Hành trình nhận thức về một nhân vật lịch sử: Petrus Trương Vĩnh Ký
Trần Thạnh, PhD
(nguồn: tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long số 12 – Nhóm nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu)

Mở đầu
Trong số các nhân vật lịch sử Việt Nam của thế kỷ 19, Trương Vĩnh Ký nổi bật là một nhân vật đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, Việt Nam lẫn ngoại quốc. Tiếng khen cũng nhiều, lời chê cũng không ít. Có người xem ông là nhà bác ngữ học, là một người yêu nước, kẻ khác lại xem ông là tay sai của thực dân Pháp. Tháng 1 năm 2017, giới học thuật tại Sài Gòn nói riêng và tại Việt Nam nói chung ngạc nhiên trước tin buổi phát hành sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” của soạn giả Nguyễn Đình Đầu bị cấm bằng “lệnh miệng”, sách bị thu hồi.[1]
Vì sao một trăm hai mươi năm sau ngày Trương Vĩnh Ký mất, các ý kiến vẫn chưa ngã ngũ về “công” và “tội” của ông? Vì nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trước tiên là vì bản thân Trương Vĩnh Ký là một học giả toàn diện mang tầm vóc thế giới, nhưng lại có một cuộc đời phức tạp, khác xa với những người cùng thời đại mà ông đang sống. Nguyên nhân thứ hai là sự khiếm khuyết của tài liệu lịch sử, dù lịch sử đó chưa tới 200 năm. Nguyên nhân thứ ba là do kẻ hậu sinh đánh giá về ông (cả khen lẫn chê) thiếu khách quan, để tình cảm và định kiến chi phối. Đó là chưa kể những người dùng bài viết về ông để phục vụ cho mưu đồ chính trị hoặc đeo đuổi mục đích tôn giáo.
Trong bài này, chúng tôi sẽ điểm lại nhận định về nhà Bác ngữ học Trương Vĩnh Ký qua các thời kỳ. Tài liệu chính mà chúng tôi sử dụng là quyển “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” do Nguyễn Đình Đầu chủ biên, Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam cùng Nhà xuất bản Tri Thức liên kết xuất bản và phát hành, với giấy phép xuất bản ký ngày 25 tháng 10 năm 2016. Bên cạnh quyển sách này là một số tài liệu gốc mà chúng tôi thu thập được và sẽ nhắc đến sau. Chúng tôi chủ trương truy tìm tận gốc tất cả các tài liệu, nếu có thể được, tránh tình trạng trích dẫn qua trung gian, có thể đưa đến việc truyền bá dữ liệu sai. Trong trường hợp không thể trực tiếp tiếp cận nguồn tài liệu, khi cần phải trích từ một nguồn trung gian, chúng tôi sẽ ghi rõ và trích dẫn với thái độ dè dặt. Hơn nữa, vì số lượng bài nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký quá đồ sộ, chúng tôi chỉ đề cập đến những khảo cứu và ý kiến có tầm ảnh hưởng quan trọng trong từng thời kỳ.
Khi còn sinh thời, Trương Vĩnh Ký ghi tên của mình trong các bài khảo cứu là P. Trương Vĩnh Ký hoặc Petrus Ký. Vì vậy trong bài viết này chúng tôi sẽ dùng lẫn lộn cả hai tên mà không có chủ đích phân biệt nào hết. Chúng tôi cũng theo cách viết chữ “Petrus” không có dấu sắc tuy rằng có một số người Việt Nam (nhất là những người biết tiếng Pháp) và người Pháp viết có dấu sắc. Petrus là tiếng Latin tương đương với Pierre của tiếng Pháp.
Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi ghi lại đây vài niên biểu quan trọng trong cuộc đời Trương Vĩnh Ký. Các dữ liệu này được trích ra từ quyển “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ”, có tham khảo đối chiếu với “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim.
- 6/12/1837: Trương Vĩnh Ký ra đời tại họ đạo Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre) trong một gia đình Công giáo.
- 1837 – 1838: Triều đình Minh Mạng cấm đạo rất gắt gao.
- 1845 – 1849: Trương Vĩnh Ký học tại tiểu chủng viện Cái Nhum (nay thuộc Bến Tre) do Linh mục Borelle (cố Hoà) cai quản.
- 1851: Trương Vĩnh Ký đi học đại chủng viện Poulo-Penang ở Mã Lai.
- 1856: Pháp bắn phá Đà Nẵng lần thứ nhất.
- 1858: Pháp bắn phá Đà Nẵng lần thứ hai. Petrus Ký về Cái Mơn chịu tang mẹ rồi vào chủng viện làm việc cho Linh mục Borelle.
- 18/02/1859: Pháp bắn phá Cần Giờ, chiếm thành Gia Định.
- 1860: Petrus Ký làm thông ngôn cho giám đốc bản xứ sự vụ Boresse.
- 1861: Pháp chiếm toàn tỉnh Gia Định, đánh Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long. Đô đốc Charner bắt đầu xây dựng bộ máy cai trị Nam Kỳ.
- 1862: Hoà ước Nhâm Tuất, nhường ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, và đảo Côn Lôn cho Pháp.
- 1863: Phái đoàn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn thứ nhất, có lẽ thuộc phái đoàn những người An Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp cùng đi với phái bộ Phan Thanh Giản (Annamites de la cochinchine française allant en France avec l’ambassade du roi Tu Duc).[2]
- 1864: Petrus Ký được chỉ định là giám đốc trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes).
- 1865: Gia Định báo (công báo) ra đời, chủ bút là Potteaux.
- 1867: Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đại thần Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.
- 1869: Petrus Ký được chỉ định làm chủ bút Gia Định Báo, thay Potteaux.
- 1872: Petrus Ký được cử làm giám đốc trường Sư Phạm.
- 1873: Trường Hậu Bổ (Collège des Stagaires) được thành lập.
- 1873: Pháp đánh thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương tử trận.
- 1874: Petrus Ký được bổ nhiệm làm giáo sư trường Hậu Bổ, dạy tiếng Việt và chữ Nho.
- 1874: Hoà ước Giáp Tuất. Việt Nam công nhận toàn bộ Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp công nhận An Nam (Bắc và Trung Kỳ) độc lập, không thần phục Tàu nữa, và sẵn lòng giúp vua An Nam đánh dẹp giặc giã. Tuy nhiên vua Tự Đức vẫn theo lệ cũ, triều cống Tàu với ý mong khi hữu sự thì nước Tàu sang giúp mình (“Việt Nam Sử lược”, Trần Trọng Kim).
- 1876: Trương Vĩnh Ký đi Bắc Kỳ quan sát tình hình tôn giáo và chính trị, viết “Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi” và một báo cáo cho Thống Đốc Nam Kỳ.
- 1880: Triều đình nhà Nguyễn cử sứ bộ, do Phạm Thận Duật đứng đầu, sang cầu viện nhà Thanh, thu nạp quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.
- 1882: Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Diệu tự vẫn. Pháp đánh các tỉnh miền Bắc (Nam Định, Hải Phòng).
- 1883: Pháp đánh chiếm cảng Đà Nẵng và cửa biển Thuận An. Vua Tự Đức mất.
- 1883: Hoà ước Quý Mùi (Harmand)
- 1883: Giao tranh giữa Pháp và quân đội Mãn Thanh (dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc) nhằm tranh giành quyền bảo hộ Bắc Kỳ.
- 1884: Hoà ước Giáp Thân (Patenôtre)
- 1885: Nhà Thanh ký hoà ước Thiên Tân với Pháp, công nhận nền bảo hộ của Pháp với Đại Nam, chấm dứt lệ triều cống, rút quân khỏi Bắc Kỳ.
- 1886: Trương Vĩnh Ký ra Huế, gia nhập Cơ Mật Viện, từ tháng 4 đến tháng 9.
- 1890: Petrus Ký về hưu.
- 1/9/1898: Trương Vĩnh Ký qua đời tại Chợ Quán.
Phần một: Nhận định của các tác giả đồng thời với Trương Vĩnh Ký
Các học giả Pháp và Anh cùng thời đại đánh giá cao tài năng của Trương Vĩnh Ký.
- Tạp chí của Hội Địa Lý Paris số 5, bộ VI, năm 1863 có đăng bài “Lược truyện vương quốc Khmer hay Cambodge” của Trương Vĩnh Ký.[3] Ban biên tập giới thiệu về tác giả như sau:
Tác giả của bản văn ngắn này, ông Trương Vĩnh Ký, là thông ngôn của phái đoàn An Nam sang thăm nước Pháp vào tháng 10 và tháng 11 năm 1863. Tuy còn trẻ nhưng ông có học thức thâm sâu và biết nhiều ngôn ngữ Âu châu cũng như hầu hết ngôn ngữ Á Đông. Bản văn này cho thấy ông thông thạo tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ vậy.
- Tuần báo Illustrated London News số ra ngày Thứ Bảy 29 tháng 8 năm 1863 có đưa một tin ngắn như sau về Trương Vĩnh Ký:
Trong số những người thuộc đoàn tuỳ tùng của sứ thần Annam sang Pháp, Trouong-Vinh-Ky, [4] người thông ngôn chính, đáng được dành cho một sự chú ý đặc biệt. Người châu Âu gọi ông ta là Petrus bởi vì ông ta theo Công giáo và được rửa tội với tên thánh đó.
Ông ta sinh ra trong một gia đình nghèo ở Vinh Luong,[5] cha là binh lính [6] đã qua đời trong một chuyến công vụ ở Cambodia. Mẹ ông phải nuôi hai con nhỏ. Tuy vậy bà vẫn cho ông đi học trường bản xứ, nơi ông bắt đầu học chữ. Một linh mục người Pháp chú ý tới cậu bé này nên gửi cậu ta sang Cambodia học tiếng Latin. Các nhà truyền giáo ở đây nhận thấy tài năng to lớn của cậu ta nên đã dàn xếp để cậu học sinh này được nhận vào trường Poulo-Pinang nơi cậu đã thành công xuất sắc trong việc học. Cậu ta được trao giải thưởng hàng đầu về toán và triết học, và đã viết một luận án có giá trị bằng tiếng Latin về thiên chất của Chúa Jesus. Toàn quyền Poulo-Pinang rất tán thưởng công trình này, đến nỗi ông đã gửi một bản sao của luận án tới trường Đại học Oxford, đồng thời trao tặng 150 rupees cho cậu học sinh này.
