Minh Trị Duy Tân – Vai trò của Trí thức và Doanh nhân
Trần Thạnh
(Nguồn: Tập San số 14 của Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long, Úc Châu, 2020.)
Abstract:
In the second half of the nineteenth century, many Asian countries witnessed the intervention of Western countries where earlier industrial revolutions had put them in a superior position in terms of armed forces. While the Nguyen dynasty in Vietnam, like many other Asian dynasties including China, was confused in front of this unavoidable turning point of the course of history, Japan under Emperor Meiji found its way for restoration, avoided foreign invasion, and became a modern industrialised country. How did all these developments happen in such a short period of time, from 1868 until 1912 when Meiji died? What are the roles of Emperor Meiji in connection with intellectuals and business leaders in this restoration, which turned Japan into a world power? What are the lessons to be learnt for Vietnamese? This short article sheds some lights on these issues.
Năm 1855, chính phủ Pháp dưới triều Napoléon III đặc phái sứ giả de Montigny sang các nước Á châu để thương lượng hiệp ước thông thương. Ngày 16 tháng 9 năm 1856, vì gặp khó khăn với các quan lại Việt Nam trong việc trình thư của de Montigny lên triều đình Huế, thuyền trưởng Le Lieur của tàu chiến Catinat bắn phá các pháo đài trấn thủ cửa biển Đà Nẵng [1] [2]. Đây là tiếng súng báo hiệu, mở đầu cho việc Pháp xâm lăng Việt Nam. Tiếc thay vua quan nhà Nguyễn lúc đó đã tỏ ra lúng túng trong việc đối phó với sự can thiệp của phương Tây.
Trước đó không lâu, ngày 8 tháng 7 năm 1853 tướng Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry mang bốn chiến hạm vào vịnh Edo (tên cũ của Tokyo) đe doạ Nhật Bản [3]. Triều đình Nhật Bản kịp thời thức tỉnh và quyết tâm cải cách đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Thiên Hoàng Minh Trị, nước Nhật đã nhanh chóng thay đổi và theo kịp văn minh phương Tây trong khoảng thời gian 44 năm, từ khi Hoàng đế Minh Trị trở lại năm chính quyền (1868) đến khi ông qua đời (1912).
Thiên Hoàng Minh Trị đã có tác động gì trong giai đoạn này? Trí thức, doanh nhân, và các nhà lãnh đạo kỹ nghệ Nhật đã đóng vai trò gì trong cuộc duy tân này? Bài này nhằm tìm hiểu hoàn cảnh đưa đến cuộc duy tân, sự lãnh đạo của Nhật hoàng, và vai trò của hai trí thức và doanh nhân tiêu biểu đã giúp canh tân Nhật Bản, đưa đất nước này lên địa vị cường quốc trên thế giới.
Nhật Bản trước thời Minh Trị
Các chứng tích khảo cổ cho thấy con người đã xuất hiện trên quần đảo Nhật Bản 30 ngàn năm trước Tây lịch. Dân tộc Nhật tương đối thuần chủng, nói và viết cùng một thứ tiếng. Sự thuần chủng này là một niềm tự hào của người Nhật. Thiên Hoàng của Nhật Bản thuộc một dòng họ duy nhất trong suốt lịch sử của nước này. Dòng họ này được xem là con cháu của Thái Dương Thần Nữ (tức Thiên Chiếu Đại Thần, 天照大神, Amaterasu).
Từ thế kỷ thứ 10, Thiên Hoàng mất đi quyền hành thực sự vào tay các tướng quân (hay còn gọi là Mạc chúa, shogun) trong vai trò nhiếp chánh. Tuy vậy Thiên Hoàng vẫn còn ảnh hưởng về mặt tinh thần và tôn giáo. Chính truyền thuyết về nguồn gốc thần thánh đã giữ được ngai vàng cho dòng họ nhà vua. Chế độ Mạc phủ (Shogunate hay Bakufu) cha truyền con nối, do nhiều dòng tộc tranh giành qua các cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thế kỷ. Mạc phủ nghĩa đen là chỗ quan tướng ở (mạc 幕: bức màn che; phủ 府: nhà ở), nghĩa rộng là nơi tập trung quyền hành. (Có thể so sánh chế độ Mạc phủ với giai đoạn vua Lê và chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam.)
Năm 1600, Tướng quân Tokugawa Ieyasu thống nhất đất nước sau khi đánh bại các lãnh chúa khác. Năm 1603 ông xưng là Mạc chúa, đặt Mạc phủ tại Edo (tức Tokyo ngày nay). Vì vậy trong thời kỳ này Edo là trung tâm quyền lực, là thủ đô không chính thức (de facto capital), còn thủ đô Kyoto (nơi đặt triều đình của Thiên Hoàng) trở thành trung tâm văn hoá và thương mại (xem [4] trang 165). Lịch sử Nhật Bản gọi thời kỳ từ năm 1603 đến năm 1868 (khi chế độ Mạc phủ cáo chung) là thời kỳ Edo.
Trong giai đoạn này, nước Nhật được cai trị bởi dòng tộc Mạc phủ Tokugawa, bên dưới là các daimyō (大名, đại danh) với lãnh địa riêng. Đại danh là lãnh chúa phong kiến sở hữu một vùng đất mà họ cai trị, cha truyền con nối. Dai hay đại là lớn, myō là chữ tắt của myōden nghĩa là danh điền, 名田, đất đai tư. Mạc phủ không phải là một chính phủ trung ương tập quyền. Các đại danh thần phục Shogun (Mạc phủ) nhưng cai trị lãnh địa của mình theo luật lệ riêng. Tuy vậy hệ thống giao thông đường bộ và đường thuỷ toả rộng khắp nơi trong nước giúp thúc đẩy kinh tế, thương mại, và cả văn hoá phát triển mạnh ( [4] Chương 9, 10). Sách vở phương Tây gọi thời đại Mạc phủ Tokugawa là Tokugawa Shogunate hay Tokugawa Bakufu.
Các Mạc chúa Tokugawa nắm quyền cai trị Nhật Bản trong hai thế kỷ rưỡi, quyền lực được lưu truyền trong dòng tộc Tokugawa kéo dài 15 đời. Thế lực của gia tộc này mạnh đến độ nhiều người phương Tây lúc bấy giờ lầm tưởng Mạc chúa là hoàng đế của Nhật Bản, còn hoàng đế có hình ảnh như Đức Giáo hoàng ( [3] Chương I).
