Giải Đề Thi Toán Tú Tài 2, Kỳ 2, Ban B

(Ngày 30 tháng 8, 1972)

Lê Phước Hải

Buổi sáng trời Saigon nắng ấm. Không có mưa. Gió hiu hiu. Cái nắng SG vào tháng 9 thật dễ chịu. Không khô khan như trong tháng 2, không ẩm thắp như trong tháng 7, và không oi bức như trong tháng 5. Nắng SG là thế đó. Và do thời tiết chứ không do chiếc áo như thi sĩ Nguyên Sa diễn tả: “… anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông …”. Hay là do niềm vui nho nhỏ trong lòng vì sắp làm một việc trước đó 2 tháng chưa hề nghĩ đến?

Bọn chúng tôi 7 người đã hẹn gặp nhau tại nhà của Nguyễn Nhật Trung, khu Vườn Chuối, đúng 10 giờ, trên gác. Có mặt Lê Lam Sơn, Vũ văn Vượng, Nguyễn văn Lành, Phạm Viên Minh, Phạm Trung Tín và Lê Phước Hải.

Kỳ thi Toán ban B, Tú Tài 2, kỳ 2 sẽ bắt đầu lúc 2 giờ chiều, kéo dài 3 giờ. Bài giải phải có sẳn lúc 5 giờ chiều – giờ tan thi trước cửa các trường được chọn làm trung tâm thi để bán bài giải. Chúng tôi đã chọn những trường gần nhà Trung, đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 5 cho tiện. Như trường Petrus Ký, Trung Thu, Bác Ái, Trần Hưng Đạo, v.v.

Vừa thi xong Tú Tài 2, kỳ 1, đang chuẫn bị kỳ thi vào Đại Học, dù hơi lo nếu không đậu vào các ĐH thi tuyển trong tháng tới sẽ phải theo con đường …binh nghiệp. Và phải “chiến” lắm mới hy vọng đậu vào các ĐH công nổi tiếng như Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, HọcViện QG Nông Nghiệp, ĐH Y, Dược, Kiến Trúc, Sư Phạm, Học Viện QG Hành Chánh. (Cũng may thời ấy mới lập các ĐH tư thi tuyển như ĐH Minh Đức, Vạn Hạnh …). Các ĐH ghi danh như Luật, Văn Khoa, Khoa Học không được miễn. Nhưng chúng tôi tạm thời gác qua không nghĩ đến. Chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt là rũ nhau giải đề thi, bán kiếm tiền lẻ đi nhậu.

Đúng 2 giờ 15, NN Trung, NV Lành và PT Tín chia nhau mổi người đứng trước mổi cửa trường khác nhau, đợi, hy vọng có 1 thí viên bỏ cuộc thi ra ngoài sớm. Chúng tôi sẽ xin đề thi đem về. Thường thì sau 30 phút, sẽ có một vài thí sinh đem lên nộp giấy trắng rồi bỏ ra ngoài. Nhất là những anh lính nộp đơn đi thi chỉ là cái cớ để được nghỉ phép về thăm nhà và những người thân của mình. Còn bài làm được hay không không quan trọng. Lành có ông cậu bà con xa cũng thuộc tình trạng nầy, và đã thi trượt 4 lần. Ông hứa sẽ ra ngoài đúng 30 phút sau giờ thi như luật định. Nhưng đợi mãi cũng không thấy bóng dáng ông ta cả. Sau nầy, biết được ông ta làm được hơn phân nửa bài toán, và thi đổ – kỳ thứ năm nầy.

Tụi nầy bắt đầu lo. Trễ lắm, trong vòng 50 phút phải có đề thi, 2 giờ vừa giải bài vừa quay ronéo in ra 500 bản, và 10 phút còn lại chia nhau đến trước các cửa trường thi đợi sẵn để bán bài giải – trước 5 giờ chiều. Hoặc bỏ cuộc. Giống như hành quân. Lên kế hoạch. Tổ chức, phân công, và thực hiện. Phải chính xác tuyệt đối. So-called “Military precision and efficiency”.

Cũng may, đúng sau 45 phút, có 2 người lơn tơn ra khỏi cổng trường Bác Ái . PT Tín xin bài thi còn đang nằm trong tay 1 anh và tức tốc rồ xe Honda về nhà. Đến nhà đúng 2 giờ 50. Khoảng 10 phút sau, Lành và Trung trở về … tay không. Chúng tôi đã định trước, tên nào có đề trước cứ về nhà trước. Đúng 3 giờ dù xin được đề hay không cũng trở về.

Lập tức, Sơn phân công. Tao lo về mặt ronéo. Thằng Trung sẽ phụ tao một tay. Còn giải đề thi thì tụi mầy tự xoay sở. 

Sơn cao ráu, có tướng công tử. Giỏi về ca nhạc, ấn loát, kỹ thuật, và là phó trưỡng ban Báo Chí trường Petrus Ký. Con của nhà thơ Tô Kiều Ngân – một trong sáng lập viên hội thơ văn Tao Đàn, được nhiều người biết qua bài thơ “Đưa Em về thăm Huế”:

“Rất tiếc chưa đưa em về thăm Huế
Bằng con tàu chạy suốt mấy ngày đêm
Để em ngắm những rừng dừa xoả tóc
Bãi cát vàng sáng mát dưới trăng êm”.

hoặc bài thơ “Giọng Huế”  
“Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức
Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài
Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm
Thêm mây vào e tan nát lòng ai
Anh quì xuống hôn lên đôi mắt đó
Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng…”

