Cô tôi

Vưu Văn Tâm (PK 1974-81)

* Thương kính về cô Phan Ngọc Loan *

Co Phan Ngoc Loan

1.

phan-ngoc-loan

Năm học đầu tiên ở bậc trung học của tôi cũng khép lại khi Sài Gòn hấp hối vào cuối tháng tư năm 1975. Tháng 8 năm đó, đám học trò nhỏ được gọi về trường trước ngày khai giảng hai, ba tuần lễ. Chúng tôi phải đi cho hết giáo trình của năm học trước hãy còn dang dở. Thật ra thì mấy tuần lễ đó chúng tôi đến trường cho có lệ chứ cũng chẳng học được gì nhiều. Tôi còn nhớ thầy Phạm Mạnh Cương đảm trách môn Việt Văn cho lớp. Thầy đọc bài chính tả cho cả lớp viết, nội dung nói về anh giải phóng quân. Lâu quá rồi tôi chỉ còn nhớ lõm bõm được một câu ôi chiếc mũ tai bèo của anh, chiếc mũ vải dịu mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ. Tôi nhớ rõ như vậy, không phải vì nội dung của bài văn xuôi ấy mà vì cái giọng Huế nặng trĩu của thầy Cương, ôi chiệc mụ tai bèo cụa anh, chiệc mụ vại dịu mềm dệ thương như một bàn tay nhọ.

Năm học 1975-1976 được chính thức khai giảng những ngày cuối tháng 8. Cô Nguyễn Thị Nhung dạy Vạn Vật (sau này gọi là Sinh Vật) làm giáo viên chủ nhiệm lớp 7/4 (GVCN, ngày trước gọi là giáo sư hướng dẫn).

Môn Pháp Văn chúng tôi được học với cô Phan Ngọc Loan. Vóc người cô cao ráo với gương mặt rất xinh đẹp, thần sắc rạng rỡ và mái tóc cắt ngắn hợp thời trang. Cô thường đến trường với cách trang điểm nhẹ và đôi môi luôn tươi hồng màu cánh sen nhạt. Tôi không biết cái tủ áo dài của cô đếm được bao nhiêu cái, vì mỗi lần đến lớp là cô mang một sắc màu khác nhau, áo nào cũng đẹp và rất thích hợp với vóc dáng thon gọn của cô. Điều làm tôi nhớ nhiều ở cô không phải vì vóc dáng hay hình ảnh bên ngoài mà là cách dạy của cô. Cô nói tiếng Pháp lưu loát với cái accent tuyệt vời. Cô giảng bài tỉ mỉ và giờ học môn Pháp Văn luôn luôn sinh động vì một số đông các bạn trong lớp có năng khiếu sinh ngữ hay có điều kiện được học ngôn ngữ này từ những lớp dưới.  Tuy vậy, cô cũng rất thường lưu tâm đến những bạn học kém. Có hôm cô dành cả 15 phút trong giờ học để luyện giọng đọc cho một bạn có khả năng hơi yếu, phát âm kém cỏi, mặc dù mỗi giờ học chỉ có 45 phút ngắn ngủi mà thôi.

Ngày xưa muốn được vào học ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, tất cả các học sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển hết sức gắt gao. Nhưng ở năm học mới này, lớp chúng tôi đón thêm một vài gương mặt mới. Các bạn ấy được vào trường vì thuộc gia đình có công với cách mạng hoặc có liên hệ nhân thân trong chính quyền mới. Điều này đã gây khó khăn và mất mát ít nhiều thời gian cho các học sinh trong lớp và khổ sở nhất là cho các thầy cô. Cô vẫn chăm chỉ và bền bỉ hướng dẫn các bạn ấy theo cho kịp các bạn cùng lớp.