Nước Nhật từ thế kỷ 17 áp dụng chánh sách bế môn toả cảng và cấm đạo Thiên chúa. Chỉ có Hà Lan và Trung quốc là hai quốc gia duy nhất có giao dịch thương mại tại Nagasaki. Đối với giới cầm quyền, việc giao dịch và truyền đạo của người ngoại quốc là mối đe doạ cho quốc gia, một đất nước đặt nền tảng trên Thần Đạo, Khổng giáo và Phật giáo. Nhiều giáo sĩ Thiên chúa bị giết hại trong thời kỳ này. Chính sách đóng cửa này kéo dài đến thế kỷ 19, khi các nước phương Tây bắt đầu nhắm đến nước Nhật: Nga ở phía Bắc, Anh ở phía Nam sau khi đã thôn tính Ấn Độ và Mã Lai, và đất nước trẻ Hoa Kỳ ( [3] Chương III).
Hoa Kỳ chú ý đến Nhật Bản sau khi họ chiếm được California từ Mexico (năm 1848). Họ nhận ra sự tiện lợi của con đường biển từ California vượt Thái Bình Dương để đến Thượng Hải, nơi mà mức độ giao dịch của Hoa Kỳ chỉ đứng sau Anh quốc. Nhật Bản nằm ngay trên tuyến đường này, lại là nơi có thể tiếp tế than cho các tàu hơi nước của Hoa Kỳ trên đường đến Thượng Hải.
Năm 1852, tướng Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry ghé vịnh Edo (Tokyo) trình bức thư của Tổng Thống Millard Fillmore kêu gọi Nhật Bản mở cửa các hải cảng để tàu bè nước ngoài gặp nạn trên biển được giúp đỡ. Tướng Perry viết kèm thêm một lá thư gửi Mạc chúa cho biết nếu yêu cầu của Hoa Kỳ không được chấp thuận, mùa xuân năm sau ông ta sẽ trở lại với một lực lượng hùng hậu hơn. Năm 1854 Perry trở lại với 8 chiến thuyền để yêu cầu Nhật thực hiện yêu cầu trước đó [4]. Lịch sử Nhật gọi những chiến hạm này là kurofune (hắc thuyền, black ships).
Trước đòi hỏi này của Hoa Kỳ, triều đình Mạc phủ phản ứng với nhiều ý kiến trái ngược. Một nhóm nhỏ, đại diện là Tokugawa Nariaki, coi yêu cầu của Hoa Kỳ là xấc xược, xúc phạm danh dự dân tộc Nhật. Họ chấp nhận chiến tranh. Một nhóm nhỏ khác, đại diện là Ii Naosuke, thấy được sự yếu kém của quân đội Nhật nên chấp nhận nhượng bộ, với mục đích tranh thủ thời gian để phát triển quân đội theo kỹ thuật phương Tây. Đa số còn lại không có thái độ rõ rệt. Thay vì đề nghị một giải pháp cụ thể, họ chỉ nói những điều sáo rổng về trách nhiệm với tổ tiên và kêu gọi hoà bình.
Trước sự bất nhất này, Abe Masahiro, nhân vật cao cấp nhất trong Hội đồng Tokugawa, quyết định chấp nhận những yêu cầu căn bản của phía Hoa Kỳ nếu sự thương lượng thất bại. Trước thái độ không khoan nhượng của Perry, sự thương lượng thất bại, và một thoả ước được ký kết vào tháng 3 năm 1854. Theo thoả ước này, Nhật đồng ý mở cửa cảng Shimoda (cách Tokyo khoảng 200km về phía Nam) và cảng Hakodate (thuộc quần đảo Hokkaido ở phía Bắc) cho tàu bè gặp nạn trên biển được vào lánh nạn, giúp đỡ người gặp nạn trên biển, đồng thời mở lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Shimoda. Thắng lợi duy nhất của chính quyền Edo là thoả ước không có bất cứ điều khoản nào về quyền giao dịch thương mại của Hoa Kỳ.
Trong khoảng thời gian vài năm sau thoả hiệp này, các nước phương Tây bận đối phó với Trung quốc nên tạm thời Nhật Bản được yên. Chứng kiến những gì đang xảy ra tại Trung quốc, các nhà lãnh đạo Nhật biết chắc điều tương tự sẽ xảy ra cho Nhật, trừ phi họ thay đổi. Lợi dụng khoảng thời gian tạm yên đó, Mạc chúa chú ý canh tân quân đội, lập các hãng đóng tàu, mở trường hàng hải dưới sự huấn luyện của người Hà Lan ( [3], Chương IV). Họ đã khôn khéo nhận ra rằng mở cửa cho các nước phương Tây vào giao dịch là điều không thể tránh khỏi, vì vậy phía Nhật phải chuẩn bị cho những điều khoản có lợi nhất cho đất nước. Họ nhận ra rằng nếu đợi đến khi khủng hoảng xảy ra, đất nước sẽ không được cứu vãn. Nếu không có kế hoạch đối phó, cuối cùng họ phải chấp nhận tất cả những điều kiện mà ngoại bang đưa ra ( [3] trang 102).
Tuy nhiên thời kỳ hoà hoãn này kéo dài không lâu. Đến mùa hè năm 1858 Nhật Bản phải ký kết một loạt các hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây. Đầu tiên là hiệp ước với Hoa Kỳ, do Townsend Harris (Lãnh sự Hoa Kỳ tại Shimoda từ tháng 9 năm 1856) soạn thảo. Những điểm chính trong thoả ước này bao gồm: 1) Nhật Bản mở cửa các hải cảng Nagasaki, Kanagawa (Yokohama), Niigata, Hyogo (Kobe) cho Hoa Kỳ vào buôn bán; 2) Thương buôn ngoại quốc được phép đến Edo và Osaka; 3) Hoa Kỳ đặt một công sứ tại Edo; 4) Người Mỹ tại Nhật khi phạm pháp phải được xử theo luật lệ của Hoa Kỳ. Các hiệp ước tương tự sau đó được ký kết với Anh, Pháp, Hà Lan, và Nga ( [3] Chương IV, [4] Chương 11).
