Chương 17

Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký Hay Hóa Trình Từ Người Trí Thức Đến Kẻ Sĩ Phu

Thạc Sĩ Hồ Hữu Tường

(Bài nói chuyện của tác giả tại trụ sở Trung tâm Văn bút Việt Nam ở Sàigon, sáng Chủ nhật ngày 28-07-1974 (Trích trong Bách Khoa 404, 5-9-1974, tr. 22).

(nguồn: Quyển Tuyển Tập về “Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký” – 2005)

Ky Yeu PK 2018 - 97

Kính thưa liệt quí vị,

Tôi thành thật và sâu xa cám ơn quí vị, đã đến đây nghe thuyết trình về một nhân vật, mà mọi người ở miền Nam đều có thể cho mình đã biết rõ rồi, và chẳng còn chi để nói nữa. Nhưng mà, đối với tôi, thời sự đã đưa ra những vấn đề lớn sau đây, chưa được ai nói đến, và cần nói ra.

Vấn đề lớn thứ nhất được đặt ra do một dữ kiện có tính chất thời sự sôi bỏng. Thời sự này là việc cổ xúy rầm rộ và có tầm vóc quốc tế cho việc cai đẻ, ngừa thai hay không ngừa thai; tôi không dám xét vấn đề một cách bao trùm và tổng quát. Tôi lại thấy một vấn đề nhỏ mà tôi thiết tha, cần bàn cho rốt ráo và tường tận. Sau ba mươi năm chinh chiến, dân tộc ta vốn đã chậm tiến, thêm cần tái thiết và phát triển, ắt cần nhiều cán bộ, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều nhân tài. Những con nhà nhiều tiền của, bấy lâu nay được gởi đi học ở nước ngoài, chưa thấy có mấy ai về xứ với tinh thần phục vụ. Tất nhiên dân tộc phải quay nhìn vào thanh niên ở trong xứ. Mà thanh niên ở trong xứ, có tinh thần phụng sự dân tộc do kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy họ thường xuất thân trong cảnh hàn vi. Nhận xét riêng tư nầy, cũng được một học giả đàn anh, năm 1929, đã viết một tập phóng sự ngồi tù khám lớn, và câu nầy được báo Thần Chung lúc ấy trích đăng chữ to trên măng-xết như sau:

Phan Văn Hùm tiên sanh có nói rằng: “Dễ mấy ai hoàng thân đế tộc, mà từ bi bác ái như Thích Ca Mâu Ni cùng Khắc Lỗ Bào Đặc Kim?

Với cái nhìn như vậy, có thể nào lòng tôi cho phép ngừa đón, chẳng cho những đứa bé nhân tài ra chào đời? Bởi vì kẻ tỉ phú tốn trong một trận cười vài giờ, đủ nuôi một nhân tài trọn đời, thì cái chiến dịch ngừa thai, cai đẻ phải chăng có ý nghĩa độc nhứt là một chiến dịch ngăn chận trẻ con nhà nghèo ra đời?

Vấn đề lớn thứ hai được đặt ra bởi tình hình kinh tế quá bi đát mà dân ta đương phải sống. Ví như, nhờ biện pháp nào đó mà chúng ta giúp được một số trẻ thần đồng được chào đời, thử hỏi có những chánh sách nào để xây dựng những nhân tài mầm non ấy được trưởng thành, để mai sau phục vụ cho đất nước?

Nếu chúng ta chẳng có chánh sách nào cả, phỏng có ngoại lực nào ngó xa thấy rộng mà khai thác những mầm non ấy, thì hậu quả sẽ ra sao?

Hai vấn đề lớn nêu trên, một trăm bốn mươi năm trước đây, đặt ra hoàn toàn với nhân vật sơ sanh là Trương Vĩnh Ký. Bởi chánh sách sai lầm của Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, mà thần đồng Trương Vĩnh Ký, đến 37 tuổi, đã được công nhận là một trong 18 học giả lừng danh thế giới, nhưng lại là cán bộ cho đạo quân thông ngôn thực dân Pháp đến xâm lăng đất nước Việt Nam. Cái hiện tượng một nhà trí thức, có tầm vóc cỡ ấy, mà bước đầu của người trong đời, mang cái danh trong lịch sử dân tộc, là một người hiệp tác, đó là một hiện tượng đáng cho những nhà lãnh đạo dân tộc suy gẫm.

