Bức ảnh ngày xưa
Nguyễn Thanh Vân (LPK 50-57)
“…Ngày nào.. em đến thăm, tặng tôi một bức hình, ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau, năm tháng dài từ đây ghi nhớ mãi…” Đó rồi,… bức ảnh được xếp vào một cái hộp bánh biscuit cùng với nhiều ảnh khác, nhiều thư từ xếp ngay ngắn, nhiều nơ lụa nhiều màu, tất cả đêu có vẽ lâu ngày không được mở ra… vậy chớ gì ?
Không phải, đây là một tấm ảnh tôi chưa cho ai coi lần nào. Bây giờ tôi cũng chưa cho bạn xem đâu. Tôi bắt bạn phải chờ, chờ tới cuối bài nầy mới thấy được nó. Chừng đó bạn sẽ hiểu tại sao tôi chặt lòng chặt dạ như vậy. Bởi tôi sợ bạn sẽ rớt nước mắt, như tôi đã bị nhiều lần.
Tôi đã ở lì trong trường mình lâu hơn mọi người, tới tám năm lận. Một sổ học bạ (livret scolaire ) không đủ chỗ ghi, phải sang sổ thứ hai. Không phải tôi làm biếng, ham chơi đâu. Chỉ tại năm đó trong sổ của ông Nam Tào quên ghi tên tôi, nghe nói vậy ! Nhắc lại còn thấy thương thầy Lê Ngọc Toản. Đáng lẽ năm đó trường không cho …tái giá (!), nhưng thầy vẫn đặc cách cho tôi. Tôi nhắc nhiều về con số tám năm này , không phải để khoe …. hoc dở, mà chỉ để giải thích cái tình cảm quyến luyến của tôi với trường mình mà thôi. Cũng vây , tôi nhắc đến thày Toản vì tánh nhân hậu của thầy chớ không phài vì thầy cho tôi được…tái giá !
Trong tám năm đó, tôi làm được công trạng gì mà khoe ? – Không, không phải tôi tự hào đã làm được, mà thật ra đã gặp ,đã thấy, đã nghe được nhiều chuyện. Bạn muốn nghe, tôi nói bạn nghe.
Tôi vào trường mình ở lớp Đệ Nhứt Niên bậc Cao Tiểu , tôi dở Pháp văn dễ sợ. Có gì đâu là lạ. Tôi vừa hồi cư sau một thời gian chạy giăc, lúc đó tôi rong chơi tối ngày, theo “ mấy anh “ và hát …” cờ tam sắc rách nát đi đằng trước, mút cờ tông, mi trai dết theo đằng sau…”Từ “ ghét thằng Tây “ đến “ ghét chữ Tây “ có bao xa ?.
Khi tôi đem phiếu điểm, học bạ về, ba má tôi hoảng hồn, chỉ định anh tôi phải kềm tôi cho chắc, đừng cho rông chới. Hể chịu học thì mỗi ngày mỗi khá lên, có gì đâu lạ. Hết hè năm đó, tôi thuộc lòng bài tập đọc La Rentrée của Anatole France . Bạn còn nhớ không, bài đó mở đầu : “ Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans,… Vậy thì tôi cũng bắt đầu kẻ bằng : “ Je vais vous dire..,”
Bước vào năm thú hai, học Pháp văn với thầy Nguyễn Huy Giao, thầy giáo đẹp trai nhứt trường… cho tới ngày “ ngũ hổ bình Tây” từ Hà Nội được phái về. Thầy Giao mất hạng nhứt nhưng còn giữ được hạng nhì. Mà thôi, không phải tôi muốn nhắc chuyện đó. Tôi nhắc tới thầy với tất cả lòng biết ơn vì thầy đã cho tôi điểm cao đầu tiên trong đời học trò. Đề bài là “ Tả chiếc áo dài Việt Nam “Thầy là người đầu tiên tôi nghe gọi chiếc áo quen thuộc đó là cái “ áo dài” chớ không phải là “ la robe”. Mãi lâu về sau, lân la vuống Trung Tâm Văn Hóa Pháp, tôi mới nghe các giáo sư người Pháp gọi là la tunique. Hỏi tại sao, được cắt nghĩa là la tunique mới cần mặc quần,chớ la robe thì khỏi . Cũng hay !
