Cái Mơn làm lễ kỷ niệm ông P. Trương Vĩnh Ký rất long trọng
Sưu tập: Võ Phi Hùng
(Nguồn: Báo Công Luận số 7877 ngày thứ ba 7-12-1937)
Lời giới thiệu
Hai buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày Sinh nhựt ông Trương Vĩnh Ký đã được cử hành trọng thể vào ngày 6 và 7 tháng 12 năm 1937 tại Cái Mơn và Chợ Quán. Tại Cái Mơn, nhiều người dân địa phương cùng nhau đến tham dự lễ khánh thành tấm bia ghi khắc tên ông trên miếng đất nơi người sinh trưởng, và đã do chính họ bỏ công quyên góp và dựng lên trong một thời gian ngắn 6 tháng dưới sự kêu gọi của Société dés Études Indochinoises. Mọi người có dịp cùng nhau ôn lại những công lao đóng góp của Sĩ Tải trong nhiều lảnh vực khác nhau như việc phát triển chữ Quốc ngữ, các công trình về văn hoá như dịch và chú thích Tứ Thư và các bài thơ Hán Nôm, phổ biến các bài học về lịch sử, văn học dân gian Việt Nam, về ngôn ngữ học, giới thiệu về khoa học thiên nhiên, v.v…
Các tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn, Saigon, Điễn Tín và Công Luận đã có nhiều bài tường thuật chi tiết hai buổi lễ chánh thức này, cùng với ngày kỷ niệm ở Hà Nội nơi hội quán Khai Trí Tiến Đức, và ở Huế với sự tham dự của ông Khâm sứ và Thượng thư Bộ Lại Thái văn Toản, Nguyễn Tiến Lãng để vinh danh ông Trương Vĩnh Ký.
Võ Phi Hùng, PK 67-74
Người dự lễ có trên 5.000 – Cuộc tổ chức rất là châu đáo hoàn toàn
Cuộc lễ kỷ niệm bách châu niên ông Sĩ Tải Petrus Trương Vĩnh Ký hôm qua đã cử hành tại Cái Mơn rất long trọng. Long trọng vì hầu hết những thượng quan viên chức và thân hào Pháp – Nam ở Nam kỳ đều tới dự lễ. Long trọng vì cuộc lễ này quan Thống đốc Nam kỳ thân hành tới tận nơi làm chủ tịch và bề trên trong đạo Thiên Chúa giáo tới hành lễ.
Một làng nhỏ xa vắng trong quận Mỏ Cày thuộc hạt Bến Tre hôm qua đã sống trong không khí bất thường: Cái Mơn đã hoạt động, Cái Mơn đã làm lễ kỷ niệm trăm năm của đứa con mình,
Nên nhìn nhận là cuộc lễ này được hoàn toàn trước nhờ quan Thống đốc, quan Chủ tỉnh Thierry và quan Chủ quận Mỏ Cày. Mà cái sự thành công “vẻ vang” nên để phần cho ban tổ chức mới phải, ấy là ban trị sự lo về cuộc lể kỷ niệm bách châu niên đây.
Đi dự lễ
Chúng tôi khởi hành lìa Saigon hồi 4 giờ sáng thẳng xuống Cái Mơn, tuy cuộc cử hành vào lúc 7 giờ sáng. Đi sớm như vậy là cốt tránh cái nạn chờ đợi hai cái ải qua sông lớn mà trễ giờ, vì hôm ấy xe cộ đông lắm.
Phe báo giới chúng tôi cũng có mấy người đi trước hồi chiều chúa nhựt, có quan Chủ tỉnh Gia Định là ông Berland, ông Chánh văn phòng báo giới Marquis dắt đi. Xe đi tới bắc Mỹ Tho thì đã thấy lính tráng giàng tề, giữ gìn trật tự, lại có cờ xí treo trên bắc, trông rất là ngoạn mục. Mà chưa chi là mấy, tới bắc Hàm Luông mới thấy rõ cuộc lễ này sẽ long trọng vì ở đây các nhà chức trách trong hạt đã tới đủ để đón rước quan Thống đốc.
