Chương 15
Trương Sĩ Tải Tiên Du
Nhật Trình Nam Kỳ, số 46, 8-9-1898
(Bài viết này được trích từ Đặc San Petrus Ký 2000 do Hội Ái Petrus Ký Nam Cali thực hiện).
(nguồn: Quyển Tuyển Tập về “Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký” – 2005)
Ông Trương Vĩnh Ký, tự Sĩ Tải, đã tạ thế ngày mồng 1 tháng septempre 1898 hồi 4 giờ chiều.
Người hiền-ngỏ từ trần ai ai đều thương tiếc. Vậy Bổn quán báo tin cho chư Quý-hữu đặng hay.
Cổ nhơn điếu nhơn dỉ ngôn. Vậy ta cũng phải chịu cạn chút lòng thành, quê kệch đôi lời đưa người tri-kỷ.
Petrus Trương Vĩnh Ký sinh năm Đinh Dậu, Minh-Mạng thập bát, nhằm năm 1837, tại phủ Hoàng-Trị xứ Cái-Mơn, tỉnh Vĩnh-Long, bây giờ thuộc hạt Bến-Tre.
Thuở còn xung-linh ở với Nhà-thầy rèn chí tu-trì phụng sự Thiên-chúa. Sau lên Cao-Man học trường Pinhalu, rồi qua học sách đoán tại cù-lao Pinang. Từ ấy về sau mở trí càng ngày càng thông đạt xuất chúng. Ấy vậy khi trở về Vĩnh-Long đi ngã Cần-Vọt, nhơn Nhà nước Đại-Pháp qua chiếm Nam-Kỳ, quan Nguyên-Soái thủy Rigault de Genouilly xin đức Giám-mục cho giúp làm thông sự. Nhơn đó ra luôn theo việc thế gian.
Làm tôi Nhà-nước, thuở mới khai sáng, đã hết lòng cần cán, lại có chí trung thành: nên quan tin dùng, dưới dân hâm mộ.
Mấy cuộc giao hòa mấy phen sứ sự, thìn lòng giản tín tu mục đâu sai, thưởng cấp Bội-bài phong vị Đốc-học.
Từ ấy mới chuyên việc giáo-huấn, chú giải văn thơ. Dịch làm tự điển, luật lệ phát-âm, quan dân tinh thông là cũng nhờ bởi ngôn từ hiểu hiểu. Đông-Dương chư quốc tự thoại tinh tường, bác-sĩ danh nho cũng đáng cho dự tịch.
Đến sau Việt kinh hữu sự, ra sung Cơ-Mật tham-tá, nhờ đức Hoàng-gia tặng hàm Thị-giản. Khi phải từ giã hồi hương tứ tiển hành ân-cần ưu ốc. Sắc phong ẩn-sĩ, thiệt chẳng phụ danh; Ngự bút thi đề vinh qui đà nên toại.
Thương thay người hiền sĩ,
Kính thay người hiền sĩ!
Lúc phân vân đã ra tài kinh tế;
Hồi thái bình nào quên bạn bút nghiên.
Vì nước vì dân cũng nên cho rằng gồm đủ.
Chữ tề gia câu tu kỷ thìn lòng
Đạo tử hiếu nghĩa phụ từ chữ dạ.
Giao du thủ tín mấy ai bì,
Ai truất cơ bần nào kẻ kịp.
Thương ôi!
Công danh chưa chín nồi kê,
Phú quí vừa qua giấc mộng!
Cuộc trần hườn là nơi tạm,
Miền tiên cảnh hằng thiệt quê.
Rảnh nợ đời quan cái mới rằng xong,
Người ngỡi sĩ muôn năm danh còn rạng.
Đám xác ông Trương Vĩnh Ký đưa hôm thứ ba, mồng 6 septembre 1898, hồi 6 giờ rưỡi sớm mai; nào các viên chức Langsa, Annam, nào bà con thân thuộc, nào những học trò người đã dạy dỗ thuở nay đến đi đưa xác người thì đông kể chẳng xiết, rất nên là sang trọng, xưa nay chưa hề thấy đám ông nào đựơc như vậy bao giờ.