Sau khi rời Poulo-Pinang, Petrus trở về với Giám mục địa phận Isauropolis [7] và tiếp tục học thêm hai năm nữa. Sau khi suy nghĩ chín chắn, ông ta kết luận là mình không có thiên hướng đặc biệt để làm linh mục và xin phép được rời nhà dòng. Đầu tiên ông ta là thông ngôn của chính quyền, dưới quyền của Phó Đô Đốc Rigault de Genouilly. Sau đó ông ta là thư ký của Soái Phủ Saigon, rồi làm thông ngôn trực thuộc Phó Đô Đốc Bonard. Sau cùng ông được bổ nhiệm Giám Đốc Trường Thông Ngôn.
Ông Petrus chưa bước sang tuổi 26. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Annam, ông viết và nói đúng tiếng Latin, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Trung Hoa, Mã Lai, Cambodge, và Thái. Ông ta chẳng những là một học giả thành đạt mà còn là một nhân vật của thế giới, rất thông thạo các ngôn ngữ Châu Âu. [8]
- Trong bản văn “Cảm tưởng của người Việt Nam ở Châu Âu: Nhà thông ngôn Petrus Trương Vĩnh Ký”, [9] (1864) tác giả Richard Cortambert [10] ghi lại những lần đối thoại của ông với Trương Vĩnh Ký trong thời gian phái đoàn Việt Nam, do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, đến Paris xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Cortambert có những nhận xét trân trọng đối với Petrus Ký:
Ngay từ câu mở đầu, Cortambert viết:
Bạn tôi ông Henri Bineteau, một nhà du hành Đông phương, giới thiệu tôi với các sứ thần Annam, đặc biệt là với người thông dịch bác học, ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
Ghi lại phút đầu tiên gặp Petrus Ký, Cortambert viết:
Sau vài phút, người dẫn đường đưa tôi đến một căn phòng, gõ nhẹ vào cửa. Cánh cửa được mở ra ngay sau đó, và qua làn khói mờ tôi nhận ra ba bốn người Annam đang nằm sãi ra trên giường, cạnh đó là một người trẻ đang cuối mình làm việc trên một thứ có thể gọi là cái bàn.
Diện mạo của người này trông khác những người đồng hành của anh ta. Nước da anh ta xanh màu ô liu, mũi tẹt, môi dày, hai gò má nhô rất cao, nhưng vầng trán thì nét tuyệt diệu biểu lộ những thiên hướng triết lý đậm nét. Y phục của ông ta thật giản dị, chiếc áo dài đen như của các linh mục, chiếc khăn đóng màu tối quấn quanh đầu, để lộ vài mảng tóc đen. Chân ông ta đi đôi giầy hạ trông giống như đôi păng túp của phụ nữ. Ông ta đứng lên tiến về phía tôi, đưa tay bắt một cách trìu mến, chào tôi bằng một câu tiếng Pháp rất chuẩn mực. Ông ta đoan chắc với tôi rằng tôi không phải là người xa lạ đối với ông ta.[11] (…)
Tôi nhanh chóng nhận ra trí thông minh lỗi lạc và phẩm chất thanh cao của người thông dịch trẻ tuổi này. Lời nói dịu dàng và dễ mến đã chinh phục tôi. Ông ta phát âm tiếng Pháp rõ ràng, hầu như không pha giọng.
Trong suốt buổi nói chuyện, nhiều lần Cortambert dùng những chữ “savant” (nhà thông thái) và “lettré” (học giả) để gọi Petrus Ký. Vài ngày sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, Cortambert và Petrus Ký đã trở nên đôi bạn thân. Theo lời kể của Cortambert, họ khoác tay nhau dung dăng trên những đại lộ của Paris, cùng thăm viếng các cung điện, nhà thờ, quán cà phê, và cùng tham dự các buổi hoà nhạc.
Tại thư viện hoàng gia, Cortambert đã ngạc nhiên chứng kiến cuộc đối thoại giữa Petrus Ký và một nhà ngôn ngữ học chuyên sâu về lịch sử Phật giáo. Theo tác giả, người thông ngôn trẻ người Annam này có thể giảng nhiều bài học quý giá cho vị thầy lớn tuổi đó.
Cortambert kể lại một giai thoại thú vị về Petrus Ký trong thời gian ở Paris. Ông được tiếp kiến một vị bộ trưởng của Pháp. Được thông báo về khả năng ngôn ngữ của Petrus Ký, nhất là khả năng nói tiếng Latin của ông, vị bộ trưởng liền cho mời một nhà ngôn ngữ học, chuyên gia hàng đầu của Pháp quốc về tiếng Latin, tuổi ngoài 50, đến để khảo sát trình độ Latin của ông.
Vị chuyên gia hỏi Petrus Ký: “Nước Pháp, thánh địa của văn học, là đất nước của tri thức của ông, chẳng phải nó cũng là quê hương thực sự của ông hay sao?”
Petrus Ký trả lời: “Con người ta có hai quê hương, một của lý trí và một của con tim. Người ta nâng niu quê hương này, nhưng đồng thời tha thiết với quê hương kia. Từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi nhận rõ rằng tôi sinh ra ở Đông phương và quê hương đích thực của tôi là ở đó”.
Buổi nói chuyện diễn ra trước mắt vị bộ trưởng, Petrus Ký càng lúc càng tỏ ra lưu loát trong khi vị chuyên gia hàng đầu của Pháp quốc càng lúc càng tỏ ra lúng túng, có lúc phải tìm cách dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Latin. Cuối buổi nói chuyện, trong khi Petrus Ký vẫn dùng tiếng Latin thì vị chuyên gia ngôn ngữ chuyển sang trả lời bằng tiếng Pháp. Kết thúc mẩu giai thoại này, Cortambert kể:
Quay sang vị bộ trưởng đang thích thú theo dõi cuộc tranh tài, vị chuyên gia ngôn ngữ nói:
- Viên thông ngôn trẻ này sử dụng nhiều từ ngữ hiếm dùng, nhưng nói chung hiểu biết tiếng Latin khá sành sỏi.
Vị bộ trưởng tinh nghịch đáp lời:
- Đúng vậy, tôi còn có cảm tưởng ông ta hiểu biết tiếng Latin hơn nhiều nhà ngôn ngữ học của Pháp.
- Trong quyển “Eo biển Malacca – Đông dương và Trung Hoa” in tại Luân Đôn năm 1875, nhà du hành đồng thời là nhiếp ảnh gia người Scotland, ông John Thomson đã mô tả về Petrus Ký như sau:
Ông Petruski [12] giữ chức vụ giáo sư chữ quốc ngữ tại trường Thông Ngôn Sài Gòn. Ông từng được giáo dục tại trường dòng ở Penang. Tôi sẽ không bao giờ quên được sự ngạc nhiên của mình khi được giới thiệu với ông. Ông nói chuyện với tôi bằng một thứ tiếng Anh hoàn hảo, với một chút âm điệu Pháp. Tiếng Pháp của ông cũng không kém phần trong sáng và lịch thiệp. Tôi tin là ông ta cũng thoải mái khi giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Ý. Vị trí cao quý mà ông đang đảm nhận là nhờ vào kiến thức uyên bác về ngôn ngữ phương Đông của ông.
Trong một dịp đến thăm ông, tôi được chứng kiến ông đang đắm mình trong việc soạn thảo quyển “Phân tích so sánh các ngôn ngữ trên thế giới” (A Comparative Analysis of the Languages of the World). Chung quanh ông ta là bộ sưu tập các quyển sách quý và hiếm mà ông thu thập được trong chuyến đi Âu châu. Một số sách khác bằng tiếng Phạn, Pali, Thái, và Hoa văn ông có được từ phương Đông. Tối hôm đó cũng có một nhà truyền giáo từ Chợ Lớn đến. Khi tôi ra về họ vẫn còn đang thảo luận với nhau về thần học bằng tiếng La tinh.
Petruski là tác giả của nhiều công trình, trong số đó có quyển “Ngữ pháp tiếng An Nam” (Annamite Grammar). Quyển sách mở đầu bằng việc truy tìm mối quan hệ giữa lối viết cổ xưa nhất bằng biểu tượng với vần chữ cái của tiếng Việt hiện đại.” [13]
- Trong bài tường trình năm 1879 – 1880 tại Đại hội Thường niên của Hội Á Châu ngày 30 tháng 6 năm 1880, vị đồng thư ký của Hội, ông Ernest Renan, đã có nhận xét như sau về quyển “Cours d’histoire annamite” (Giáo trình Lịch sử An Nam) của Trương Vĩnh Ký : [14]
Ông Trương Vĩnh Ký trình bày cho chúng ta một cách rõ ràng tư tưởng của người An Nam đối với lịch sử nước mình. Chúng ta kinh ngạc thấy trong tập sách nhỏ của ông một tinh thần minh bạch, một sự công minh hiếm thấy ở Á Đông. Nhiều quốc gia Âu Châu không viết được cho các trường tiểu học của mình một quyển tóm lược hoàn hảo như quyển sách của Trương Vĩnh Ký. [15]
- Hai năm sau ngày Petrus Ký mất Henri Cordier, Chủ tịch Hội Địa Lý Pháp, Chủ bút tạp chí T’oung Pao (Thông Báo), tạp chí lâu đời nhất và uy tín nhất về Đông phương học, đã viết một bài ai từ về Petrus Ký: [16]
Học giả danh tiếng người An Nam này qua đời vào tháng 9 năm 1898, và thật là một sự sơ xuất đáng tiếc chúng tôi đã không thông báo sự mất mát to lớn này. Ông được an táng vào ngày Thứ Ba 6 tháng 9 tại Chợ Quán. [17]
Phần hai: Nhận định của các tác giả từ lúc Petrus Ký qua đời đến năm 1954
- Theo thứ tự thời gian, chúng tôi bắt đầu với nhận xét của Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong Tạp Chí. Trong số 16 ấn hành tháng 10 năm 1918, ở trang 199, nhân có ý kiến của một độc giả Nam Kỳ phê phán việc ông dùng nhiều Hán tự và ca ngợi Trương Vĩnh Ký “mượn cái xác La tinh mà đựng cái hồn của tiếng An Nam”, Phạm Quỳnh ghi chú như sau:
Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo-khoa thường cho con nít học mà thôi, đã có công nghiệp gì với tổ-quốc, đã từng bao giờ đem cái xác “la tinh” mà đựng cái hồn Nam-Việt? Chẳng dám khinh gì người trước, nhưng những bậc danh-sĩ nước Nam cứ như ông Trương cả thì cũng không lấy gì làm vẻ-vang cho nước lắm.