Việc ký kết các hiệp ước bất bình đẳng trên, chỉ được thảo luận trong một nhóm nhỏ các thành viên cao cấp của Hội đồng Mạc phủ, tất nhiên gặp sự chống đối của các thành viên khác và của tầng lớp võ sĩ (samurai). Chính sự rạn nứt này là tiền đề để Thiên hoàng trở lại nắm quyền hành. Tầng lớp võ sĩ nhận thức tầm quan trọng của việc tập trung sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc dưới sự điều khiển của Thiên hoàng, thay vì bị phân tán thành các lãnh địa dưới quyền các đại danh (daimyō). Những người chống đối chế độ Mạc phủ tự xưng là shishi (志士, chí sĩ, men of spirit). Họ thuyết phục vị hoàng đế trẻ Mutsuhito (Meiji, Minh Trị) ủng hộ họ để lật đổ chế độ Mạc phủ. Ngày 3 tháng 1 năm 1868, chính quyền Mạc phủ Tokugawa chính thức cáo chung, bắt đầu thời kỳ Minh Trị. Từ nay quyền lực thực sự nằm trong tay Thiên Hoàng.
Minh Trị Duy Tân
Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) là tên gọi thời kỳ lịch sử của nước Nhật kéo dài từ năm 1868 đến năm 1912. Đây là giai đoạn canh tân đưa Nhật Bản từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc kỹ nghệ và quân sự trên thế giới. Chính nhờ cải cách, nước Nhật đã thoát khỏi sự đô hộ của phương Tây.
Thật ra từ đầu thế kỷ 18 người Nhật đã bắt đầu quan tâm đến nền kỹ nghệ phát triển ở các nước phương Tây. Trào lưu Rangaku (蘭學, Lan học hay Hà Lan học, Dutch studies) nở rộ từ thời kỳ này. Các thầy thuốc Nhật quan tâm học hỏi và nghiên cứu Tây y, nhất là khoa giải phẩu. Chứng kiến sự thất bại của Trung quốc và Ấn Độ trước các nước phương Tây, Nhật Bản nhận ra con đường giúp họ bảo vệ được đất nước là nhanh chóng học hỏi nền kỹ thuật của phương Tây. Chính quyền Mạc phủ gửi nhiều phái đoàn sang học hỏi ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Các võ sĩ (samurai) nhận thức được tầm quan trọng của khoa học quân sự phương Tây, của toán học trong việc tính toán đạn đạo, của hoá học trong việc chế tạo chất nổ. Khi ghé Nhật vào năm 1853, Perry đã ngạc nhiên khi thấy có người Nhật hiểu được nguyên tắc của máy hơi nước. Trong vòng một hai năm sau, tàu hơi nước của Nhật được hạ thuỷ ( [4] trang 204).
Việc mở cửa cho người nước ngoài vào các hải cảng năm 1859 một mặt nào đó giúp thúc đẩy sự tiếp xúc của người Nhật với phương Tây. Nhiều phái đoàn Nhật được gửi ra nước ngoài. Phái đoàn được gửi đi năm 1862 gồm nhiều trí thức chuyên về Hà Lan học (Dutch scholars). Ngoài nhiệm vụ ngoại giao thương thuyết các hiệp ước, phái đoàn này đã quan tâm tìm hiểu tổ chức quân sự, đóng tàu, ngân hàng, quản trị hành chánh của Anh, Pháp, và Hà Lan. Tuy nhiên khi trở về nước, tường trình của phái đoàn bị các nhân vật cao cấp trong Hội đồng Mạc phủ dấu đi. Mặc dầu vậy, phái đoàn cũng giúp các nước phương Tây hiểu rõ hơn về Nhật Bản. Những nhân vật quan trọng trong phái đoàn này gồm Terashima Munenori (sau trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Minh Trị), Fukuzawa Yukichi (học giả về văn minh phương Tây quan trọng nhất cho đến cuối thế kỷ 19), Fukuchi Genichirō (chủ bút của nhật báo đầu tiên của Tokyo). Shibusawa Ei’ichi, người được chính quyền Mạc phủ gửi đi dự Hội chợ Triển Lãm Paris năm 1867 trong vai trò kiểm soát tài chánh, trong thời Minh Trị đã trở thành một chủ tịch ngân hàng và doanh nhân thành đạt, giúp phát triển nền kỹ nghệ dệt của Nhật.
Bên cạnh các phái đoàn ngoại giao của chính quyền Mạc phủ, các đại danh (daimyō) cũng gửi người của mình sang học tập ở các nước phương Tây. Ngoài việc học tập về khoa học quân sự, họ còn học về luật, chính trị, kinh tế, công chánh, cả về văn chương và khoa học nhân văn. Khẩu hiệu quan trọng thời bấy giờ là fukoku-kyōhei (富國強兵, phú quốc cường binh, enrich the country–strengthen the army) và bunmei-kaika (文明 開化, văn minh khai hoá, civilization and enlightenment).
Chính những daimyō (đại danh) không còn thần phục Mạc phủ ở miền Tây và Tây Nam của nước Nhật và những shishi (chí sĩ) là động lực chính thúc đẩy cải cách. Ba đại danh có công lớn nhất trong việc lật đổ chế độ Mạc phủ là Saigo Takamori, Okubo Toshimichi (cai trị lãnh địa Satsuma ở cực Nam) và Kido Takayoshi (cai trị lãnh địa Choshu ở Tây Nam nước Nhật). Người ta cho rằng ông ngoại của Hoàng tử Mutsuhito cũng là một thủ lãnh của phong trào cải cách nhằm lật đổ Mạc phủ ( [4] trang 202, 211). Họ đòi hỏi giành lại quyền hành cho nhà vua. Sau khi Thiên hoàng Kōmei qua đời, Hoàng tử Mutsuhito lên nối ngôi ngày 3 tháng 2 năm 1867 khi mới 14 tuổi và đặt niên hiệu là Minh Trị. Tên của ông, Mutsuhito, có nghĩa là Mục Nhân (睦 仁, Mục: hoà kính, hoà mục, Nhân: nhân từ).
Công lao của Minh Trị Thiên Hoàng là đã chấp nhận những đề nghị cải cách và triệt để cải cách. Mạc chúa Tokugawa Keiki, tuy cũng có khuynh hướng cải cách nhưng không còn được sự hậu thuẫn của đa số các đại danh, đồng ý từ bỏ quyền hành sau khi không thể đánh bại phe bảo hoàng. Ngày 3 tháng 1 năm 1868, chính quyền Mạc phủ hoàn toàn sụp đổ, chấm dứt hơn hai thế kỷ rưỡi trị vì nước Nhật.
