XXI
CON MA NHỊ TỲ
Tiền Vĩnh Lạc
Vào những đêm trăng sáng, những người ở cùng xóm hay trải chiếu ra ngoài sân ngồi chơi, hóng mát, trong lúc trẻ con nô đùa dưới trăng. Nói chuyện mùa màng, thời tiết, rồi tới ra câu đố hỏi nhau rất vui. Tới khuya, lần quần cũng nói chuyện ma. Sau đây là vài chuyện ma hồi nhỏ ba thường nghe kể:
Ma “một mẹ, chín con”:
Bên đường từ Đồn Đất đi Bến Cát có một cái gò đất, người ta nói đó là mả “một mẹ, chín con”. Câu chuyện ra sao thì không ai rõ, chỉ nghe đồn ở đó có ma.
Có người trời vừa chạng vạng tối đi qua đó nghe dưới mả có tiếng đàn bà kêu khóc thảm thiết.
Người khác, vào đêm trăng sáng cũng làm gan đi Bến Cát ngang qua vùng đó. Từ xa đã thấy một người đàn bà bận đồ tang ngồi trên mả, một đám con nít ngồi lúc nhúc xung quanh. Người này sợ quá, không dám lại gần, lui lại, quẹo qua ngả chợ Gò Vắp để xuống Bến Cát, xa hơn, mà không sợ gặp ma.
Con quỷ ở Cầu Kiệu:
Từ chợ Tân Định đi về chợ Xã Tài (tức chợ Phú Nhuận ngày nay) phải qua Cầu Kiệu. Vùng này xưa kia nhà cửa thưa thớt, chỉ có mấy dãy phố trệt ở hai đầu cầu. Mười hai giờ trưa, mặt trời đứng bóng không ai dám đi bộ qua cầu. Có người không biết, vô tình đi qua, tới giữa cầu thì bị một con quỷ ở trần, mình mẩy xanh lè, rinh một cái hòm chụp vô người. Anh ta hoảng hồn, vừa chạy vừa la làng. Về nhà phát nóng lạnh, nói xàm. Người nhà phải rước thầy pháp về làm phép, cúng kiếng mấy ngày mới hoàn hồn.
Con ma cây mít chưn quỳ:
Trên đường từ An Nhơn đi Gò Vắp, giữa Cầu Hố và đường Hàng Điệp có một khoảng đất trống, trên đó có một cây mít lớn lắm. Cây mít này có một nhánh mọc chúi xuống đất rồi lại mọc ngược lên cho nên người ta kêu là cây mít chưn quỳ. Trên cây mít này người ta vắt võng rách, quần rách, là những thứ dơ dáy có tánh kỵ ma. Nhưng con ma ở đây nó đâu có ngán, nó vẫn nhát những ai cả gan đi ngang cây mít này vào ban đêm. Nó liệng xuống đường hai cái chưn người, rồi hai tay, rồi tới thân mình, sau cùng tới cái đầu để tóc xõa. Người bị nhát hồn vía lên mây, bỏ chạy, thì con ma ráp đầu, mình và tay chưn lại, rượt theo …
Con ma Cầu Hố:
Từ chợ An Nhơn đi Cầu Bến Phân, qua khỏi Bộng Dầu một đỗi thì tới một cái hố nhỏ. Hai bên đường là đất trống, cỏ mọc um tùm. Gần đường có một bụi tre, ban đêm có ma. Con ma này chơi ác. Trời tối, nó kéo oặt một cây tre cho nằm ngang đường. Người nào bước ngang, nó liền buông cho cây tre bật trở lên, vít người đó té bò càng …
Ma heo:
Cũng tại Cầu Hố này có ma heo. Lần đó có người đi đêm ngang Cầu Hố thấy có một bầy heo con chừng bảy tám con chạy ục ục dưới mương bên mép đường. Đường vắng, chẳng có bóng người. Anh ta nổi lòng tham, bắt một con heo con, ôm về nhà. Kêu cửa. Vợ anh ra mở cửa, cằn nhằn: “Đi đâu mà tới khuya lơ, khuya lắc vậy? Ôm cái gì dưới bụng vậy?”. “Tao bắt được con heo này ở Cầu Hố”. Vừa nói, anh ta vừa dòm xuống con heo. Heo đâu không thấy, chỉ thấy anh ta đang ôm một cục đá ong thiệt bự! Anh ta hoảng hồn, liệng cục đá xuống đất nghe cái “bịch!” rồi chạy vô nhà, đóng cửa lại, nói với vợ: “Tao gặp ma heo! Rõ ràng tao bắt con heo con đem về, ai dè nó biến thành cục đá ong!”