Được khoảng nửa năm, tức là sau khi thi xong đệ nhất lục cá nguyệt (sau này gọi là học kỳ 1), cô nói lời chia tay với chúng tôi. Cô cho biết, trường đã phân công cô dạy những lớp khác, vì năm học mới có sự xáo trộn nhỏ trong giới giáo sư ! Cô cũng cho biết người đồng nghiệp đi tiếp với lớp là cô Đặng Thị Thiên Chi. Ngày chia tay với lớp, cô cũng không tránh khỏi bùi ngùi “khi giao lại các em cho cô Chi, cô rất yên tâm. Cô Thiên Chi là một đồng nghiệp tốt và cũng rất yêu thương học trò “.

Lên lớp 9/4 chúng tôi vô cùng vui mừng được gặp lại cô. Cô vẫn đảm trách bộ môn Pháp Văn và kiêm thêm chức GVCN của lớp 9/4. Cô không thay đổi nhiều. Cô vẫn đẹp, vẫn cái vóc dáng cao ráo thon thả ấy và dưới mắt một cậu học trò nhỏ, bao giờ tôi cũng thấy cô xinh đ ẹp, gần gũi như người chị hay dịu dàng, bao la như người mẹ trẻ. Có hôm đến lớp cô mang đôi hoa tai màu trắng to cỡ hoa cúc (không phải là cúc đại đóa) nhìn cô sáng rực và đẹp như .. ca sĩ. Cũng như hai năm về trước, đến giờ học cô vẫn chăm chỉ dạy dỗ chúng tôi, như con ong siêng năng cần mẫn mang mật ngọt cho đời. Cô như một người chị cả, cô rút ruột mà cho đám học trò nhỏ. Mỗi khi dạy một chữ mới, cô ghi luôn ra cho học trò một họ chữ có cùng huyết thống (family). Cô nói “học cách này mình nhớ được nhiều mặt chữ, và các em sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là danh từ, tỉnh từ, trạng từ .. Chịu khó theo cách học này các em sẽ tiến bộ nhanh và sẽ ít gặp khó khăn hơn khi học thêm một ngôn ngữ khác sau này”.

Cảm ơn cô yêu, sau này qua xứ người ta, phải học ngôn ngữ của họ, em vẫn nhớ lời cô dạy và đã áp dụng như vậy, phải công nhận là phương pháp này vô cùng hữu ích. Lúc dạy con, em cũng áp dụng như vậy mà sao nó hỏng chịu nghe .. “ba dạy nhiều quá làm sao con nhớ, con đâu có cần nhiều dữ vậy” .. Thế hệ bây giờ sao không giống như tụi em ngày xưa cô ơi !

Cô Phan Ngọc Loan ngày Tết Canh Tý 2020

Sách xưa có ghi:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải tra cho rõ ngọn nguồn lạch sông

Và cô đã đưa cả lớp đi đến tận ngọn nguồn lạch sông, không vụ lợi, cho mà không biết nhận, khác hẳn với giới giáo chức sau này, con chữ và đồng tiền phải đi tỷ lệ thuận với nhau.

Cô Loan và hai cựu học sinh Petrus Ký (anh Cương & Huy) cùng phu nhân ngày Tết Canh Tý 2020

Trở lại với vai trò GVCN, cô có thời gian tìm hiểu và gần gũi với học trò nhiều hơn. Ngoài việc dạy ở trường cô còn phụ trách môn lao động của lớp nữa. Lớp 9/4 được phân công đan (thêu) dép. Cô nhận được từ nhà trường (hay tổ lao động) những chiếc đế dép mỏng manh bằng nhựa dẻo màu trắng trong. Trên đó, có rất nhiều lỗ nhỏ hình vuông và với sợi dây nylon màu hồng cô chỉ bảo chúng tôi từng bước một để có thể cho ra đời một tác phẩm hoàn hảo. Có lần khi cầm chiếc đế dép nộp cho cô, cô nói với tôi “em nhìn chiếc dép của Thông và Đức kìa, sợi dây nylon căng bóng loáng, chiếc dép của em nhìn .. mốc thít hà” ..

