BỊNH HÔI MIỆNG (Halitosis)

 Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG I – Y HỌC & ÐỜI SỐNG)

benh hoi mieng 01Hôi miệng tuy rất thông thường, nhưng kỳ thực nó gây nhiều trở ngại trong việc xã giao và ảnh hưởng tới tinh thần, vì mặc cảm. Người biết mình bị hôi miệng, lúc nào cũng e dè, sợ sệt, che miệng, không ngó thẳng vào người đối diện, nói nhỏ, vân vân…

Chính việc nầy làm cho họ bị thiệt thòi vì người khác không nghe và không hiểu hết điều họ muốn nói. Có người lại không biết mình có vấn đề trên, đến khi vỡ lẽ ra mới biết sự thật. Sở dĩ sự việc xảy ra là do người đó đã sống với nó quá lâu thành quen, nên không cảm nhận được mùi vị nầy, như người đối diện khác.

Mấy hôm trước, có một bịnh nhân đến nhờ tôi giúp đỡ, vì cả chục cô bồ đều bỏ anh ta ra đi. Có một cô rất thương anh ta, nhưng sau cùng cũng chào thua và chia tay, hỏi ra mới biết là vì … anh ta bị hôi miệng.

Không phải chỉ có người nghèo ăn ở thiếu vệ sinh và thiếu phương tiện, mới hôi miệng. Thật ra có rất nhiều người đẹp cũng mắc phải bịnh nầy nữa. Phải chăng người nổi danh nhứt lịch sử Trung Hoa là Dương Quí Phi bị hôi miệng và được chữa bằng cách ăn quả lệ chi (trái vải) cho nó thơm tho? Bà chỉ thích dùng độc nhứt là trái vải thơm ngon ở Thục Trung, quê bà mà thôi. Ðể có trái tươi, người ngựa phải hỏa tốc mang về cho kịp, nếu không nó hư thối hết thơm. Người tướng lãnh chuyên lo việc đó, tên là An Lộc Sơn.

An Lộc Sơn lại mê say nhan sắc bà, nên cướp đoạt ngôi báu  hầu cướp được bà. Vua Ðường Minh Hoàng phải bỏ kinh thành chạy, các tướng sĩ cưỡng ép bà tự vận, nếu không họ không bằng lòng đánh giặc. An Lộc Sơn đến trễ đành ôm xác bà thỏa mãn dục vọng (necrophilia), nên mắc bệnh giang mai khí. Bịnh nầy lưu truyền cho đến ngày nay?

 

NGUYÊN NHÂN :

Miệng hôi do rất nhiều nguyên nhân:

A. Miệng

Miệng hôi là do vi trùng trong miệng tiết ra chất lưu huỳnh, rất thúi. Nó tác hại các thực phẩm còn sót lại giữa kẽ răng, làm mùi rữa thúi càng hôi thêm. Nếu ít, nó có thể hòa tan trong nước miếng hay ngấm vào niêm mạc. Nếu nhiều quá, nó sẽ bốc hơi tỏa ra ngoài nên sinh ra hôi miệng.

*  Viêm chân răng.

*  Viêm nướu làm tăng thêm chứng hôi miệng. Viêm do siêu vi bịnh rộp (herpetic gingivostomatitis), lỡ thúi thịt ác tính (acute necrotizing ulcerative gingivitis).

*  Miệng hôi do hút thuốc lá.

*  Miệng hôi do đồ ăn thức uống chứa nhiều chất lưu huỳnh như: hành, tỏi, broccoli, củ cải đỏ (radish), mắm.

* Miệng khô (xerostoma): Miệng khô vì không có đủ nước miếng để hòa tan các hóa chất hôi trong miệng.

* Miệng khô là do uống ít nước, tuyến nước miếng không hoạt động, bị nghẹt, tuổi già.

* Có nhiều thuốc trị khô miệng như: Atropine, belladona, probanthine vân vân… mà ta thấy trong thuốc đau bụng, đau bao tử, thuốc Ephedrine, pseudoephedrine vân vân …  trong thuốc cảm cúm. Miệng dơ, thiếu vệ sinh: vi trùng cùng vi khuẩn nẩy sinh, gây mùi hôi. Miệng bị nhiễm trùng.

*  Người khỏe mạnh hôi miệng lúc thức dậy, bụng đói,    nhịn ăn quá lâu

Răng : Sâu răng, răng hư, sâu răng có lỗ hổng cũng gây hôi, tuy nhiên, thực phẩm còn sót lại ở trong sẽ rữa đi làm tăng thêm sự hôi thúi. Nướu răng bị viêm, áp xe.