Con ma Nhị Tỳ
Sau đây là một chuyện ma có thật một trăm phần trăm, xảy ra tại làng An Nhơn cách nay hơn bảy chục năm:
Đêm đã khuya. Mưa vừa tạnh. Ông Năm Ngàn nới cương cho con ngựa chẫm rãi kéo chiếc xe kiếng chạy lắc lư trên con đường xuyên qua vườn cao su Phú Thọ tối om. Bốn bề yên lặng, chỉ nghe tiếng chưn ngựa gõ lốc cốc trên đường. Gió lạnh thổi từng cơn, ông Năm lấy khăn rằn quấn quanh cổ, đốt một điếu thuốc rê Gò Vắp hút cho ấm. Trời tối đen như mực, hai chiếc đèn dầu phộng gắn trước xe hắt ra hai vệt ánh sáng vàng đủ cho ông Năm thấy khoảng đường chừng mươi thước trước mặt.
Qua khỏi vườn cao su thì tới Lăng Cha Cả, khu này vắng vẻ, rải rác mấy ngôi nhà ngói cửa đóng then cài, đèn đuốc tối om, người người đều an giấc điệp. Tới ngã tư Phú Nhuận, ông Năm cho xe quẹo trái. Chẳng bao lâu tới khu đất rẫy rồi tới một khu đất rất rộng trồng cỏ, kêu là sân “gôn”.
Xe ông Năm chạy tới Nhị Tỳ Quảng Đông, một nghĩa địa của người Tàu, chỉ có mồ mả chen chúc nhau, xung quanh không có nhà cửa hay hàng quán chi hết. Trước ngõ vô Nhị Tỳ có người ngoắt, ông Năm cho xe ngừng lại, ông rít một hơi thuốc rồi liệng bỏ tàn thuốc lên lề đường, hỏi khách muốn về đâu? Người này bận quần áo đen, đội nón rộng vành phủ xuống trán, đón xe để về “Cầu Vấp”. Mấy chú người Hoa kêu Gò Vắp là “Cầu Vấp”. Hỏi giá xong, khách mở cửa, bước lên xe, ngồi ở băng sau. Xe kiếng là loại xe sang hơn xe thổ mộ, có cửa đóng kín, không sợ mưa tạt. Xe kiếng có thể chở bốn, năm người, ngồi trên hai băng nệm đối diện nhau, có lưng dựa êm, hai chưn để thoải mái như ngồi ghế sa-lông. Khách đã ngồi yên, ông Năm nhịp roi, con ngựa lại tiếp tục kéo xe chạy.
Được một lúc, ông Năm bỗng nghe ớn lạnh, nhớ tới lời người ta đồn ở chỗ này có ma! Chú khách này trong nghĩa địa ra, đi đâu giờ này? Hay chú là MA? Qua cửa kiếng, ông Năm dòm vô trong xe: hai băng trống trơn, chú khách biến đâu mất tiêu! Ông Năm sợ quá, nổi da gà, rùng mình, toát mồ hôi hột. Ông quất ngựa cho xe chạy thật mau. Tới Xóm Thuốc, ông cho xe quẹo mặt. Tới Chùa Bà Gò Vắp lại quẹo trái để về nhà ở An Nhơn, khít bên Chùa Ông.