Một ví dụ nổi bật của việc sử dụng hình ảnh của Thiên hoàng để củng cố quyền hành là việc ban bố lời tuyên thệ (Charter Oath) vào tháng 4 năm 1868, nhằm mục đích trấn an các lãnh địa về thái độ công tâm của những người duy tân. Theo đó tất cả mọi vấn đề của quốc gia từ nay sẽ được quyết định bởi triều đình của Thiên hoàng, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi, không phục tùng một nhóm đặc lợi nào. Những quy tắc và luật lệ tốt đẹp của chế độ Mạc phủ vẫn được bảo tồn ( [3] trang 322). Đây là điểm khôn ngoan của những nhà duy tân Nhật Bản. Họ đã không như những người cách mạng ở một số nước khác, đả phá tất cả những gì thuộc chế độ trước, kể cả những điều tốt đẹp.
Hình 1: Bản đồ nước Nhật năm 1860. Nguồn: Tài liệu tham khảo số [3].
Năm 1869, hoàng cung được dời từ Kyoto về Edo, được đặt tên mới là Tokyo (Đông Kinh). Mạc phủ trước đây là nơi ở của Mạc chúa nay trở thành cung điện của thiên hoàng. Nhiều nhân vật không có thực tài trong giới lãnh đạo trước đó bị thay thế, mở đường cho những người cải cách tham gia phát triển đất nước ( [4] trang 212).
Những nhân vật nhiếp chánh trong triều đình ra sức cử người vào cung dạy dỗ cho vị hoàng đế trẻ tuổi, từ văn chương, khoa học, kỹ nghệ, đến võ bị. Từ một cậu bé yếu đuối và nhút nhát, Thiên hoàng đã trở thành một vị vua cương quyết cải cách và giành lại thực quyền từ các nhiếp chánh. Thiên hoàng tỏ ra là một người canh tân triệt để, từ tổ chức chính trị xã hội, quân sự, đến luật pháp, tài chánh, thuế khoá, giáo dục.
Chính quyền mới chủ trương bãi bỏ các lãnh địa, yêu cầu các đại danh giao đất lại cho Thiên hoàng, thành lập một chính quyền tập trung. Hệ thống pháp lý cũng được cải tổ. Các toà án địa phương được thiết lập từ năm 1871, toà Tối cao được thành lập năm 1875. Từ năm 1890 các chánh án được tuyển chọn qua các kỳ thi với nhiệm kỳ suốt đời. Quyền miễn nhiệm quan toà của Bộ trưởng Tư pháp bị hạn chế từ năm 1886. Hệ thống pháp lý được tách rời khỏi chính trị. Hiến pháp được ban hành năm 1889 biến nước Nhật trở thành một nước quân chủ nửa chuyên chế nửa lập hiến. Thiên Hoàng vẫn là lãnh đạo tối cao và Thủ Tướng do Quốc hội (National Diet) gồm lưỡng viện bầu.
Hình 2: Minh Trị Thiên Hoàng. Nguồn: internet.
Có thể kể ra đây vài cải cách xã hội trong giai đoạn này. Từ ngày 1 tháng 1 năm 1873, Nhật Bản chính thức sử dụng Dương lịch, chuyển việc ăn Tết và các ngày lễ truyền thống khác từ Âm lịch sang Dương lịch. Năm 1870, theo gương các nước phương Tây chính phủ quy định quốc kỳ, một đĩa tròn màu đỏ (biểu tượng cho mặt trời) trên một nền hình chữ nhật màu trắng. Nhật hoàng cũng kêu gọi thay đổi cách ăn uống của dân Nhật, khuyên người dân nên ăn thịt để tăng sức khoẻ của giống nòi. Năm 1871 chính phủ cho phép người dân được để tóc theo kiểu họ thích, không bắt buộc phải búi tóc. Thiên Hoàng là một trong những người đầu tiên thay đổi kiểu tóc. Có câu nói thời bấy giờ “Nếu bạn gõ vào một mái đầu cắt tóc ngắn, bạn sẽ nghe âm thanh của văn minh khai hoá” ( [5] trang 72).
Cải tổ về giáo dục là đáng kể. Trước và sau năm 1868, nhiều đoàn khảo sát Nhật sang Châu Âu và Hoa Kỳ tìm hiểu về giáo dục. Nhiều giáo chức phương Tây được mời sang Nhật giảng dạy. Năm 1879 do ảnh hưởng của vị thầy dạy Nho học, Minh Trị Thiên Hoàng ra huấn lệnh giáo dục, nhấn mạnh việc giáo dục lòng trung thành, đạo hiếu, tinh thần tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Ngoài ra việc giáo dục lòng kính trọng đối với hoàng đế là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều đại học lần lượt ra đời. Đại học Tokyo được thành lập năm 1877, Đại học Waseda năm 1882, Đại học Kyoto năm 1903, và đặc biệt trường đại học tư Keiō Gijuku (còn gọi là Đại học Keiō) do Fukuzawa Yukichi thành lập từ năm 1858.
Các đại học nói trên đã góp phần quan trọng vào việc Tây Âu hoá nước Nhật. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của trí thức trong công cuộc duy tân. Một trong những trí thức xuất sắc đã giúp thay đổi nước Nhật là Fukuzawa Yukichi.
Fukuzawa Yukichi: Trí thức Nhật có tầm ảnh hưởng quan trọng
Các trí thức thời trước và sau Minh Trị Duy Tân nhận rõ vai trò của giáo dục trong việc canh tân đất nước. Họ biết kết hợp hài hoà tư tưởng Đông phương và khoa học kỹ thuật Tây phương. Thay vì xem người Tây phương là giống dân man rợ như một số nhân vật bảo thủ trong chính quyền Mạc phủ, họ kêu gọi phải học tập văn minh tiến bộ của Châu Âu và Hoa Kỳ.


Hình 3: Fukuzawa Yukichi. Nguồn: internet.
Một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu là Fukuzawa Yukichi (1835–1901). Ông sinh ra trong một gia đình võ sĩ (samurai) cấp thấp ở Nakatsu, nay thuộc Kyūshū, quần đảo cực Nam của Nhật. Có lẽ chính nhờ sinh ra ở giai cấp thấp này mà ông không bị ràng buộc bởi những suy nghĩ bảo thủ của tầng lớp thượng lưu. Và cũng chính vì hoàn cảnh bị đối xử tệ bạc bởi những người thuộc tầng lớp cao hơn trong xã hội, nên dù được thụ hưởng một nền Khổng giáo, ông đã nhanh chóng tiếp thu và đề cao tư tưởng tự do và bình đẳng của phương Tây. Ông là một nhà Hà Lan học và là một trong những người Nhật đầu tiên học Anh ngữ.