Và đặc biệt Sơn có khiếu về thương mại. Lúc trường Petrus Ký ấn hành tập san thường niên, Sơn ôm 100 tờ báo đến trước của trường Gia Long, mang theo cây đàn. Với giọng đầm ấm, vừa đàn, vừa ca, vừa cỗ vũ cho tờ báo. Rất đông nữ sinh Gia Long đến bao quanh. Cười reo. Vỗ tay. Báo được ủng hộ nhiệt liệt – bán hết không còn tờ nào. (Sau nầy, Sơn học ngành Hóa, ĐH Khoa Hoc SG. Ra trường một thời gian mở hãng sản xuất mực công nghệ, hãng phát triển, bạn bè gọi Sơn là đại gia SG hoặc Đại Tá Lam Sơn). Còn chúng tôi chẳng có tài cán gì, nên không có gì đáng để …khai triển thêm.

***

Bài thi gồm 2 phần . Phần câu hỏi giáo khoa có 5 câu, mổi câu đáng giá 2 điểm . Có 2 bài toán lớn, mổi bài 5 điểm . Tổng cộng 20 điểm. Minh rủ Trung lảnh phần giải 5 câu giáo khoa, và đề nghị VV Vượng và LP Hải giải 2 câu toán lớn. Có sẳn mấy cuốn sách giải toán của giáo sư Cù An Hưng và Cam Duy Lễ trước mặt, tha hồ tham khảo. Tôi giao VV Vượng câu thứ 2 về tân toán học, còn tôi lãnh câu thứ 1 hỏi về hình học. Minh và Trung giải xong câu nào lập tức thãy qua cho Sơn đánh máy lại.

15:40. Tíc tíc … Tôi thấy trán của VV Vượng lấm tấm những giọt mồ hôi. Vượng nhỏ con, mặt rộng, tóc ít, trán cao, có vẻ chững chạc như giáo sư Đại Học. Mặt đầy những mụt mụn trứng cá. Của tuổi dậy thì trễ.  Nên trông già trước tuổi và có mệnh danh Vượn già. Từ xa, mụn và mồ hôi lẫn lộn nên không rõ trán đầy mụn hay đầy mồ hôi. Lý do trong lớp còn một bạn khác tên Nguyễn Đình Vượng, cũng nhỏ con, mặt nhỏ, dài, được gọi là Vượn con, để phân biệt 2 Vượng.
 
Trong lớp toán B3 của chúng tôi, Vượng già, Trần Hoàng Nghiệp, và Nguyễn Văn Lành thuộc hạng giỏi toán trong lớp. Có mặt Vượng già và NV Lành trong ngày quan trọng nầy, chúng tôi rất an tâm. Tuy nhiên Lành đã tình nguyện lo phụ trách …vòng ngoài – như lo khâu đi xin đề, nên được miễn giải bài. Nhưng chẳng may, kỳ nầy đi không lại về không.

16:50. Giải toàn bộ đề thi. 500 bản đánh máy cũng xong. Trước đó Sơn hỏi “Mình nên để tên người giải cho oai, nên để tên ai?” Cả nhóm đề nghị để tên “GS Lê Phước Hải, Trung Học Hậu Giang”. (Lúc đó có trường trung học Tiền Giang, nên tránh chử “Tiền”, sợ bị kiện thưa phiền phức).

17:00. Mổi người đứng trước cửa trường học định sẵn. Tôi chờ trước cửa trường Petrus Ký. 5, 10 phút sau, lần lược các thí sinh lục tục ra cửa về.

 
Tôi ôm 1 xắp đề giải khoảng 100 bản. Cứ 2 đồng 1 bản. Đa số trả tiền lẻ, lấy 1 bản rồi đi. Có thí sinh đưa tờ 20, tôi không có tiền thối, nên trả tiền lại và tặng không 1 bản. Người mặt hí hởn. Người mặt dào dào, có lẻ không làm được. Nửa tiếng sau, thí sinh rời rạc bỏ về, không buồn ghé lại mua bài giải.
Về nhà đếm lại, bán hết còn lại 40 bản.

Hôm sau tất cả hẹn gặp nhau 12 giờ trưa quán nhậu Thanh Vân đường Bùi Viện – nơi chúng tôi thường gặp gở để tự thưởng công mình.
Những món ăn đặc sản miền Nam. Ếch xào lăn. Cua rang muối. Ốc nấu gừng. Tôm càng nướng. Beer 33 lai láng trên bàn.

Chào năm cuối của đời học sinh vô tư thời trung học.         
Tháng 9, 1972.

***

Nhóm giải đề thi nầy của chúng tôi sau nầy mổi người một ngã.

– NN Trung đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh nhưng chưa kịp ra trường bị giải thể năm 1975. 

– PT Tín học Kinh Tế Kinh Doanh sau dạy học ở Bạc Liêu.

– VV Vượng được học bổng Colombo đi học ngành điện tử ở Úc 1972. Sau chuyển sang điện toán ra trường làm việc ở tiểu bang Queensland.

– PV Minh đi Sĩ Quan Đà Lạt. Chưa ra trường bị đuổi về. Vượt biên tới Úc năm 1980. Học lại điện toán, sau về làm việc và lập nghiệp ở tiểu bang Queensland.

– NV Lành vào Y Khoa SG. Vượt biên tới Sydney 1979. Học lại Y Khoa ĐH New South Wales. Hiện có phòng mạch ở Bankstown, NSW.

– LP Hải vào ĐHNN SG. Vượt biên tới Sydney cuối năm 1978. Học lại và làm việc ngành điện toán ở Sydney.