Năm Tuất là con chó cò!

Đoàn Xuân Thu

nam tuat la con cho co 01

Tây không có làm báo xuân. Cuối năm bất quá ra một số đặc biệt, điểm lại những biến cố trọng đại xảy ra trong năm rồi là hết chuyện.

Ta, hồi xưa trước 75 cũng như ra hải ngoại sau nầy, cái truyền thống báo xuân xưa giờ vẫn giữ.

Báo xuân là tờ báo màu mè nhứt để câu khách; dầy nhứt vì nhiều bài vở nhứt và bán mắc nhứt để bọn báo (đời) chúng tôi kiếm chút tiền còm nhuận bút mà ăn Tết, sau một năm bù đầu, bứt tóc, nhổ râu trong trường văn trận bút!

Mới đầu tháng Mười Một là mấy ông Chủ bút đã hối bài: “Ê! Nhớ viết bài cho báo xuân nhe. Năm nào viết con nấy!”

Như năm nay 2018, là năm Mậu Tuất xin quý văn hữu viết bài về con chó cò.

Một đề tài Chó; mà cả đống nhà văn nhào vô ngậm ngải tìm trầm, đãi cát tìm vàng, tìm những chuyện đặc sắc không đụng hàng để viết quả là một điều không dễ dàng.

***

nam tuat la con cho co 02Thôi thì để mở bài, tui xin nhắc tới đệ nhứt mỹ nhân nước Mỹ là Marilyn Monroe từng nói: Dogs never bite me. Just humans.” 

Không biết ngữ cảnh của câu người đẹp nói như thế nào, nên chỉ có vài chữ mà khó dịch quá trời hè! Chó không bao giờ cắn em! Chỉ có con người!”

Chắc Marilyn Monroe đã từng về nâng khăn sửa túi cho Arthur Miller, một nhà văn Mỹ nổi tiếng; nên chịu ảnh hưởng văn chương (tao đàn mầy đàn), một câu nói ngắn mà quá xá là đa tầng và đa nghĩa.

Hành động cắn cũng có hai nghĩa: giận hờn, ganh ghét, cắn; nghĩa là táp một cái, phập một phát cố ý làm đau kẻ khác về thể xác. Người bị tấn công dùng động từ cắn nầy cũng để chửi xéo kẻ cắn mình là con chó cho đã cơn tức vì bị nó cắn.

Nhưng cắn cũng có trong động từ kép là ‘cắn yêu’; là ngoạm vô cái chỗ nào ‘đèm đẹp’.

Marilyn Monroe sắc nước hương trời nên quý anh mình bên Mỹ thuở đó, ai cũng muốn ‘cắn yêu’ thì cũng có lý đấy chớ.

***

“Tuổi Tuất là con chó cò. Nằm khoanh trong lò cái mặt lọ lem.

Nghe kêu mà chẳng nghe ơi. Cong đuôi mà chạy một hơi tới nhà!”

nam tuat la con cho co 03Bà con mình ai cũng biết chó sói trong rừng được con người đem về thuần hóa thành chó nhà. Rồi con chó bị con người đưa vô thực đơn trên bàn nhậu, vẫn trông chết cười ngạo nghễ!

Tui không ăn thịt chó vì tui cũng thích chó như Tây vậy. Vì chó rất thính tai có thể bắt được tiếng động mà tai con người không nghe được.

Thường đi nhậu về khuya, tui rón rén chui qua cái lỗ chó vào nhà, em yêu nằm ngáy khò khó không hay! May quá!

Riêng con chó cò nhà tui khịt khịt mũi, chồm dậy quấn lấy chân tui, rên khe khẽ như hỏi: “Ê! Ông chủ đi nhậu có vui hông?”

Thính tai như vậy nên giữ nhà mới giỏi. Nhưng thính tai cũng làm khổ con chó nhiều lắm.

Năm nào giao thừa, mừng năm mới, bắn pháo bông tuốt ngoài ‘city’, cách nhà tui tới 5, 6 cây số mà con chó cò nghe tiếng pháo nổ bụp bụp là mắt láo liên hoảng loạn, mồm rít lên, điên cuồng chạy ra khỏi nhà… Có con đi lạc luôn; không biết đường về…

Từ kinh nghiệm đó, giao thừa nào tui cũng xin phép em yêu chở con chó cò đi  trốn. Tui cột nó trước cửa rồi vào quán bù khú với chiến hữu!

Giao thừa đồng hồ kêu bon bon, pháo bông đã bắn xong và  nhậu cũng xong, tui lon ton kêu Uber chở thầy trò, tui với con chó cò, về xông đất chính nhà mình mà lòng vui như Tết.