Tuy vậy, đó chẳng qua là một vấn đề quá nhỏ, so với vấn đề sau đây mà tôi muốn đem ra bàn bạc cùng quí vị. Việc Trương Vĩnh Ký hợp tác với quân ngoại bang xâm lăng là do hoàn cảnh, do giáo dục, từ bên ngoài mà bao vây một thiếu nhi, một thiếu niên rồi một thanh niên. Trách nhiệm của một sự kiện đó không nên quy về cho Trương Vĩnh Ký. Vì Trương Vĩnh Ký vị thành niên, không chọn được cả hai chỗ đứng lẫn cái thế đứng của mình. Chỗ đứng này là một chỗ đứng của một thanh niên trí thức mắc kẹt bởi điều kiện khách quan vào guồng máy của quân đội thực dân. Và thế đứng nầy tất là bị ràng buộc vào sự hợp tác. Nhưng mà, khác hẳn với bao nhiêu trí thức khác, nhà trí thức Trương Vĩnh Ký lần lần hóa nên một sĩ phu. Cái hiện tượng này, xét trong khuôn khổ thời sự ngày nay, trở nên là một vấn đề vĩ đại vô cùng.

Thật vậy, chiến tranh ý thức hệ xuất hiện ở xứ ta từ năm 1945, đến nay đếm gần 30 năm. Những thiếu nhi, năm ấy dưới 10 tuổi, đến nay tuổi chưa đầy 40, cái tuổi mà Khổng Khâu gọi là “bất hoặc”. Những người nầy không chọn được chỗ đứng cho họ. Hầu hết, bởi sanh ra, mà họ đã đứng ở bên nầy hay bên kia, cái thế đứng của họ cũng vì bên nầy hay bên kia. Tóm lại, đa số họ là những người trí thức có phảng phất một cái gì na ná như Trương Vĩnh Ký vào lối 20 đến 30 tuổi. Vậy thì một số đông cũng có thể như Trương Vĩnh Ký, hóa từ một nhà trí thức ra một sĩ phu. Và như vậy, cái hóa trình của Trương Vĩnh Ký, từ một nhà trí thức đến một sĩ phu, đáng đem ra mà nghiên cứu, bàn bạc vậy.

Thưa liệt quí vị.

Mặc dầu tiểu sử của Trương Vĩnh Ký đã được phổ biến nhiều rồi, song để chứng minh cái “hóa trình” nói nơi đây, tôi xin phác qua vài nét chính.

Sanh trong một gia đình Ki-tô giáo vào thời Thiệu Trị, cha là lãnh binh Trương Chánh Thi bị chánh sách cấm đạo mà phải rời Nam Vang, về ẩn tại Cái Mơn [22] và nơi đây có vợ cũng Ki-tô giáo, là Nguyễn Thị Châu. Ra đời chẳng bao lâu thì Trương Vĩnh Ký mồ côi cha, nhưng được mẹ chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục và cho đi học chữ Hán, đến 11 tuổi đã thông thạo Tứ Thơ, Ngũ Kinh, và nổi tiếng Thần Đồng nên được một linh mục người Pháp xin nuôi, cho học chữ Quốc ngữ và chữ La tinh. Kế rồi chánh sách đàn áp Gia-tô giáo của triều đình khiến cho hai thầy trò dắt nhau trốn ở Nam Vang, và nơi đây, được vào chủng viện Pinhalu. Nơi đấy, Vĩnh Ký học thần học, triết học với ý đồ trở nên một vị linh mục. Nơi đây, người đã học thêm với đồng chủng viện tiếng Cao Miên, tiếng Lào và tiếng Xiêm La.

Năm 1850, được 13 tuổi, Vĩnh Ký được chọn gởi sang chủng viện Pénang. Nơi đây, ngoài những môn học đặc biệt của chủng viện và tiếng La tinh, người còn học những sinh ngữ khác như Pháp ngữ, Anh ngữ, Y Pha Nho ngữ, Hoa ngữ, Mã Lai Á ngữ, Ấn Độ ngữ, Nhật ngữ. Cộng cả thảy là mười thứ tiếng khác nhau. Biết một thứ tiếng ấy là nắm được cái chìa khoá mở cửa vào một nền văn minh, nên chỉ vừa đúng thành niên, Vĩnh Ký đã nổi tiếng là thông kim bác cổ, bao gồm cả văn hóa Đông-Tây.

