Nắng chiều
Vưu Văn Tâm
Ca khúc Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn được giới yêu nhạc khắp nơi mến mộ và chuyền tay nhau cho đến bây giờ. Cũng như bốn bài thơ của T. T. Kh. được thêu dệt thành nhiều giai thoại bên cạnh những câu chuyện bên lề về xuất xứ các bài thơ cũng như thân phận của tác giả. Tất cả đều xuất phát từ lòng đam mê, yêu thương cũng như ảnh hưởng sâu rộng của thi nhân và thi sĩ trong giới thi ca.
Nắng chiều và người sinh ra nó, cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng được khoác lên nhiều giai thoại ly kỳ không kém. Nhiều sách báo cho rằng Nắng chiều được kết tụ từ hai mối tình thơ mộng trên xứ Thần-Kinh sau ngày tác giả rời “khu chiến”, dinh tê về thành và chọn xứ Huế làm nơi lập nghiệp.
Riêng cá nhân người viết, câu chuyện Nắng chiều do cố ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương thuật cho thi sĩ Du Tử Lê đã để lại thật nhiều xúc cảm ..
Vào giữa thập niên 50, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn gặp và đem lòng yêu thương một thiếu nữ Nhật-Bản tên Shoshi Koe. Nàng làm việc nơi tòa lãnh sự Nhật-Bản ở Sài Gòn. Ca khúc Nắng chiều được sáng tác để đánh dấu cuộc tình thơ mộng này và cũng là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ trong đời sống âm nhạc. Mãn nhiệm kỳ, nàng phải về lại xứ Phù-Tang với hành trang là bài ca đầy kỷ niệm của cuộc tình không biên giới. Bài hát đó được nàng chuyển dịch sang Nhật ngữ và được giới thiệu trên các đài phát thanh trên đất Nhật. Chẳng bao lâu, Nắng chiều đã được nổi tiếng khắp xứ sở “mặt trời mọc”. Từ đó, dân chúng Nhật mới biết được ít nhiều đến nền âm nhạc Việt-Nam.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương
Sang đầu thập niên 60, nàng lại có dịp trở lại Sài-Gòn. Mối tình “Ngưu Chức” ấy được dệt tiếp bằng những sợi tơ tình ái. Hai ca khúc “Sao Đêm” và “Chiều bên giáo đường” được sáng tác trong thời gian này là bằng chứng cho mối tình vượt thời gian và vượt cả không gian.
Cuối năm 1963, Shoshi bị gia đình gọi về. Nàng hứa với người yêu sẽ trở lại Việt-Nam lần nữa hoặc sẽ đưa chàng sang Nhật để nối lại cung đàn dang dở. Nếu không giữ được lời hứa, nàng sẽ kết liễu đời mình !
Một năm sau, báo chí khắp Tokyo đồng loạt đưa tin cái chết của Shoshi, và nguyên nhân đưa đến cái chết là chuyện tình dở dang giữa nàng và một nhạc sĩ họ Lê ở Việt-Nam. Xã hội Việt-Nam thời bấy giờ chịu ảnh hưởng nặng nề những nếp nghĩ phong kiến đã lên án gay gắt cuộc tình “dị chủng” này !
Nắng chiều được viết theo điệu Rumba rộn rã, lời ca chọn lọc, đẹp đẽ như một bức tranh, tuy có vương vấn chút buồn thương nhưng không nhuốm màu bi lụy. Đây cũng là một trong số hiếm hoi những ca khúc của nền âm nhạc nước nhà vượt biên giới sang các nước láng giềng như Nhật-Bản, Hong-Kong, Thái-Lan, v.v.. Một người bạn vong niên của người viết cũng cho biết, bài hát này cũng được trình tấu bởi giàn nhạc Symphony of the New York City vào giữa thập niên 60 trên làn sóng điện.
Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu
Năm 1973, các rạp ciné ở Sài-Gòn đồng loạt ra mắt cuốn phim Nắng chiều với đôi tài tử Hùng Cường và Thanh Nga. Cuốn phim tình cảm xã hội này là một hợp tác giữa hãng phim Foo Hwa ở Hong-Kong và Lido của Việt-Nam. Ngoại cảnh được thu hình đa số là ở Huế như lăng vua Minh Mạng, chùa Thiên Mụ, trường Đồng Khánh hay dòng sông Hương lững lờ trôi giữa trời mây xanh biếc. Nhạc khúc Nắng chiều đương nhiên được chọn làm ca khúc chính trong phim. Sau ngày mất nước, ca khúc Nắng chiều một thời bị cấm phổ biến trên quê nhà cũng như cuốn phim cùng tên mang chung số phận lưu vong như mấy triệu người Việt-Nam nơi hải ngoại.
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi
Trải qua hơn sáu thập niên, từ phòng trà đến sân khấu ca nhạc cũng như trong những buổi trà dư tửu hậu, Nắng chiều vẫn nhịp nhàng vang lên như gọi mời, như ngợi ca mối tình thủy chung đẹp như huyền thoại nhưng (tiếc thay) không đoạn kết.
22.06.2019