- Jean Bouchot là tác giả đầu tiên viết sách về Petrus Trương Vĩnh Ký. Ông từng là Quản thủ của Bảo Tàng Nam Kỳ. Năm 1925 (hai mươi bảy năm sau khi Petrus Ký qua đời) Bouchot cho ra mắt độc giả quyển “Petrus Trương Vĩnh Ký, một học giả Nam Kỳ” (Petrus Trương Vĩnh Ký – Erudit cochinchinois). Quyển sách bán hết trong thời gian ngắn nên năm sau được in lần thứ hai. Năm 1927 sách lại được ấn hành lần thứ ba có bổ sung và sửa chữa, với tựa sách mới “Một nhà bác học và ái quốc Nam Kỳ – Petrus J.B. Trương Vĩnh Ký” (Un savant et un patriote cochinchinois – Petrus J.B. Trương Vĩnh Ký). Ngoài các tài liệu được lưu trữ trong Bảo Tàng Nam Kỳ, Bouchot còn thu thập nhiều tài liệu từ kho lưu trữ gia đình của Petrus Ký. Quyển sách này là nguồn tài liệu tham khảo cho nhiều sách báo sau này.
- Lê Thành Ý, giáo sư trường Trung học Albert Sarrault Hà Nội, trong bài thuyết trình tại Đại học Đông Dương năm 1927, dưới tựa đề “Petrus Trương Vĩnh Ký – Nhà ái quốc và học giả An Nam” nhấn mạnh:
Petrus Ký đã mang vào xã hội An Nam bấy giờ một kiểu nhà nho mới, một sự kết hợp thấm nhuần tư tưởng Viễn Á cổ điển và tư tưởng văn hoá hiện đại Tây phương.
Sau khi kể lại những hồi tưởng của các thành viên trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Paris xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ,[18] Lê Thành Ý nói
Với lòng tin chắc chắn vào việc con người chống đối lẫn nhau vì không biết được sự tôn trọng mà người này dành cho người kia, Petrus Ký sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội để làm gạch nối giữa hai giống nòi.
- Tập san Trí Tri năm 1937 đăng bài của học giả Ứng Hoè Nguyễn văn Tố [19] dưới nhan đề “Petrus Ký (1837 – 1898)” [20] . Bài khảo cứu của vị học giả tên tuổi này ít đề cập đến hoạt động chính trị của Petrus Ký, nhưng tập trung vào những hoạt động học thuật của ông. Có lẽ chỉ có Nguyễn văn Tố mới có tầm nhìn và kiến thức rộng đủ để đánh giá các công trình của Petrus Ký, từ ngôn ngữ đến lịch sử, khoa học, và Hán học. Ông đã có những đánh giá sâu sắc về các công trình nghiên cứu và dịch thuật của Petrus Ký. Nguyễn văn Tố xem cuộc đời của Petrus Ký là một bài học về ý chí và lòng yêu nước:
Đến đây, nếu được phép quay nhìn về phía sau và rút ra một bài học từ cuộc đời của con người này, thì trước hết đó là bài học về lòng tin ở ý chí. Miễn bền gan và cứng cỏi nó vượt qua mọi trở ngại. Chính nó đã đưa người học sinh trường dòng này trở thành một nhà bác học rất nhanh chóng đạt đến cứu cánh mà tham vọng của ông đã có thể tự đặt ra cho mình. Điều đã trợ lực cho ông trong nhiệm vụ của ông, điều đã tạo nên hiệu quả của các nổ lực của ông cũng như sự nhất quán của cuộc đời ông, đấy là lòng yêu nước cháy bỏng của ông. Tình yêu của ông đối với Nam Kỳ, “người mẹ yêu quý” của ông như ông vẫn thích gọi, nhưng là tình yêu mà ông không bao giờ tách biệt đối với các xứ An Nam khác.
Ông đã cống hiến cho Nam Kỳ tất cả những gì ông có trong sức mạnh và nghị lực của mình. Tham vọng tối cao của ông là tôn vinh nó trong quá khứ anh hùng của nó, trong tất cả những người đã đem lại vinh quang cho nó bằng thanh gươm hay cây bút. Chính như vậy đó mà ông đã trở thành sử gia, sử gia say mê để bảo vệ và ca tụng nó, nhưng cũng là sử gia trung thực và chân thành. Công trình ông để lại sau lưng mình là một minh chứng sáng chói rằng ông đã không ngừng lao động vì vinh quang của nó.
Nguyễn văn Tố kết luận về cuộc đời của Petrus Ký bằng ba chữ “science, conscience et modestie” (khoa học, lương tâm và khiêm tốn). Tác giả Bằng Giang, một nhà nghiên cứu nghiêm túc và cần mẫn, bình luận “Nếu còn sống mà đọc bài này, không rõ họ Trương có nói hay không như Quản Trọng ‘Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta là ông Tố’ ” (xem phần mục về tác giả Bằng Giang ở phía sau).
- Ngày 6 tháng 12 năm 1937, Hội Khuyến Học An Nam (Société d’Enseignement Mutuel de l’Annam) tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trương Vĩnh Ký tại Viện Dân Biểu Huế. Trong bài diễn thuyết với nhan đề “Petrus Trương Vĩnh Ký, Học giả và sứ giả Pháp – An Nam”, Nguyễn Tiến Lãng nhắc lại một đoạn trong bức thư mà Petrus Ký gửi cho bạn đồng nghiệp người Pháp, nhà khoa học Stanislas Meunier, như sau:
Tôi không thể làm gì khác ngoài việc trở thành cầu nối trong cuộc gặp gỡ giữa hai dân tộc trên đất Nam Kỳ. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc cho phép hai dân tộc này thấu hiểu và thương yêu nhau.” (Thư Petrus Ký gửi S. Meunier)
Nguyễn Tiến Lãng nhận định như sau về quan điểm trên của Petrus Ký:
Những lời nói ấy thể hiện trong mọi hoạt động chính trị của ông. Đi trước thời đại mình, ông nhận thấy sự cần thiết của tinh thần mới, của nền văn minh phương Tây và của những người sẽ mang ngọn đuốc văn minh đến với chúng ta, mọi nhượng bộ cần có để bảo vệ những gì có thể bảo vệ trong tinh thần của riêng chúng ta, của những thiết chế mà chúng ta đã tạo lập nên.
- Trong “Quốc văn trích diễm” (Hà Nội, 1925) Dương Quảng Hàm viết về Petrus Ký như sau: “Ông là bực kỳ cựu trong phái Pháp học và đã có công trong việc truyền bá chữ quốc ngữ”.
- “Việt Nam văn hoá sử cương” của Đào Duy Anh xuất bản lần đầu năm 1938. Trong chương X, Thiên Thứ Tư, bàn về Văn Học, ông viết:
So với văn học đời trước thì văn học Việt ngữ của ta ngày nay có hai điều mới là chữ quốc ngữ và tản văn. Người đầu tiên có công khiến văn học ta thành sinh diện mới ấy là Trương Vĩnh Ký, một nhà học giả trứ danh ở Nam Việt, ngay từ khi Nam Việt mới thành thuộc địa, đã dùng chữ quốc ngữ để chuyển tả những văn Nôm hay (…) rồi lại dùng Việt ngữ để phiên dịch sách Tàu (…) sách Tây (…) bằng một thứ văn rất giản dị.
- Nguyệt san Văn Hoá Pháp – Á số 11, 12 phát hành tháng hai và tháng ba năm 1947 có đăng bài “Petrus Ký: một người yêu nước” của Pierre Vieillard. [21] Chúng tôi không có bản văn gốc này, chỉ được xem bản dịch tiếng Việt trong sách của tác giả Nguyễn Đình Đầu. Nhận xét của chúng tôi là bài khảo cứu có nhiều chi tiết lịch sử thiếu dẫn chứng. Ví dụ như vai trò của Petrus Ký trong chuyến đi của Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ông cũng khẳng định mà không trích dẫn bằng chứng chi tiết sau:
Sự cộng tác của ông (tức Petrus Ký, chú thích của tác giả bài này) được đánh giá cao từ phía Pháp lẫn phía An Nam. Rất nhiều lần nhờ sự can thiệp cả ông mà chính quyền Pháp tránh được những sai lầm gây bất lợi cho những người đồng hương An Nam của mình.
Hơn nữa, là một người Pháp ông có những nhận định thiên lệch về phía Pháp để đổ lỗi hoàn toàn cho triều đình An Nam trong việc Pháp xâm lăng Việt Nam:
Không phải là lỗi của Petrus Ký khi mà mối quan hệ Pháp – An Nam bắt đầu bằng tình hữu nghị và kết thúc bằng chiến tranh. Trách nhiệm hiển nhiên thuộc về triều đình, thuộc về nhóm quan lại ở Huế mà điểm yếu chính là sự kiêu căng.
Phần ba: Nhận định của các tác giả từ 1954 đến 1975
- Tại miền Bắc:
Điều dễ hiểu, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở miền Bắc có cả một kế hoạch lên án Trương Vĩnh Ký. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử từ số 56 đến 63 liên tục đăng bài về ông. Chiến dịch bắt đầu từ số 56 phát hành tháng 11 năm 1963 và kết thúc với bài đúc kết của Trần Huy Liệu trong số 63, tháng 6 năm 1964. Mở đầu là lời toà soạn:
Theo trật tự đã định, bắt đầu từ số tạp chí này, chúng ta bình luận về Trương Vĩnh Ký.
Câu mở đầu trên có thể giúp chúng ta đoán biết là chiến dịch không chỉ nhằm vào Trương Vĩnh Ký. Thật vậy, Đại thần Phan Thanh Giản cũng là một mục tiêu. Bài mở đầu “Giới thiệu Trương Vĩnh Ký” của một người ký tên H.H., theo lời toà soạn là nhằm “cung cấp tài liệu một cách khách quan, mà không chen một lời phê phán nào” (nguyên văn). Tuy nhiên do thói quen của những người cộng sản Việt Nam, bài giới thiệu chứa nhiều từ ngữ không nên có trong một bài mang tính khảo cứu, làm giảm đi tính khoa học của nó. Ví dụ, tác giả dùng chữ “tên vua này” khi nói về vua Đồng Khánh hoặc “tên cáo già thực dân” để gọi Paul Bert.
Trong “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ”, Nguyễn Đình Đầu đã đăng lại (mà không bình luận) nhiều bài trong loạt bài công kích Petrus Ký bao gồm “Tìm hiểu thực chất vấn đề Trương Vĩnh Ký trong lịch sử Việt Nam” của Mai Hanh, “Cần nhận rõ chân tướng Trương Vĩnh Ký để đánh giá cho đúng” của Nguyễn Khắc Đạm, “Trương Vĩnh Ký tên tay sai đắc lực đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp trong lịch sử nước ta” của Tô Minh Trung, “Trương Vĩnh Ký, một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên đóng vai đặc vụ tình báo, làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp” của Mẫn Quốc, và bài kết luận để kết thúc chiến dịch “Nhận định về Trương Vĩnh Ký” của Trần Huy Liệu (số 63, tháng 6 năm 1964).