Một năm sau khi Tướng Hải quân Perry đến Nhật, Fukuzawa theo đuổi Hà Lan học, môn học về phương Tây duy nhất tại Nhật thời bấy giờ. Lúc đó ông mới 19 tuổi. Bốn năm sau ông đã thông thạo tiếng Hoà Lan và mở trường dạy học ở Edo. Các môn học chính được dạy tại trường là y học và khoa học quân sự.
Trong một lần ghé hải cảng Yokohama, Fukuzawa nhận ra rằng với vốn liếng tiếng Hoà Lan của ông, ông không thể giao thiệp với nhiều thương nhân ở đó. Tiếng Anh mới là thứ tiếng ông cần học. Tự tìm cho mình một quyển từ điển Dutch–English (Hoà Lan–Anh) ông bắt đầu tự học. Chính ông là người đã dịch hai chữ “civilization” và “enlightenment” ra tiếng Nhật bunmei (văn minh) và kaika (khai sáng).
Năm 1860, chính quyền Mạc phủ gửi phái đoàn ngoại giao đầu tiên đi Hoa Kỳ. Fukuzawa tình nguyện đi theo phục vụ cho thuyền trưởng Kimura. Trở về Nhật cuối năm đó, ông xuất bản quyển từ điển Anh–Nhật và bắt đầu dạy học sinh tiếng Anh thay vì tiếng Hoà Lan. Năm 1862 ông công du Âu châu với vai trò thông ngôn cho các phái đoàn của Mạc phủ, viếng các nước Anh, Pháp, Đức, Hoà Lan, Nga. Khả năng ngoại ngữ phi thường của ông cộng với kinh nghiệm của những chuyến Tây du đã giúp ông hoàn thành một loạt tiểu luận giới thiệu văn minh phương Tây, như Seiyō jijō (Tây Dương Sự Tình, 西洋事情, Conditions in the West), Seiyō tabi an’nai (Tây Dương Lữ Án Nội, 西洋旅案内, A Travel Guide to the West).
Trong giai đoạn chuyển tiếp trước Minh Trị Duy Tân, Fukuzawa dịch và phổ biến nhiều sách vở phương Tây cho độc giả Nhật. Năm 1872, bốn năm sau cuộc Minh Trị Duy Tân, Fukuzawa xuất bản quyển Gakumon non Susume (Học Thuật Thôi Tiến, 學 術 推 薦, thôi thúc cho học thuật tiến lên, An Encouragement of Learning). Cuốn sách ra đời đúng vào lúc người dân Nhật khao khát được đổi mới, muốn được nghe các học giả bàn luận về tương lai tiến bộ. Vì vậy quyển sách được dân Nhật đón nhận nồng nhiệt, tái bản 17 lần trong khi ông còn sống. Với tác phẩm này ông không còn là một thông ngôn mà đã trở nên một triết gia, một nhà tư tưởng cổ vũ cho Tây học.
Trong tác phẩm Gakumon non Susume (Học Thuật Thôi Tiến, An Encouragement of Learning) Fukuzawa nhấn mạnh tầm quan trọng của tính độc lập và bình đẳng. Trong phần mở đầu ông viết “Thượng đế sinh ra con người không ai hơn hay kém người khác”. Ông cổ vũ giáo dục vì theo ông đó là điều cốt yếu để bảo vệ sự độc lập của đất nước trước sự xâm chiếm của ngoại bang. Theo ông, nếu người Nhật theo đuổi học tập với nghị lực và nhiệt huyết để đạt được sự độc lập cho bản thân, từ đó làm cho quốc gia giàu mạnh, thì không việc gì người Nhật phải hoảng sợ trước các cường quốc phương Tây.
Một tác phẩm quan trọng khác là Bunmeiron no gairyaku (Văn Minh Luận Chi Khái Lược, 文 明論之概略, An Outline of a Theory of Civilization) xuất bản năm 1875. Trong tác phẩm này Fukuzawa phân chia ba trình độ phát triển của xã hội con người: yaban (野蠻, dã man), hankai (半開, bán khai), và bunmei (文明, văn minh). Ông nhấn mạnh trình độ văn minh được quy định bởi pháp chế và tinh thần tự do chớ không phải bởi cơ cấu kinh tế. Với quan niệm mới này về văn minh, ông hoàn toàn từ bỏ những quan niệm cũ của Khổng giáo như reigi (禮義, lễ nghĩa hay 禮儀, lễ nghi), reigaku (禮樂, lễ nhạc), và fukurei (復禮, phục lễ). Khổng giáo không còn là tiêu chuẩn để Fukuzawa dùng trong việc đánh giá sự tiến bộ của con người.
Tuy nhiên Fukuzawa phê phán gay gắt quan điểm đồng nhất văn minh phương Tây với lối sống vật chất. Theo ông vật chất và tiện nghi (ví dụ như việc chấp nhận thịt trong các bữa ăn, việc cắt tóc ngắn, hay cách ăn mặc như phương Tây) chỉ là biểu hiện bên ngoài, là một phần của văn minh. Bản thân ông thích mặc quần áo truyền thống của Nhật hơn là Âu phục. Điều cốt yếu của văn minh phương Tây theo ông là tư duy phản biện, thói quen lập luận, tinh thần tự do và độc lập.
Năm 1882, Fukuzawa sáng lập nhật báo Jiji Shinpō (Thời Sự Tân Báo, 時事新報) rất có ảnh hưởng thời bấy giờ. Ngày 16 tháng 3 năm 1885 tiểu luận Datsu-A Ron (Thoát Á Luận, 脫亜論, Escape from Asia Theory) xuất hiện trên tờ nhật báo này, nhưng không có tên tác giả. Nhiều người cho ông là tác giả và xem ông là một người theo chủ nghĩa đế quốc, khinh miệt Á châu, muốn dùng ảnh hưởng của mình để cổ động cho việc xâm chiếm bán đảo Triều Tiên và Trung quốc. Hiện nay người ta cũng chưa biết hết số tác phẩm mà ông đã viết, vì có nhiều tiểu luận trên tờ Thời Sự Tân Báo không đề tên tác giả.
Ngoài ra Fukuzawa còn viết sách về địa lý, tìm hiểu về các nền văn minh phương Tây, sự khác biệt giữa văn minh, bán khai, và man rợ. Tuy nhìn nhận Phật giáo và Khổng giáo trong quá khứ đã đưa nước Nhật ra khỏi tình trạng man rợ và trở nên một xã hội bán khai, Fukuzawa cho rằng Khổng giáo là một học thuyết thoái hoá, trì trệ, kềm hãm sự phát triển, cần phải bị vứt bỏ để có thể tiếp nhận sự khai sáng (enlightenment) của phương Tây. Ông đơn thân đối đầu với tất cả những nhà Khổng học để loại bỏ học thuyết lạc hậu đó ra khỏi đầu óc của thế hệ trẻ.
