Australia đã phổ biến nhiều Sách Trắng / Bạch Thư về an ninh quốc phòng. Nhưng trong lãnh vực ngoại giao và thương mại, chính phủ Úc đã phổ biến hồi năm 1997, Bạch Thư đầu tiên với nhan đề “In the National Interest – Vì Quyền Lợi Quốc Gia”. Bạch Thư thứ nhì gọi là “Advancing the National Interest – Đẩy Mạnh Quyền Lợi Quốc Gia” được phổ biến hồi tháng 8 năm 2003. Vào giữa năm nay 2017, chính phủ Australia sẽ phổ biến Sách Trắng / Bạch Thư về chính sách ngoại giao lần thứ ba.

Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long, Sydney, Australia, đã đóng góp ý kiến với Chính phủ Úc vào việc điều nghiên soạn thảo Australia’s Foreign Policy White Paper 2017.

Dong Nai & Cuu Long

Cultural Research Group Incorporated

31 Fairview Road, Canley Vale NSW 2166, Australia

bach thu 01

Bản Văn Góp Ý

Cho

Bạch Thư 2017 về Chính Sách Ngoại Giao của Úc Châu

Chúng tôi nhiệt liệt chúc mừng Chính phủ Úc, đặc biệt là Bộ Trưởng Ngoại Giao Bà Julie Bishop, Bộ Trưởng Thương Mại, Du Lịch và Đầu Tư Ông Steven Ciobo, và Bộ Trưởng Phát Triển Quốc Tế và Thái Bình Dương Bà Concetta Fierravanti-Wells, về sáng kiến soạn thảo Bạch thư về chính sách đối ngoại của nước Úc trong thập niên tới.

Trong Bản Văn Góp Ý này, chúng tôi không bao gồm tất cả sáu vấn đề mà  Bộ Ngoại Giao và Thương Mại đã nêu lên.

Tổng quát:

Nếu quyết định soạn Bạch thư lúc ban đầu mang ý nghĩa chuẩn bị cho tương lai thì trong tình hình thế giới càng lúc càng bấp bênh khó tiên đoán, việc làm này còn mang ý nghĩa mạnh bạo hơn, đó là cung cấp hướng xung kích cho chính sách đối ngoại.

Việc Vương Quốc Anh quyết định tách ra khỏi Khối Liên Âu vào tháng 6 năm 2016 và việc đắc cử của Tổng Thống Donald Trump vào tháng 11 đã tạo nên những thử thách mới trên cơ sở toàn cầu. Các thử thách này bổ sung vào sự đe doạ nghiêm trọng từ Trung quốc và Nga, như là hậu quả của sự trổi dậy về mặt quân sự và kinh tế của Trung quốc và tham vọng của Nga muốn trở lại là một siêu cường. Yếu tố chung của những biến cố tưởng chừng như riêng lẻ này là sự khuấy động của chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa dân tuý mà một số lãnh đạo lỗi thời đang theo đuổi, núp dưới chiêu bài là những người quốc gia tân tiến và cứng rắn, vì mục đích chính trị đối nội. Điều này đang xảy ra tại một số nước dân chủ cũng như độc tài.

Tất nhiên trong lịch sử mỗi quốc gia đều vạch định chính sách phục vụ cho lợi ích của đất nước mình. Hiện nay cả Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung quốc và Tổng Thống Putin của Nga đều đẩy mạnh chủ trương “Trung quốc trên hết” và “Nước Nga trên hết”. Mới đây với lời hô hào “Hoa Kỳ trên hết”, Donald Trump đã góp mặt để trở thành một tam đầu chế.

Tại nước Úc hiện nay, vì e ngại cử tri sẽ dồn phiếu cho các đảng phái dân tuý nhỏ và thành phần cực hữu, cả Chính phủ Liên đảng và đảng Lao Động ở thế đối lập đang dần dần có tiếng nói mang màu sắc của chủ nghĩa dân tộc. Chúng tôi hy vọng là, cả về phương diện đối nội lẫn đối ngoại, khuynh hướng nói trên sẽ không kết tinh để trở thành chính sách hẹp hòi “Nước Úc trên hết”.

(1) Vì vậy chúng tôi kiến nghị

rằng khi vạch định chính sách đối ngoại, lợi ích quốc gia của nước Úc phải được xác định để phản ảnh chẳng những một xã hội Úc rộng mở, dân chủ, pháp định, đa văn hoá gồm đủ thành phần, mà còn gây ảnh hưởng trong tiến trình dân chủ hoá, tự do kinh tế, hợp tác an ninh vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng, đặc biệt là trong vùng Á-Ấn-Thái Bình Dương.

Chúng tôi ghi nhận vai trò quốc tế của Nước Úc, đặc biệt là nếu Úc muốn trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một lần nữa. Tuy nhiên chúng tôi tin là với khả năng của một quốc gia phát triển có GDP sắp hạng thứ 12, 13 trên thế giới, Nước Úc có thể và sẽ đóng vai trò hữu hiệu hơn trong khu vực.

Trong một chừng mực nào đó, Nước Úc đã làm quá sức mình, và thực tế là với chính sách ngoại giao truyền thống chúng ta chỉ có thể làm được như vậy. Điển hình là chính sách mới về chương trình Colombo hai chiều đáng được khen ngợi. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng Nước Úc có thể thăm dò nhiều cách để tăng tầm ảnh hưởng của mình, ví dụ qua chương trình viện trợ phát triển ODA, và tăng cường đường lối ngoại giao bên ngoài lãnh vực truyền thống. Quyền lực mềm của Úc được xếp hàng thứ 6 trên thế giới, và vấn đề được đặt ra là liệu nó đã được sử dụng hiệu quả chưa.

