Mai Chị Về
Vưu Văn Tâm
Sáng mai này chị sẽ theo chồng sang qua xóm khác, bỏ lại hàng cau già đang đơm nụ và dòng sông hiền hoà, trong mát chảy quanh năm. Mái nhà nhỏ đơn sơ nhưng rộn vang tiếng nói cười mãi mãi là dĩ vãng của một thời tuổi nhỏ. Này mẹ cha gầy hao vì sương khuya, nắng sớm và bầy em chưa đủ tuổi lớn khôn, kia là mối tình đầu đẹp đẽ với anh Hai nơi đầu ngõ. Tình trong như đã nhưng mặt ngoài còn e. Cha mẹ cũng thuận ưng và chỉ đợi bên đàng trai đánh tiếng. Nhưng cuộc đời có bao giờ êm ả như dòng nước chảy xuôi. Người ta cậy quyền thế, của tiền để rẽ chia duyên nợ để thuyền không xuôi bến đỗ.
Mai chị về, duyên tình cũ dở dang và bỏ lại sau lưng thời con gái tóc xoả. Bao nhiêu ước mơ đành gửi theo mây trời, gió núi. Chị về phương đó lá có xanh không, mây tím hoàng hôn bềnh bồng theo buổi chiều xuống vội. Mỗi bước chân xa là mỗi bước ngập ngừng. Chị về làm dâu nhà khác và sống với người chồng không chút yêu thương. Người đi hay kẻ ở đều mang một tâm trạng chia ly, sầu não nên dẫu đi hay về cũng chung một ý nghĩa như nhau.
Bông ô môi mới điểm hồng trong gió chướng, tiếng quết bánh phồng nghe rộn rã báo tin xuân. Gió bấc cuối mùa thổi về nghe lành lạnh, tiễn đưa lần này biết có còn gặp lại nhau chăng ? Ánh trăng mười sáu chiếu sáng một khoảng sân rộng, gió nhẹ lay đong đưa mấy tàu chuối sau hè. Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng ru con ầu ơ nhà ai vọng lại thêm chạnh lòng em ở, chị đi ..
Chồng gần sao không lấy mà đi lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm, bát nước, mâm trà ai dâng.
*****
Mai chị về là một bài thơ hay với lời thơ trong sáng, mượt mà. Trước đây, thi phẩm này được truyền lưu qua nhiều hình thức, sách báo cũng như truyền thông và được ghi chú là của thi sĩ Quang Dũng. Bài thơ còn có một tựa đề khác nữa là “Kẻ ở” và được nhạc sĩ Cung Tiến phổ thành nhạc phẩm cùng tên. Vào năm 1989, báo chí trong nước đưa tin, “Mai chị về” là sáng tác của thi sĩ Nguyễn Đình Tiên vào năm 1945 với cái tên khác là “Dặm về”.
Quang Dũng cũng như Nguyễn Đình Tiên đều đã đi xa nên nguồn gốc chính xác của bài thơ cũng là một bài toán khó. Dù sao mặc lòng, “Mai chị về” hay “Kẻ ở” hay “Dặm về” là những vầng thơ tuyệt tác, xứng đáng được ghi nhớ trong lòng người mộ điệu.
15.01.2022
Hãy cùng nhau đọc lại bài thơ rất xưa nhưng dạt dào cảm xúc ..
Mai chị về / Kẻ ở (Phiên bản 1)
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu, mong nhớ mong
Quê chị về xa mù dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa lạc rừng hoang, qua lướt qua
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu chạy quay đầu, theo ngó theo
Rừng đêm nhoà bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác trăng vàng
Sao rơi đáy nước vương chân ngựa
Buồn dâng đôi mi, hàng lại hàng
*****
Dặm về (phiên bản 2)
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vượt ngang đầu, mong nhớ mong
Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Sương buông khắp lối đường muôn ngả
Ngựa lạc cành hoang, qua lướt qua
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá rạt vương chân ngựa
Hươu chạy theo đàn, theo ngó theo
Rừng đêm nhoà bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị vừa qua thác trăng vàng
Sao trôi đáy nước rơi chân ngựa
Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn
*****
Mời nghe “Mai chị về” do nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc qua tiếng hát Lệ Thu