Sách của ông nổi tiếng đến độ người ta gọi chung các sách viết về phương Tây là sách Fukuzawa. Ông thành lập Đại học Keiō, một trường chuyên về Tây học. Theo ông, nước Nhật cần tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của ảnh hưởng Khổng giáo, đón chào nền văn minh mới hiện đại, vì chỉ như vậy nước Nhật mới có thể trở thành một quốc gia độc lập. Ông kêu gọi nước Nhật tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung quốc, chính điều này khiến ông trở nên một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Nhật.
Tóm lại, đối với Fukuzawa phương Tây là văn minh tiến bộ, là tương lai, trong khi phương Đông (nhất là Trung quốc và Khổng giáo) là bán khai, suy thoái, là quá khứ. Ông đã sống trong một giai đoạn mà người Nhật thay đổi cách nhìn, từ chỗ xem người phương Tây là mọi rợ đã xem họ là biểu tượng của văn minh. Các tác phẩm của ông đã gây ảnh hưởng rất lớn trên người dân Nhật, mặc dù nhiều người chỉ thấy khía cạnh vật chất của việc Tây hoá, trong khi đối với Fukuzawa chính tinh thần độc lập của phương Tây mới là điều ông trân trọng.
Sống trong giai đoạn nhiều biến đổi, bằng nhiều tác phẩm kêu gọi Tây hoá, Fukuzawa đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người Nhật. Ông không phải là một kẻ tôn sùng phương Tây một cách mù quáng. Đối với ông, phương Tây là một mô hình mà Nhật Bản nên noi theo, nhưng đồng thời cũng là một mối đe doạ cho nền độc lập của Nhật. Fukuzawa là người lót đường cho Nhật Bản tách rời khỏi ảnh hưởng của Trung quốc, vứt bỏ quá khứ lạc hậu, tích cực theo đuổi việc hiện đại hoá đất nước ( [5] Chương 2).
Việc hiện đại hoá nước Nhật đã không thể thành công nếu không có sự tham gia của nhiều doanh nhân và những nhà kỹ nghệ. Một trong số những nhân vật đó là Shibusawa Ei’ichi.
Shibusawa Ei’ichi: doanh nhân xuất sắc thời Minh Trị
Một tầng lớp xã hội khác có vai trò không kém quan trọng trong việc canh tân nước Nhật là doanh nhân, với nhân vật điển hình là Shibusawa Ei’ichi (1840–1931). Ông là một nhà kỹ nghệ, được xem là cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật. Sinh ra trong một gia đình nông dân trong thời kỳ Mạc phủ, khi mà tầng lớp võ sĩ được coi trọng hơn nông dân và doanh nhân, khi mà xã hội tôn sùng giới quan chức và khinh miệt giới bình dân, ông có cái nhìn không thiện cảm về thể chế này.
Trong thời kỳ rối ren trước khi Mạc phủ bị mất chính quyền, năm 1867 ông tham gia phái đoàn Nhật dự Hội chợ Triển Lãm Paris trong vai trò kiểm soát tài chánh. Shibusawa bắt đầu nghiên cứu kinh tế học tại đây. Trong khi Nhật (cũng như nhiều nước Á châu khác chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc, trong đó có Việt Nam) sắp thứ tự bốn giai tầng xã hội shinōkōshō (sĩ nông công thương), Shibusawa ngạc nhiên khi thấy xã hội phương Tây coi trọng thương nhân và các nhà kỹ nghệ. Từ đó ông nhận thức ra rằng phải xoá bỏ việc tôn sùng quan chức và khinh miệt thường dân để huy động sức mạnh của mọi tầng lớp dân chúng nhằm xây dựng Nhật Bản hùng cường.
Từ năm 1869 dưới thời Minh Trị Duy Tân, ông làm việc trong Bộ Tài Chánh, giúp chánh phủ mới cải tổ hệ thống ngân hàng và chính sách đánh thuế đất . Đến năm 1873 ông rời bỏ công việc này để trở thành chủ tịch đầu tiên của Đệ Nhất Ngân Hàng (Dai Ichi Kokuritsu Ginkō). Ông giúp thành lập các hãng bảo hiểm, thị trường chứng khoán, đầu tư vào việc xây dựng đường hoả xa, cơ sở dệt, hãng đóng tàu, và nhiều ngành kỹ nghệ khác. Ông hợp tác với gần 500 cơ sở kinh doanh, một sự đóng góp đáng kính nể.
Chính quyền Minh Trị thời bấy giờ hô hào khẩu hiệu fukoku-kyōhei (富國強兵, phú quốc cường binh, enrich the country–strengthen the army) nên quan tâm đến việc phát triển kỹ nghệ và sức mạnh quân sự. Tuy nhiên hai mục tiêu này vừa có tính bổ sung vừa mang tính cạnh tranh. Khi ngân sách quốc phòng vượt quá mức, ông vận động chính phủ quan tâm hơn tới khu vực đầu tư cá nhân. Trong bài Luận bàn về nền kinh tế hậu chiến trong nhật báo Yomiuri Shinbun vào cuối tháng 8 năm 1895 (sau cuộc chiến tranh Hoa–Nhật lần thứ nhất) Shibusawa phản đối ý định của chính phủ muốn tăng quân số lên hàng trăm ngàn quân. Theo ông ngân sách đó, từ tiền bồi thường thiệt hại chiến tranh của triều đình nhà Thanh, nên được dùng để phát triển sản xuất.
Theo Shibusawa, cần có sự cân bằng trong nhu cầu quân sự với sự phát triển thương mại và kỹ nghệ, là hai thứ tạo nên nền tảng của sức mạnh phương Tây. Điều này được ông đặc biệt nhấn mạnh khi luật về thuế công ty được cải tổ năm 1896. Tương tự như vậy, khi luật về thuế đất đai được cải tổ năm 1897, ông cũng tranh đấu cho việc bộ luật phải bảo vệ trước tiên là sự sống còn của nông nghiệp, thương mại, và kỹ nghệ, cùng lúc với việc quan tâm đến nhu cầu quốc phòng. Tháng 11 năm 1896 phát biểu tại Phòng Thương Mại (do ông sáng lập), ông chống lại việc nâng cao chi phí quốc phòng trong giai đoạn 1897 đến 1901 bằng cách tăng thuế công ty, thuế rượu và thuốc lá.
