Má của ta!

Đoàn Xuân Thu

Ma cua ta 01Hồi thời Trung học, một giáo sư Việt Văn của tui là người Việt gốc Hoa nên rất giỏi chữ Tàu. Giảng một từ Hán Việt nào là thầy tui hay cầm cục phấn, chớ không phải bút lông vẽ lăng quằn lít quỵt một đống lãi của Trạng Quỳnh trên bảng.

Đám học trò không đứa nào hiểu cái gì hết ráo? Tui cứ thầm nghĩ trong bụng là tiếng Việt mình chưa hiểu hết thì mắc mớ chi mà học chữ Tàu hè?

Sau nầy tui thấy nghĩ vậy là sai bét nhè; vì tiếng Việt mình có nhiều chữ là từ tiếng Hán nên mới có từ điển Hán Việt của ông Thiều Chửu đó chớ?

Tui không phải khoái thơ văn Tàu, nhưng lại khoái ca dao. Khoái chí tử nên có lần nhờ thầy cắt nghĩa dùm câu ca dao: “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”

Tui chỉ nghe chuối già, chuối xiêm, chuối sứ, chuối cau, chuối hột… hầm bà lằng chuối; chớ chưa nghe chuối ba hương. Thầy tui nói: “Hỏng biết”.

Tui không biết tiếng Hán; thầy không biết tiếng Nôm! Vậy là huề.
Sau nầy nằm gác chưn lên trán, tui thấy chuối ba hương không phải là tên chuối mà là nải chuối vùi trong khạp da bò, đốt tàn ba cây hương nó chín thơm hết biết.

Nghĩ vậy mà không biết trúng trật ra làm sao? Hỏi Google, Google cũng bí lù!

***

Ma cua ta 02Mà sở dĩ nhắc tới câu ca dao về Mẹ già mà toàn là nói về mấy món mình khoái hẩu xực không hè vì Ngày Từ Mẫu tức ngay Mother’s Day sắp tới 13, tháng Năm nầy đây.

Mà nhớ tới Mẹ, tui lại nhớ tới bài ‘Lòng Mẹ’ của nhạc sĩ Y Vân.

Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1933 tại Hà Nội. Mồ côi cha, nhà nghèo. Y Vân rất thương mẹ và các em.

Cuối thập niên 1950, Y Vân chơi nhạc cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng để ông có quần áo thay đổi mà đi trình diễn.

(Xin mở ngoặc ở đây là hồi xưa trong những xóm lao động ở Bàn Cờ đường Phan Đình Phùng hay chợ Hai Mươi, đường Phan Thanh Giản, ban ngày bà con mình phải xếp thùng dài dằng dặc trước phông tên để gánh nước về xài. Cho nên mẫu thân của nhạc sĩ Y Vân muốn giặt áo cho còn mình sớm hơn cũng không có được.)

Hình ảnh một từ mẫu thức đến quá nửa đêm giặt áo làm cho Y Vân tràn cảm xúc. Và bản nhạc Lòng Mẹ, điệu Slow, ton La thứ, theo nhịp võng ru con ra đời.

“Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ…

Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương…”.

Ma cua ta 03Y Vân mất ngày 28, tháng Mười Một, năm 1992 khi mới vừa đến tuổi ăn đáo tuế, tức 60 tuổi, như một phần số trong bản nhạc cùng tên ‘60 năm cuộc đời’ của ông.

Lúc Y Vân mất, thân mẫu ông nói:  “Người đời thường bảo: Con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong!” Đúng là: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt vào.

Sau nầy có những nhạc sĩ nổi tiếng khác cũng viết về người Mẹ như bài “Huyền thoại Mẹ” của Trịnh Công Sơn, nhưng bài hát nầy không xuất phát từ cảm xúc chân thật, chỉ là một huyền thoại về một người mẹ không có thật… nên thính giả nghe qua rồi bỏ.

Chỉ có bản Lòng Mẹ của Y Vân là chân thật nhất hay nhứt nên nổi tiếng nhứt từ xưa tới giờ.

***

Rồi sau khi chiếm được miền Nam, nhạc trên đài phát thanh và truyền hình chỉ ra rả những bài ca tụng chiến tranh, đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận… nên bà con mình ớn chè đậu thì cũng dễ hiểu.