***

nam tuat la con cho co 04Có người rầy là: “Chơi với chó; chó liếm mặt”. Thì đã sao?

Vì chó tốt lắm nhe! Chó là một sinh vật duy nhất trên thế gian nầy yêu người còn hơn yêu chính bản thân mình. Càng giao tiếp với con người bấy nhiêu thì tui lại càng thương con chó bấy nhiêu!

Dưới mắt con chó cò, là ông chủ, dẫu tui có dở như hạch nhưng bao giờ chó cũng tôn kính tui như là Napoleon, một anh hùng cái thế, trăm trận trăm thắng.

Cuối năm vợ sai đi chợ, tui khệ nệ mang về nào là gà, vịt, bò, trừu chừng chục kí lô. Con vợ nghĩ tui khùng; vì vác về nhà cho cả đống?

Riêng con chó cò ban cho tui một cái nhìn đầy ngưỡng mộ vì nghĩ tui là một thợ săn tài ba nhứt trên thế giới!

Thiệt vậy! Con chó nó đối xử mình bằng tình cảm; chớ không phải như con gái chỉ đối xử với mình bằng tình cảm với điều kiện là mình phải có cả đống tiền.

Với tiền bạc, mình có thể mua một con chó cho đẹp mã nhưng chỉ với tình yêu, mình mới có thể làm nó ve vẩy cái đuôi.

Nên, nếu trên thiên đường không có chó, khi tui ngủm. tui không muốn lên thiên đường mà chi!

***

nam tuat la con cho co 05Tui không biết con chó có kỳ thị phái tính hay không? Sao những câu chuyện cảm động về tình bạn giữa chó và người; toàn là chó thương tưởng quý ông không hè?

Điều con chó lo sợ nhứt trong đời là ông chủ ra khỏi nhà không chịu dắt nó theo và không bao giờ trở về nhà nữa!

Năm 1941, thấy một con chó bị thương nằm bên vệ đường ở Luco di Mugello, một thị trấn nhỏ vùng Florence, nước Ý, Carlo Soriani thương tình đem nó về nuôi và đặt tên là Fido.

Kể từ đó, mỗi khi Soriani từ nhà máy về nhà, Fido luôn đứng sẵn tại trạm xe bus chờ ông chủ để cả hai lội bộ về nhà.

Một ngày nọ, nhà máy nơi Soriani làm việc bị trúng bom của phe Đồng minh.

Soriani không trở về nữa!

Fido lặng lẽ từ bến xe bus về nhà. Nhưng đến hôm sau, chú lại tiếp tục trở lại bến xe để chờ chủ. Suốt 15 năm trời ròng rã, ngày nào Fido cũng kiên nhẫn đứng ở bến xe chờ đợi ông chủ không bao giờ trở về nữa.

Qua đời năm 1958, Fido được chôn cất ngay cạnh mộ của ông chủ Soriani.

Trái lại, con người cư xử tệ hơn con chó nhiều. Có một em vừa từ giã cõi đời. Ngày đưa tang, đạo tì khiêng quan tài sơ ý va vô cánh cửa một cái rầm làm tim em đập lại. Em sống thêm 10 năm nữa rồi mới chết thiệt.

Lần di quan nầy, ông chồng cẩn thận chạy kè kè theo mấy tay đạo tì: “Ê! Ê! Coi chừng cái cửa!”

Hèn chi so sánh giữa chó và người, ai cũng chấm điểm người thua con chó!

***

nam tuat la con cho co 06Chó thương người nhưng người thương chó cũng có chớ hỏng phải không!

Chuyện rằng: Jason Loosmore, 32 tuổi, nuôi một con chó kiểng. Láng giềng là Casey Brown, 21 tuổi cũng nuôi một con chó; nhưng là chó Berger Đức.

Hôm 13, tháng Mười, năm 2016, trên đường Riderwood Drive, vùng Westside thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, hai con chó nầy tao ngộ chiến vì chó với chó có thương nhau bao giờ! Một trận thư hùng sống mái để phân định ai sẽ làm đại ca ‘chó’ của vùng nầy đã xảy ra quyết liệt!

Dĩ nhiên, con Berger Đức hung hăng như Hitler, rượt con chó kiểng của Jason Loosmore chạy te, kêu ẳng ẳng về nhà nằm thẳng cẳng.

Nó yên lặng bò vào một góc nhà , gặm nhắm nỗi đau thân xác đã lớn mà vết thương lòng vì thua  trận càng lớn hơn.