Tất cả các bài kể trên đều có chung những nhận xét sau đây: 1) Công nhận học thức của Trương Vĩnh Ký 2) Công nhận đóng góp về văn hoá của Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên các tác giả đều cho rằng đó là những đóng góp ngoài ý muốn, vì theo họ thực tâm của Petrus Ký là dùng các nghiên cứu của mình để phục vụ thực dân Pháp. 3) Lên án gay gắt Trương Vĩnh Ký là tay sai của thực dân Pháp.
Điều chúng tôi chú ý là bài của tác giả Mai Hanh có kết luận như sau:
Tất nhiên, đánh giá Trương Vĩnh Ký, một mặt chúng ta phải đặt Trương trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng mặt khác chúng ta cũng không thể quên rằng vấn đề Trương Vĩnh Ký không phải xa lạ đối với một nhiệm vụ trọng đại trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc chúng ta hiện nay: nhiệm vụ giải phóng miền Nam khỏi chế độ thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.
Lập luận này khiến tôi nghi ngờ về mưu đồ chính trị của những người chủ trương tập san Nghiên cứu Lịch sử này.
- Tại miền Nam:
Khác với miền Bắc chỉ cho thấy một quan điểm duy nhất về Trương Vĩnh Ký, miền Nam với chế độ cộng hoà tự do tạo điều kiện cho nhiều ý kiến đa dạng.
a) Năm 1957 Nhà xuất bản Tân Việt phát hành quyển “Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898)” của Khổng Xuân Thu. Đây có lẽ là quyển sách đầu tiên về Petrus Ký được viết bằng Việt ngữ. Trong lời Khai Từ, Khổng Xuân Thu viết:
Cũng may! Chúng tôi sưu-tầm được những bức thư (bằng tiếng La-tinh và tiếng Pháp) gửi cho vài nhà văn, nhà bác-học ở Pháp (trong Á-châu-hội). Ở đấy có rất nhiều mẫu tâm-tình thể-hiện được nhân-sinh-quan và nhận-thức-quan của tiên-sinh. Chúng ta đi từ những khía-cạnh sâu-thẳm của tiểu vũ-trụ họ Trương mà đặt vấn-đề để phán-đoán hành-động của tiên-sinh.
Chúng tôi mong rằng những bức thư chưa in (mà chúng tôi dùng làm tấm kính soi các vấn-đề) hoạ may khai sáng được một vài nòng-cốt của tư-tưởng tiên-sinh, khỏi tủi-hổ người dưới suối vàng được chăng?
b) Theo tác giả Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Thanh Lãng trong “Biểu nhất lãm văn học cận đại” (Tự Do xuất bản năm 1958) ca ngợi những đóng góp về văn hoá của Petrus Ký, nhất là công lao của ông trong việc phổ biến cách viết văn xuôi, “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết chữ quốc ngữ “trơn tuột như lời nói”. [22]
Thanh Lãng so sánh cách viết văn xuôi bằng quốc ngữ của Petrus Ký với cách viết của những tác giả sau ông vài chục năm bằng hai đoạn văn sau đây:
Đoạn văn thứ nhất (không rõ tác giả) đăng trong Đại Việt Tân báo (số 7 ngày 18 tháng 6 năm 1905):
Thơ ngụ ngôn của La Fontaine: [23] Bài ngụ ngôn cua ông La Fontaine ở bên Tây có một quyển sách mà lớn bé già trẻ ai cũng thích, không bao giờ chán là quyển thơ nhỏ mà ông Tây thông thái đã làm ra khi ông ấy đi dạo chơi sơn thuỷ. Những người nói ở trong truyện là mượn những thú vật, song người ta cũng đoán được rằng giống ấy cũng như người đời bây giờ. Người làm sách giỏi lắm vì nói được sự hay dở của người ta mà không phạm đến ai.
Đoạn văn thứ hai trong “Chuyện Đời Xưa, Lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích” của Trương Vĩnh Ký, 1866 [24]
Thằng Chồng Khờ: Có hai vợ chồng. Vợ thì ít ỏi thiệt thà, chồng thì khùng khùng dại dại, khờ không đi, không biết chuyện gì hết. Vợ nó có mang. Tới ngày nằm bếp. Sẵn nó nghe người ta nói: hễ chó đẻ thì dữ lắm, thường hay cắn. Nó mới nghĩ, nó giựt mình. Cha chả! Vợ mình đẻ, có khi nó dữ lắm. Sức chó mà còn làm vậy, huống chi người ta. Nên khi nó đem cơm cho vợ, thì nó đứng xa xa, không dám léo lại gần; tay thì cầm một cái cây, bộ tướng dị kỳ.
Vợ nó thấy vậy, thì tức cười. Nó in trí đã sẵn, nó mới nói trong mình nó: Ấy! họ nói thật: hễ đẻ thì hung, chưa gì, nó đã nhăn răng muốn làm dữ. Ờ, muốn làm dữ, thì cho làm dữ nhé. Nó vác cây, lại đập vợ nó một cây. Con ấy non da yếu gối chạy không kịp, chết tươi tại giường cử.
Thanh Lãng nêu nhận xét
Cũng vì cái chủ trương “nói tiếng An-nam ròng” và “trơn tuột như lời nói”, mà ngày nay ta thấy văn của Trương Vĩnh Ký, đọc lên thì hiểu, nhưng nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi. Các chủ từ đặt lung tung; mệnh đề chính mệnh đề tuỳ không dứt khoát. Nói tắt còn nhiều ngập ngừng, do dự trong cách hành văn. Nhưng so với những văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.
Thanh Lãng kết luận “Trương Vĩnh Ký, về mọi phương diện, đều xứng đáng là ông tổ văn học mới. Với ông một thế hệ đang đóng lại để mở ra, trong huy hoàng, một thế hệ mới. Trương Vĩnh Ký cho chúng ta can đảm và tin tưởng”. [25]
c) Ý kiến của Vương Hồng Sển về Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, và Huỳnh Tịnh Của trong “Sài Gòn Năm Xưa”:
Ba ông minh triết bảo thân, gần bùn chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng. [26]
d) Trường hợp của Nguyễn văn Trung là một trường hợp đặc biệt. Ông du học tại Bỉ, có bằng Tiến sĩ Triết học, là cựu giáo sư Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Trong quyển “Chữ, Văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc”, ông lên án Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của là những tay sai, viên chức ăn lương của thực dân để thực hiện một chính sách do thực dân chủ động đề xướng[27]. Theo ông,
… nếu ông Trương Vĩnh Ký là người tiên phong trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ, thì đó là tiền phong ở phía thực dân, kẻ thù của dân tộc, và nếu ông có công thì công đó trước hết là công đối với thực dân. [28]
Quan điểm trên của Nguyễn văn Trung phần nào ảnh hưởng đến quan điểm của Nguyễn Sinh Duy, sẽ nói ở bên dưới. Tuy nhiên, sau năm 1975, dường như Nguyễn văn Trung lại có cái nhìn khác mà chúng tôi sẽ đề cập trong phần 4.
e) Chẳng bao lâu sau khi quyển sách của Nguyễn văn Trung ra mắt độc giả, Tạp chí Bách Khoa số 414 phát hành ngày 5 tháng 9 năm 1974 [29] in lại bài diễn thuyết của Hồ Hữu Tường tại trụ sở Trung Tâm Văn Bút Việt Nam ở Sài Gòn, ngày Chủ Nhật 28 tháng 7 năm 1974. Bài diễn thuyết có nhan đề “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay là hoá trình từ người trí thức đến kẻ sĩ phu”.
Trong bài nói chuyện của mình, ngoài việc ca ngợi tài năng của Petrus Ký, Hồ Hữu Tường còn nêu lý do Petrus Ký hợp tác với Pháp là do hoàn cảnh bắt buộc, và theo ông sau đó Petrus Ký rút lui để chọn con đường “khai dân trí và tấn dân đức”. Đó là cái “hoá trình” (chữ của Hồ Hữu Tường) từ nhà trí thức đến bậc sĩ phu của Trương Vĩnh Ký. Ông chọn con đường làm văn hoá để nâng cao dân trí, dạy cho người An Nam hiểu được văn minh Pháp, và dạy cho người Pháp biết ngôn ngữ và phong tục của người An Nam, hầu tránh làm những điều đáng tiếc.
Tuy nhiên trong toàn bộ bài tác giả không có một trích dẫn nào để minh chứng cho lập luận của mình. Ông kết luận bài nói chuyện của mình bằng một chi tiết quan trọng:
Danh nghĩa sĩ phu này, không phải do tôi võ đoán mà gán cho Trương Vĩnh Ký. Trước tôi, ngay lúc Vĩnh Ký còn sanh tiền, một nhà ái quốc có uy tín toàn quốc đã nhận như vậy. Nhà ái quốc này là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, mà đến nay, không một ai hoài nghi sự nhận xét của cụ. Trong thập thơ văn chép tay, mà bởi sự mù loà, nên cụ đọc cho con gái chép thay cho, những người đồng thời với cụ, hoặc được cụ đề cao, như Phan Thanh Giản, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định, Phan Công Tòng, hoặc bị cụ mạt sát, như Tôn Thọ Tường. Riêng đối với Trương Vĩnh Ký, khi vua Đồng Khánh sắc tứ làm Hàn Lâm Thị Độc Học Sĩ, thì cụ lịnh cho con gái là Nguyệt Anh cô, chép trọn bài sắc vào tập gia bảo ấy. Những luận điệu của vua Đồng Khánh, cụ đồ Chiểu cho là phải, nên cụ lưu niệm cho ta được biết. Thật là một tài liệu đáng công bố, và tôi mong Khối Văn hoá và Nha Khảo Cổ làm việc đó.
Hồ Hữu Tường không cho biết ông có được chi tiết quan trọng đó từ nguồn tài liệu nào.
f) Hơn một tháng sau, tạp chí Bách Khoa số 416 phát hành ngày 19 tháng 10 năm 1974 lại đăng bài phản bác của Nguyễn Sinh Duy dưới nhan đề “Thương xác cùng nhà học giả Hồ Hữu Tường về hiện tượng Trương Vĩnh Ký”, rồi tiếp theo sau, trong số 417 phát hành ngày 9 tháng 11 năm 1974 và số 418 phát hành ngày 2 tháng 12 năm 1974, Bách Khoa lại đăng bài của Phạm Long Điền “Trương Vĩnh Ký trong quỹ đạo xâm lăng văn hoá của thực dân Pháp” (phần hai với lời tựa “Bài học cho kẻ hợp tác”).
