Một Vài Kỷ Niệm Vui Buồn   

Lâm Vĩnh Thế 

(Đã đăng trong Giai phẩm kỷ niệm 45 năm Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, 1965-2010, tr. 70-71)

 mot vai ky niem 01

Mùa tựu trường niên khóa 1966-1967, tôi nhận được Sự Vụ Lệnh của Bộ Giáo Dục thuyên chuyển từ Trường Trung Học Kiến Hòa (Bến Tre) về Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Tôi rất mừng vì, ngoài chuyện được về gần Sài Gòn, còn được tham gia giảng dạy ở một ngôi trường hiện đại nhứt của đất nước thời bấy giờ với một nội dung và phương pháp giảng dạy hoàn toàn mới mẻ.  Lúc đó tôi chỉ mới thấy được điều nầy thôi. Tôi làm sao có thể biết trước được thời gian phục vụ tại Trường KMTĐ sẽ là một phần rất quan trọng trong hành trang kỷ niệm của cuộc đời mình. Vì giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin kể một vài chuyện vui buồn mà thôi.

Khi Thầy Dương Văn Hóa (về sau là Hiệu Trưởng) đảm nhận chức vụ Tổng Giám Thị tại Trường KMTĐ, thay cho Thầy Nguyễn Huy Du rời trường đi nhận nhiệm sở mới, thì tôi là Phụ Tá của Thầy Hóa.  Trong những năm ấy, Thầy Hóa và tôi đã cộng tác rất chặt chẻ trong nhiệm vụ mà Cô Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Nguyệt giao phó.  Tôi không bao giờ quên được những buổi chiều hai anh em chúng tôi phải vất vả với việc sắp xếp lại lộ trình cho các xe buýt của Trường vì có 2 hay 3 xe bị hư không chạy được.  Một kỷ niệm vui cho hai anh em chúng tôi đã xảy ra vào một ngày khi Thầy Hóa phải thi hành hình phạt đối với một nam sinh: đó là em Phan Chí Nam. Tôi không còn nhớ em Nam phạm lỗi gì, chỉ nhớ là Thầy Hóa gọi em Nam vào văn phòng Tổng Giám Thị, đóng cửa lại là bảo em Nam nằm xuống để chịu hình phạt mấy roi.  Đột nhiên em Nam nói một câu như sau: ”Dạ, xin Thầy cho phép em nằm theo cái chiều nầy để Thầy đánh cho dễ nha.” Nghe cái câu đó, Thầy Hóa và tôi không thể nhịn cười được. Kết quả là Thầy Hóa tha cho em Nam và cho em ra khỏi phòng mà không đánh một roi nào cả.

Năm 1968, sau vụ Mậu Thân, Luật Tổng Động Viên được ban hành.  Tất cả các nam Giáo sư của Trường KMTĐ, cũng như các trường khác trên toàn quốc, trừ các vị là cựu quân nhân, như Thầy Dương Văn Hóa và một vài vị nữa mà tôi không còn nhớ ra, đều phải nhập ngũ.  Sau độ một tuần lễ tại Trung Tâm 3 Nhập Ngũ, tất cả chúng tôi đều được chuyển sang Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, trở thành Khóa Sinh Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị của Tiểu Đoàn Trần Quốc Toản.  Đó là tên chính thức của Tiểu Đoàn; còn tên nôm na tại Quang Trung thì đó là Tiểu Đoàn Giáo Chức (viết tắt là Tiểu Đoàn G.C., mà anh em chúng tôi thường gọi đùa với nhau là Tiểu Đoàn “Gà Chết”).  Sau 9 tuần lễ huấn luyện, tất cả đều được biệt phái trở về trường.  Trong thời gian 9 tuần nầy, 3 tuần lễ đầu chúng tôi không được đi phép, chỉ có gia đình lên thăm vào sáng Chúa Nhựt tại Vườn Tao Ngộ mà thôi.  Từ tuần thứ 4 trở đi thì được đi phép về thăm gia đình.  Việc đi phép được thi hành theo hai lối: 1) Đi từ 1 giờ trưa Thứ Bảy và trở vô trại sáng Chúa Nhựt trước 8 giờ; 2) Đi từ 8 giờ sáng Chúa Nhựt và trở vô trại trước 6 giờ chiều Chúa Nhựt.  Dĩ nhiên được đi phép theo lối 1 thì “ngon” hơn nhiều vì nhiều ngày giờ hơn, và được cả một buổi tối Thứ Bảy để đi chơi ở Sài Gòn cùng với gia đình.  Trong một cuối tuần, tôi không còn nhớ là tuần thứ mấy nữa, tất cả nam giáo sư KMTĐ đã được một món quà bất ngờ là được đi phép từ 1 giờ trưa Thứ Bảy đến 6 giờ chiều Chúa Nhựt. Phép Đặc Biệt nầy chỉ áp dụng cho các Khóa Sinh gốc là Giáo sư Trường Trung Học Kiểu Mẫu mà thôi.  Ly do của Phép Đặc Biệt nầy thật là ngoài sức tưởng tượng của mọi người: Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn Khóa Sinh (chỉ huy tất cả các tiểu đoàn khóa sinh) của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lúc đó đã ký Giấy Phép Đặc Biệt nầy theo lời yêu cầu của một người bạn thân, và người bạn thân đó chính là Thầy Lê Hoàng Long, giáo sư Âm Nhạc của Trường Trung Học KMTĐ.

