NHỚ MỘT NGƯỜI Ở CÁI MƠN
PHƯƠNG NGHI
(nguồn: Kỷ Yếu Triển Lãm Và Hội Thảo Petrus Trương Vĩnh Ký)
Tác giả Phương Nghi
Tôi có cái duyên được làm quen với tác giả Trương Vĩnh Ký từ lúc bảy, tám tuổi. Lúc ấy tôi tình cờ thấy quyển Chuyện Đời Xưa ai đó để trên bàn và tò mò mở ra đọc. Chắc là ba má tôi mua về chứ còn ai nữa. Càng đọc tôi càng thích. Rồi tôi đưa cho em tôi đọc nữa. Hai chị em đọc xuôi đọc ngược đến quyển sách te tua.
Những chuyện như “Mẹ chồng nàng dâu ăn vụng”, “Đặt lờ trên ngọn cây”, “Chàng rể bắt chước cha vợ” sao mà vui vui, duyên dáng, dễ thương, hạp với tôi vậy không biết. Tôi đọc, chẳng cần suy nghĩ sâu xa gì cho mệt, nhiều khi tức cười quá cười lên khanh khách. Tác giả viết rất đơn giản, giống như đang giỡn vậy.
Được một thời gian thì quyển sách bỗng lạc đâu mất tiêu. Kiếm khắp cùng khắp xó cũng không thấy. Rồi tôi lớn lên. Sự tiếc rẻ về quyển Chuyện Đời Xưa bị mất vẫn còn làm tôi khổ sở vô cùng. Tôi đi lùng tìm ở các nhà sách nhưng không gặp được.
Ông Trương Vĩnh Ký là ai nhỉ? Tôi không biết gì về ông cả. Ngoài quyển Chuyện Đời Xưa thì cái tên của ông chẳng khơi gợi được ở tôi điều gì. Thậm chí tôi không biết ông còn có một cái tên khác là Petrus Ký. Tôi tưởng đó là hai người. Nghe cậu tôi kể hồi xưa cậu là học sinh Petrus Ký. Trường này sau 75 được đổi tên là Lê Hồng Phong.
Rồi tôi trôi nổi ra nước ngoài, lập gia đình, sinh con, làm việc kiếm sống. Giữa bao biến động của đời sống, cái tên Trương Vĩnh Ký đã chìm hẳn xuống đáy hồ và nằm lại ở đâu đó cùng với đá cuội và rong rêu, không khuấy động gì trong lòng tôi dù là một lượn sóng khiêm nhường nhất.
Tháng 12 năm ngoái các giáo sư, luật sư, nhà báo, nhà văn tên tuổi đã tổ chức một buổi hội thảo tưởng niệm học giả Trương Vĩnh Ký. Tôi ngồi trong hội trường lắng nghe các bài thuyết trình và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Học giả Trương Vĩnh Ký không chỉ có quyển Chuyện Đời Xưa như trong sự hiểu biết nhỏ nhoi của tôi. Ông là nhà báo đầu tiên của Việt Nam, đã dốc tiền túi ra làm báo đến đồng xu cuối cùng, là người truyền bá chữ quốc ngữ, viết lại Truyện Kiều và Truyện Lục Vân Tiên bằng chữ quốc ngữ… Theo cuốn sách “Trương Vĩnh Ký tinh hoa nước Việt” của GS Nguyễn Vy Khanh thì ông là “một nhà ngôn ngữ học và Việt Nam học đặc biệt của Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19. Trương Vĩnh Ký là một trong những người đi tiên phong viết văn bằng chữ quốc ngữ và ngoài những tác phẩm biên khảo và từ điển ông còn biên soạn các sách về giáo dục, lý thuyết, và thực hành ngôn ngữ, nhân chủng, địa lý…” Cũng theo GS Nguyễn Vy Khanh thì “Trương Vĩnh Ký đã từng bị hiểu lầm, từng bị huyền thoại hóa theo âm mưu của thực dân, từng bị khen chê theo yêu ghét cá nhân, theo xu hướng chính trị và thời cuộc” nên tượng đài của ông bị phế bỏ và trường học mang tên ông cũng bị thay bằng một cái tên khác. Công lao của ông to lớn quá. Một danh tài của đất nước như thế mà tôi chẳng biết gì hết. Thật đáng hổ thẹn.