Mình có ông chủ làm Cảnh sát Mỹ mà đi cắn thua con chó của tay hàng xóm bá vơ;  thiệt là mất mặt bầu cua quá!

Nỗi buồn đau nó cam chịu một mình. Đến khi bớt đau, cảm thấy đời vui trở lại nó mới bò ra để nói với ông chủ mới đi làm về: Vẫn có em bên đời!”

Loosmore thấy con chó mình bị thương tơi tả vì cắn thua chó hàng xóm, lòng đau như cắt!

Loosmore mặc thường phục, đeo huy hiệu cảnh sát bằng sợi dây quàng quanh cổ, mang theo con chó… lửa, tức cây súng lục, tức tối sang nhà Casey Brown cà khịa, gõ cửa, hỏi con Berger của chú mầy có chích ngừa theo luật định hay chưa?

Casey Brown trả lời bằng nắm đấm, tặng Thầy đội vài cục u trên đầu, Loosmore bèn móc chó lửa ra sủa ba viên và Casey Brown đi nằm nhà thương, may mà không tán mạng.

Ra hầu Tòa,  Loosmore khai: “Chó nó cắn chó tui đau quá; nó còn đánh tui đau quá; sợ nó nó đánh tui chết ngắc thì ai nuôi con chó của tui đang bị thương nằm ngắc ngoải  nên tui bắn nó ba phát để tự vệ!”

(He he! Cái lập luận biện hộ của thầy đội nầy nghe cũng quen quen!)

Ông Tòa đang cân nhắc: Nếu thầy đội nầy vì binh con cún, mà móc con chó lửa ra sủa bậy sủa bạ, cộng tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp có thể bị bóc lịch từ 2 cuốn đến 20 cuốn thêm 10 ngàn đô tiền phạt vạ.

Thiệt! Ỷ mình làm Cảnh sát rồi muốn làm gì thì làm hay sao cà?

Chó nó là chó Berger cắn chó mình chó kiểng; chó kiểng cắn không lại thì mình đi mua con Bulldog ngầu hơn về chơi cho con Berger nầy một trận để biết thế nào là lễ độ.

Quân tử trả thù mười năm chưa muộn mà! Hốp tốp mà chi để giờ có cơ nguy vô hộp?

Trường hợp chó tui mà bị chó nhà hàng xóm ăn hiếp như vậy; tui sẽ núp sau hàng rào, xít con chó cò của tui ra khiêu chiến.

Chờ con Berger nầy ló mặt ra, tui lấy giàn ná chơi cho mầy vài viên đất sét; là từ rày về sau mầy sẽ bỏ cái thói hung hăng.

***

nam tuat la con cho co 07Cũng chuyện chó mà năm rồi nhém chút nữa là tui bay một nửa căn nhà, một nửa chiếc xe và một nửa tiền hưu trí rồi đó chớ.

Chẳng qua má của em yêu, tức bà già vợ tui ở Việt Nam bịnh, sắp hui nhị tì nên em tất tả bay về thăm; sợ không còn thấy mặt má mình trước phút lâm chung, xa lìa trần thế!

Nhưng nhờ kiều hối, đô Úc và thịt bò cũng của Úc bỏ bọc ny long mang về, làm bò nhúng giấm ăn, hiệu nghiệm như thuốc tiên nên má em hồi phục.

Bay trở qua, em yêu hỏi thằng cu con tui: “Lúc má vắng nhà, tía mầy có ‘mèo chó’ với con nhỏ hàng xóm hay không?”

“Má đừng lo. Dì hai hàng xóm ghét ba lắm đó. Dì ấy chửi ba là con chó!”

“Ê con chó cưng của em! Bộ vợ vắng nhà; nên mặt buồn như cha mới chết vậy?”

Nghe con nói vậy, em yêu bèn nổi tam bành lục tặc, gầm lên: “Đúng là đồ hám gái! Rậm rật như chó tháng Bảy. Đồ chó chết!”

Chó chết là hết chuyện. Giao thừa tới rồi! Xin phép bà con cho tui ngừng bút tán láo về con chó. Để tui dọn con gà ra đặt trên bàn cúng, rước ông bà về vui ba bữa Tết.

Tàn cây nhang, em yêu rinh con gà xuống, xé phay với bắp chuối hột cho tui nhậu chơi.  Con chó cò nhà tui sẽ được hưởng sái vài khúc xương! Quá đã!

Xong chừng chục lon; bảo đảm với bà con là thầy trò tui sẽ quên hết chuyện buồn năm cũ mà vui như Tết tới!

Cung Chúc Tân Xuân!

đoàn xuân thu.

melbourne