Tháng 3 năm 1975, hai tác giả này lại đồng tác giả xuất bản quyển “Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký”. [30]
Hai tác giả này có cùng quan điểm với Nguyễn văn Trung như đã nói ở trên. Đối với họ, các đóng góp văn hoá của Trương Vĩnh Ký là nằm trong ý đồ xâm lăng văn hoá của Pháp. Nguyễn Sinh Duy khẳng định (nhưng không đưa ra chứng cứ) là các công trình biên thuật về sử ký và địa lý của Trương Vĩnh Ký là do có lời yêu cầu của Hội Địa Lý Ba Lê (Société de Géographie, Paris). Ngày nay người Việt trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài đều biết rõ các hiệp hội khoa học ở các nước tiên tiến hoạt động hoàn toàn độc lập với nhà nước sở tại.
Phạm Long Điền còn đi xa hơn trong việc giải thích lý do Trương Vĩnh Ký chuyển ngữ sang chữ quốc ngữ quyển “dâm thư” Kim Vân Kiều và ấn hành quyển “Đại Nam sử ký diễn ca” trong cùng năm 1875. Theo họ Phạm, tất cả đều nằm trong kế hoạch của thực dân Pháp, chuẩn bị cho chuyến đi Bắc kỳ của Petrus Ký vào năm 1876, xem hai quyển sách trên là cách để Petrus Ký chinh phục giới sĩ phu Bắc hà bằng văn chương chữ nghĩa.
Cám cảnh trước hai bài phê phán Trương Vĩnh Ký của các tác giả trên, Vương Hồng Sển viết trong tập hồi ký “Hơn nửa đời hư” như sau (trang 217, bản in của Nhà xuất bản Tuổi Trẻ TP/HCM, 2003):
Thức khuya mới biết đêm dài. Sống đến hôm nay, 12-1-1975, bảy mươi ba tuổi, còn hơn một tháng nữa tới tết Ất Mão, là đã bảy mươi tư. Kiếp già, sống thừa, sao chưa chết để tránh thấy những bài dám chê ông Trương Vĩnh Ký. … Đọc suốt hai bài, lấy làm tội nghiệp cho nhà học giả tiền bối miền Nam. Cũng may, nhớ lại để an ủi, vừa đọc nơi chương 46, trong quyển quý giá “Tiếng hát sông Hương” của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, do bà Tôn Nữ Hỷ Khương xuất bản năm 1972, nay mới gởi biếu. Đọc thấy hai bài như vầy:
1) Văn hào Trương Vĩnh Ký:
Đạo đức văn chương là ông Trương Vĩnh Ký,
Có tân thơ, có báo chí, có tự vị rõ ràng,
Thanh danh rạng giữa dinh hoàn,
Học xưa biết trước chỉ đàng cho hậu sanh.
Phần bốn: Nhận định của các tác giả từ năm 1975 đến nay
Từ sau năm 1975, các ý kiến phê phán lẫn tôn vinh Trương Vĩnh Ký vẫn tiếp tục, bất luận người viết ở trong nước hay đang ở hải ngoại. Tuy nhiên càng ngày càng có nhiều sự công nhận những đóng góp của Trương Vĩnh Ký cho nền văn hoá của Việt Nam.
- Những ý kiến phê phán Trương Vĩnh Ký:
Nổi bật trong số những người phê phán Trương Vĩnh Ký là Vũ Ngự Chiêu và Bùi Kha ở Hoa Kỳ. Đặc biệt, Vũ Ngự Chiêu, một tiến sĩ sử học, vào năm 1996 đã công bố một lá thư của Petrus Key [31] gửi Đại Nguyên Soái Pháp mà ông tìm được trong thư khố của Pháp. Bức thư, theo Vũ Ngự Chiêu được viết vào tháng 3 năm 1859 (nhưng không rõ ngày), van nài hạm đội Pháp hãy tấn công các thành trì miền Nam để giải phóng giáo dân đang bị giết hại. Tính chính xác của tài liệu này là vấn đề vẫn gây tranh cãi hiện nay.
Tuy là một tiến sĩ sử học, Vũ Ngự Chiêu dùng những lập luận đáng ngạc nhiên. Ví dụ, để bênh vực cho lý do ông dùng chữ “Petrus Key” thay vì “Trương Vĩnh Ký” hay “Petrus Ký”, ông viết (những chữ in đậm là do tác giả bài này cố ý nhấn mạnh)
Đáng chú ý là người thông dịch ký tên là Petrus Trương Vinh Key. Hai chữ “Trương Vinh” đã được thêm vào giữa tên “Petrus” và họ “Key”. Chữ “Key” vài tháng trước cũng đã được dịch qua chữ nho là “Kí”. Điều này chứng tỏ chậm lắm từ năm 1863 – 1864, “chú Kí” của Linh Mục Borelle năm 1858 – 1859 đã tìm được phả mới – Trương Vĩnh. [32]
Quả là một lập luận kỳ lạ. Trương Vĩnh Ký sinh vào cuối đời Minh Mạng, vậy tên chữ Nho của ông có trước hay tên chữ quốc ngữ có trước (dù là “Key” hay “Kí”)?
Một lập luận kỳ lạ khác của Vũ Ngự Chiêu thể hiện trong bài “Thực hư ‘huyền thoại’ biết 26 ngoại ngữ của Trương Vĩnh Ký” (Hồn Việt, 25 tháng sáu 2015). Có thể con số 26 ngoại ngữ mà nhiều người cho là Petrus Ký thông thạo là một con số không chính xác, nhưng việc Vũ Ngự Chiêu đem kinh nghiệm khó khăn của cá nhân ông khi học tiếng Indonesian và tiếng Thái, để nghi ngờ việc thành thạo nhiều ngoại ngữ của Petrus Ký, là một việc làm không khoa học và thiếu tôn trọng người khác, nhất là đó là một nhân vật lịch sử. Vũ Ngự Chiêu cũng nghi ngờ khả năng nói và viết tiếng Anh của Petrus Ký vì ông so sánh với kinh nghiệm sống lâu năm của ông ở Mỹ:
Nhưng khả năng ‘nói và viết’ tiếng Anh thì cần đặt dấu hỏi. Một dấu hỏi rất lớn. Những ai từng sống ở Mỹ, Úc, Canada hay Anh có thể nghiệm chứng điều này. Dù ra sức học tập từ 5 tới 10 năm, cũng chỉ đủ khả năng nói và đọc, viết tiếng Anh qua loa thôi.
Thật là một cách suy luận thiếu khoa học. Ông trích dẫn Nguyễn văn Tố, thông qua trích dẫn của Nguyễn văn Trung:
Khả năng nói tiếng Anh của Petrus Key, theo ông Nguyễn văn Tố, được một người Anh ghi nhận là “nói với tôi bằng một thứ tiếng Anh rất thành thạo, hơi pha giọng Pháp”. Tiếng Anh phát âm bằng mũi, tiếng Pháp phát âm bằng cuống họng; bảo một người nói tiếng Anh rất thành thạo nhưng pha giọng Pháp, khó có thể là một lời khen.
Tại sao Vũ Ngự Chiêu không truy tìm tài liệu gốc của tác giả người Anh đó, để hiểu rõ hơn là tác giả này có ý khen hay chê, mà ông lại đi trích dẫn thông qua Nguyễn văn Trung để đến với bài tham luận bằng tiếng Pháp của Nguyễn văn Tố? Đây là việc làm thiếu trách nhiệm của một tiến sĩ sử học. Tác giả người Anh đó chính là John Thomson (xem Phần một, mục 4 bên trên). Nguyễn văn Tố đã trích dẫn thông qua bản dịch bằng tiếng Pháp, và chúng tôi đã tìm ra nguồn bằng tiếng Anh (xin xem chú thích số 13 ở cuối bài). Nguyên văn câu tiếng Anh của Thomson như sau:
He (tức Petrus Ký, chú thích của người viết) addressed me in perfect English, with just a slight French accent, while in French he could converse with the same purity and ease. He was equally at home, I believe, when he spoke, or wrote in Spanish, Portuguese, or Italian; and it was to his scholarly knowledge of Oriental tongues that he owed the distinguished position which he filled.”
Bản dịch tiếng Pháp của Talandier và Vattemare mà Nguyễn văn Tố trích đăng; nguyên văn như sau:
Il m’adressa la parole en très-bon anglais, avec un léger accent français, et en français il ne parlait pas avec moins de pureté et d’élégance. L’espagnol, le portugais, l’italien lui étaient familiers, aussi bien que les langues de l’Orient ; c’est à ce savoir extraordinaire qu’il devait la haute position qu’il occupait.
Cách viết như trên của Vũ Ngự Chiêu làm giảm đi rất nhiều giá trị của các nghiên cứu của ông về Petrus Ký. Tuy nhiên cần nhìn nhận việc ông không dùng những từ ngữ “đao to búa lớn” để buộc tội người khác, như “tay sai của thực dân”, “bán nước”, v.v.
Những bài viết của Bùi Kha dựa vào các dữ liệu của Vũ Ngự Chiêu, không đưa thêm được dữ liệu gì mới. Các bài viết của ông thường chỉ có tính cách lên án, ngay cả lên án những người có ý kiến khác với ông “Những kẻ cố tình vinh danh Trương Vĩnh Ký rồi cũng sẽ bị lịch sử lên án như chính lịch sử đã và đang lên án Trương Vĩnh Ký vậy” [33] . Đây không phải là một thái độ tranh luận khoa học đúng đắn.