Quan tài ra khỏi nhà hồi 6 giờ rưỡi, có mướn bộ xe đám bực nhứt, bốn ngựa kéo. Quan cữu bao bằng gấm, cao lớn, coi rôm quá sức, để vừa vặn cái xe mà thôi; phải mà cao một tí nữa, thì để vào xe không lọt. Lại có những giàn đồ khiêng couronne (1) cả lớn nhỏ được 18 bộ. Hết thảy các sở, các nơi, Langsa, Annam cũng đều tỏ ra lòng thương tiếc người hiền sĩ, nên mỗi sở làm việc, mỗi hội riêng, đều gởi phần lễ điếu mà tống chung người. (…) Hồi xác tới nhà thờ thì Đức Giám mục Dépierre làm lễ; có các Thầy cả Tây và Annam ở các họ xung quanh đây đều tới chầu lễ cùng đưa xác người. Hồi đi rước xác, thì là cha Delignon, cai họ Chợ-Quán, đi tới nhà mà rước; còn cha Mossard, cai họ Saigon, thì lo sắp-đặt chỗ ngồi trong nhà thờ.
Có các thầy nhà-trường La Tinh học-trò trường Tabert đến hát lễ đưa xác.
Khi làm lễ xong rồi, thì Đức Giám-mục Dépierre đi đưa xác tới huyệt, cùng làm phép huyệt.
Chừng hạ khoán rồi, quan Thống Đốc Picanon bước lại nơi huyệt mà nói ít lời tế người hiền sĩ như sau nầy:
“Nay tôi đến đây thay vì quan Tổng-Thống Đông-Dương, cùng thế quyền cho Nhà-nước, và vì bổn-phận riêng tôi, mà trao lời từ-giã một lần sau hết cho Trương Vĩnh Ký, là một viên-quan bấy lâu rất có lòng với nhà nước Langsa, cùng là một người nhà-nước nhờ cậy được trong mỗi việc luôn.
Trương Vĩnh Ký là người thông thuộc các thứ tiếng Phương-Đông, là người tận lực vô cương, bực Đốc-học người, dấu-tích cùng làm bia ở đời. Nhà nước Nam-kỳ gọi người là gương các viên-chức đáng bắt-chước, lại sau khó kiếm người được vậy. Nay tôi xin tỏ cùng trong gia-thất người hiền-sĩ vài lời cám-cảnh, cùng xin từ-giã người từ đây”
Quan Thống-Đốc Nam-Kỳ nói dứt lời, thì ông Đốc-phủ-sứ, Trần-Bá-Thọ, đương vị quản-hạt hội-đồng, bước đến trước bá quan, mà nói những lời sau nầy:
“Tôi xin thay mặt cho những kẻ thanh niên trong Lục-tỉnh, nói một ít lời mà từ giã ông Đốc-học Trương Vĩnh Ký, là đứngrất đáng thương tiếc.
Lúc còn thơ ấu, người đã đem lòng ái mộ chữ nghĩa nước Langsa, cho nên người học bác lãm và hiểu tột nghĩa lý chữ Đại-Pháp, và đã đem sự thông suốt mình mà giúp Nhà-nước cơn mới trấn nhậm Nam-Kỳ.
Lãnh chức làm thầy trường hậu-bổ, người đã hiệp-lực cùng đứng trí-huệ như ông Philastre và ông Luro, ra sức dạy bảo những bực tài nhơn, sau làm tham biện cai-trị dân tình cách khôn-ngoan lịch-lãm, các đứng ấy lấy làm trọng hậu cùng yêu vì người và chẳng quên ơn người chỉ dẫn. Nhờ có sách người làm ra, diễn giải truyện tích chữ nho, chữ nôm, cho nên tiếng Annam dày ra chư quốc. Đến cơn hấp-hối, trí đà rối-loạn, mà người còn mơ tưởng sự sách vở in ra cho thiên-hạ thông dụng, nhứt là bổn tự-điển ông Littré.
Còn quan Toàn-quyền Paul Bert chọn nguời làm mưu-sĩ tại Cơ Mật-Viện, thì người hết lòng khuyến khích vua Đồng-Khánh học hành. Hoàng-Đế cõi Nam kính tài năng và mến đức người, bèn nghe theo mà luyện-tập nói tiếng Langsa, chẳng đặng mấy tháng, mà Hoàng-thượng đã biết nói nhiều lời thiết-yếu với quan Toàn-quyền.