Xe qua khỏi bắc Hàm Luông rồi một mạch qua Cáì Mơn, phía sau một đoàn xe chạy kế tiếp nhau liền liền không dứt. Đi một chặn lại gặp một tốp hương chức làng có treo cờ xí đứng chờ. Vô tới Cái Mơn, đường dắt vào nhà thờ, cờ xí treo nhiều vô số. Học trò các trường trong quận tới sắp hai hàng có nhiều giáo viên gìn giữ. Ở đây đã có nhiều viên quan và thân hào Tây – Nam chực sẵn tự hồi nào rồi.
Quan Thống đốc tới
Chờ đợi một chập lâu, xe quan Thống đốc mới tới. Ngài vừa bước xuống xe thì có hai đứa học trò con gái đem dâng ngài hai bó hoa, thì liền khi ấy, nhạc Cái Mơn đánh bài Marseillaise. Xong. Giới thiệu từng người, rồi gia quyến Trương Vĩnh ra mắt người. Theo ngài, có quí ông Esquivillon – Thanh tra lao động, Schneyder – Đổng lý văn phòng, Gennardi, Viala…. Trong số người dự cuộc, chúng tôi biết được quý ông: Thierry – Chủ tỉnh Bến Tre, Berland – Chủ tỉnh Gia Định, Hội trưởng S. E. I., Duvernoy – Chủ tỉnh Vĩnh Long, Bonhomme de Montégut – Chủ tỉnh Trà Vinh, Gauthier – Chủ tỉnh Mỹ Tho, Ramério – quan Biện lý Bến Tre, Raufast – quan Phó chủ tỉnh Bến Tre, Lanlos – Chủ sở mật thám Vĩnh Long. Chức sắc bên Thiên Chúa giáo thì có quí ngài: Dumortier, Bellocq, Séminel, Parrel, Grelier, Bellemin, Keller, Đàng, Binh, Thao, Quang, Khương, Khánh, Thà, Lịnh, Giõi. Viên chức và những vị thân hào An Nam có quí ông: Đốc phủ Giáp (Gia Định), Trần định Bảo, Bùi thế Xương, Mẫn (chủ quận Ba Tri), Đốc phủ Michel Mỹ, Phủ sứ Cao văn Sự (chủ quận Chợ Lách), Tô Ngọc Chương (chủ quận Thạnh Phú), Nguyễn văn Tiếp (chủ quận Mỏ Cày), Tạ Trung Cang, Lưu văn Tàu, Huyện Côi, Huyện Của, Hội đổng quản hạt Thượng Công Thuận, Jacques Đức, Nguyễn Khắc Nương, Chính dit Tự Do, v.v… Vô tới nhà thờ, cha Bellocq (ở Cái Mơn) ra chào mừng, các cha khác cũng ra mắt quan Thống đốc, kế đức cha Dumortier ra bắt tay sau.
Vào nhà thờ
Vào nhà thờ, an vị xong, cha Đàng (ở Bến Tre) đứng lên đọc một bài giảng bằng chữ Pháp, kể lại đời của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, từ thời kỳ ấu trĩ, đến khi học đạo, sau thành tài ra giúp nước chịu nhiêu nổi cam go là thế nào, nhứt nhứt ngài đều nói ra hết. Đoạn ngài giảng lại bằng tiếng An Nam cho số tín đồ đông đặc trong vùng nghe hiểu.
