Lan man “Saigon & tôi”

Phan Văn Thạnh

Saigon thời kinh tế thị trường – thay đổi nhiều quá – đến “thổ thần,thổ địa” còn nhận không ra mình nói chi đến bà con hải ngoại xa quê lâu ngày quy hồi cố hương.

Tôi đi giữa tư bề sinh sôi nẩy nở, xe cộ nườm nượp – nhà hàng khách sạn,hiệu buôn,siêu thị mọc như nấm, hàng hóa tràn ngập. Các bảng hiệu bủa vây – về đêm ánh sáng đèn Led kích động nhảy múa, những con chữ chớp nháy liên hồi trên bảng hiệu

Saigon by night nhoè mắt lão !

Đây tiệm hủ tíu Nam Vang “Hồng Phát” – cái tên lan man dẫn dắt tôi lạc vào miền “chữ nghĩa”- truy tra ôn lại – vừa giải trí, vừa “thể dục” cho não – hi vọng kéo lùi được nạn “Alzheimer”…

Hồng (Hán Việt) mở ra nhiều nghĩa : màu đỏ [紅]– (bộ mịch 糸) – hồng diệp: lá đỏ ; chim thuộc loài ngỗng [鴻](bộ điểu 鳥) – hồng mao: lông chim hồng, nói vật rất nhẹ – “Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” – (Chinh Phụ Ngâm) – lớn [洪] (bộ thuỷ 水) – (không dùng một mình) – hồng phúc: phúc lớn; hồng ân: ơn lớn; hồng thủy : con nước lớn ; hồng quân : chỉ ông trời – Kiều có câu : “Hồng quân với khách hồng quần”.

Nghĩa nôm từ “hồng” : giống cây có quả ăn được (hồng ngâm, hồng đỏ) ; thứ cây nhỏ thuộc loài tầm xuân, hoa có sắc, có hương (hồng nhung, hồng quế).

Phát [發] (bộ bát癶): mở ra, hiện ra (phát huy, phát minh, phát biểu);khởi đầu, bắt đầu (phát ngôn, phát động, phát nguyên); nổi lên, dậy lên (phát tài, phát đạt, phát hỏa); phân ra, cấp cho (phát chẩn, phát hành, phát mại) ; tóc [髮] (bộ tiêu 髟) – (không dùng một mình) – bạch phát : tóc trắng, chỉ tuổi già-  Nghĩa nôm từ “phát : dơ bàn tay ra đập; dùng dao dài mà vạc (bờ rào,cây cỏ).

Kia café sân vườn treo chữ“Cát đằng” [葛  籐], cái tên nghe quen quen – À thì ra là hai giống dây leo (sắn, mây) tầm gửi – chỉ thân phận người đàn bà yếu đuối lúc nào cũng cần sự che chở của phái mạnh. Sách Diêu Kinh có lời khuyên: “Chúng sinh nếu lỡ sa chân vào lưới tình thì không khác gì dây đằng, dây cát vương vấn vào thân cây khô” – ý nói dây cát , đằng mà bám vào thân cây khô thì phải lần mòn khô héo. Trong Kiều có câu : “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân /Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”.

Tương tự “cát đằng”, có chữ “cát lũy” [葛 蘽]- cũng là hai loại dây leo (sắn, bìm), người ta cũng thường nói “Phận sắn bìm nương tựa bóng tùng quân”. Sắn bìm dùng để chỉ phận thứ thiếp lẽ mọn. Thơ Kiều có câu: “Tin nhà ngày một vắng tin/Mặn tình cát lũy, nhạt tình tào khang”.

Một Công ty trương bảng “Cát tường” – [吉祥] – tương tự như “cát triệu” [吉兆] : điềm lành – Sắp có việc hay, thường có dấu hiệu cát triệu báo trước.

Các (viết phụ âm cuối c) []: mọi,những (nói về số nhiều) – “sai đi các nẻo,tóm về đầy nơi” – (Kiều) – [閣]: nhà gác, nhà lầu – trà thất “nghinh phong các” [迊 風 各]: lầu gác đón gió  – “xót mình cửa các buồng khuê” – (Kiều).

Trong văn chương cổ có điển tích Đằng Vương Các – ngôi lầu gác nơi tụ hội văn nhân thi sĩ bàn luận văn chương do Lý Nguyên Anh – con vua Đường Cao Tôn, quan Thứ sử Tô Châu cho xây dựng (năm Vĩnh Huy thứ 4 (653) thời nhà Đường). Về sau Nguyên Anh được phong chức Đằng Vương, gác ấy được gọi là Đằng Vương Các dựng bên sông Tầm Dương.

Tương truyền khoảng 20 năm sau đó, Diêm Bá Dư ra lãnh chức Đô đốc Hàng Châu đặt yến tiệc đãi khách ở đây, có mời văn nhân thi sĩ làm bài tựa “Đằng Vương Các” để lưu niệm. Vương Bột nhân trên đường thăm cha là Thứ sử đất Giao Châu,nghe tin Diêm Đô Đốc mở tiệc lớn mời văn nhân thi sĩ khắp nơi, muốn đến dự. Thuyền đi lẽ ra mất ba ngày mới đến, may nhờ gió thuận đến nơi trong một đêm.

Bài tựa “Đằng Vương Các”[滕王閣]  của Vương Bột có câu đươc thán phục là thiên tài:

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc”

Tạm dịch:

Ráng chiều cùng cò trắng đều bay
Màu nước với bầu trời cùng một sắc

Cổ thi có câu: “Thời lai phong tống Đằng Vương Các”- thời vận tới như gió đưa đến gác Đằng- ý nói sự may mắn tin vui đến – thơ Kiều cũng có câu : “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa”.

Nhiều lắm những cái tên hiệu (Hán Việt lẫn Anh, Pháp, Nhật, Hàn…)nhưng nhiều người Saigon có lẽ vẫn thích khái niệm thuần Việt thi vị – gợi nhớ mênh mang : Phố xưa, Hương xưa, Saigon xưa, Mây chiều, Gió chiều, Chợt nhớ…

Dắt cái thân phàm “lốm đốm tàn phai” qua phố, nghe đầy một nỗi xa xăm – từng bước chân âm thầm – bỗng thốt lên trong tôi :

ôi cái ngày xưa đâu rồi,
tóc thề buông xuống miền vụng dại  
tà áo vờn bay trắng lối về…
đâu rồi  -“Saigon & Tôi” -“M & Tôi” ? …
dâu bể nhãn tiền khốc liệt
ký ức như đám thực bì dày lên nhợt nhạt
“Saigon & Tôi”
 ướt sũng nồng nàn !

Phan Văn Thạnh

(Saigon,27/02/2023)