Bên Pháp-quốc thấy sự học người bác-lãm nhứt phẩm; các quan Nguyên-soái Tổng-thống Nam-Kỳ, dòm thấy lòng người trung chánh, liền tặng cho Ngũ-hạng Bội-Tinh.
Làm cha nhơn-từ, người thường dạy con kính thờ Nhà-nước Langsa và xui lòng trẻ mộ đạo văn chương.
Trong chúng tôi, là kẻ đương thời xuân-xanh, phần nhiều, đã nhờ ơn giáo hóa nay mất người, là mất thầy ngãi-khí và một bạn đồng tâm. Biết mấy phen, trí rối lòng sầu, tuôn đến xin người chỉ dẫn.
Nay ông Đốc-học Trương Vĩnh Ký tạ thế, để danh thơm khắp hết gần xa, xui thương tiếc trăm nhà lớn bé. Ấy là một ông Hiền, nên gương bắt chước, chẳng ai quên đặng.”
Thật đám xác ông Trương Vĩnh Ký sang-trọng ít ai dám bì, vì mỗi người dầu Tây, dầu Annam cũng đều yêu chuộng cách ăn ở người trong mỗi việc. Người thật là gương nhơn-đức mọi đàng, danh tiếng người thì ai ai cũng biết, là đức làm gương cho các đời hậu sanh. Nhà-nước Langsa nhìn ông Đốc-Ký là người tuy đã hạ thế, mà thiên hạ chẳng quên đặng; vì những công hết lòng lo giúp nước, nên được thưởng các thứ médaille, ai ai cũng đều rõ biết. Mỗi người đi đưa xác rồi ra về, thì đều cảm động người quá chừng.
Nay bổn-quán nhựt-báo Nam-Kỳ cũng trọng trình tỏ cùng bà Trương Vĩnh Ký và các thân quyến, xin nhậm chút tình ái tích.
Thương thay! Tiếc thay: Thầy ta là quan lớn Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký
Nhớ Thầy Xưa
Nên đứng thông minh,
Thiệt trang văn phú.
Sang dường ấy, trọng dường ấy,
Áng công danh trong mắt ngó như không;
Kiêu chẳng hề, lẩn chẳng hề,
Bực tánh hạnh trên đời xem ít có.
Việc chữ-nghĩa nhọc lòng biên đặt,
Lắm thuở công-phu;
Dạy học-hành ra vun-trồng,
Nhiều lời khuyên dỗ
Ôi!!!
Tưởng còn lâu hưởng lộc Trời,
Nay đã sớm lìa cõi thụ!
Bướm Trang-sanh một giấc,
Minh cỡi chốn vi cơ;
Hạc Đinh-lịnh trăm năm,
Hồn nương nơi vân vụ.
Người tuy mất mà danh chẳng mất,
Tiếng hãy còn đây;
Coi sách Thầy mà học ý Thầy,
Hình như thấy đó.
Hởi ôi tiếc thay! Hởi ôi thương thay!
Môn sanh: Mai-Nham, Thế-Tải Trương Minh Ký, Tân-
Long Tri Huyện Hà Minh Phải, Hà-Tiên Thông Phán
Trần Quang Tâm; vân-vân, vân-vân…
4 septembre 1898.
—————————-
Kính Điếu Sĩ Tải, Trương Tiên sanh
Vương-hội ghe phen thẳm gió, mây
Vì Nam thay mặt rõ ngôi thầy
Mười phương chữ nghĩa tài, danh trọng,
Muôn kế con em đức trạch đầy.
Thời thế dễ nào khi tấn thối,
Đạo tâm xin vẹn với cao dày.
Sáu mươi hai tuổi, chưa rằng thụ,
Một bức xuân sang vẽ chẳng tày.
Gia Định Trúc An
Đặng Thúc Liêng, bái.
————————-
Kính các giới chức đặng rõ, bổn-quán nhựt-báo mới được một bài văn-tế ông Trương Sĩ Tải, nhưng mà hơi trễ quá, nên đem vào nhựt-trình chuyến nầy không được, kỳ tới sẽ in ra cho anh em nhàn lãm.
(1) Cái couronne cũng giác-thể như văn, như bàn tòngchung của Annam vậy.