Lễ cầu hồn
Cha Đàng vừa dứt tiếng, thì nhạc đánh bài bi ai, đồng nhi hát bài cầu hồn nghe rất buồn thảm. Các cha lo mặc áo cho đức cha Dumortier, rồi ngài làm lễ. Có hai cha An Nam làm phó tế và hai cha khác chầu lễ. Sáu đứa học trò lễ ra quì một bên. Nhạc vẫn đánh, đổng nhi Cái Mơn vẫn hát. Cuộc tế lễ rất êm đềm nghiêm trang, dứt rồi lại mặc thêm một lớp áo cho đức cha Dumortier và đội mảo cho ngài để làm lễ siêu hồn. Các công việc hành lễ này những ai thờ đạo Thiên Chúa đều biết rõ, tưởng nói dông dài cũng thừa. Sau khi làm lễ xong trong nhà thờ, quan Thống đốc và ai nấy ra ngoài để nghe mấy bài diễn văn.
Bài diễn văn của ông Hội trưởng hội Đông Pháp Bác học (Société des Études Indochinoises)
Ông Berland, chủ tỉnh Gia Định và là hội trưởng hội Đông Pháp Bác học, bước lên diễn đàn làm giữa trời đọc một diễn văn như dưới đây:
Cái bia kỹ niệm, mà cuộc lễ hôm nay dựng lên rỡ ràng dưới quyền chủ tịch cao tôn của quan Thống đốc Nam kỳ Pierre Pagès, là để tặng cho vong linh Petrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký là người đã hiến cả một đời cho sự học vấn và cho cuộc giúp nước Pháp – Nam.
Cách đây một trăm năm, sanh tại xứ Cái Mơn, khi ấy thuộc về tỉnh Vĩnh Long, một người mà số phần là roi để trên các mọi điều, một cái phương danh văn sĩ siêu quần bạt tuỵ.
Trước hết người học chữ Nho, nhưng mà trí người tỏ ra khôn sớm rất rõ ràng, cho nên gia quyến người, vốn theo đạo Thiên Chúa, không do dự chút nào mà giao cho các Cố đạo Lang-sa từng thấy rõ thiên tư của người, cái phần lo dạy người về các học thức phổ thông. Người thọ giáo trước hết tại trường lưu học Pi nha Lu ở Cao Miên, kế tại các trường trung học của các hội thừa sai Thiên Chúa ngoại quốc ở Poulo Pinang tại Mã Lai.
Petrus Ký ở tại Pinang từ năm 1852 tới năm 1858. Ở đó người trau giồi thêm tiếng La tinh và tiếng Hi lạp và khi sự gần với tiếng Lang sa. Nhưng mà cái sức hấp thọ của người mạnh cho đến đỗi người học luôn ở đó tiếng Ăng lê, tiếng Nhựt bổn và tiếng Ấn độ.
Hồi chín tuổi, Petrus Ký đã mất cha; đến hai mươi tuổi, người hay mẹ qua đời và thấy trong mình không có lòng ngưỡng mộ đời tu hành cho lắm, nên người trở lại Nam kỳ.
Sau mười năm, người thấy lại cái nhà ở Cái Mơn. Người đã có một cái học thức rộng nhiều, và một cái tài cứng cát về khoa ngữ học mà sau đó người sẽ giồi mài tới mực rất xa.
Năm 1860, hồi 23 tuổi, theo lời khuyên của đức Giám mục Lefevre người đặng bổ dụng làm thông ngôn theo quan Đề đốc đạo binh trấn thủ Nam kỳ.
Năm 1861, người gặp bạn trăm năm và kết duyên cùng nhau trong năm ấy, rồi lập nên một cái gia tộc đáng khen mà người chẳng ngớt yêu quí và nuôi nấng dạy dỗ một cách trọn lành. Nội trợ trẻ trung của người mỹ danh là Vương thị Thọ, vốn con nhà trâm anh ở làng Nhơn Giang (Chợ Quán).
Hai người lập gia thất ở đó. Bây giờ Petrus Ký nghiểm nhiên là một quan viên của nhà nước Đại Pháp ở luôn tại Chợ Quán cho tới ngày thất lộc. Chính tại trong cái gia đình ấy, từ đây không hề đổi nữa, mà người sẽ thật hành tiếp tục những công phu có thể nâng địa vị người lên tột bực giữa bạn đồng hương.