2. Những ý kiến tôn vinh:
a) Ở hải ngoại, Nguyễn Vy Khanh (Canada) là cây bút dành nhiều tâm sức để bênh vực cho Petrus Ký, đả phá lập luận của những người lên án. Ông là người tìm ra được bản văn mà Richard Cortambert viết về Petrus Ký, dịch ra tiếng Việt để giới thiệu đến độc giả (xem Phần một, mục ba bên trên, và ghi chú số 9 bên dưới). Ông có một vài nhầm lẫn về dữ kiện, ví dụ, ông theo tài liệu cũ (hoặc không đưa ra được bằng chứng) khi cho rằng Chánh sứ Phan Thanh Giản yêu cầu Petrus Ký làm thông ngôn cho phái đoàn Việt Nam sang Pháp.
b) Đáng được nhắc đến là quyển “Trương Vĩnh Ký – Nhà văn hoá” của Nguyễn văn Trung, do Hội Nhà Văn TP. HCM xuất bản năm 1993. Từ năm 1974 khi ông viết “Chữ, Văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc” (xem phần ba, mục hai bên trên) đến năm 1993, Nguyễn văn Trung đã đi một bước dài. Chúng tôi không có trong tay quyển sách về Trương Vĩnh Ký của Tiến sĩ Nguyễn văn Trung nên không thể có nhận định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong bài “Về Trương Vĩnh Ký và một số vấn đề văn bản” (http://hoaxuongrong.org/tai-lieu/ve-truong-vinh-ky-va-mot-so-van-de-van-ban_a736), Nguyễn Vy Khanh viết:
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã nhiều lần cho biết: “Có thể chúng tôi cũng có trách nhiệm phần nào trong việc dẹp bỏ tượng Trương Vĩnh Ký vì nhiều năm trước 1975, chúng tôi đã đề ra một cuộc vận động phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký về phương diện chính trị và văn hóa” (Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa . Sđd, tr. 44); “Trước 1975 tôi đã viết nhiều bài, sách phê phán nghiêm khắc Trương Vĩnh Ký đặc biệt về chính trị, hơn nữa tôi còn gợi ý khuyến khích một vài bạn trẻ đi vào con đường đó như Phạm Long Điền, Nguyễn Sinh Duy. Những loạt bài phê phán của chúng tôi đã gây phiền muộn bất mãn trong giới văn hóa miền Nam lúc đó đặc biệt hai người Hồ Hữu Tường và Vương Hồng Sển…” (RFI phỏng vấn nhân dịp 100 năm ngày giỗ Trương Vĩnh Ký, Đi Tới, 13, 9-1998, tr. 22. In lại trong Nhận-Định X (Montréal: Tác giả xb, 1999), tr. 151).
Trong một quyển sách mới đây của Nguyễn văn Trung mà chúng tôi có trong tay, quyển “Hồ sơ về lục châu học”, [34] chương VI “Miền Bắc dưới mắt một người Nam”, tác giả bình luận về tập ký “Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi 1876” của Trương Vĩnh Ký. Tác giả có những nhận xét lý thú khi so sánh cách viết chữ quốc ngữ của Petrus Ký cuối thế kỷ 19 với cách viết của chúng ta hiện nay. Ông cũng bỏ công tóm tắt tập ký của Petrus Ký.
Đáng nói hơn cả là ngoài tập ký này, Nguyễn văn Trung còn tóm dịch bản tường trình Trương Vĩnh Ký gửi Đề đốc Thống Đốc Nam Kỳ sau chuyến đi Bắc. Bức thư được đăng nguyên văn tiếng Pháp trong quyển “Un savant et un patriote cochinchinoise Petrus J.B. Truong Vinh Ky” của Jean Bouchot, và được Nguyễn Đình Đầu đăng lại bằng tiếng Việt trong quyển “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ”. Chính vì bản báo cáo này mà nhiều người lên án Petrus Ký làm “gián điệp” cho Pháp.
Vì bức thư khá dài, không tiện đăng nguyên văn nơi đây, chúng tôi xin trích đăng phần tóm lược của Nguyễn văn Trung:
Mở đầu Trương Vĩnh Ký nhắc tới mục đích yêu cầu của chuyến đi là tường trình tình hình chính trị ở Bắc Kỳ. Trước khi làm việc này, ông xin phép lược tóm chuyến đi đã qua những nơi nào, gặp những ai, được đón tiếp thế nào, và không quên lưu ý tầm quan trọng của mỗi địa phương. Chẳng hạn, Thanh Hoá là cái nôi của Triều đình hiện nay và của Triều đình trước đó, hoặc dãy núi Ninh Bình có thể có mỏ kẽm.
Sau đó ông cũng xin phép được bày tỏ thái độ trí thức của mình: nói thẳng, nói thực trong việc trình bày các sự kiện và cảm tưởng của mình, vì tôn trọng phẩm cách của người cầm quyền yêu cầu mình và tôn trọng phẩm cách của chính ông là người thực hiện yêu cầu trên.
Đi vào nội dung vấn đề, trước hết ông đề cập đến tình hình tôn giáo. Ông nói ông không muốn dài dòng về những căng thẳng giữa giáo sĩ bản xứ và giáo quyền (ám chỉ các linh mục, giám mục người Pháp, chú thích NVT) vì ông ít được thông báo về điểm này. Nhưng ông nói ông rất khổ tâm trước các thảm hại của những đố kỵ tôn giáo. Người công giáo và không công giáo thù ghét nhau một cách trầm trọng, và trong những biến cố vừa qua, nếu các nho sĩ và người lương đã phạm những tội ác kinh hoàng thì sự thật là những người công giáo không thua gì họ trong việc trả thù (…)
Sau đó ông thú nhận tình hình mà ông sắp trình bày thật đáng buồn, và lòng ông nổi lên một nỗi buồn sâu xa khi thấy cảnh lầm than của dân chúng xứ Bắc Kỳ. Ông nói ông đã nghiên cứu cẩn thận xã hội miền Bắc ở nhiều cấp bậc và ông cảm thấy một nỗi niềm thương xót vô cùng.
Ông đã trao đổi nhiều với những viên chức chính và nhận thấy hầu hết đều chán chường vị trí, chức vụ của họ vì họ buộc phải tuân giữ một cách nô lệ những phong tục, nề nếp cổ hủ đi ngược lại đà tiến bộ của tư tưởng, và yêu cầu cởi mở trong các quan hệ với người nước ngoài. Tóm lại, các viên chức này đều thiên cải tổ, tiến bộ. Trương Vĩnh Ký nhận xét:
Không thiếu những quan lại thông minh, có tài cai trị, đã hiểu rằng lối thoát nằm ở một cuộc thay đổi toàn diện chính sách của triều đình. Họ đã chiến đấu bằng tất cả niềm tin và khả năng mình để xoay đổi hướng chính trị của triều đình, nhưng cho tới nay họ vẫn là phe yếu. Chính vì những tư tưởng tiến bộ của Phạm Phú Thứ mà phe bảo thủ đã đẩy ông này từ trong triều ra Bắc Kỳ. Phạm Phú Thứ, như tôi được biết, và các quan khác đã dâng biểu về triều, đề nghị các biện pháp và các cải tổ thích ứng với nhu cầu hơn là các sai lầm của nền hành chính cũ. Ngay cả các vị thượng thư cũng nhấn mạnh theo chiều hướng này. Nhưng nhà vua, bị khống chế bởi triều đình và sợ đi xa các nguyên tắc tổ chức cổ truyền của vương quốc, đã mới đầu ngần ngừ rồi sau cũng bỏ qua không xét. (…)
Về phương diện hành chính, tệ tham nhũng hối lộ khá trầm trọng lý do chính là vì các quan lại không đủ sống bằng đồng lương, nên họ bắt buộc phải nhận quà cáp, đặc biệt trong những việc cấp giấy phép cho buôn bán, thuyên chuyển, đi lại, v.v. (…) Trương Vĩnh Ký ghi nhận chính những thương gia người Hoa nuôi dưỡng quan lại.
Còn tình hình dân chúng gồm những người thợ, người làm ruộng thì sao?
Họ nghèo cực khốn cùng vì không có gì ăn, cũng như không có việc làm. Sự lầm than này ở khắp mọi nơi và đâu đâu cũng vang lên những đòi hỏi cải tổ để có một nền hành chánh có khả năng bảo đảm trật tự, tài sản, làm cho thương mại kỹ nghệ phát đạt và do đó lôi kéo dân chúng ra khỏi vực sâu đói nghèo mà họ đang cảm thấy đưa họ đến chỗ chết.
Nguyên nhân tại sao, có phải vì thiên nhiên bạc đãi? Theo Trương Vĩnh Ký không phải vậy. Miền Bắc không thiếu gì tài nguyên, có thể so sánh với nước Pháp hay ít ra với Algérie, đủ làm cho xứ sở giàu có phồn thịnh. Đất rất thuận lợi cho việc trồng trọt nhiều loại. Những thí nghiệm trồng nho và lúa mì rất có hứa hẹn. Do đó Trương Vĩnh Ký kết luận: dân chúng xứ này chết đói trên một giường vàng. (…)
Trương Vĩnh Ký kết luận: nói chung hầu hết các viên chức đều ưng theo những tư tưởng mới, mong muốn cải tổ, nhưng tập tục truyền thống còn chi phối nặng nề. Trương Vĩnh Ký còn xác tín triều đình Huế thật bất lực không thể cải tổ được nếu không có sự tiếp tay của nước Pháp. [35]
Kết thúc chương này, Nguyễn văn Trung viết:
Ở đây chưa phải chỗ trình bày đầy đủ và nhận định về thái độ chính trị của Trương Vĩnh Ký, mà chúng tôi sẽ nói trong một tập biên khảo về Trương Vĩnh Ký, một thái độ xuất phát từ chỗ xác nhận không thể chống được Pháp bằng vũ lực, nên tạm thời hoà hoãn cộng tác, thoả hiệp ngay từ đầu khi người Pháp chưa có ý định xâm chiếm hẳn, thì chỉ phải nhượng bộ ít hơn là về sau, cứ vừa đánh vừa đàm, một tay chìa ra bắt, còn tay kia ngấm ngầm phá như Trương Vĩnh Ký đã ghi, cho đến khi Tây định xâm chiếm thực sự, thì phải nhượng bộ nhiều hơn và hầu như là mất tất cả. Vì lúc đó cũng vẫn không thể chống cự được bằng vũ lực. Nhưng vai trò trung gian của Trương Vĩnh Ký cũng chấm dứt rất nhanh chóng vì ông bị những người có thế lực ở cả hai phía chống lại đường lối trên và vì ông không phải là nhà chính trị, nên chán nản, tự ý rút lui ngay, trở về với việc làm văn hoá.