Vô nhà, Ông Năm nằm lên bộ ván ngựa, thở dốc, mặt mày tái lét. Bà Năm chạy lại hỏi:
– Bữa nay ông gặp chuyện gì mà hớt hơ, hớt hải vậy ông?
– Tui gặp ma!
– Úy mẹ ơi! Gặp ma ở đâu? Nó nhát ông hả?
Ông Năm liền kể cho bà Năm nghe chuyện con ma ở Nhị Tỳ Quảng Đông vô xe ông ngồi một hồi rồi biến mất. Ông nhớ lại lúc con ma bước lên xe, ông thấy cái mặt nó xanh lè, hai con mắt đỏ lòm, thấy ghê lắm! Rồi ông kêu thằng con trai của ông tháo ngựa, dắt nó “quần” trước khi cho nó vô chuồng ăn cỏ. Giống ngựa lạ thiệt: chạy suốt ngày, về không được cho vô chuồng liền mà phải dắt nó đi vòng vòng trong sân nhà ít nhứt là mười lăm phút, kêu là “quần ngựa”. Nếu không quần mà đem ngựa vô chuồng liền thì nó bị cóng chưn, ngày mai không chạy được. Quần rồi, đem ngựa vô chuồng, suốt đêm nó ngủ đứng, có một con khỉ dòm chừng. Ở mỗi chuồng ngựa người ta luôn luôn cột một con khỉ. Có người nói con khỉ là hậu duệ của Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không, thuở xưa có làm nghề giữ ngựa ở trên Thiên Đình. Có con khỉ giữ chuồng thì ngựa được bình yên, khỏe mạnh, lại không hay “chứng” bất tử.
Bà Năm rót một tô trà Huế nóng, đem lại cho ông Năm với một miếng kẹo da trâu. Thứ kẹo này làm bằng đường đen, có bỏ gừng, cứng như da trâu. Ông Năm ăn kẹo, uống trà Huế, nghỉ một hồi thì tỉnh táo lại. Ông ra mở cửa xe, tính quét dọn cho sạch để ngày mai chạy tiếp. Cửa xe vừa mở ra thì “con ma Nhị Tỳ” đen hù, té lăn cù xuống đất. Ông Năm la hoảng: “Ma! Ma!”, cùng lúc “con ma” cũng hoảng hồn hoảng vía la lên: “Ấy da! Mấy người làm cái gì ddậy? Ngộ ti Cầu Vấp mà, mấy người tính làm cái gì ngộ? Tội nghiệp ngộ mà!”
Mấy nhà hàng xóm, trong đó có ông nội, bà nội mấy con, nửa đêm nghe la cũng hoảng hồn thức dậy, quẹt lửa, đốt đèn chạy ra coi chuyện gì.
Thì ra, các chú người Hoa lên xe hay ngủ. Chú này ngủ say đến nỗi té xuống sàn xe mà còn tiếp tục ngủ như chết. Ông Năm ngó vô xe thấy hai băng trống trơn thì tưởng là con ma biến mất để nhát ông. Còn chú khách đang ngủ dựa cửa xe, cửa mở thì chú té xuống đất, chợt tỉnh, khiếp đảm kêu la om sòm.
Khuya quá rồi, ông Năm cho chú khách vô nhà ngủ đỡ một đêm, chờ sáng mai ông sẽ chở chú xuống “Cầu Vấp”, tiền xe cũng khỏi tính thêm.
Sáng bữa sau, cả chợ An Nhơn xôn xao, bàn tán về “con ma Nhị Tỳ”, vui hết sức. Ở Bến Đò, bà Bảy bán trầu cau lại có “đề tài” để nói chuyện với bà Ba bán cá, có cô bác cùng ngồi chờ đò góp chuyện hết sức sôi nổi.