Tôi để cho các diễn giả khác, mai đây lãnh phần nói về thân thế người về niềm gia trưởng và về nghĩa quan viên, và cái chức vụ trọng đại của người đã đảm đương gần bên các quan Lang sa và nơi Triều đình Huế.
Bữa nay, nhắc đến lúc thanh niên háo học của người, tôi chỉ muốn bày ra tóm tắt cái công lớn của sự nghiệp nhà bác học mà thôi.
Người nhờ thọ giáo nơi các Cố đạo Lang sa, nên thân thái đáng một phần trí thức hẳn hòi, rồi vì vậy mà cái trí tuệ của người có vẻ đặc biệt là minh bạch và chiết trung.
Người nhờ ở gần các quan Lang sa trong lúc đương bồi đấp những nền mống trước hết về việc tổ chức cuộc cai trị Nam kỳ, nên hiểu rằng người chẳng có thể gì phục vụ các quyền lợi đối nhau hay hơn là làm cho hai đàng tiện bề học hiểu ngôn ngữ và phong tục bản xứ.
Người am hiểu học thức người phương Tây là kẻ mới tới xứ này, rồi người cũng cho là một cái nghĩa vụ làm cho kẻ ấy tỏ biết những điều quí báu về triết học, luân lý và văn chương của nền giáo dục Hán-Việt, nó tốt đẹp chẳng kém nề nếp bên Âu.
Nếu kể hết sách vở của người đã soạn thì thành ra dài lắm, cho nên tôi tóm tắt sự nghiệp văn chương của người, nhắc mấy quyển chánh sau này mà thôi:
- Các sách dạy học tiếng An Nam và tiếng Lang sa
- Cuốn tự vị của người
- Các sách dạy tiếng một
- Các sách dạy nòi chuyện
- Quyển Sơ học vấn tân
- Các sách dạy phong hoá
- Quyển Nam Việt sử ký
- Quyển Dư đồ thuyết lược
- Quyển sao lục Kim Vân Kiều
- Quyển Chuyện Đời Xưa
- Quyển Tam tự kinh giải âm
- Quyển Tam thiên tự giải âm (Quốc ngữ và Lang sa)
- Tạp chí Khổng học
- Quyển sao lục Lục Vân Tiên, Chuyện vui An Nam
- Các bài phổ thông về sản vật trong xứ
Và còn biết bao nhiêu sách khác nói về nhiều vấn đề khác nhau, cho tới những bài hát dạy để dạy trẻ con nữa.
Cái trí uẩn súc và bác lâm ấy cũng đặng nhiều lịch duyệt nhờ người có đi nhiều chỗ. Lòng háo học của người đang thường sốt sắng, vì người gởi thơ từ luôn luôn với các nhà văn hào hoặc bác sĩ Lang sa và ngoại quốc. Người đã quen biết mấy vị ấy trong lúc người ở bên Pháp và trong các xứ Âu châu từ năm 1863 tới 1864 với đoàn sứ theo cụ Phan thanh Giảng là Kinh lược sứ tại tỉnh Vĩnh Long, Thượng thư nơi Triều đình Huế.
Trong khi người ở tại Paris, thì người đặng cử làm hội viên thân tín của hội Nhơn loại học. Sự siêng năng của người đã giúp ích cho rất nhiều cuộc khảo cứu.
Người đặng giao phần quản lý tờ Gia Định báo là tờ quan báo bằng quốc ngữ, và có dạy tại trường Thông ngôn, người cai quản trường ấy từ năm 1866 đến năm 1888. Sự dạy dỗ của người đã đào tạo mấy vị thông ngôn trước hết trong ngạch Lang sa và mấy vị thanh tra hậu bổ của cuộc cai trị người bổn quốc. Khi chỉ dụ ngày 20 Février 1873 lập ra, trường Hậu bổ dưới quyền giám đốc của quan hải quân đại uý Luto, thì giao cho Petrus Ký dạy lớp tiếng An nam và chữ Hán.