Một nhân tài như thế không khỏi lọt vào mắt của đám thực dân đã dựng mưu lập kế xâm lăng để chinh phục Việt Nam. Từ năm 1843, khi Vĩnh ký mới 7 tuổi, chiến thuyền Pháp L’Héroðne do Favin L’Évêque lãnh đạo, đã xổ đại bác trước Cửa Hàn để thị oai. Năm 1845, khi Vĩnh Ký mới 9 tuổi, chiến thuyền Elemene do Dortier du Plant lại đến Cửa Hàn xổ đại bác thị oai lần thứ hai. Rồi năm 1847, khi Vĩnh Ký mới 12 tuổi và được một linh mục người Pháp nhận nuôi, rồi dắt trốn lên Nam Vang, thì lần thứ ba, chiến hạm La Victorieuse, và chiến hạm La Gloire lại đến cửa Hàn, bắn tan hạm đội vua Thiệu Trị, khiến nhà vua này uất hận mà băng hà. Sự trùng hợp ấy khiến cho có người đời sau tự hỏi, phải chăng từ năm ấy, thực dân đã có kế hoạch chọn thần đồng Trương Vĩnh Ký để đào tạo làm cán bộ của mình ?

Ví dầu năm 1847, thực dân chưa có ý đồ sâu xa, thì năm 1858, tất nhiên chúng phải nghĩ đến. Năm ấy là năm thân mẫu Nguyễn Thị Châu của người qua đời. Trương Vĩnh Ký được phép rời Pénang trở về Việt Nam để thọ tang mẹ. Đi trên tàu Pháp, từ Pénang trở về nhà, vị thanh niên trí thức nói được 10 thứ tiếng không khỏi được các nhà lãnh đạo thực dân để ý, và ghi tên vào sổ đặc biệt, hầu khi gặp việc thì có ngay. Cơ hội nầy, đến ngay, vì Tết năm ấy vừa xong, ngày 11 tháng 2 Dương lịch, đô đốc Rigault de Grenouilly đánh lấy Cần Thơ, rồi ngày 17, đánh lấy rồi chiếm luôn Sàigòn, để rồi xâm lăng cả xứ theo chánh sách tằm ăn lên. Kế hoạch lâu dài và to tát như vậy tất nhiên đòi hỏi cả một bộ máy thông ngôn và thông dịch để cho quân đội Pháp giao thiệp với mọi từng lớp. Đô đốc Bonard, ban đầu dùng cá nhân Trương Vĩnh Ký, kế rồi nhờ đứng đầu tổ chức trường đào tạo thông ngôn, khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1860, nơi ngày nay là Trung tâm Văn hóa Lê Quý Đôn. Như vậy mới thấy rằng, dầu muốn dầu không, Trương Vĩnh Ký, bởi vai trò trí thức đặc biệt, mà phải là một bộ phận cần thiết của guồng máy thực dân, nên khó bề trốn tránh được.

Càng khó trốn tránh hơn nữa, là vai trò thông ngôn, trong những cuộc điều đình Pháp Việt. Đầu năm 1862, Vĩnh Ký tham gia, với tư cách thông ngôn, vào phái đoàn Simon, là nhà thương thuyết toàn quyền, ra Huế để bàn việc cắt 3 tỉnh phía Đông giao cho quân xâm lăng. Sau cuộc thương thuyết nầy, triều đình Huế toan tính mua chuộc lại 3 tỉnh đã cắt nhượng, nên gởi một phái đoàn do Phan Thanh Giản lãnh đạo, có Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, để gặp hoàng đế Napoléon III. Nhưng thất bại nặng nề, phái đoàn về tay không, ôm bao nhiêu thất vọng trong lòng.

Nhưng riêng đối với nhà trí thức Trương Vĩnh Ký, chuyến đi sang Pháp đánh dấu một cái khúc quanh trọng đại trong tâm tình. Ở Pháp, người đã tiếp cận được với giới trí thức: Renan, Littré, Paul Bert, Victor Hugo và xuyên qua những nhân vật nầy, Vĩnh Ký đã làm quen với những trào lưu tư tưởng tiến bộ của Âu Châu. Là một con chiên ngoan đạo, Vĩnh Ký được vạch mây mù mà thấy được Cơ Đốc nguyên thủy bị Toà Thánh Vatican cấm đọc, nhưng Vĩnh Ký lén đọc, và tiêm nhiễm cái tinh thần phục vụ đại chúng bình dân và nghèo khổ mà Jésus và 12 tông đồ, khi lập giáo, đã truyền bá. Đây là một cuộc thay đổi âm thầm trong tâm tư. Nên chỉ khi về xứ, Vĩnh Ký bắt đầu thấy ánh sáng trong việc cấm đạo và đàn áp đạo của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức. Người dám nói công khai: “Người An-Nam đâu có thù ghét đạo Gia-Tô! Họ chỉ bất bình và phản đối những hành vi quá mức của một số linh mục dựa vào sự che chở của quân đội và chánh quyền Pháp-lang-sa, để tiếp tục thi hành những việc bạo ngược. Bởi vì, xét cho kỹ, Gia-Tô giáo và Phật giáo chẳng khác nhau bao nhiêu”. Những lời nói trên đây chọc tức bọn thừa nước đục thả câu.