Mãi cho tới năm 1985, chủ nghĩa CS trên toàn thế giới ngáp ngáp chuyển qua từ trần; nên bọn Tuyên huấn mới nới long lỏng một chút, cho hát những bài nhạc vàng ủy mị (‘Không ai đánh mà rên’ như lời cán bộ CS trước đó dè bỉu!)

“Dưới nắng hồng, tôi đi giữa, Gò Công/ Đất như cao, trời như thấp lại/ Trong khoảng không, trên sóng biển chập, chùng/ Chỉ còn lại, dáng mẹ hiền, Gò Công”

“Mẹ là tình, mẹ, biển, Đông/ Yêu nước dòng, sông Cửu Long,

Trong gian nan, giông bão, bao ngày/ Thời gian in, sương trắng, mái đầu”

Nghe cũng hay hay… nhưng đoạn kết lãng xẹt hè; (cho đúng với ‘lề phải’ nhe!)

“Trùng khơi, con sóng thì thầm, từng đêm như lời mẹ …ru/

Tình yêu… quê hương thiết tha/ Tình yêu non sông gấm… hoa!

Đất nước ơi… ngày vui thái bình/ Nay con về nghe tiếng đàn… mẹ…. ru!”

Ngày vui thái bình; non sông gấm hoa mà bà con ta ùn ùn nhào ra biển?

Ma cua ta 05Ma cua ta 06

Sở dĩ gọi nhạc Gò Công là vì tác giả Hoàng Phương là người sanh đẻ tại Tân Thành, Gò Công năm 1943.

Ông không phải đi quân dịch vì bị tật chân nên sáng tác của ông mới được cho lưu hành chớ có liên quan đến lính tráng như những nhạc sĩ khác thì còn lâu.

Nói nào ngay Hoàng Phương đã nổi tiếng trước khi miền Nam lọt vào tay CS với bài “Hoa Sứ nhà nàng” do Chế Linh và Thanh Tuyền song ca.

Sau 30 tháng Tư, nhạc sĩ miền Nam mình chuyên về dòng nhạc trữ tình, tình yêu đôi lứa chung chung cũng bị chê là văn hóa đồi trụy, tàn dư nọc độc của Mỹ Ngụy nên đâu còn ai màng sáng tác nữa. Mà có viết thì cũng không cho phổ biến. Các hãng dĩa băng nhạc bị dẹp hết ráo rồi ai hát, ai thâu thanh?

Nhạc sĩ cũng cần cơm để ăn, cần tiền để sống chớ hỏng lẽ uống nước lạnh cầm hơi? Vậy là mạnh ai nấy tính. Người về làm ruộng, làm rẫy, đi kinh tế mới. Kẻ kha khá hơn, còn vàng cây, vàng miếng, là kiếm đường vượt biên ra biển.

Nhạc sĩ Hoàng Phương từ Sài Gòn lại khăn gói quả mướp về lại Gò Công làm nghề sửa đồng hồ và thợ bạc. Làm ăn khấm khá, đến năm 1985, ông mở thêm hai tiệm vàng là Kim Hoàng và Toàn Tân.

Năm 1986, khi Lê Duẩn đi bán muối; Nguyễn văn Linh leo lên được, coi bộ khoái chí tử, bốc đồng, (sau nầy lại run), ra lịnh những việc cần làm ngay là cởi trói văn nghệ sĩ.

(Té ra là từ 75 tới giờ văn nghệ sĩ nào cũng bị trói hết trơn hết trọi hè. Phải bị trói mới được cởi trói phải không?)

Rồi bản ‘Hoa Sứ nhà nàng’ lại được phát trên Phát thanh, Truyền hình. Vậy là cái máu văn nghệ bấy lâu xuôi xị êm re lại sôi ùng ục trong huyết quản, Hoàng Phương tự bỏ tiền túi ra làm băng nhạc Gò Công.

Chớ cứ ‘Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây’ mắc võng tòn ten hoài… mà không té. Rồi ‘Cô gái vót chông’; rồi ‘Mẹ đào hầm từ thuở lúc còn xanh nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc…’ mà cứ đào riết hoài… nên bà con mình ớn chè đậu đỏ…

Bà con mình thuở đó có đi qua Bắc Mỹ Thuận hoặc Bắc Cần Thơ nghe Tuấn Vũ, ca sĩ hải ngoại, theo các băng cassette nhét trong món quà cho quê hương, (đưa chút đỉnh tiền cho bọn Hải Quan ở Trạm Phát hàng Tân Sơn Nhứt để bọn chúng cho qua), làm mưa làm gió trên mấy cái máy cassette.