Petrus Ký cũng là hội viên của hội Canh nông Kỹ nghệ Nam kỳ, sau thành ra hội Đông Pháp Bác học, và người có giúp viết trong tờ Ký sự của hội ấy nhiều bài tỏ ra người có sức khảo cứu đứng đắn, những vấn đề thuộc về nhiều phạm vi khác nhau.
Sự nghiệp văn chương của Petrus Ký đã liệt người vào hạng các đại văn sĩ cùng thời với người. Người tỏ ra mình là là một nhà sư phạm tinh thông, mà các bài khảo cứu cao xa của người cũng tỏ rằng người rất thạo nhuần với kỷ thuật của khoa học thuần tuý.
Người thường giao thiệp với những danh nhơn như Resan, Victor Hugo, Lisne, và kết tình bằng hữu với quan Thống sứ Paul Bert. Điều ấy chứng rằng người đặng các nhà bác học trọng vì đến bực nào, mà người đặng vậy là nhờ người có tư cách ôn nhu và tài học uẩn súc.
Công cán của người giúp Nhà nuớc bên văn và công phu rất lớn của người trong truờng hàn mặc đáng thưởng bằng Bắc Đẩu bội tinh và Hàn Lâm bội tinh.
Hội Đông Pháp Bác học đa tạ uỷ ban thiết lễ bách châu niên này vì cho hội tỏ niềm tôn trọng thành kính vong linh của một người An Nam tài ba lỗi lạc, xưa kia đã làm hội viên hành sự quí báu của hội Canh nông Kỷ nghệ Nam kỳ là hội tổ của hội Đông Pháp Bác học ngày nay.
Cái bia này ở trong góc đất tốt đẹp của xứ Nam kỳ, sẽ nhắc cho lớp hậu sanh nhớ tới người con vinh hiển mà đất nước có thể tự đắc đã sanh thành, nhớ tới nhà bác học mà trong khi hai dân tộc mới tiếp xúc nhau, đã hiểu rằng cuộc chung cùng khắn khít sẽ liên lạc hai đàng, và đã dùng hết đời mình mà làm cho gần nhau như vậy.”
Xong bài diễn văn này, kế ông trùm Vỹ bước lên đọc một bài diễn văn bằng quốc ngữ như vầy:
Kính bẩm quan Thống đốc Nam kỳ
Kính trình đức Giám mục và chư quí Quan,
Nhơn dân xứ Cái Mơn, từ già chí trẻ rất cung kính và chào mừng quan Thống đốc Nam kỳ và chào mừng đức Gíam mục, cùng các quan văn võ lưỡng bang.
Xứ Cái Mơn là xứ vườn ruộng quê mùa, nay đuọc nghinh tiếp các quan lớn trong thuộc địa như vầy thì thiệt cái vinh hạnh này chẳng có cái vinh hạnh nào bằng. Ấy vậy ngày hôm nay là ngày vẽ vang nhứt của xứ Cái Mơn, mà nhơn dân được thấy ngày ấy là nhờ đất nước này sanh ra một đứng hiền triết vừa có tài mở đường văn hoá mới mẻ cho đồng bang, vừa có công buộc dây thân ái bền chặc cho hai nước là Đại Pháp với Việt Nam!
Thiệt như vậy, hôm nay quan Thống đốc Nam kỳ hiệp cùng đức Giám mục và các quan lớn đến làm lễ dựng bia kỹ niệm bách châu niên sanh nhựt cho cụ Sĩ Tải Truơng vĩnh Ký đây, là nhờ cụ sinh tại Cái Mơn quê mùa này, sanh tại khoảnh đất chổ dựng tấm bia đây, giữa cái cảnh im lìm thanh tịnh, rất hạp với tánh tình người quân tử.