Chúng mượn được cơ hội, khi mà triều đình Huế gởi vào Sài gòn một nhóm học sanh tùng học nơi trường thông ngôn.Vĩnh Ký thấy rằng sự hai chánh quyền hiểu nhau cặn kẽ, xuyên qua những người thông ngôn có thiệt tài, sẽ giúp cho sự giao hảo giữa đôi bên, nên chi ông đặc biệt chăm lo cho đám học sinh nầy. Bọn người thù ghét ông lấy sự chăm lo đó làm bằng ông đương “phản” người Pháp và chăm lo cho triều đình Huế nhiều hơn. Viên Thống Đốc Nam Kỳ do đó chỉ trả lương chức Đốc học cho ông hàng tháng mà thôi, lắm khi còn bày trò trả lương trễ 3, 4 tháng để gài ông vào cảnh túng bấn.

Những việc bạc đãi nầy xảy ra sau năm 1864 và trước năm 1868. Bẩm tánh của Trương Vĩnh Ký không phải là một nhà cách mạng, huy động quần chúng nổi dậy chống lại quân xâm lăng, như một Thủ Khoa Huân, một Phan Đình Phùng. Ở vào cương vị xem được những tài liệu báo tri rõ ràng thế lực của đôi bên, với sự hiểu biết quán xuyến của ông, ắt ông cũng dè dặt lắm, nếu lòng có nuôi dạ chống đối. Nên chi, từ ấy, sự bạc đãi của thực dân khiến ông rút lui cương vị của một nhà trí thức thức thời, mà lúc ấy, ông thấy rằng, chỉ có con đường khai dân trí và tấn dân đức. Từ ấy, ông bắt đầu sống trong cảnh thanh bần lo việc sáng tác văn hóa.

Lùi lại thời gian, phần sáng tác nầy chia ra làm 3 phần rõ rệt.

Phần thứ nhất để dạy dỗ người Pháp ngôn ngữ và phong tục của người An-Nam. Ông cho rằng người Pháp rành về khoản nầy, ắt tránh được lắm nhiều điều đáng tiếc. Mà điều đáng tiếc hơn cả, là lũ thông ngôn dựa vào quyền thế ngoại bang để bóc lột dân dốt nát. Điển hình hơn cả là việc đối thoại giữa ông và một học trò cũ, học ở trường thông ngôn với ông, rồi ra làm thông ngôn ở Tân An, vị quan lại trẻ tuổi mà tài cao nầy, tên là Lê Phát Đạt, chỉ trong vòng 3 năm, mà đã gom được một số tiền nổi hơn 10.000đ (quá bạc tỉ bây giờ) và cướp của công khai đồng bào có chút tư tưởng yêu nước, bằng cách hù cho gia đình họ làm giấy giao sự nghiệp chìm, nổi, bất động sản cho ông cất giữ cho, chờ vận hội mới, sẽ trao lại cho. Do đó mà đất đai mênh mông, chẳng biết đâu mà kể. Gặp thầy cũ sống trong thanh bần, quan thông ngôn Lê Phát Đạt khoe tài làm giàu của mình. Thì ông khuyên với giọng nhuốm mùi tôn giáo: “Nầy chú ơi, chớ vội vui mừng. Đương lúc vui, nên gẫm mà buồn lần lần đi. Đến khi mà nguy khốn thì dễ đuổi tan sầu não. Trong hồi khổ cực, mà biết nghĩ đến lúc vui mừng, thì hãy vui. Việc gì cũng có trả có vay”. Lời khuyên của Trương Vĩnh Ký tuy đượm mùi triết lý, có được ai nghe theo? Nên chi ông nghĩ rằng, nếu thực dân mà hiểu được trực tiếp dân đen, có lẽ hành vi của bọn trung gian nầy ít tai hại bằng.

