Nằm Trong Đất Lạnh Chắc Em Sầu
Vưu Văn Tâm
Anh Hoài hẹn với Út đi mua hoa, mua nến để viếng thăm chị Thắm nhân ngày lễ tảo mộ. Khác với lễ Thanh Minh bên mình vào tiết tháng ba âm lịch, giữa khi mùa xuân đang trổ cành và sanh thêm lá mới, lễ tảo mộ nơi đây rơi vào ngày đầu của tháng mười một dương lịch. Theo suy nghĩ (thường không được suôn sẻ) của Út, có lẽ khởi đầu cuộc sống con người được so sánh với mùa xuân và khi lìa đời giống như thu vàng úa lá nên mọi người ở đây chọn mùa thu là mùa đi tảo mộ cũng như tưởng nhớ đến người quá cố. Anh Hoài không muốn đi vào buổi sáng vì ngại đông người nên chọn giờ giấc buổi chiều, may ra thưa thớt hơn một chút và cũng muốn có được một không gian yên ắng, riêng tư dành cho người đã khuất.
Không ai bảo ai, hai anh em dọn sạch sẽ đám cỏ dại, hốt gọn mớ lá khô chung quanh ngôi mộ và chùi rửa lại tấm bia cũng như bức chân dung của người quá cố. Chẳng mấy chốc, ngôi mộ đã trở nên mới mẻ và tươm tất hơn. Đôi mắt đẹp, thoáng nét u buồn dường như đang mỉm cười với hai anh em cho dù chị Thắm xa rời cõi tạm này đã mấy chục năm rồi.
Ngày đó, chiếc ghe vượt biển với hơn năm chục con người xuôi theo chiều gió dạt trôi vào vịnh Thái-Lan và không may gặp hải tặc. Chị Thắm cũng như bao người phụ nữ trên ghe là nạn nhân của cuộc cưỡng hiếp tập thể sau khi vàng bạc, của tiền trên ghe đã bị vét sạch. Anh Thắng là hôn phu của chị Thắm không chịu được thảm cảnh đó đã tặng một quả đấm ‘nhá lửa’ vào mặt thằng người Thái hung tợn đang vận mỗi chiếc xà-rông (sarong). Mấy tên còn lại từ góc tàu bên kia lao vào trả đũa và liệng anh xuống biển trong khi mưa giông vây bủa tư bề. Chị Thắm chỉ còn thấy được đôi tay của anh đang vẫy vùng tuyệt vọng giữa dòng nước xám ngắt rồi từ từ chìm khuất vào lòng biển rộng.
Đến được quê hương thứ ba, chị đã gắng công xây dựng lại cuộc đời mới, học ngôn ngữ, học nghề chuyên môn và ra trường với tấm bằng loại giỏi. Tuổi đang xuân cộng thêm hương sắc vẫn rạng ngời nhưng chị chối bỏ mọi cuộc vui và từ chối luôn cả tình yêu của anh Hoài, đang sống chung trong một thành phố, cho dù anh là người lịch lãm, có học thức và rất điển trai. Chị e ngại từng cái nắm tay và sợ sệt mỗi khi sánh bước cùng anh xuống phố. Lúc đầu, ai cũng ngỡ là chị tỏ ý kén chọn hay có những ước vọng cao xa nhưng nào ai biết được vết thương ngày vượt biển chưa hề được vá lành trong tâm trí. Bao năm qua, chị sống đời cô quạnh như một nữ tu, giờ rỗi rảnh chỉ biết tìm vui với công việc lặt vặt trong nhà và bén duyên cùng thơ văn, sách vở.
Anh Hoài đã nhiều lần đưa chị đến bác sĩ tâm lý và trải qua bao cuộc hội chẩn cũng như điều trị nhưng chị không thể quên được vết thương ngày cũ. Chị đã không vượt qua được chính mình và cứ nuôi nấng trong lòng cái bóng mờ dĩ vãng buồn thiu như cổ tích. Ngày nọ, khi Út đi cắm trại cùng bè bạn và anh Hoài có việc phải đi xa thành phố đôi ngày, chị đã kết liễu đời mình khi tóc tai còn xanh thắm. Chị tên Thắm nhưng duyên tình không thắm, cả cuộc đời chị từ sau lần cất bước ly hương là chuỗi ngày quạnh quẽ, buồn tênh trên xứ lạ.
Trận gió thu làm rụng rơi gần hết lá trên cao, những chiếc lá còn xanh cũng vội vã lìa cành trong cơn lốc xoáy. Mùa thu đang đến và nhuộm cả không gian một màu vàng ảm đạm, mây xám xây thành, mặt trời đi ngủ sớm. Út thấy dòng nước mắt của anh Hoài lặng lẽ rơi rơi. Anh tiếc nhớ người thương đã đi xa, xót xa cho một phần số không may hay đang khóc cho một cuộc tình không trọn vẹn. Hình như từ trong cõi xa xăm nào đó, tiếng nức nở bi ai nương theo gió chiều nghe chạnh lòng người ở lại ..
Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu (*)
TV, 04.11.2022
(*) ‘Gửi người dưới mộ’, thơ Đinh Hùng