Về cái đời vẽ vang quí báu của Sĩ Tải đại nhơn, thì tôi xin nhường cho bực cao minh tô vẽ và ca tụng.
Tôi chỉ nói rằng Sĩ Tải đại nhơn là con thứ của ông Trương chánh Thi và bà Nguyễn thị Châu, sanh năm thứ mười bảy đời vua Minh Mạng, nhằm ngày mùng 9 tháng 11 năm Đinh Dậu – 6 Décembre 1837 tại Cái Mơn, thuộc làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng Ân, tỉnh Vĩnh Long. Lúc ngày được 5 tuổi, ông cha đi thú thành Nam Vang, thất lộc trong hàng binh. Ngày lây lất ở với mẹ và anh cả là Trương chánh Sử. Tuy gia đình nghèo khổ, nhưng bà mẹ cũng cho ngài đến học với ông Học, là lão Nho dạy trong xóm. Đến 9 tuổi thì ngài đã thông đạo Khổng, Mạnh. Vì nhà ở gần Thiên Chúa giáo đường, nên hằng ngày ngài thường gặp cậu Tám là người thuộc Thiên Chúa giáo.
Cậu Tám thấy ngài còn nhỏ mà thiên tư đỉnh ngộ, mới đem lòng thương và xin với bà mẹ cho ngài theo đạo Thiên Chúa. Lần lần, ngài tập đọc kinh Nhựt khoá, thông chữ Quốc ngữ, rồi theo cậu Tám mà giảng đạo. Chẳng bao lâu, may gặp Cố Long ở bên Đại Pháp mới qua, cậu Tám bèn cho ngài theo Cố Long đặng học chữ La tinh.
Lúc ấy lịnh “Sát Tả”của Triều đình An Nam thi hành rất nghiêm nhặt, ngài cùng Cố Long phải bôn tẩu đêm ngày mới tránh vòng hoạn hoạ. Đến 12 tuổi, có lịnh của đức Giám mục bổ ngài theo Cố Hoà (Père Belleveaux) mà giúp dạy học và học thêm tại trường Phi nha lư trên Cao Mên, rồi đến 14 tuổi mới cho đi Pi năng mà học triết lý về Thiên chúa giáo. Nhờ có đi học như vậy sau ngài mới biết được nhiều thứ chữ và mới có tài giúp cho nước Nam thân thiện với nước Pháp.
Ấy vậy Sĩ Tải đại nhơn sanh tại đây, song ngài ở đây đến 12 tuổi mà thôi. Mà trong khoảng 12 năm ấy có lẽ nhờ những thảm trạng nhà nghèo thân côi, sát tả, rèn đúc tánh tình trí nảo, nên ngày sau ngài mới xuất phàm mà trở nên một đức hiền triết đặng làm gương cho đoàn hậu tấn Việt Nam.
Cái bia kỷ niệm dựng đây làm vinh diệu cho Sĩ Tải đại nhơn mà cũng làm vinh diệu cho xứ Cái Mơn là tổ quán của ngài nữa.
Vậy tôi đứng thay mặt cho nhơn dân xứ Cái Mơn mà cảm tạ ân đức của quan Thống đốc Nam kỳ cho phép mở cuộc lạc quyên để dựng bia này, cảm tạ ơn các quan lớn nhỏ, chẳng nệ đường xe trắc trở, đến dự lễ hôm nay, và cảm tạ ơn ban Trị sự hội lạc quyên dày công tán thành việc đại nghĩa.
Các quan đã có công xây dựng tấm bia kỷ niệm này, nhơn dân Cái Mơn cũng nhận lảnh gìn giữ đời đời, để biểu hiệu danh cao giá quí của người sanh đẻ tại đây, cây văn hoá của nước Đại Pháp, mà mở đường văn minh cho quê hương, xây nền thân ái cho Pháp Việt, đường đã vẻ vang, nền rất vửng chắc.