Phần thứ hai để dạy cho mọi người, chớ chẳng phải riêng cho học trò ra làm quan, biết được tiếng Pháp, để mà hiểu người Pháp, và văn minh hơn Pháp.

Nhưng mà phần thứ ba, mới là quan trọng, làm mở mang trình độ và địa hạt hiểu biết của người Việt với văn hóa của mình. Công việc nầy đáng ghi đời đời dính vào tên Trương Vĩnh Ký vậy. Do cái phần thứ ba nầy, mà năm 1867, Trương Vĩnh Ký nhận quyền Giám Đốc tờ Gia Định báo. Báo nầy, ban đầu do chánh quyền thực dân Pháp sáng lập năm 1865, để đăng tải những công văn, nghị định mà Pháp cho các cấp làng xã chiếu theo mà làm việc. Trương Vĩnh Ký tiếp tục phần công văn ấy. Và thành lập một bộ biên tập với Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường, thêm đăng tải một vài bài do các nơi gửi đến. Ngoài phần công văn, bắt đầu có phần khảo cứu, sáng tác, nhằm mục đích cung cấp một món ăn tinh thần cho độc giả.

Để tổ chức đời sống phụng sự dân chúng bằng văn hóa, Trương Vĩnh Ký gom góp tiền tiết kiệm của mình và của riêng của vợ, mà mua một thửa ruộng nhỏ toạ lạc ngày nay, nơi góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng. Thuở ấy, con đường Trần Hưng Đạo chưa có. Từ bến sông, chỗ nhà thương chợ Quán đi vào nhà thờ, chỉ có một con lộ đất, sau nầy mở rộng có xây cất một ngôi nhà thờ tại đây. Giữa đồng, hai vợ chồng cất một ngôi nhà con để được yên tĩnh cho ông viết lách. Ngôi nhà nầy nay không còn, nhưng ngay chỗ đó hiện nay vẫn còn ngôi mộ của Trương Vĩnh Ký .

Năm 1872, ông được phong làm tri huyện hạng nhất, nhưng ông từ chối việc đi làm quan cai trị, mà chỉ còn giữ chức vụ Giám đốc trường Thông ngôn, bấy giờ dạy mở thêm tiếng Miên và tiếng Lào.

Cái quá trình từ nhà trí thức đến sĩ phu tưởng đâu xuôi dòng để cho Trương Vĩnh Ký êm đềm nhẹ bước trên con đường văn hóa. Nào dè cảnh chẳng chiều người. Quân đội xâm lăng, thi hành chánh sách tằm thực, năm 1884, ép triều đình Huế ký hiệp ước Patenôtre, đặt toàn quốc dưới quyền thống trị. Toàn quốc nổi lên phong trào Cần Vương, Vua Hàm Nghi xuất bôn, Thần Kinh dấy loạn. Chánh phủ Pháp, một mặt dùng chánh sách sắt máu đàn áp bằng võ lực, một mặt dùng chánh sách sắt máu trong nhung lụa, để dụ dân. Nên cử Paul Bert sang làm toàn quyền đồng thời đưa vua Đồng Khánh lên ngôi. Paul Bert vốn quen biết Vĩnh Ký từ năm 1863, hết sức nài nỉ cho Vĩnh Ký giúp mình trấn an dân tình, mượn cớ tiết kiệm máu xương của người Việt. Một mặt, vua Đồng Khánh đãi ngộ rất mực cung kính. Vừa lên ngôi ngày 6 tháng 8 năm 1885, thì 21 ngày sau, ngày 27 tháng 8, vua Đồng Khánh ngự tứ sắc phong Trương Vĩnh Ký làm Hàn Lâm Thị Độc Học Sĩ, sung Cơ Mật Viện.

Nhưng mà Vĩnh Ký đi lệch ra ngoài con đường của mình chẳng bao lâu. Bạn thân của ông, và có thể giúp ông thực hiện lòng nhân đạo, là Paul Bert đã từ trần năm 1886. Kế rồi vua Đồng Khánh cũng ra đi. Cương vị của ông tại triều đình, thật ra, không ngoài việc dòm ngó hành tung của triều đình để làm một tay báo cáo cho thực dân, nên ông từ chức, trở về Nam để lo việc trước tác tại nhà riêng cho đến năm 1898. với danh nghĩa là một sĩ phu gặp hồi quốc nạn.