Thật lạ ! Thuở đó nào tôi có biết gì… đến áo bà ba hay áo dài mà tôi làm bài được thầy cho đến điểm 14. Điểm luận Pháp văn đó, không phải Quốc văn đâu ! Mà thôi, được rồi thì ráng giữ, đừng để mất. Tôi tiếp tục được thưởng, tiền ăn phở, hủ tíu, tiền coi ciné… giá học sinh ở hai rạp rẽ tiền là rạp Vĩnh Lợi ( đường Lê Thánh Tôn ) và rạp Lê Lợi ( đại lộ Lê Lợi ). Nhớ hai rạp nầy không ? Rạp Vĩnh Lợi chính là nơi Phan Khắc Khuyến bạn mình đã tử nạn vì một quả lựu đạn vô tình. Ôi ! Phan Khắc Khuyến thật là một trường hợp đặc biệt. Anh em gặp ổng lông bông cả ngày ngoài đường mà cuối năm vẫn lảnh phần thưởng Ưu hạng với 13 lần xướng danh, đoạt hết các giải thưởng, không nhường cho ai giải nào !
Nói chuyện học giỏi là người ta kìa, không phải tôi. Tôi thì được cái là hiền lành, dễ bảo, các thầy cô trong trường ai cũng thướng, kể cả các thầy cô văn phòng và giám thị : thày Khiêm, cô Ngà, thầy Tốn, thầy Tập …
Nước thanh bình ba trăm năm cũ… rồi cũng có lúc… áo nhung trao quan vũ từ đây. Khoảng cuối năm 1955 ( tôi vốn dở môn Sử, ráng bao nhiêu cũng không khá được), lúc đó trường được tạm chia cho Chu Văn An phần phía sau, từ phòng ăn trở đi. Vì lẽ đó giờ giấc học hành lộn xộn. Một hôm, sau buổi học, ( tôi học buổi sáng ) mọi người yên lòng ra về . Sau đó, .. trời đất nỗi cơn gió bụi. Sáng hôm sau tôi trở lại trường, thì trên đường đi quang cảnh không còn như hôm qua nữa. Đi đường Hồng Thập Tự, vừa qua đường Cao Thắng đã xuất hiện khung cảnh đổ nát điêu tàn. Trọn khu Bàn Cờ cháy rụi. Bên nây đường, từ trường mình đến khu Nancy chẳng còn chi. Tất nhiên là “ học gì nữa mà học “. Tạm nghỉ học cho đến khi có lịnh mới.
Rảnh rổi đâu chịu ở nhà. Cứ đứa nầy đạp xe tới nhà đứa kia, tán dóc. Phải làm gì để giúp đồng bào bây giờ? Bàn tới bàn lui riết rồi cũng nảy sinh ra được quyết định tốt.
Có ai đó nêu ra câu hỏi “ Sao mình không họp nhau đi cứu tế ?”. Bàn luận, có ý kiến thuận, có ý kiên nghịch ( bao giờ mà chẳng thế ) Trở ngại thì thiếu gì , nhưng cái chánh là việc đó còn xa lạ quá, xưa nay chưa làm bao giờ. Chưa làm thì thử ! Nhiêu đó mà coi như đủ . ( Thiệt là tuổi 16 ) Mới bàn nhau hôm trước, hôm sau mấy đứa hăng hái đã kiếm đâu được vật phẩm cứu trợ ( gạo , muối, nước mắm, vải sồ, quần áo ..) Lại tìm mượn được xe ba bánh, thùng phuy đựng nước…Vậy là quần xà lỏn, áo thun… ta ra quân ! Làm sao khỏi có khuyết điểm, làm sao khỏi bị trách móc, thậm chí là chửi mắng ( bất công, phe đảng, ẩu tả…) Nhung tất cả đều qua nhanh ( thanh niên mà!) Làm việc gì cũng thấy vui . Mấy chị phát gạo mắm đồ ăn xong liền giúp nấu cơm, tắm các em bé, các anh phát xong vật liệu thì giúp cất nhà , vừa làm việc vừa hát hò . ( hò là hò lơ, hò là hò lờ….) Giải quyết xong các gúc mắt, các nghi kỵ, hiểu lầm được xóa bỏ, gặt hái được nhiều uy tín, được nhiều bạn khác góp sức. Ban đầu là các trường công lập ( Chu Văn An, Trưng Vương…), sau đến các trường tư thục ( Lê Bá Cang , Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh Thị Ngà, Taberd… và cuối cùng là các trường quí phái ( Chasseloup và Marie Curie ), công việc càng ngày càng cải tiến. Công việc bất vụ lợi nên dễ đoàn kết vá vui vẻ. Làm trật cũng cười, té ngã cũng cười, bị trách móc oan cũng cười. Tại những chỗ giúp nạn nhân dựng lại nhà, không khí vui vẻ từ sáng đến chiều tối. Thi nhau hát những bài lành mạnh, hát sai cũng hát, hát sửa cũng hát .” Học sinh là người hủ tíu ăn hai ba tô “ Khỏe vì nước bánh ướt tôm khô..” Nói cho ngay, được như vậy cũng nhờ tập hợp được hai phái nam nữ. Nếu thiếu một, nhứt là nếu thiếu đám con gái, thì chắc phong trào đã xẹp lâu rồi Không biết có nảy sanh những mối tình thắm thiết nào không ( đâu có ai ghi chép được) nhưng chắc phải có. Nhờ vậy các đoàn cứu trợ đó mới tồn tại được cho đến ngày phải nhường chỗ cho các đoàn khác chính danh và chuyên nghiệp hơn..