Nam kỳ vạn tuế.
Đai Pháp quốc vạn tuế
Qua nhà mồ
Bây giờ quan Thống đốc qua nhà mồ, có dựng bia kỷ niệm. Phải vòng qua cái cầu đúc nhỏ, quanh vào con đường con một đổi mới tới.
Nhà cất toàn bằng gạch và xi măng, không có một khúc cây nào cả. Nhà cất kiểu cách rất đẹp.
Ônh Huyện Của – Hội trưởng ban Trị sự lo cuộc lễ này mới bưng một cái mâm, trên có cái kéo, quan Thống đốc lấy kéo lại cắt giấy chăn mảnh vải bao bít cái bia. Giây đứt rớt mảnh vải, cái bia lộ hình ra, có khắc chữ như vầy:
Ici Naquit
Petrus Trương vĩnh Ký
6 Décembre 1837 – 1er Septembre 1898
Quan Thống đốc và các quan đi vòng qua bia. Bấy giờ ông Trương vĩnh Tống thay mặt gia quyến Trương Vĩnh cám ơn quan Thống đốc và ban Tổ chức với các quan, các vị thân hào.
Quan Thống đốc trà lời lại, đại ý ngài nói định không thốt lời gì trong bữa nay, vì còn cuộc lễ ngày mai nữa. Nhưng bữa nay ngài thấy ngài là dân Nam kỳ mà trườc kia ngài không nghĩ tới. Ngài nói Cái Mơn là vùng đạo đức, lại có một kỷ niệm vẽ vang. Ngài khen cụ Petrus Trương Vĩnh Ký và nói công trạng của cụ phải trải qua một thế kỷ, sau quần chúng mới nhận biết mà tôn kính.
Kế đức Cha Dumortier thốt lời, cùng nhơn dịp đó mà cám ơn quan Thống đốc.
Viếng chợ Cái Mơn
Chợ Cái Mơn bị hoả tai thiêu huỷ lúc nọ, cái tai nạn dữ dội ấy tưởng ai cũng còn nhớ. Quan Thống đố lúc đó đã xuất tiền cứu tế và ngài hạ lịnh cho quan chủ tỉnh cất chợ và tu bổ mọi việc lại. Nay ngài đến viếng đây. Nhân dịp này, một vị Hương chức thay mặt làng Vĩnh Thành (làng sỡ tại Cái Mơn) đọc một bài cám ơn quan Thống đốc, như vầy:
Kính bẫm quan Thống đốc Nam kỳ
Kính cùng quí quan, quí chức
Nhờ dịp lễ dựng bia kỷ niệm bách châu niên nhà đại văn hào Trương Vĩnh Ký tiên sanh, nên tôi mới được cái cơ hội vinh hạnh mà thay mặt cho những người bị hoả hoạn ở Cái Mơn đặng tỏ lòng cám đội ơn sâu đức đây đối với bọn nhà tan cửa nát chúng tôi.
Bẩm quan Thống đốc
Ai chẳng biết rằng sau khi ngọn lửa vô tình thiêu ra tro bụi cửa nhà, của cải chúng tôi rồi, thì cơm không có ăn áo không có mặc, chúng tôi chạy xơ xác như gà mất mẹ, như ong vở ổ, tưởng đâu là chúng tôi phải chịu cảnh đói rét, đau thương ấy suốt đời.
Song thời may làm sao, vừa hay tin chẳng lành xảy ra ở chỗ chôn nhao cắt rốn của Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký thì thượng quan lấy luôn khoan hồng dùng lòng bác ái, bèn tức tốc phái quan Thanh tra chánh trị Beasey trước kia là Chánh chủ tỉnh Bến tre đến tận nơi, đem số bạc 400p00mà chẩn tế. Buổi đầu, nhờ số tiền này, mà chúng tôi có cơm ăn, áo bận, có chiếu mền ấm giấc yên thân. Thượng quan lại còn cho ban Cứu tế Xã hội Nam kỳ giúp thêm 1600p00 nữa, và ra lịnh mở cuộc lạc quyên để tạo nhà cửa lại cho chúng tôi gặp phải hồi thời đen vận bí.