Hình 4: Shibusawa Ei’ichi. Nguồn: Internet
Khi chính phủ muốn thay đổi hệ thống tiền tệ, áp dụng hệ thống kim bản vị (dùng vàng làm tiêu chuẩn tiền tệ) cho đồng yen của Nhật, với ý định biến Tokyo thành trung tâm tài chính Đông Á, Shibusawa kêu gọi chính phủ cần thận trọng đánh giá cán cân thương mại giữa nhập cảng và xuất cảng. Mặc dầu lý do chính trị của việc tham gia hệ thống kim bản vị sẽ giúp Nhật tiến gần đến các cường quốc Châu Âu, Shibusawa cho rằng trữ lượng vàng bạc của Nhật không đủ để làm việc đó, và như vậy có nguy cơ thâm thụt.
Với khẩu hiệu “phú quốc cường binh” chính phủ tỏ ra thiên về việc phát triển sức mạnh quân sự trong khi Shibusawa thận trọng hơn, muốn từng bước tiếp cận chủ nghĩa tư bản với sự quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển sản xuất và kỹ nghệ. Tiếc thay chủ trương “cường binh” đã thắng thế khi chính quyền càng ngày càng đặt nặng vấn đề phát triển sức mạnh quân sự và tạo thanh thế thế giới bằng mọi giá. Ông cũng chống lại việc chính phủ can thiệp quá nhiều vào kinh tế thay vì để cho tư nhân quản trị.
Sau cuộc chiến tranh Hoa–Nhật lần thứ nhất (1894–1895) và nhất là sau cuộc chiến tranh Nga–Nhật (1904–1905) Shibusawa tỏ ra lo ngại trước việc chính phủ bành trướng quân đội, tăng chi tiêu quốc phòng. Ông phê bình gắt gao chủ trương này. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận kinh tế. Theo ông trong khi những người lính thiết lập nền tảng của sự trung thành thì những doanh nhân trẻ phải xây dựng một tinh thần kinh doanh dựa nền tảng trên đạo đức kinh doanh thành thật, trọng chữ tín.
Đóng góp quan trọng khác của ông là việc kêu gọi các nhà tư bản xây dựng một chế độ tư bản đạo đức (ethical capitalism) để tạo sự tin tưởng và ủng hộ của quần chúng. Ông cổ vũ không mệt mõi cho việc phát triển công ty gắn liền với lợi ích quốc gia. Vì vậy theo ông người ta không cần phải hy sinh các nguyên tắc đạo đức khi làm giàu. Ông coi việc phát triển kinh doanh cũng là phục vụ tổ quốc, do đó ông không ngần ngại chủ trương xây dựng xã hội Nhật với một nền kinh tế tư bản.
Năm 1886, sau khi về hưu không còn giữ chức vụ trong Đệ Nhất Ngân Hàng và Hội đồng quản trị của nhiều công ty khác, Shibusawa thành lập Ryūmonsha (Long Môn Xã, 龍 門 社, Dragon’s Gate Society, tên được lấy từ câu chuyện cá chép vượt long môn) để nghiên cứu việc thích nghi tập quán kinh doanh phương Tây vào nền kinh tế Nhật. Khác với Fukuzawa Yukichi người muốn xoá bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Khổng giáo, Shibusawa cổ vũ cho việc hoà hợp nguyên tắc đạo đức Khổng giáo vào tập quán kinh doanh. Ông cho rằng những nhà Khổng học trong quá khứ đã hiểu sai khi cho rằng các hoạt động kinh doanh không thể phù hợp với đạo đức xã hội. Ông muốn xây dựng một nền tư bản đạo đức (ethical capitalism) thay vì là tư bản hoang dã.
Để tăng cường đạo đức kinh doanh trong giới doanh nhân Nhật, Shibusawa ra sức chứng minh cho người dân Nhật thấy là các nhà kinh doanh có thể cống hiến cho quốc gia như những chiến binh. Ông nhấn mạnh tính thành thực trong kinh doanh để xây dựng uy tín, thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Có thể nói ông đứng trung gian giữa hai phái, phái tự do cấp tiến trọng chủ nghĩa cá nhân và phái tôn thờ cuồng nhiệt việc hy sinh cho tổ quốc.
Sau thế chiến thứ hai, tư tưởng của Shibusawa Ei’ichi tiếp tục là biểu tượng cho các nhà lãnh đạo kinh doanh để họ giữ được sự độc lập khỏi sự can thiệp của chính phủ. Đồng thời họ tuân thủ nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh để thúc đẩy lợi ích của cả cá nhân và tập thể. Công lao của Shibusawa là tạo nên hình ảnh tích cực của nền tư bản Nhật [6].
Bài học nào cho Việt Nam?
Cùng là hai nước Á châu chịu ảnh hưởng nhiều của Khổng giáo, cùng bị đe doạ bởi các thế lực ngoại bang, Việt Nam và Nhật Bản lại có số phận khác nhau, do nhận thức và cách hành động khác nhau của giới cầm quyền đương thời. Hành động lúng túng của triều đình Tự Đức trước sự can thiệp của Pháp xem ra vẫn là bài học nóng hổi cho Việt Nam hiện nay.
Nhìn về phương diện phát triển lịch sử của một quốc gia, phải chăng chúng ta có thể nhìn nhận sự tiến bộ của chế độ chính trị Việt Nam trong thế kỷ 19 so với Nhật? Trong khi Nhật Bản vẫn là một xã hội phân quyền giữa Mạc chúa và các đại danh, Việt Nam đã là một đất nước thống nhất trung ương tập quyền từ năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi. Chính quyền trung ương càng mạnh hơn dưới triều vua Minh Mạng (1820–1840). Tuy nhiên cả vua Minh Mạng và các vị vua Nguyễn tiếp theo, Thiệu Trị (1841–1847) và Tự Đức (1847–1883), đã không thấy được tầm quan trọng của việc canh tân đất nước, đã không như người Nhật thấy được sự thất bại của Trung quốc và Đông phương trước sức mạnh quân sự của Tây phương. Hơn nữa vua Tự Đức lại có ý muốn dựa vào Trung quốc để chống lại sự xâm lăng của Pháp.