Ở lần thi đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ 2) chúng tôi làm bài tệ quá, cô gọi cả đám đến nhà. Cô bày cho chúng tôi sửa bài thi đế cô cho thêm điểm. Thông và Quí làm sai nhiều quá, cô đưa cho hai bạn bài mẫu của các bạn học khá trong lớp mang về nhà sửa lại. Hai bạn sao y bản chánh và nộp lại cho cô. Cô nói “trời ơi, tụi em chép bài kiểu này thì làm sao mà cô cho điểm”. Rồi cô chọn cây viết có cùng màu mực tẩy xóa chỗ này, sửa đổi chỗ kia. Cô cố gắng làm sao cho có thêm lỗi để cô tìm được số điểm mới, thích hợp hơn. Cuối năm có một số bạn vì hoàn cảnh gia đình, không thường xuyên có mặt trong giờ lao động, cô vẫn cho các bạn ấy đủ điểm trung bình để các bạn còn có cơ hội được lên lớp trên.

Vài năm sau đó, tôi nghe tin cô vượt biển nhưng không thành. Trong lần vượt biển đó, cô tôi cũng mất đi một người con gái !

Thầy Thọ (mất ngày 16/10/2015) & Cô Loan

Hơn mười năm sau ngày xa trường, tôi liên lạc được với cô Thu Hà và có hỏi thăm về cô. Sau nhiều lần sang Mỹ thăm bà con, đồng nghiệp, cuối cùng cô Hà cũng tìm ra được tung tích của cô. Cô Hà kể lại “cô xin được số điện thoại cô Loan, cô gọi hỏi thăm liền và cô cũng có nhắn với cô Loan là có mấy thằng học trò cũ tìm kiếm, hỏi thăm cô hoài”.

Lần đầu được nói chuyện qua điện thoại với cô, giọng cô run run không giấu được niềm xúc động, cho dù cô không thể nhớ được tên tuổi hay mặt mũi đứa học trò của mình ngày ấy ra sao. Cô kể chuyện trường lớp năm xưa, cô nhắc đến những đồng nghiệp cũ với nhiều cảm tình quý mến. “Anh Ái (thầy Phạm Xuân Ái) bây giờ định cư ở Pháp coi như yên ổn rồi. Anh Khiêm (thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm) hỏng biết bây giờ ra sao? Tội ảnh quá, ảnh đông con lắm. Nếu qua hỏng được bên này thì lấy gì mà ăn” .

Thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện thoại thăm cô và có dịp quen biết, tiếp chuyện với thầy. Cho đến giờ tôi cũng chưa biết mặt thầy ra sao, nhưng qua nhiều lần điện thoại, được tâm sự với thầy nhiều hơn là với cô, thầy cũng kể cho nghe những ngày tháng tư lưu lạc, vợ con không biết bao giờ mới được gặp lại. Giọng nói của thầy chân tình, xúc cảm và vô cùng gần gũi.

Mãi đến sau này tôi mới rõ được hoàn cảnh của cô tôi ngày ấy. Vậy mà cô vẫn đến trường, vẫn lên lớp đều đặn và sống đúng đắn với chức vụ của người thầy trên bục giảng. Cô không mang những chuyện phiền muộn riêng tư của đời mình trút lên đầu những đứa học trò vô tội. Điều này ít nhiều tôi đã thấy được từ một số thầy cô mà tôi đã được học trong suốt 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường.

Ngày tiễn thầy ra đi, cô tôi mong manh như sương sớm, cô đứng bên cạnh em Trường, người con trai trưởng đã thành đạt trên xứ người và vài ba đứa học trò năm xưa. Tháng tư năm 1975, hoàn cảnh và thời cuộc đã chia cách thầy với cô. Bây giờ, sau bao ngày sum họp ngắn ngủi thì thầy lại đi về nơi khác, bỏ lại cô tôi bơ vơ với những ngày tháng buồn bã mênh mông.

Hình Cô Loan năm 2015

2.

