi tên học thêm lớp Toán Lý Hóa bổ túc luyện thi Tú Tài 2. Đó là trường Thăng Long, nằm gần góc đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Thiện Thuật, do GS Vũ Bảo Ấu và Phạm Huy Ngà dạy. Lớp học vào chiều Thứ bảy và sáng Chủ Nhật, rất đông đảo, khoảng 60 học sinh ngồi chật lớp. Thời nầy, các lớp học luyện thi mọc khắp nơi SG. Lớp nào cũng đông. Các học sinh lớp 12 đa số học rất chăm. Nhất định cuối năm phải thi đậu, và đổ vào một trong các ĐH thi tuyển. Do lệnh tổng động viên đã ban hành, nếu không đổ vào ĐH phải đi lính. Vừa vào lớp, được phát 1 xấp giấy dầy quây roneo 2 mặt, trang đầu tóm tắt các định lý, trang sau các bài giải, và bài tập đem về nhà tự làm. Trong lớp, thầy giảng bài trên bảng, cả lớp yên lặng chăm chú chép lại. Lớp học vui, 2 thầy hoạt bát, có cách dạy dễ hiểu, và được chỉ thêm “cách nhớ” nên không vắng buổi học nào. Giờ giải lao, đám học sinh ồn ào tán gẫu trên lan can tầng 3, nhìn những hàng xe tấp nập qua lại trên con đường trước cửa trường. Riêng Lành thì lẫn xuống tầng 2, thầm thì với một cô nữ sinh Gia Long, áo dài trắng, tóc dầy uốn ngắn, da bánh mật nhưng nét mặt xinh xắn, má lúm đồng tiền (Sau nầy, cô bé du học Úc chương trình Colombo, Lành ở lại phục vụ quê hương, tặc lưởi … tiếc hùi hụi:
     Hoa nở cô đơn, bóng động thềm
     Vườn xưa còn thoảng chút hương em
     Xót xa lá cỏ vương mùi tóc
     Tà áo bay về, nhớ suốt đêm .. ).
(*)
 
Có người nhờ dạy kèm toán một em đang học lớp 11. Lấy làm lạ, sao có người dám tin vào khả năng của mình! (Dám giao trứng cho ác ? Có lẻ nghe mình đậu TT 1 hạng Ưu, nên tin tưởng chăng ?). Nhưng nhận lời liền, không cần suy nghĩ.  Có sợ “thằng tây” nào! Vừa học ở trường, vừa học thêm, và … vừa đi dạy kèm. Không có ngày nghỉ!

Lần đầu tiên, gặp cậu bé học chăm, và thông minh. Dạy đâu hiểu đấy, và nhớ lâu. Mỗi lần, bỏ ra nửa giờ để giảng bài. Xong ngồi đấy, ra đề tương tự xem em tự làm bài. Nên dạy kèm rất nhàn, không cần nói nhiều khan cả cổ như những lớp kèm trước đây. Ngoài phần giúp em giải những bài toán từ trường, tôi cho thêm những bài toán trong sách. Em làm được hết. Từ đó, kèm em học trước chương trình dạy trong lớp. Đến khoảng giữa năm, em đi trước chương trình của trường 3 tháng. Và xong chương trình lớp 11, trước 3 tháng cuối của niên học.

Năm em lên lớp 12, tôi vào ĐHNN Saigon.
Gia đình em năn nỉ tôi tiếp tục kèm cho em, lý do em “hạp” với tôi, học hành tấn tới. 
Theo phương sách trước đó, bao giờ  tôi cũng dạy em học trước chương trình của trường. Từ 3 tháng, lên trước 6 tháng. Học trước giúp em có thời giờ ôn lại bài học cũ, sẽ nhớ bài lâu hơn, nắm vững căn bản hơn, vừa tạo nên sự tự tin, tăng niềm hãnh diện với bạn trong lớp, và là nguồn động viên khiến em học chăm hơn. Sau đó tôi còn chỉ thêm những bài toán về xác xuất thống kê (nằm trong đề thi tuyển vào ĐHNN hàng năm, cạnh những câu thi về Vạn Vật, rút từ kinh nghiệm bản thân năm trước). Cuối năm đó, em đổ Tú Tài, và đổ vào ĐH Nông nghiệp. Rất thích thú. Xem như đã thành công vượt bực trong nghiệp kèm trẻ tư gia!