Ma cua ta 04Để đua với Tuấn Vũ thì CS đưa em Bảo Yến ra chào hàng với những bài hát của Hoàng Phương gọi là Nhạc Gò Công. Và xưng tụng tác giả là Ông hoàng Nhạc Gò Công.

Ban ngày bên mặt, mấy quán cơm trên hai bờ Bắc còn e dè chơi nhạc Gò Công; chớ trời sâm sẩm sẩm tối, và hơi khuya khuya là xả giàn chơi nhạc Tuấn Vũ không hè.

Nghĩa là em Bảo Yến không thể nào ‘địch’ (xin đừng sửa lại trật lỗi chính tả nhe thầy cò) cho lại ca sĩ Tuấn Vũ, Việt kiều Mỹ. He he.

Năm 1989, Hoàng Phương cưới người vợ thứ hai là Mộng Vân. Hai người cất một căn nhà lá nhỏ trên bãi biển Tân Thành.

Nhưng thời đã hết; rất nhiều người sáng tác còn mùi mẫn hơn, không có cái vụ chen bất tử đất nước ơi ngày vui thái bình như hô khẩu hiệu vậy; nên ăn khách hơn; tiếng tăm Hoàng Phương, ông hoàng nhạc Gò Công dông luôn vào quá vãng. Vàng giả không bền là vậy!

Nên những năm cuối đời, Hoàng Phương suy sụp, phải bán cả hai tiệm vàng, nghề viết nhạc giờ lại bị ế, không nuôi nổi bản thân mình và vợ con nên người nghệ sĩ lăn lóc gió sương thường uống rượu giải sầu, lang thang một mình trên bãi biển.

Hậu quả của dục tửu phá thành sầu là Hoàng Phương lâm bịnh ung thư gan và mất ngày 19, tháng Mười, năm 2002.

Đám tang của ông được tổ chức tại căn nhà nhỏ tồi tàn của hai vợ chồng trên bãi biển Tân Thành trong sự lãng quên của nhiều người từng hâm mộ.

Con tằm phải trả nợ tơ mà. Hết tơ là con tằm hết kiếp! Ô hô! Ai tai!

***

hinh-anh-ma-3Ngày Chúa Nhựt, 13 tháng Năm tới là Mother’s Day, ngày Hiền mẫu; tui lại lên Youtube nghe những bài hát về mẫu thân của nhạc sĩ Việt Nam mình.

(Chớ tiếng Anh tui dở ẹc nghe Mỹ hát về ‘Mum’ của nó là khó cho mình mà cảm hết! Chớ tui cũng biết bài nào nói về ‘Mum mum’ là cảm động hết trơn hè!)

Phải công tâm mà nói nhạc Việt nam mình, có bài làm mình cảm động một hai đoạn; chớ ít có bài nào làm mình cảm động suốt từ đầu tới dứt như bài ‘Lòng mẹ’ của nhạc sĩ Y Vân!

Tui cũng có Mẹ mà tui kêu bằng Má! Chớ hỏng lẽ tui từ đất nẻ chui lên. Tui thương Má tui cũng như mấy ông anh mình thương Mẹ vậy.

Nhưng cái khác Má tui hỏng phải là Mẹ Gò Công hay Huyền thoại Mẹ của Trịnh Công Sơn. Má tui là má của một thằng từng mặc áo lính, thất trận, đi tù CS.

Tui ở tù Má đi nuôi. Tui tù về Má đưa tui ra biển.  “Đêm ác mộng nhớ ngày năm cũ/ đưa con buồn, vàm, ngã ba sông, xót má xa con, trời vần vũ/ đêm mịt mùng… má sợ bão giông”.

Giờ Má tui mất rồi! Không trả hiếu được ngày nào hết trơn hè.

Má là quê hương! Quê hương là Má! Chắc Má tui hỏng có buồn trong bụng gì đâu!

Thằng con của Má là thằng tui; cũng tập tễnh viết văn làm thơ (dở ẹc) nhưng có cái hay là tui không bắt Má tui phải theo VC… như nhạc sĩ Hoàng Phương và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tìm chút mồi cặn, rượu thừa!

đoàn xuân thu.

melbourne