Thời gian gần đây tôi có trở về thành phố cũ, tức Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Thành phố thay đổi quá nhiều, tôi ngơ ngơ ngác ngác như chàng ngáo, không nhận ra đâu là đâu. Nhân một lần lên thăm người cô ở Gò Vấp tôi hỏi anh xe ôm:
“Anh nè, mấy cái tên đường mới như Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Thọ là ai vậy anh hả? Họ là những anh hùng thời nào vậy?”
Anh xe ôm bảo:
“Ối. Em chả biết chị ơi. Tên gì cũng được. Em chạy xe cả ngày ê mông kiếm cơm kiếm gạo, còn sức đâu mà để ý mấy ông bà ấy đã làm gì cho đất nước.”
Anh xe ôm nhe răng ra cười. Mùi xăng nhớt, bụi đường, mồ hôi mồ kê quện vào nhau hăng nồng. Lần sau gặp một anh xe ôm khác tôi cũng hỏi cái câu tương tự và được nghe câu trả lời tương tự. Cả cái biển người đang rần ì chen chúc trong thành phố không biết có mấy ai quan tâm đến tên đường hay tên trường. Ngay những cái tên đang hiện hữu sờ sờ trên những bảng tên đường trong thành phố mà người ta còn chẳng biết mô tê gì thì nói chi đến một cái tên đã bị kéo xuống cách nay hơn 40 năm!
Tìm hiểu về Petrus Ký, về những công trình đóng góp của ông hoặc luận về Công hay Tội trong những việc làm của ông đối với đất nước đã có các sử gia, các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn. Riêng tôi, trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập đến những vấn đề có tính chất “tình cảm”, những suy nghĩ tản mạn của cá nhân tôi đối với Trương Vĩnh Ký. Tôi yêu quí ông vì tôi yêu quí biết bao nhiêu quyển Chuyện Đời Xưa, ngưỡng mộ lẫn biết ơn ông vì không có ông chăm lo việc truyền bá thì không có chữ quốc ngữ, và thương tiếc ông vì ông chịu nhiều phê phán của người đời trong khi mấy ai đã thực sự trong sạch mà phê phán người khác cũng như mấy ai đã thực sự hiểu về ông hay chỉ suy đoán, tưởng tượng hoặc a dua theo thế thời.
Phương Nghi đàn tranh, hòa tấu bài Lý Cái Mơn với người bạn Tiến Hùng đàn bầu tại buổi hội thảo.
Buổi tưởng niệm Trương Vĩnh Ký với những bài thuyết trình của các vị Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Chi, Bùi Vĩnh Phúc, Winston Phan Đào Nguyên, Phạm Phú Minh, đã đưa Trương Vĩnh Ký ra khỏi bóng tối u ám của những nhận định sai lầm do vô tình hay cố ý, đã đặt ông đúng vào vị trí tầm cỡ của ông và khai sáng cho thế hệ trẻ hiểu biết về một nhân tài của đất nước mà bấy lâu tên tuổi đã có phần bị quên lãng. Bây giờ thì tôi đã biết Trương Vĩnh Ký là ai và dĩ nhiên là các con các cháu tôi sau này cũng sẽ biết ông là ai.
Thương nhớ một tài danh của đất nước tôi và người bạn đồng môn – anh Tiến Hùng đã song tấu đàn tranh đàn bầu bài Lý Cái Mơn và hai câu Vọng Cổ để gởi đến ông, đến một người đã sinh ra trên miền đất Cái Mơn Nam Bộ với tất cả niềm tri ân. Bao nhiêu năm ôm đàn, lăn lóc gởi hồn cho bài Lý Cái Mơn nhưng đến bây giờ chính tôi mới cảm nhận được ý nghĩa to lớn của địa danh Cái Mơn, nơi đã sản sinh ra một người con của đất nước với bao công trình tâm huyết cống hiến cho văn hóa nước nhà.
Xin gửi đến người tác giả, học giả yêu mến của tôi hai câu thơ:
Ai về hát Lý Cái Mơn
Hồn Trương Vĩnh Ký ngát thơm muôn đời.
Phương Nghi
3/2019