Mùa trăng tháng Tám – trôi về phía Hàn Mặc Tử

Phan Văn Thạnh

Khi nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong (1930-1965) đặt bước chân đầu tiên lên nguyệt cầu hoang vu (ngày 20/7/1967), để lại câu nói bất hủ “Một bước đi nhỏ của con người, một cú nhảy vọt của loài người”, thì giấc mơ trăng của các thi nhân xưa bỗng dưng trong nháy mắt trở thành mộng vỡ tan tành – Cây đa, chú cuội, chị Hằng … bị bóc trần trơ trụi !

Riêng thi sĩ Phạm Ngọc thật tỉnh táo “Nếu trăng thôi là nguyệt” thì “em vẫn mãi là em”… bằng xương, bằng thịt trong anh, trong cõi ta bà nhiều hệ lụy này.

Nếu trăng thôi là nguyệt
chẳng còn gì nữa
loài người nhọc nhằn kiệt sức
quả đất cũng ngừng quay
nếu trăng thôi là nguyệt
em vẫn mãi là em… 

Thực tế là vậy nhưng rồi dẫu sao vẫn còn đó gương trời vành vạnh – vẫn còn đó nguồn thi hứng bất tuyệt đeo đẳng những con chữ vằng vặc trong thi ca Việt.

Ức Trai tiên sinh với Mộng sơn trung – đã mở ra một trời trăng đẫm chất nhàn tản vô vi, một cõi tiêu dao thanh tịnh:       

Thanh Hư động lý trúc thiên can
Phi bộc phi phi lạc kính hàn
Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy
Mộng kỵ hoàng hạc thượng tiên đàn

Lê Cao Phan dịch

Trong động Thanh Hư trúc cả nghìn
Như màn gương thác đổ triền miên
Đêm qua trăng sáng trời như nước
Mộng cưỡi hạc vàng lên cõi tiên

(Mộng trong núi – Nguyễn Trải)

 Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu để lại hậu thế giấc mơ tuyệt vời “Muốn làm thằng cuội”. Bài thơ nhuốm màu yếm thế, thứ yếm thế rất nhân văn, nói chán mà không chán khi ao ước được cùng chị Hằng mỗi năm rằm tháng Tám “tựa nhau trông xuống thế gian, cười”:

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi
Trần giới em nay chán nữa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu, có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.         

Đến Hàn Mặc Tử vầng trăng khi vào ra ngưỡng cửa tâm hồn chàng đã tháo tung hả hê: say trăng, rượt trăng, uống trăng, ngủ với trăng, ngợi ca trăng vàng, trăng ngọc, ngậm đầy một miệng trăng, rao bán trăng…

Nhiều tứ thơ như “thánh ngôn” tuyệt bút đẩy trí tưởng tượng lãng mạn của thi nhân lên tột bậc của trạng thái siêu thực (romantisme jusqu’au bout) :

Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
…Tối nay trăng ở khắp phương
Thảy đều nao nức khóc nường vu quy
Say! Say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

(Say trăng )

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

(Bẽn lẽn)

Nhiều hình ảnh rất ấn tượng mở ra những liên tưởng tinh tế vừa tả,vừa gợi kỳ thú :

  –Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ.
…Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô

 (Huyền ảo)      

 Nói “trăng thẹn thò” là cách nói nhân hóa vẻ đẹp tinh khôi, e ấp của người thiếu nữ kỳ tơ liễu – nhưng so sánh và ngửi được hương trăng – “thơm như tình ái của ni cô” thì kỳ thực khó có thể tưởng tượng nổi – hình ảnh ni cô đạo hạnh tương tự người nữ tu trong đạo Chúa, chứa đựng một thực thể Eva nguyên trinh trong vắt, mở ra hình tượng đầy cảm xúc thẩm mĩ.

Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!” gợi ta liên tưởng câu Kiều của Nguyễn Du “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” – ngấm vào thơ Hàn nghe thống thiết.

Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!

(Một nửa trăng)

 Hàn Mặc Tử ra đi khi tuổi đời đong đầy thanh xuân (1912-1940). Những duyên tình ngắn/dài, thực/ảo, tiếng khóc/tiếng gào rú… ký thác trong bóng nguyệt, đã gần như giải phóng triệt để “cái tôi trữ tình”, làm nên những trang thơ mới mẻ, độc nhất vô nhị trong văn chương Việt !  

Sáng lập Trường thơ Loạn (1938), Hàn Mặc Tử đã bày tỏ quan niệm về thơ: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng… Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi !…” (Lời tựa tập Thơ Điên)

Trong “Thi nhân Việt Nam”(1941) – Hoài Thanh-Hoài Chân đã ghi nhận  sự có mặt của Trường thơ Loạn trên dòng chảy thi ca Việt:

“Trái hẳn với lối thơ tả chân có lối thơ Hàn Mặc Tử – Chế Lan Viên. Cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire, và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả “Chuyện lạ”,… cả hai đều cai trị trường thơ Loạn và chiêu tập một số đồ đệ là Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Xuân Khai (tức Yến Lan)…”(tr35)

Thơ thuộc trường phái “loạn” ngập ngụa những trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy… Nhiều người hoan nghênh nhưng cũng không ít người chê bai. Hoài Thanh kể: “Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo: Hàn Mặc Tử thơ với thẩn gì, toàn nói nhảm!”. Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: “Thơ gì mà rắc rối thế. Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc gì, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!”. Đặc biệt Xuân Diệu là người ghét cay ghét đắng những vần thơ điên của Tử…(tr 202)

Đúng là hiện tượng “thơ điên-loạn”đã gây sốc cho nhiều người.“Điên loạn”phải chăng là cách giải quyết sự bế tắc trong tư tưởng ? Hàn Mặc Tử đã dẫn dắt các thi sĩ sáng tác khá nhiều vần thơ kỳ dị cho đến lúc chàng rời bỏ cuộc đời vào năm 1940.

Theo mây khói trôi về phía Hàn Mặc Tử, tôi chợt nghĩ – cho dù  trăm nghìn năm sau nguyệt cầu có ra sao – có biến thể thành “siêu trăng máu” (*) thì “độc quyền chiếm hữu” vẫn thuộc về chàng Nguyễn Trọng Trí !

Điều cảm động khi mộng tàn, mộng biến đi thì Hàn bỗng nhận ra : “…những điều tôi vừa thoáng thấy toàn là huyền hoặc cả ? Có lẽ nào! Tôi đã thấy thực như đã thấy sự sống của tôi. Nhưng phút giây trong sáng đây không phải là phút giây mê sảng nữa. Có ai nhận thấy hai hàng nước mắt rưng rưng của tôi không? “Chiêm bao với sự thực”- (Chơi giữa mùa trăng – NXB An Tiêm,Saigon1969,tr 82).

Ngồi trong mùa trăng tháng tám,tôi nghe văng vẳng đâu đây : “Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ/Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia/Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao/Mặc Tử nay còn đâu?/Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng.” (Trần Thiện Thanh)

 Phan Văn Thạnh                                                                            

(viết 2012 – bản sửa  31/8/2022)

 (*) “Siêu trăng máu” vốn là hiện tượng siêu trăng và nguyệt thực toàn phần. Siêu trăng xảy ra khi mặt trăng ở vị trí gần Trái Đất trên quỹ đạo đúng ngày trăng tròn, trông to hơn trăng tròn thông thường. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và mặt trăng xếp thẳng hàng, mặt trăng rơi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất, biến thành màu đỏ nên còn gọi là “trăng máu”.