 

B. Mũi họng

1. Cổ họng: Cổ họng viêm, thịt dư có mủ, áp xe.

2. Mũi: Xoang mũi viêm, viêm mũi, hay vật lạ trong mũi (trẻ con thường nhét hòn bi, hột trái cây vô mũi. thông thường nó hôi có một bên thôi).

 

C. Phổi

    • Cuống phổi viêm,
    • Áp xe trong phổi do nghẽn cuống phổi, phế viêm, bịnh lao hay ung thư, máu nhồi trong phổi và chấn thương.
    • Giãn phế quản: các phế nang giãn và phình đại, thành cái túi chứa mủ. Hơi bốc ra theo hơi thở, làm khó chịu cho người đối diện.

 

D. Ðường tiêu hóa

    • Thực quản có túi, làm đồ ăn rơi vào gây nên mùi hôi thúi. Thực quản bị bịnh.
    • Bao tử bị ung thư.

 

E. Bịnh nặng

    • Gan: Người bị suy gan, có hơi thở mùi cá ươn.
    • Thận: suy thận có mùi khai (ammoniacal or urinary odor). (Xin nói rõ đau lưng hoàn toàn không phải là suy thận. Xin bỏ thành kiến nầy).
    • Tiểu đường ketoacidosis: khi bị ketoacidosis thì hơi thở lại có mùi ngọt của trái cây.
    • Bịnh ung thư, tâm thần.
    • Phụ nữ, nhứt là lúc có kinh do nội kích thích tố nữ.
    • Tuổi tác: người già thường hay bị hôi miệng vì miệng khô.

 

F.Ăn uống

Ðồ ăn cũng ảnh hưởng tới hơi thở. Hành tỏi nhứt là tỏi làm miệng hôi. Có món rau ai cũng ưa: ngò om. Canh chua mà không có nó, thì không phải là canh chua. Phải không quý vị? Nên kiêng cử bớt đồ gia vị.

 

G. Thuốc hút

Thuốc hút cũng làm hôi miệng: ‘Ðây không phải là sự tự đại to tát gì, nhưng lại là sự khinh thường của quí trời cho, tỷ như hơi thở ngọt ngào của người đàn ông, khác nào trời cho của quí, lại tự động hủy đi bởi khói thuốc hôi thúi.’

(King James I of England 1566-1625)

Vào thế kỷ thứ 17, vua Lê Huyền Tông nghiêm cấm thuốc lào, chắc không ngoài lý do đó?

 

ÐIỀU TRỊ

  • Tránh đừng hút thuốc, đừng ăn nhiều hành tỏi.
  • Nên thường xuyên uống nước, đừng để miệng khô làm các chất lưu huỳnh tồn trữ, gây mùi hôi. Nên ăn chút trái cây như chùi răng. Trái cây tốt nhứt là táo (miền Nam gọi là bom), nó còn giúp khỏi bị bón, đem lại nhiều sinh tố và antioxydants chống bịnh tật và tuổi già.
  • Nếu có thể nên đánh răng sau khi ăn. Tốt nhứt là đánh răng thật kỹ, trước khi đi ngủ.
  • Thuốc súc miệng chỉ làm bớt hôi một thời gian ngắn thôi.
  • Ai bị suyễn mà dùng thuốc có steroid bơm, nên đánh răng, để tránh mọc nấm (candidiasis).
  • Thường xuyên nhờ nha sĩ khám răng và clean răng.
  • Về các bịnh suy gan, suy thận, tiểu đường ketone(ketoacidosis) nên đến bác sĩ gia đình chăm sóc.
  • Nên đánh răng sau khi ăn xong hay ngậm kẹo có lục diệp tố ( chlorophyll).
  • Sau cùng, nếu các cách trên không đem lại kết quả, tốt nhứt là nhai kẹo cao su không có đường, nhưng có chất diệp lục tố.
  • Trà rất tốt cho răng. Người Trung Hoa thích ăn xong, hớp một ngụm nước trà súc miệng.

      Bác sĩ Ly khuyên Mao Trạch Ðông nên đánh răng cho tốt. Mao Trạch Ðông nói:

     ‘Cả đời, tôi đâu có đánh răng mà răng tôi đâu có  đau, vì mỗi sáng tôi súc miệng bằng trà.’