Cũng trong quyển “Hồ sơ về lục châu học” Nguyễn văn Trung đánh giá cao quyển “Cours d’histoire annamite” (Giáo trình Lịch sử An Nam) của Petrus Ký. Đoạn trích dịch sau đây (của Nguyễn văn Trung) từ trang 252 của quyển sử ký đó cho thấy tâm trạng của Petrus Ký:
Gia Long lên làm vua, nhưng là vua của một nước hoang tàn. Nhưng thực ra dù bị tàn phá sâu xa như vậy, đất nước này hãy còn chứa đựng trong nó rất nhiều tài nguyên để cho một chính quyền sáng suốt và thương lo cho dân có thể khai thác để mang lại sự giàu có thịnh vượng. Hiện nay chúng ta đã có trước mắt thành quả không lấy gì làm khích lệ lắm mà Gia Long và các vị kế nghiệp ông đã mang lại cho tới giờ phút này. Sự bướng bỉnh mù quáng của họ đã làm mất Nam Kỳ, nền hành chánh tồi tệ của họ đã làm thất nhân tâm Bắc Kỳ, còn chính cái miền Trung Kỳ thì những nỗi khốn khổ, sợ hãi của nhân dân bị áp bức, sự chuyên chế và tham ô của quan lại các cấp cũng đã bộc lộ khá rõ, khỏi cần phải nói thêm. (…) Chúng tôi chẳng bao giờ quên rằng dân Annam của nước Pháp, hay dân Annam của Trung Kỳ và Bắc Kỳ, chúng tôi đều có nguồn gốc chung. Mặc dù bị chia cắt bởi các số phận chính trị khác nhau, chúng tôi đều hết sức chống lại cái nền hành chính sai lầm ấy. (…)
… Tôi có một nỗi buồn cay đắng tràn ngập lòng tôi khi tôi nghĩ đến những gì mà xứ này đang phải gánh chịu, cả những gì đáng lẽ nó đã có thể có được. [36]
c) Bằng Giang là nhà nghiên cứu đã dành nhiều thời gian truy tìm danh sách các trước tác của Trương Vĩnh Ký, đã công bố hay chưa công bố. Năm 1994 ông xuất bản quyển “Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. “Sương mù” vì sự thiếu sót tài liệu chuẩn xác, chẳng những về các sáng tác mà còn cả về cuộc đời của Petrus Ký.
Theo Bằng Giang, nếu có một chuyên gia về Trương Vĩnh Ký, đó là Nguyễn văn Tố. Ông đưa ra lời ví von, nếu Trương Vĩnh Ký còn sống mà đọc bài của Nguyễn văn Tố (xin xem phần hai bên trên) thì không biết ông có thốt lên như Quản Trọng hay không “Sanh ra ta là cha mẹ, biết ta là ông Tố”. Rất tiếc hiện chúng tôi chưa có quyển sách của Bằng Giang trong tay nên không thể viết thêm gì hơn ngoài việc ghi lại những nhận xét của Nguyễn Đình Đầu.
Trong bài tham luận “Trương Vĩnh Ký với cuốn sổ bình sanh” mà Bằng Giang đọc tại buổi toạ đàm “Trương Vĩnh Ký với văn hoá” diễn ra tại Sài Gòn năm 2001, ông lý giải việc Petrus Ký tham gia làm việc cho Pháp là một giải pháp “phi truyền thống của một trí thức mới, một giải pháp lâu dài có nét đặc trưng của cái trí”. Theo giải pháp “truyền thống” (đứng lên võ trang chống lại quân Pháp), có thất bại cũng được tiếng anh hùng, còn theo giải pháp “phi truyền thống” mà không thành công thì bị coi là có tội. [37]
d) Ngoài ra còn một số bài nghiên cứu mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bài “Kỷ niệm 180 năm ngày sinh Trương Vĩnh Ký: Thử tìm hiểu cái nhìn mới từ Việt Nam”, Tập san Nghiên cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long, Số 11, 2017.
e) Nghiên cứu cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắc tới là quyển sách mà chúng tôi tham khảo rất nhiều khi viết bài này, quyển “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” của Nguyễn Đình Đầu. Ông đã dành nhiều năm thu thập tài liệu có liên quan đến Petrus Ký, từ năm 1960. Ông cũng thu thập nhiều tác phẩm của vị học giả này.
Quyển sách dầy 615 trang, gồm 7 chương, với 20 tài liệu tham khảo, với lời giới thiệu của Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, và lời bạt của tác giả. Chương một giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, Chương hai đăng các trước tác của ông, bao gồm nhiều thể loại: sử ký, địa lý, nghiên cứu khoa học, phong tục tập quán, ngôn ngữ, kể chuyện đời xưa và chuyện khôi hài. Chúng tôi đánh giá đây là một chương rất có giá trị, giúp cho chúng ta thấy được sự uyên bác của Petrus Ký.
Trong Chương ba, Nguyễn Đình Đầu cho in lại các thư từ trao đổi giữa Petrus Ký với nhà cầm quyền Pháp, với một số trí thức, và với vua Đồng Khánh. Chương bốn tập hợp các bài khen tặng Petrus Ký khi còn sinh thời. Các chương năm, sáu và bảy là các bài báo về vị học giả này, qua các thời kỳ, từ khi ông qua đời đến 1945, từ 1945 đến 1975, và sau 1975. Bố cục bài viết của chúng tôi cũng dựa theo ý này của Nguyễn Đình Đầu, tuy rằng chúng tôi phân chia có hơi khác tác giả, và thêm vào cũng như bớt đi một số tác phẩm, theo sự chọn lựa của chúng tôi.
Đặc biệt, năm 1991 trong một dịp sang Pháp, Nguyễn Đình Đầu sao chụp được tại Thư viện Lưu trữ của Hội Truyền giáo Paris một bức thư của Petrus Ký, dài 11 trang khổ A4, viết bằng tiếng Latin, cùng với bản dịch sang tiếng Pháp. Đó là bức thư Petrus Ký gửi cho bạn học ở Penang, kể nỗi thống khổ của linh mục và tín hữu Công giáo bị truy nã và hành hạ. Nguyễn Đình Đầu dịch sang Việt ngữ một phần của bức thư. Đại ý bức thư kể lại nỗi thống khổ mà các linh mục và giáo dân phải chịu đựng từ khi hạm đội Pháp tới Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1858. Petrus Ký viết:
Nhà thờ bị triệt hạ; các linh mục và chủng sinh bị giam tù. (…) Trong các làng mạc, ở cửa các đô thị và những nơi phải qua lại, người ta đặt các điếm canh để biết ai là Công giáo do thái độ tôn trọng hay chà đạp thánh giá. (…) Cả vương quốc sôi sục chống Pháp và hà khắc với Công giáo. (…)
Các vị bề trên và tôi cùng chạy trốn vào trong rừng. Lúc đó người ta khám xét nhà của các tín hữu. (…) Sau tai hoạ ấy lại tới một tai họa lớn hơn. Nguyên nhân là cuộc trốn chạy của thầy Nhiệm. Vì thế binh lính được sai đi khám xét cả ở Gia Định và Biên Hoà, từ xóm làng đến các sông ngòi đều bị khám xét. Đối với chúng tôi, sự sợ hãi đã lên đến cực điểm. Chỉ còn cách là chạy vào rừng, ở đấy là nơi hổ báo và thú rừng khác sinh sống. (…)
Trang 238 của quyển “Petrus Ký nỗi đau thế kỷ” có in hình chụp trang cuối của bức thư, có chữ ký của Petrus Ký. Chúng tôi nhận xét những điểm khác nhau sau đây giữa hình chụp này (dưới đây sẽ được gọi là thư NĐĐ) và hình chụp bức thư do Vũ Ngự Chiêu khám phá (xem Phần bốn mục một bên trên) được lan truyền trên mạng internet (sẽ được gọi là thư VNC).
- Thư NĐĐ có ghi ngày (ngày 4 tháng 2 năm 1859) trong khi Vũ Ngự Chiêu chỉ cho biết bức thư do ông khám phá được viết vào khoảng tháng 3 năm 1859.
- Hình chụp bức thư VNC không rõ ràng, nhưng có thể nhận thấy chữ viết rất khác so với chữ viết trên thư NĐĐ.
- Thư VNC không có chữ ký, chỉ ghi bên dưới là “Petrus Key”. Thư NĐĐ ghi “Pet. Kéy”, bên dưới lại ghi thêm “Trương Vỉnh Ký” và có cả chữ ký. Chúng tôi chú ý, chữ “Vỉnh” được viết với dấu hỏi thay vì dấu ngã.
Chúng tôi thiết nghĩ muốn giải quyết vấn đề, cần phải có các chuyên gia giám định chữ viết và chữ ký trên hai bức thư, cùng với chữ viết trên các tài liệu mà Hervé Bernard công bố trên mạng internet mới đây (xem chú thích số 2 bên dưới).
Một đời tận tuỵ với việc tìm tòi nghiên cứu về một nhân vật lịch sử mà mình ngưỡng mộ, ở gần cuối đời chắc hẳn Nguyễn Đình Đầu phải rất đau buồn khi thấy đứa con tinh thần của mình không được ra mắt độc giả. Nhưng có lẽ tác giả cũng cảm thấy hãnh diện, vì việc làm công khai của mình đã đánh lên tiếng chuông, còn những cấm đoán lại phải lén lút bằng “lệnh miệng”.
Thay lời kết
Tìm hiểu về cuộc đời của một nhân vật lịch sử có tầm vóc thế giới như Trương Vĩnh Ký là điều không đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh tài liệu không được lưu trữ đầy đủ và tập trung. Vấn đề về văn bản, như hai bức thư nói bên trên, nếu không được giải quyết thì “sương mù” vẫn bao phủ sự hiểu biết của chúng ta về nhà bác ngữ học này.
Trong toàn bộ bài viết chúng tôi cố gắng giữ thái độ khách quan khi nhận xét các tác giả khác. Đã đến lúc chúng tôi trình bày quan điểm của mình về vị học giả này.
- Theo chúng tôi, sự uyên bác của Trương Vĩnh Ký là điều không thể chối cãi. Dù có ai tìm cách chứng minh ngược lại, thì những trước tác của ông vẫn là sự thật. Đánh giá của các học giả phương Tây cũng là sự thật. Nếu không có vốn kiến thức uyên thâm, liệu Petrus Ký có thể kết giao với những bậc trí thức như Emile Littré, Ernest Renan, Victor Duruy, Paul Bert, Stanislas Meunier, Richard Cortambert, hay đại văn hào Victor Hugo?
- Không ai có thể không đồng ý là Trương Vĩnh Ký đã cộng tác với Pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là cộng tác vì mục đích gì. Không ai có thể chứng minh được việc làm của ông là để “vinh thân phì gia”. Nhưng có quá nhiều chứng cớ là ông có con đường đi riêng của ông. Con đường mà nhà nghiên cứu Bằng Giang cho là “phi truyền thống của một trí thức mới, một giải pháp lâu dài có nét đặc trưng của cái trí”. Những gì ông viết trong Cours d’histoire annamite mà Nguyễn văn Trung trích dịch và chúng tôi ghi lại bên trên là chứng cứ. Thư ông viết cho Stanislas Meunier là chứng cứ.
Hồ Hữu Tường đã không đưa ra chứng cứ gì để kết luận là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã đánh giá cao Trương Vĩnh Ký. Nhưng cũng chưa có ai đưa ra được bằng chứng là cụ Đồ Chiểu xem thường họ Trương vì thái độ cộng tác với Pháp, điều mà cụ làm với nhiều người cộng sự khác của Pháp.