Trở về với lớp, với phấn trắng bảng đen, sinh hoạt của chúng tôi nhu một cổ máy bị nghẹt xăng, chạy cà giựt. Phần vì muốn tiêu thụ cho hêt số năng lượng còn dư, phần vì tiếc công tập hợp anh em mà không xài, anh em quyết định chuyển hướng sang tổ chức đêm ca nhạc để gây quỹ cho Hiệu Đoàn mới thành lập. Việc không chuẩn bị mà vội vàng tổ chức một công trình đòi hỏi nhiều chuyên môn như vậy ,quả thật là “điếc không sợ súng “ Nhưng có lẽ cũng nhờ sự táo bạo đó mà mọi việc mới được bắt đầu. Rốt cuộc chúng tôi đã thành công. Với một ban Tổ Chức làm việc theo phương châm “thà dở hơn quá tệ”, và phương pháp tuyển chọn “nếu ai dám chịu thì mình dám nhận” chúng tôi đã khám phá ra một kho tàng nhân tài chưa sủ dụng ở mọi cấp lớp và thu thập được một kho kinh nghiệm quí báu. Chúng tôi đã ”lăng xê” nhiều tác phẩm mới, giới thiệu nhiều phong cách lạ . Tóm lại chúng tôi đã thành công, đã thu góp được nhiều thành quả. Từ đâu? Từ túi áo của pbu huynh !
Sau khi bàn bạc để rút kinh nghiệm, có ý kiến muốn nhân tiện tổ chúc tiếp, nhưng phần đông thấy rằng thế là liều lĩnh quá. Phải nhìn nhận rằng cái mà mình cho là thành công ấy chinh là dựa vào lòng rộng lượng của khán giả, tức là của phụ huynh. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, dầu muốn hay không, những hoạt động vừa qua cũng đã đóng góp vào sự chuẩn bị cho tương lai chúng tôi. Tương lai gì ?
“Rồi đây, mai nầy ai hỏi đến tên tôi , bạn ôi , hãy nói khoác chiến y rồi… Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên, giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền… Có về là khi nước non vui bình yên.” Những điều nghĩ ra ở đây càng ngày càng thấy rõ sau nầy. Trong cuộc sống sau nầy, chúng tôi phải nhập tâm đươc những điều sau :
1. Không bao giờ bỏ rơi đồng đội .– Sau này, cũng có thể lát nữa đây ta sẽ cần đến nhau.
2. Đồng đội giận nhau, cãi nhau , được. Nhưng không bao giò thù ghét nhau..
3. Không bao giờ trộm, cắp của đồng đội, vì ai cũng túng thíếu như nhau.
Sau nầy tôi sẽ kể bạn nghe vài mẫu chuyện trong quãng đời đó. Không! Tôi kể ngay bây giờ. Để sau nầy biết có kịp hay không.?
Chuyện thứ nhứt.