Cô tôi đã lên hàng “tám”. Thời gian đã lấy mất nơi cô nhiều thứ, nhưng may mắn thay, nét đẹp dịu dàng và tấm lòng bao dung, nhân hậu vẫn còn hiện hữu như từ mấy chục năm về trước, như ngày cô còn đứng trên bục giảng nhà trường.
Cô hết sức vui mừng khi nhận được điện thoại của đứa học trò cũ từ một nơi rất xa. Cô vào chuyện ngay :
– Mười mấy năm nay, cô chưa có dịp về thăm chốn cũ. Tháng hai này, cô dự định về Gò-Công một chuyến để thăm lại gia đình người anh trai và mồ mả ông bà, cha mẹ. Cái dịch cúm nguy hiểm quá làm cô phải hủy bỏ chuyến đi .. Sáng nào cũng vậy, sau khi làm xong mấy động tác thể dục, cô ngồi bên ly cà phê và ngắm dòng xe qua lại trước nhà. Mấy bữa rày, thằng nhỏ của cô cũng phải đi làm, cô ngồi nhâm nhi cà phê mà hỏng thấy được chiếc xe nào chạy qua hết. Lệnh giới nghiêm đã ban hành, ai nấy cũng phải tuân theo, bớt đi lại để dịch bệnh khỏi lan tràn .. Cô tính tháng sáu này kêu em qua gặp mấy đứa ở đây. Cô gọi thêm mấy đứa bên Cali nữa để mình làm một cái họp mặt nho nhỏ, ấm cúng. Thời gian hỏng có chờ đợi ai hết. Cô muốn chụp chung một tấm hình với mấy đứa học trò cũ, vậy mà ông trời cũng không chìu lòng. Mình hẹn nhau tháng sáu năm sau nha, thời tiết lúc đó đã ấm áp và mong là mọi việc sẽ thông thương trở lại.
Tâm tình của cô đã đưa tôi về một khoảng thời gian hơn bốn mươi năm về trước. Thuở ấy, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ chưa kịp lớn, chưa đủ khôn, ham chơi còn hơn ham học. Mấy chục năm trôi nổi, học trò của cô nay đã thành “ông này, bà nọ” hay ít ra cũng là người tử tế, viết được mấy chữ “nhân, chi, mỹ” để cô còn hãnh diện với cuộc đời này, cô đã không phí công sức tạo nên một lứa học trò biết tôn sư trọng đạo, lấy nhân nghĩa làm đầu. Những cánh buồm đã theo dòng lướt gió xa khơi và để lại nơi này quạnh hiu bến vắng.

Trong chúng ta, ai rồi cũng phải về với đất, nhưng cô tôi đã sống trọn vẹn với nghề, với đời. Cô là người đưa đò mẫn cán. Cô đã dạy dỗ chúng tôi không chỉ những kiến thức trong nhà trường mà cô còn gửi gắm đến chúng tôi nhân cách làm người trong xã hội.

Cô ơi, những người khách đi đò năm xưa, dù năm tháng có phôi phai, dù lưu lạc đến phương trời nào, chúng em vẫn nhớ về ngôi trường xưa và cô giáo cũ và vẫn cầu mong cho cô luôn được mạnh giỏi và bình an.

Mùng 8 Tết Đinh Dậu (04.02.2017)

Chăm chút, sửa chữa 03.01.2021

Vưu Văn Tâm (PK 1974-81)

Vài hình ảnh kỷ niệm của cô gia đình Cô Phan Ngọc Loan và gia đình Thầy Phạm Ngọc Đảnh

Quốc Phong (con Thầy Đảnh & Cô Thu Hà), Cô Thu Hà, Thầy Đảnh, Thầy Thọ & Cô Loan

Cô Loan

Cô Loan, Trường (con cô Loan & Thầy Thọ), Thầy Thọ, Thầy Đảnh, Cô Thu Hà & Hạnh (con Thầy Đảnh & Cô Thu Hà)

Quốc Phong, Cô Loan, Thầy Thọ, Thầy Đảnh, Cô Thu Hà & Hạnh

Gia đình Cô Loan trong ngày FIFA 2006 ở Frankfurt with Cô Thu Hà.

Gia đình cô Loan kỷ niệm với gia đình cựu học sinh PK Huỳnh Văn Ngày