Nhờ lòng sốt sắng của quan Chánh chủ tỉnh Bến tre cùng các quan Chủ quận trong tỉnh, cùng tổng làng các nơi mà nhiều nhà từ thiện quyên được số tiền rất to là 5472p00. Nhờ số tiền đó mới cất được, trong một thời gian rất ngắn, 18 căn nhà ngói và 20 căn nhà lá mà thượng quan cùng quí quan, quí chức thấy đây. Ngói hay lá, mấy gian nhà kia tuy chẳng phải tráng lệ, nguy nga gì, xong có được chắc chắn, sạch sẽ, cao ráo, nói tắt là hạp vệ sinh hơn xưa.
Mà nào phải hết đâu, quan Chủ tỉnh Bến Tre còn bảo ban Trị sự sắm lu mái vật dụng trong nhà cho chúng tôi, lại phát cho chúng tôi mỗi người một số bạc để làm vốn liếng buôn bán sanh nhai.
Vì cái đại ân đại nghĩa của quan Thống đốc là người thay mặt nước Đại Pháp đối với con dân như thế, thì kẻ tài hèn trí kém như chúng tôi cũng không khỏi cảm động mà phải truy đức hoài ân.
Vậy chúng tôi cuối xin quan Thống đốc nhận lời cảm tạ của chúng tôi và chúng tôi hứa rằng sẽ khắc cốt ghi xương cái ơn này của Thượng quan. Chúng tôi sẽ là một bọn phi ân bội nghĩa nếu chúng tôi quên đa tạ quan Chủ tỉnh, quan Trường tiền Bến Tre, quan Chủ quận Mỏ Cày, đã lắm công cực nhọc với chúng tôi. Chúng tôi cũng xin tỏ lòng cám ơn ban Trị sự lo về việc chẩn tế hoả hoạn và các quan Chủ quận, tổng, làng cùng các vị thân hào, các nhà từ thiện trong tỉnh và ở xa đã giúp chúng tôi trong hồi chúng tôi phải bị cảnh cửa tan nhà nát.
Cùng anh em bị hoả hoạn, chúng tôi đồng tung hô: quan Thống đốc Nam kỳ vạn tuế.
Quan Thống đốc trả lời, nói lúc hay tin hoả hoạn, ngài lấy làm đau đớn mà hay rằng nhơn dân trong vùng Cái Mơn êm đềm vui vẻ này bị nạn thảm khốc. Ngài nghe vậy cũng như cha nghe con bị nạn, thế nào chẳng giúp ích cho được.
Ngài ngỏ lời cám ơn hội Chẩn tế, quan Chủ tỉnh là những người đã phụ giúp cất lại chợ này. Luôn tiện, ngài cũng cám ơn những ai đã bỏ tiền cứu tế, hoặc hữu danh, hoặc nặc danh. Ngài khen người An nam có đồng tâm trong cơn hoạn nạn.
Dùng cơm trưa
Về nhà bà Hiển, quan Thống đốc và các quan dùng rượu khai vị, rồi trước khi nhập tiệc cơm An Nam, có chụp hình để làm kỷ niệm.
Vừa nhập tiệc, ông Huyện Của nhơn danh ban Trị sự lo cuộc lễ trăm năm đây, đứng lên khiêm nhường mời quan Thống đốc và các quan. Ông nói rằng tiệc đơn sơ vì quá sức lo của ban Tổ chức.
Bửa tiệc vui vẻ, Pháp – Nam ăn uống, nói chuyện với nhau rất là thân mật.
Đền thờ Nhà bác học Trương Vĩnh Ký, Chợ Lách, Bến Tre
Nguồn: sgtt.vn