Sau đó, có lẽ do … ham chơi hơn nên tôi bỏ nghề.
Không nhận dạy kèm nữa. 

oOo

Nói về dạy kèm, người dạy ngoài kết quả thực tế như lãnh tiền thù lao, phụ tiền nhà trọ, mua sách vở, thêm phần thưởng tinh thần sảng khoái khi đứa trẻ thu nhập, học tấn tới, còn chứng kiến nhiều chuyện bên lề vui buồn … đi xa hơn cái nghiệp thuần túy dạy kèm.

Bạn tôi, cùng lớp Thủy Nông, có Hoàng Như Lộc quê Phan Thiết du học… SG, ở trọ cư xá hẻm đường Trần Hưng Đạo, năm đầu đóng tiền trọ ăn ở, và … được miễn những năm kế tiếp nhờ bỏ công dạy kèm con chủ nhà. Vừa tốt nghiệp KS …vớt luôn cô gái cưng xinh đẹp, sinh viên Luật năm thứ 2, của gia đình chủ trọ.
Âu cũng là duyên số.

Ông anh họ của tôi, Trung Úy Tâm Lý Chiến, đóng ở Vũng Tàu, dạy kèm cô bé lớp 10, vừa 16 tuổi, người cao, tròn đầy, đôi mắt to đẹp, con chủ hãng nước mắm lớn ở Vũng Tàu. Cuối năm đó, thay vì lên lớp 11, cô bỏ học để…nuôi bầu. Lúc đó ông anh tôi mới vừa tròn… 31.

Khi đứa cháu gái được 1 tuổi, anh sắp lên lon Đại Úy thì miền Nam mất nước. Anh đi học tập cải tạo 10 năm. Bà vợ, có lẻ lo cho tương lai đứa bé gái nên dắt cháu vượt biên, tới Mỹ lập nghiệp trước. Mãi sau, học tập xong trở về, đi Mỹ diện HO, sum họp với vợ con.
Một lần nữa, âu cũng là số phận !

oOo

Không phải chỉ có ở VN, ở Sydney, Úc, phong trào dạy kèm cũng rất thịnh hành.

Có rất nhiều lớp chuyên luyện thi vào lớp 6 các trường tuyển (selective schools) khắp nơi, với các môn như Anh văn, Toán, Khoa Học, Kiến thức tổng quát. Có trường Swot Shop ở Baulkham Hills rất được ưa chuộng, dù học phí cao. Muốn học ở đây phải qua kỳ thi xếp lớp. Phải trên trung bình mới được nhận. Nhưng nếu lọt vào được, thì khả năng đậu vào các trường trung học tuyển rất cao.

Cũng như có nhiều lớp luyện thi những năm cuối trung học. Có lớp ở Yagoona, thầy là người VN, cựu sinh viên Y năm thứ 2, Đại học New South Wales, bỏ nghề BS tương lai để mở lớp bổ túc Toán, Lý Hóa lớp 9 – 12. Học phí tương đối rẻ so với các trường người Úc khác. Nhưng muốn học thêm ở đây phải dự lớp thi xếp lớp. Phải học từ khá tới giỏi mới được nhận. Có vài em đang học lớp 10 hoặc 11 ở trường, theo học chương trình lớp 12, lớp toán cao cấp. Dù không quảng cáo trên báo, nhưng tiếng đồn lan rộng, học sinh ghi tên học rất đông. Có 1 lớp khác chuyên môn Toán lớp 12 ở Lidcome do 1 cựu sinh viên Y, năm thứ 3 ĐH NSW cũng bỏ học, ở nhà mở lớp dạy kèm. 

Có lẻ dạy kèm Toán thích thú hơn, không cần vận dụng trí nhớ, không phải đối diện với những con bệnh, và những thảm nảo hằng ngày!

oOo

Nói chung, nghề dạy kèm bao giờ cũng sẽ giúp đứa trẻ gặt hái nhiều thành quả, trừ khi em quá kém.

Do đó, có những lớp dạy kèm chỉ chọn học trò có sẳn trình độ trước khi nhận vào lớp.

Được phát uy khả năng, đứa trẻ cuối năm sẽ lên lớp, hoặc đổ đạt như mong ước. Nhất là 2 năm cuối của trường Trung Học. Quyết định cho cả tương lai. Cơ hội được tuyển vào Đại Học và phân khoa theo ý nguyện, cho nghề nghiệp và cuộc sống mai sau.

Có khi vượt hơn cả dự tính… 

Có nhiều trẻ, nếu không đổ đạt trên con đường học vấn, cũng sẽ đạt được mộng ước thầm kín khác của  …trường đời !

LPH
(viết xong ngày 29/11/2021)

(*)  “Đường Vào Tình Sử” của thi sĩ Đinh Hùng

Mẫu quảng cáo trên báo Chính Luận