Được ( Nguyễn Văn Được,đã thành người thiên cổ rồi, chắc nói tên được ) học cùng lớp với tôi vài ba năm gì đó ở Petrus Ký trường mình. Ổng mặt rỗ mè, nói hơi cà lăm. Tánh hiền lành, rất rất dể thướng ..Ổng nhập ngũ trước tôi vài ba khóa. Ngày tôi ra trường ổng đang là trung đội trưởng . Biết vậy thôi. Một hôm tôi được lịnh đi hành quân theo tiểu đoàn của ổng .Thấy vui vui. Lâu quá không gặp ai, nay gặp tên này chắc vui đây. Nhân lúc rảnh buổi trưa , tôi làm quen với một ông thượng sĩ già, trưởng ban “ nồi niêu xoong chão ( nhà bếp). Ông này cho tôi biết rằng Được đã hi sinh cách đây cả năm trời, trong một cuộc hành quân trong vùng. Hỏi vết thương nặng cở nào mà đến chết người. “ Có nặng gì đâu, ổng nói”, “ bị thương thường ở đùi , lết bộ không nồi, gọi giang thuyền hổng vô, kêu trực thăng cũng hổng dám xuống. Đợi từ chiều tối đến sáng, chịu không nỗi, chết “ –“ Trời đất, trực thăng gì kỳ vậy ? “ – “ Cở ông, ông dám xuống hông ?. Biền lá dầy như vầy, nước lại rong đầy tới nửa khuya “. Tôi hỏi một câu chiếu lệ : “ Bã có xuống không ? – Bã nào mà xuống ! Cở ổng làm sao lấy vợ. Thấy gái là muốn chạy rồi.”. – Tội nghiệp thiệt !
câu thơ : Đập bể kiếng ra tìm lấy bóng “, Bờ kinh khoảng nầy biền dừa rậm ri, cây bần chen chúc nhau dầy đặc. Tôi nhớ mùa hè ở quê nội tôi, làng Long Bình Điền , Chợ Gạo, và câu hát tả cây bần :
Đi ngang chỗ ngày trước Được nằm, tôi đi chậm lại, hoài công tìm một dấu vết . Có gì đâu ? Nhớ mùa hè ở quê nội tôi, làng Long Bình Điền, Chợ Gạo, và câu hát tả cây bần : “Cây bần gie đom đóm đậu sáng lè“. Lần đó cái tuổi lính của tôi còn quá non, chớ thật ra vấn đề có gì đâu mà phải ưu tư ? Giữa Được và tôi chỉ khác nhau cái tên. Đổi qua là giống hết chớ gì.
Chuyện thú hai.
Chuyện nầy ngộ lắm , nghe như giỡn chơi. Buổi sáng tinh sương,hôm ấy, khoảng tháng Năm, tháng Sáu nắng sáng, mây nhẹ. Tôi ngồi xe tù Bình Chánh lên Long Bình, lòng nhẹ lâng lâng. Chợt nhớ câu đầu trong bài ONE DAY của Johann Strauss: One day when we were young, one wonderful morning in May…” Chạy ngang đồi 30 chợt nhớ lại những ngày “ cày bừa “ trong quân trường… Xe vào trại nơi tôi nhận lịnh hành quân. Tôi trả cho xe về, vừa quay gót đi vào văn phòng thì có ai kêu tên tôi. Tôi quay lại và thấy một toán khoảng mươi tân binh y phục luộm thuộm, trong đó có một người cậu họ của tôi. Trong một thoáng, tôi ôn lại tánh tình, hạnh kiểm của ông nầy. Đó là một người cộc căn, thô lổ, rượu chè, hành hạ vợ con . Tôi trả lời máy móc “ Ủa, cậu Năm. Cậu làm gì đây ?”, vừa dợm bước đi. Cậu tôi nhanh nhẩu :” Cậu vừa mãn khóa, được phân bổ về đây. Mệt quá ! “-Vậy chớ sao cậu. Có lính nào sướng đâu .Thôi, cậu chờ nghen. Con phải vô, tới giờ rồi. “. Nhưng đâu có thoát. Túng quá, ổng chận tôi lại, nói nhanh “ Có quen ai gởi giùm cậu. Đi cái nầy chắc chết. Tôi vào văn phòng, vẫn chưa nghỉ ra được cách nào. Hỏi tà lọt :”Ổng đâu ? Sao trễ vậy Thường ổng hối dữ lẵm mà.” – Ở trong phòng, có người đẹp . “ Bã lên hả ? “Nàng “!-“ Còn ai được như ổng đâu “. Tôi mơ hồ có cảm giác tôi gặp may. Làm gan mở lời “Có việc này muốn nói với “ thẩm quyền”mà chưa dám “ Thôi đừng bày đặt đi” Gì vậy ? – Tôi có người cậu……” – “ Nói với ông thượng sĩ xếp vô vũ khí nặng “. Một lát sau, khi nói với ông thượng sĩ : “ Chi vậy ông ? Cho vô đó để nó mau rửa cẳng hả ? Tụi nó ham thứ đó lắm à “ – “ Chớ vô đâu ? – Cho nó vô truyền tin đi” –Còn dễ chết hơn nữa. Tụi nó đeo theo mấy cây cần câu”. Tụi nó ham mấy cây cần câu không bằng súng ngắn.đâu “- “ Ừa , thôi vậy đi . Mẹc xi nha. Mẹc xi cái đùng nha.” Ròi tôi quên chuyện đó luôn.