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ghi:
“Từ năm Giáp Tuất (1874) trở đi, Triều đình ở Huế đã ký tờ hoà ước với nước Pháp, công nhận nước Nam độc lập, không thần phục nước nào nữa, nhưng lúc bấy giờ vì thế bất đắc dĩ mà ký tờ hoà ước, chứ trong bụng vua Dực Tông vẫn không phục, cho nên ngài cứ theo lệ cũ mà triều cống nước Tàu, có ý mong khi hữu sự, nước Tàu sang giúp mình. Bởi vậy năm Bính Tí (1876), vua Dực Tông sai ông Bùi Ân Niên tức là ông Bùi Dỵ, ông Lâm Hoành và ông Lê Cát sang sứ nhà Thanh. Năm Canh Thìn (1880) lại sai các ông Nguyễn Thuật, Trần Khánh Tiến, Nguyễn Hoan sang Yên Kinh dâng biểu xưng thần và các đồ cống phẩm” ( [7] trang 523, [8] trang 516).
Học giả Trần Trọng Kim bình phẩm:
“Chẳng qua là người mình hay có cái tính ỷ lại, cho nên mới đi kêu cầu người ta, chớ không biết rằng người Tàu giữ nước Tàu không xong còn đi cứu ai được. Tuy vậy, không những là Tàu không cứu được mình mà lại còn muốn nhân dịp để mượn tiếng sang lấy nước mình” ( [7] trang 529, [8] trang 522).
Lời bình đến nay vẫn còn nguyên giá trị! Vua Tự Đức (Dực Tông) đã quên đi mối họa Bắc thuộc nhiều thế kỷ trước, gần nhất là cuộc xâm lăng của Nhà Thanh vào thế kỷ 18. Điều này cho thấy sự thiếu thức thời và yếu kém của vua và triều đình nhà Nguyễn so với Thiên Hoàng và triều đình Nhật Bản, yếu kém ngay cả khi so sánh với triều đình Mạc phủ.
Một câu hỏi có thể được đặt ra ở đây. Nếu vào thế kỷ 19, chế độ chính trị tại Việt Nam giống như của Nhật, vua không có thực quyền (như thời vua Lê chúa Trịnh) thì liệu vì nhu cầu tranh giành quyền lực giới cầm quyền có quan tâm nhiều hơn đến việc canh tân đất nước hay không? Liệu giới sĩ phu Việt Nam lúc đó có hành động như tầng lớp chí sĩ Nhật để đứng lên lật đổ chế độ trì trệ hay không? Lịch sử đã không xảy ra như vậy nên không ai biết được câu trả lời chính xác.
Các sách sử Việt không cho thấy có doanh nhân Việt Nam nào có tầm cỡ như Shibusawa Ei’ichi để thay đổi đất nước vào thế kỷ 19. Tuy vậy những bậc trí thức như Nguyễn Trường Tộ (1830–1871) và Trương Vĩnh Ký (1837–1898) có thể so sánh được với Fukuzawa Yukichi (1835–1901).
Có thể khẳng định tài năng ngôn ngữ vượt trội hơn của Trương Vĩnh Ký so với Fukuzawa Yukichi. Hai ông có cuộc đời khá giống nhau, cùng muốn đem hiểu biết của mình về phương Tây để giáo huấn người dân hầu canh tân đất nước, giúp đất nước thoát khỏi ảnh hưởng Trung hoa. Cuộc đời của hai ông giống nhau ở nhiều điểm, ngay cả ở chi tiết về số tác phẩm của mỗi người [5] [8]. Điểm khác nhau là Fukuzawa đã may mắn sống trong một đất nước mà vua và triều đình thức thời, quyết tâm thay đổi. Nhờ vậy ông đã có điều kiện đóng góp to lớn cho việc duy tân đất nước Nhật.
Trong khi công lao giúp phổ biến chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký cho đến ngày nay vẫn chưa được toàn thể người Việt Nam công nhận, dù thứ chữ này đã giúp đất nước phát triển về nhiều mặt, cống hiến của Fukuzawa được người Nhật ghi nhận một cách trang trọng. Ảnh của ông được in trên tờ giấy bạc 10000 yen của Nhật. Mới đây là ảnh của Shibusawa Ei’ichi cũng trên tờ bạc 10000 yen. Người Nhật biết ơn những người đã giúp xây dựng xã hội tân tiến của họ hôm nay. Điều này thể hiện tinh thần khiêm cung của dân tộc Nhật biết tôn trọng và biết ơn tiền nhân.
Chỉ trong vòng 44 năm, từ năm 1868 đến năm 1912, Minh Trị Duy Tân đã đưa nước Nhật từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc kỹ nghệ và quốc phòng. Chiến thắng của Nhật trong cuộc chiến Nga–Nhật đã khiến thế giới kinh ngạc. Việt Nam triều các vua nhà Nguyễn đã không sáng suốt như vua quan Nhật. Việt Nam từ năm 1975 đến nay đã trải qua khoảng thời gian tương tự, hơn 44 năm, vẫn chưa phải là một đất nước công nghiệp hoá. Liệu hậu thế sẽ đánh giá giai đoạn này như thế nào khi so sánh vị trí thế giới của Việt Nam năm 2020 và vị trí của Nhật Bản năm 1912? Và họ sẽ đánh giá vai trò của trí thức và doanh nhân Việt Nam hiện nay ra sao?
Hình 5: Hình của Fukuzawa Yukichi trên tờ giấy bạc 10000 yen
Hình 6: Hình của Shibusawa Ei’ichi trên tờ giấy bạc 10000 yen
Sydney tháng 9 năm 2020
Trần Thạnh
Tài liệu tham khảo
[1] | H. Cordier, “La France et la Cochinchine, 1852-1858: La Mission du Catinat à Tourane (1856),” T’oung Pao, vol. 7, no. 4, p. 481–514, 1906. |
[2] | Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ, Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Lửa Thiêng, 1970. |
[3] | W. G. Beasley, The Meiji Restoration, Stanford University Press, 1972. |
[4] | W. G. Beasley, The Japanese Experience: A Short History of Japan, London: Weidenfeld & Nicolson, 1999. |
[5] | Masako Nohara Racel, Finding their Place in the World: Meiji Intellectuals and the Japanese Construction of an East-West Binary, 1868-1912, PhD Dissertation, Georgia State University, 2011. |
[6] | J. Sagers, “Shibusawa Eiichi, Dai Ichi Bank, and the Spirit of Japanese Capitalism, 1860–1930,” The Journal of Japanese Business and Company History, vol. 3, no. 1, p. 3–12, 2014. |
[7] | Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Tân Việt, 1968. |
[8] | Bằng Giang, Sương Mù trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký, Nhà Xuất Bản Văn Học, 1994. |