Thưa liệt quí vị,

Danh nghĩa sĩ phu nầy, không phải do tôi võ đoán mà gán cho Trương Vĩnh Ký. Trước tôi, ngay lúc Vĩnh Ký còn sanh tiền, một nhà ái quốc có uy tín toàn quốc đã nhận như vậy. Nhà ái quốc nầy là cụ Nguyễn Đình Chiểu mà đến nay, không một ai hoài nghi sự nhận xét của cụ. Trong tập thơ văn chép tay, mà bởi sự mù loà, nên đọc cho con gái chép thay cho, những người đồng thời với cụ, hoặc được cụ đề cao, như Phan Thanh Giản, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định, Phan Công Tòng hoặc bị cụ mạ sát, như Tôn Thọ Tường. Riêng đối với Trương Vĩnh Ký, khi vua Đồng Khánh sắc tứ làm Hàn Lâm Thị Độc Học Sĩ, thì cụ ra lệnh cho con gái là Nguyệt Ánh, chép trọn bài sắc vào tập gia bảo ấy. Những luận điệu của vua Đồng Khánh, cụ Đồ Chiểu cho là phải, nên cụ lưu niệm cho ta được biết. Thật là một tài liệu đáng công bố, và tôi mong Khối Văn Hóa và Nhà Khảo Cổ làm việc đó.

Sau cụ Đồ Chiểu, tôi xin dẫn chứng một dư luận tập thể toàn dân đứng dậy, năm 1945, vác tầm vông vạc nhọn mà chống xâm lăng. Lúc đó, tất cả tượng đồng, đều bị dân chúng triệt hạ, chỉ chừa tượng của Trương Vĩnh Ký còn đứng sờ sờ tới ngày nay. Cũng năm ấy, tên người được dùng để đặt tên đường, tên trường, tên công thự, đều bị thay đổi. Nhưng tên của trường trung học nằm tại đại lộ Công Hòa ngày nay vẫn để y. Cho hay, dầu những người chánh trị cách mạng cực đoan đến đâu, cũng chẳng dám đả động đến Trương Vĩnh Ký trong lúc mà họ không nhơn tay tha chết cho một Phạm Quỳnh.

Có lẽ, số báo đếm thành số trang của Gia Định báo, đếm không bằng số trang của tạp chí Nam Phong, nên người viết sách quên nhắc Trương Vĩnh Ký, mà không tiếc lời đề cao Phạm Quỳnh. Nhưng tôi thấy trong tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, việc phổ biến văn hóa không có sơn mầu vọng ngoại, mặc dầu với sự được Tây Phương liệt kê mình vào một trong số 18 danh nhơn trong thế giới và mặc dầu Trương Vĩnh Ký hiểu rõ Tây Phương hơn bất cứ ai.

Nhưng không lẽ vì lý do đó, mà để cho tên của người mai một trong ký ức của thanh niên ngày nay. Bởi vì quên tên Trương Vĩnh Ký, ấy là quên cái quá trình và cái hóa trình từ một nhà tri thức hợp tác với ngoại bang để đến một bậc sĩ phu đối với thời đại của mình. Tôi tưởng nên nêu gương sáng của những nhà ái quốc, để cho giới trẻ ngày nay biết yêu quê hương và dân tộc. Mà tôi cũng tưởng rằng nên vạch lối cho những thanh niên ôm bằng cấp lớn, ngồi địa vị cao, khi mà ngoại bang rút đi, không đến nỗi vác bằng cấp, ôm tiền bạc để bỏ quê hương đến lưu vong với xứ người. Ngoài con đường tuyệt vọng ấy, hãy còn có được con đường mà Trương Vĩnh Ký đã âm thầm đi tức là cái quá trình từ nhà trí thức đến kẻ sĩ phu.

Vấn đề mà tôi đặt ra hôm nay gẫm ra có tánh chất thời sự. Trong lương tâm ắt đã đặt ra rồi. Trương Vĩnh Ký, hơn trăm năm trước đây, đã có lời giải cho vấn đề ấy rồi. Ngay trong lúc mà thực lực của ngoại bang còn quá mạnh. Hôm nay, tôi đem lối giải quyết ấy mà thuật lại cho liệt quí vị nghiền ngẫm, trong lúc mà dân tộc đương trên con đường thu hồi sự tự do của mình.

Bởi vậy, nếu tôi đã làm cho quí vị tốn thì giờ, thì quí vị cũng sẵn lòng tha thứ cho vậy.

Thành thật, tôi xin cám ơn liệt quí vị.__


[22] Theo nhiều tài liệu, Ông Trương Chánh Thi vẫn còn làm Lãnh Binh cho triều đình Huế ở Nam Vang cho đến khi chết.