Cậu cháu tôi chẳng mấy khi gặp nhau. Vậy mà mới găp cách đây vài tháng nhân đám giỗ trong họ. Tôi về tới trễ, chuyện sở sùng. Buồi trưa nắng chang chang, tôi vừa bước qua khỏi ngạch cửa thì bị lóa nắng, trong nhà đông vầy mà không thấy ai. Chợt có ai kêu tên tôi.. Tôi tự động chào trả :” Lâu quá không gặp “. Té ra là cậu Năm. Khỏe hả cậu ? Ừa, Khỏe. Rồi ổng giới thiêu với người bên cạnh, “Thằng cháu tui. Nó cứu tui khỏi chết đó “ – “ Gì dữ vậy cậu Năm. Chuyện nhỏ mà !”. Rồi bắt chước giọng bài Trang Tử đập bồn ;” Vừa phất vài cái nó đã khô …“. Ổng chưa thôi “: Thiệt đó cháu. Về mười đứa, còn có mình cậu “. Bỗng nghe tiếng đàn bà “ Phải chi hôm trước cháu ráng lo cho thằng Lộc thì nó đâu có chết. Tội nghiệp thằng nhỏ chết mà chưa kịp lấy vợ.” – “.Hổng phải vậy đâu mợ Hai. Con cũng lo chớ, mà lo không kịp thôi !“. Cậu Năm cũng thêm vào : “ Gấp quá nó lo không kịp, chớ nói vậy tội nó. Thôi, tới trễ phải phạt. Uống chào sân đi. Ai rót rượu cho nó di “. Thấy tôi ở thế kẹt, ổng gở thế cho tôi mà sao tôi vẫn nghe đắng trong cổ. Giống như bài Hành Phương Nam của Nguyễn Binh :”…Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu, mà không uỗng cạn, mà không say ?.. “
Chuyện thứ ba.
Nó tên là Hùng, Trương Hùng. Nó cùng học Petrus Ký với tôi, nhưng tôi học ban Cao Tiểu ( section Complementaire Superieure ) , còn nó học ban Tân Thời (section Moderne ), tuy vậy tụi tôi cũng gặp nhau ở lớp cuối cấp. Nó học sau tôi một năm nhưng tôi vẫn để ý tới nó, vì nó để râu quai nón như Tây, lại ăn to nói lớn, dáng vẽ rất hung dữ. Không biết nó nhập ngũ trước hay sau tôi nhưng khi tôi được biệt phái đi với đơn vị của nó thì nó làm đai đội trưởng chỉ huy. Vừa gặp là tôi nhớ ra nó liền. Người ta gọi nó là Fidel, gọi theo các cố vấn. Chúng tôi hành quân từ Củ Chi, dọc theo kinh Xáng Lớn, qua khỏi Bến Đò Lộc Giang thì đường mòn tách ra , nhắm về Tha La ( đây Tha La,xóm đạo, có trái ngọt cây lành…). Tôi định bụng để trưa rảnh việc sẽ gặp nó, nhìn nhau chơi. Đồng môn mà ! Đến trưa, tôi chưa gặp nó thì nó đã bận rộn. Một binh sĩ của nó không biết say rượu hay sao mà trở chứng làm giặc, Lính của ai thì người đó phải giải quyết. Nó nhốt thằng lính vào một căn hầm, rồi vào đó mà khuyên giải. Sắp hết giờ nghỉ trưa, bỗng có tiếng nổ lớn. Chộn rộn môt lúc, rồi có tiêng báo cáo “ Fidel killed !” Lựu đạn tấn công mà !. Vậy đó ! Mình mới định gặp nó mà không kịp.
Rồi, bi giờ thì mời bạn lật tuốt ra cuối bài để xem hai tấm hình có làm bạn xúc động như đối với tui hông. Ủa, bạn hổng chịu hả ? Hổng chịu coi tắt ngang hả ? Có thiệt bạn muốn đợi tui viết tiếp hông ?
Viết tiếp thì viết, nhưng bạn ráng sống với tui thêm một năm nữa, đợi coi sang năm “ ông chủ báo “ có ra báo tiếp không đã. Theo tui thấy thì đủ rồi, không có gì lạ hơn đâu. Chỉ có một kết luận thôi : Cái gì cũng lở dở hết rồi.

( Tháng 4 năm 2017 )
Nguyễn Thanh Vân (LPK 50-57)