- Lập luận thứ hai bên trên đưa chúng tôi đến kết luận là đóng góp của Trương Vĩnh Ký cho nền văn hoá của Việt Nam là to lớn. Đó là một đóng góp có chủ đích nhằm mang hai dân tộc, hai nền văn hoá lại gần nhau.
- Những kẻ hậu sinh hiện nay có thể phê bình con đường ông đi là không đúng, do sự ảo tưởng về chính trị. Nhưng không thể phủ nhận ý hướng tốt đẹp của ông trong việc chọn con đường riêng cho ông. Bằng Giang đã nêu nhận xét rằng những người theo giải pháp “truyền thống”, đứng lên võ trang chống lại Pháp, có thất bại cũng được tiếng anh hùng. Còn theo giải pháp “phi truyền thống” như Petrus Ký mà không thành công thì bị coi là có tội.
Tôi muốn thêm rằng, tất cả các giải pháp “truyền thống” trước kia đều thất bại. Chỉ có đảng Cộng sản Việt Nam thành công, nhưng họ lại phải dựa vào Liên Xô và Trung Quốc, và du nhập vào đất nước một học thuyết ngoại lai. Ngày hôm nay nhìn lại thực trạng của đất nước, có lẽ chúng ta cần xem xét lại giá trị của giải pháp “phi truyền thống” của Trương Vĩnh Ký, hay của Phan Châu Trinh sau này.
Tôi nghĩ, nếu được sống và chọn lựa lại, có lẽ Trương Vĩnh Ký cũng sẽ đi con đường của ông: “Fais ce que dois, advienne que pourra”, tựa một tác phẩm của ông, với lời tựa bằng quốc ngữ “Bất cượng, chớ cượng làm chi”.
Sydney 20 tháng 5 năm 2018
Hình 1: Bìa quyển Petrus Ký nỗi oan thế kỷ
Hình 2: Thư Petrus Ký gửi bạn
[1] BBC Tiếng Việt www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38561438
[2] Tài liệu của Hervé Bernard phổ biến trên internet năm 2015. Chúng tôi tham khảo với sự dè dặt thường lệ. (http://ecole.nav.traditions.free.fr/pdf/rieunier_cochinchine.pdf)
[3] Bulletin de la Société de Géographie (Paris), 1863, 5è Série, Tome VI. Notice sur le royaume de Khmer ou de Kambodje pp 326 – 332.
[4] Chúng tôi giữ nguyên cách viết tiếng Việt của tuần báo Illustrated London News.
[7] Giám mục giáo phận Isauropolis lúc đó là Giám mục Dominique Lefèbvre (1810 – 1865). Theo trang mạng http://www.gcatholic.org/dioceses/former/t0940.htm, ông làm giám mục tại Isauropolis từ 10.12.1839 đến 30.04.1865. Đây là giáo phận thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Trang 24 của sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” cũng nhắc đến Giám mục Lefèbvre Ngãi. Tìm hiểu trong trang mạng trên, chúng tôi được biết trong thời gian từ 10.12.1839 đến 28.08.1864 ông đồng thời là trợ lý chánh xứ (coadjutor vicar apostolic) rồi chánh xứ (vicar apostolic) giáo phận miền Tây Nam Kỳ. Ông bị triều đình Huế bắt giam hai lần, được thả nhờ sự can thiệp của Pháp. Ông mất ở Marseille.
[8] Chúng tôi có một số nhận xét về mẩu tin này:
- Đây là tài liệu đầu tiên mà chúng tôi được đọc, ghi nhận khả năng toán học của Petrus Ký;
- Thư viện Đại học Oxford hiện không có chứng cứ nào về luận án này;
- Theo tài liệu lịch sử, Petrus Ký sinh ngày 6.12.1837, tính đến ngày 29.8.1863, ông chưa bước vào tuổi 26. Điều này cho thấy tác giả của mẩu tin biết rõ ngày sinh của Petrus Ký;
- Chi tiết về hai năm học thêm cần tìm hiểu thêm.
[9] Đây là một đoản văn nằm ở cuối quyển “Impressions d’un Japonais en France, Suivies des Impressions des Annamites en Europe” do Richard Cortambert thu thập, in năm 1864 bởi Achille Faure, Libraire – Editeur, Paris. Tác phẩm này được Nguyễn Vy Khanh tìm thấy và giới thiệu đến độc giả Việt Nam, được Nguyễn Đình Đầu nhắc lại trong tác phẩm Petrus Ký Nỗi Oan Thế Kỷ. Tác phẩm của Cortambert dài 205 trang, phần cuối về Petrus Ký từ trang 179 đến 205, mỗi trang khoảng 200 chữ.
[10] Richard Cortambert (1836 – 1884), làm việc trong ban địa lý của Thư Viện Quốc Gia Pháp, Thư ký của Hội Địa Lý Paris, là tác giả của nhiều tác phẩm quan trọng về địa lý. Nguồn: https://fr.wikipedia.org/wiki/Richard_Cortambert
[11] Có lẽ ý nói Petrus Ký đã biết đến tên tuổi của Cortambert qua các công trình nghiên cứu của ông ta.
[12] Chúng tôi giữ nguyên cách viết của tác giả.
[13] John Thomson, “The Straits of Malacca Indo-China and China or Ten Years Travels, Adventures and Residence Abroad”, London, Sampson Low, Marston, Low, & Searle, 1875, trang 178. Bản dịch tiếng Pháp của Talandier và Vattemare “Dix Ans de Voyages dans la Chine et l’Indo-Chine”, Hachette, Paris, 1877, trang 140.
[14] Hội Á Châu (Société Asiatique) là một hội học thuật của Pháp chuyên nghiên cứu về Á Châu học, được thành lập từ năm 1822. Từ năm 1884 đến 1892, Ernest Renan là Chủ Tịch của Hội. Ông là một nhà triết học và văn hào danh tiếng của Pháp, cũng là Viện sĩ Viện Hàn Lâm Minh Văn và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres). Nguồn: http://www.aibl.fr/societe-asiatique/histoire/liste-des-presidents/?lang=fr
[15] Journal Asiatique, Juillet 1880, page 73. Tạp chí này là một ấn phẩm của Hội Á Châu.
[16] Henri Cordier, “Nécrologie – Petrus Trương Vĩnh Ký”, T’oung Pao, số 3, quyển 1, 1990, trang 261 – 268.
[17] Xem thêm: Trần Thạnh, “T’oung Pao và ai từ về Petrus Trương Vĩnh Ký”, Đặc san số 8, Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu, Sydney, Australia, 2013. https://petruskyaus.net/dac-san-8/
[18] Lê Thành Ý nói là ông trích dẫn từ Tạp chí Đô thành Hiếu cổ (tức Tạp chí Những người bạn của Cố đô Huế, Bulletin des Amis du Vieux Huế) nhưng không cho biết số báo nào.
[19] Nguyễn văn Tố (1889 – 1947), hiệu là Ứng Hoè, là một trí thức uyên bác. Ông là một trong hai người Việt Nam được các nhà trí thức Pháp đầu thế kỷ 20 xem là “học giả” (érudit). Hai người đó là Trương Vĩnh Ký và Nguyễn văn Tố. Sau năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, ông là bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
[20] Nguyễn-văn-Tố, Petrus Ký (1837 – 1898), Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin, Tome XVII, No 1-2, Janvier – Juin 1937, Pages 25 – 67, Imprimerie Tân Dân, Hà Nội 1937. Xem bản dịch tiếng Việt của Nguyên Ngọc tại http://www.quyphanchautrinh.org/ngoi-den-tinh-hoa-van-hoa/ChiTiet/713/danh-nhan-van-hoa-truong-vinh-ky
[21] Pierre Vieillard, Histoire: Un Grand Patriote: Petrus-Ky, Revue Mensuelle de Culture Franco – Asiatique, No 11, 12 (Fev, Mar) 1947.
[22] Theo Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu, cuốn II, trang 86.
[23] Theo Nguyễn Đình Đầu, Thanh Lãng ghi tựa của bài này là “Thơ ngụ ngôn của La Fontaine” (sách Petrus Ký nỗi oan thế kỷ, trang 529), và ghi chú “Trích theo Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, cuốn 1, trang 31”. Tuy nhiên theo chỗ chúng tôi tìm hiểu trong bản in Nhà Văn Hiện Đại năm 1960 do Thăng Long tái bản lần thứ III tại Sài Gòn, tựa của bài là “Đại Pháp văn chương”, được trích dẫn ở trang 48 trong sách của Vũ Ngọc Phan.
[24] Chúng tôi không rõ Trương Vĩnh Ký viết “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích” năm nào. Bản dịch sang tiếng Pháp của Abel des Michels “Contes Plaisants Annamites” được in tại Paris năm 1888. Quyển sách bắt đầu với phần quốc ngữ, theo sau là phần dịch Pháp ngữ của Michels.
[25] Thanh Lãng, Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Quyển Hạ, Nhà xuất bản Trình Bày, 1967.
[26] Vương Hồng Sển, “Sài Gòn năm xưa”, nhà xuất bản Tự Do in năm 1960 tại Sài Gòn, trang 167.
[27] Nguyễn văn Trung, “Chữ, Văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc”, Nam Sơn xuất bản, 1974, trang 8.
[29] Sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” của Nguyễn Đình Đầu ghi sai là Tạp chí Bách Khoa số 404. Bài của Nguyễn Sinh Duy trên Bách Khoa số 416 cũng ghi sai như vậy.
[30] Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền, “Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký: nhận định lịch sử”, Nam Sơn xuất bản, 1975.
[31] Đúng chữ ký của người viết thư.
[32] Vũ Ngự Chiêu, “Vài tài liệu mới về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837 – 1898)”, Tạp chí Hợp Lưu, 17 tháng hai 2011.
[33] Bùi Kha, “Trương Vĩnh Ký, ông là ai?”, Giao Điểm, 2001.
[34] Tựa đầy đủ của quyển sách là “Hồ sơ về lục châu học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới”, Nhà Xuất bản Trẻ, 2015.
[35] Sđd, trang 393, 394, 395.
[36] Sđd, trang 192, 193.
[37] Những bài tham luận tại buổi hội thảo được đăng lại trong quyển “Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký”, Tạp Chí Xưa và Nay, 2013. Xem thêm “Kỷ niệm 180 năm ngày sinh Trương Vĩnh Ký: Thử tìm hiểu cái nhìn mới từ Việt Nam”, Trần Thạnh, Tập san Nghiên cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long, Số 11, 2017.