Có kỷ niệm vui thì cũng có kỷ niệm buồn.  Có hai kỷ niệm buồn mà tôi không bao giờ quên được: kỷ niệm đầu liên quan đến một Giáo sư, và kỷ niệm thứ nhì liên quan đến một em học sinh.  Kỷ niệm buồn đầu là đám tang của Thầy Nguyễn Doãn Đức, giáo sư hội họa. Thầy Đức đã dùng lựu đạn tự kết liễu đời mình vì một chuyện oan ức gì đó mà Thầy không thể rửa oan được. Tôi còn nhớ mọi người, cả thầy cô và học sinh, đều khóc khi Thầy Nguyễn Nhã đọc điếu văn.  Kỷ niệm buồn kia là tai nạn xảy ra cho em Nguyễn Văn Mai (Khóa 5).  Tôi vẫn còn nhớ như mới hôm qua: tôi đang ăn trưa trong Phòng Ăn (dãy phòng ở cuối trường) cùng với một số Thầy Cô khi các em học sinh chạy vào báo tin về tai nạn.  Tôi cùng các Thầy Phạm Văn Quảng, Nguyễn Nhã, Huỳnh Văn Nhì, Dương Hồng Quân, và có lẻ một số vị khác nữa mà tôi không còn nhớ ra, lập tức chạy ra khu vực đó.  Chúng tôi vội vả cổi bỏ quần áo, chỉ còn mặc quần đùi, lội xuống hố nước đỏ, đục ngầu đó.  Chúng tôi (các thầy và hình như có một số các em học sinh các lớp lớn nữa thì phải) nắm tay nhau, giang hàng ngang, sau đó đếm một hai ba, rồi nín thở, cho cả thân hình chìm xuống hố nước, dùng chân đạp xuống đáy hố để từ từ đi tới.  Sau một chập thì trồi lên để thở rồi làm tiếp. Một lúc sau thì một người trong chúng tôi đạp chạm vào người em Mai. Chúng tôi lập tức mang em lên ngay, và dùng mọi cách cấp cứu để hồi sinh em nhưng không có kết quả vì em đã bị ngộp quá lâu.  Tuy gia đình em Mai hoàn toàn thông cảm với nhà trường nên không có chuyện kiện thưa gì bất lợi xảy ra cho nhà trường nhưng đối với tất cả thầy cô và học sinh KMTĐ thì đó là một chuyện đau buồn chung khó quên được.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường, thầy trò Trường KMTĐ tổ chức Họp Mặt Toàn Cầu tại Nam Cali, Hoa Kỳ.  Chúc tất cả mọi người nhiều Sức Khỏe, Hạnh Phúc, May Mắn và Thành Công, tôi xin kết thức bài viết nầy với bài thơ sau đây:

Kiểu Mẫu ngày xưa hay hôm nay

Vẫn là Kiểu Mẫu chẳng đổi thay

Trường xưa còn mãi trong kỷ niệm

Tình nghĩa thầy trò chẳng lợt phai.

Hamilton, Ontario, Canada

Ngày 6 Tháng 8 Năm 2010