(2) Vì vậy chúng tôi kiến nghị

rằng Nước Úc phát huy việc sử dụng ngoại giao phi chính phủ và quyền lực mềm trong khu vực, đặt biệt chú trọng vào các quốc gia như Việt Nam, nơi mà các giá trị dân chủ và nhân quyền không được phát triển đúng mức.

Mặt khác chúng tôi cũng bày tỏ sự quan ngại đối với việc Nước Úc đã vô ý thức đón nhận việc Trung quốc sử dụng quyền lực mềm một cách thái quá, bao gồm các Viện Khổng Tử, một thứ vũ khí tuyên truyền được nhà nước Trung quốc tài trợ.

Ngoại giao truyền thống – An ninh và quốc phòng

Thế giới ngày nay trở nên đa cực, có nhiều tác nhân là quốc gia và tác nhân phi quốc gia (như các tổ chức khủng bố), mà lợi ích riêng của những quốc gia chủ chốt lại càng dị biệt hơn bao giờ hết.

Từng là siêu cường duy nhất, Hoa Kỳ đã suy yếu, qua sự thất bại của chính sách tái cân bằng quân sự và sáng kiến TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) của cựu Tổng Thống Barack Obama. Mặc cho lời hô hào “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng Thống Donald Trump có thể làm cho Hoa Kỳ suy yếu hơn nữa với chính sách tự cô lập. Trong một môi trường bất ổn như vậy, các siêu cường mới sẽ trổi dậy.

Bên cạnh Nhật Bản, đất nước mà Úc nên duy trì là thân hữu nếu không phải là đồng minh, ba trong số năm thành viên của BRICS, cụ thể là Trung quốc, Nga và Ấn Độ, sẽ cố gắng chiếm giữ vai trò quan trọng trong thập niên tới. Trung quốc và Nga, dù đơn phương hay liên kết, sẽ vẫn là mối đe doạ lâu dài cho Nước Úc. Viễn ảnh cả Tập Cận Bình và Putin vẫn tiếp tục nắm quyền sau nhiệm kỳ hiện nay là điều có thể xảy ra. Tình huống này có vẻ chỉ là một giả thuyết, nhưng vẫn có thể xảy ra, và vì vậy Nước Úc cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình.

Mới đây một số cựu chính trị gia và chuyên gia quốc phòng đã bình luận mạnh mẽ rằng Nước Úc nên hướng chính sách ngoại giao của mình về Trung quốc, là đối tác kinh tế hàng đầu của Úc, đồng thời tách dần ra khỏi Hoa Kỳ, một đồng minh chiến lược lâu dài.

Hợp tác quốc phòng giữa Úc và Hoa Kỳ thường thay đổi theo nhiệm kỳ Tổng Thống. Mặc dù chính quyền Donald Trump hiện nay tỏ ra thiển cận trong vai trò lãnh đạo như chưa từng bao giờ xảy ra, theo ý kiến của chúng tôi, mối liên minh Mỹ – Úc vẫn là cơ sở vững chắc cho an ninh của đất nước.

Dĩ nhiên sẽ là một sai lầm nếu Nước Úc dựa hoàn toàn vào một siêu cường để được che chở, nhưng theo chúng tôi cũng sẽ sai lầm không kém nếu Nước Úc tách rời khỏi liên minh với Hoa Kỳ. Một đồng minh không hoàn hảo vẫn quý hơn là một kẻ thù hoàn hảo! Nhờ vào thể chế dân chủ đã trưởng thành và hệ thống kiểm tra và cân đối vững mạnh, Hoa Kỳ sẽ không trở nên kẻ thù của Nước Úc, ít nhất là trong thời đại của chúng ta. Trong khi đó Trung quốc và Nga lại có thể trở nên thù địch với Úc, bất kể Úc có là đồng minh của Hoa Kỳ hay không.

(3) Vì vậy chúng tôi kiến nghị

(a) rằng liên minh Mỹ – Úc vẫn là một trong những cột trụ cốt lõi của chính sách ngoại giao của Úc;

(b) rằng để có thể tự lực, Nước Úc cần tăng cường khả năng quân sự bằng cách duy trì ngân sách quốc phòng trong vòng 10 năm tới ở mức 2% của GDP hoặc cao hơn;

(c) rằng Nước Úc thăm dò để tái khởi động hợp tác quốc phòng tứ phương giữa bốn nước dân chủ: Úc Châu, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ;

(d) rằng Nước Úc tăng cường hợp tác quốc phòng với khối ASEAN, ngoài các hội nghị AMDD+ (hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng);

(e) và đặc biệt là Nước Úc xem xét nâng mức hợp tác song phương với Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lên mức tương đương với Indonesia và Philippines, nếu CHXHCNVN tỏ ra đáp ứng các yêu cầu về cải thiện dân chủ.

Nước Úc cần phải phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với cả khối ASEAN cũng như với từng thành viên riêng lẻ, vì hiện nay khối này đang phải đối đầu với nguy cơ phân tán, bởi Tổng Thống Duterte của Philippines và Thủ Tướng Razak của Malaysia đã theo chân Cambodia và Lào trong việc thăm dò mối hữu nghị mới gần gũi hơn với Trung quốc.

Các đề nghị trên của chúng tôi không phải vì muốn cô lập Trung quốc hay mang tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh, mà vì ảnh hưởng của các bài học lịch sử có liên quan đến tham vọng bá quyền của Trung quốc.

Khi thực hiện chính sách ngoại giao truyền thống, Nước Úc có lúc cần giữ vững nguyên tắc. Ở đây chúng tôi muốn nói đến việc Trung quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% vùng biển Nam Trung Hoa, còn gọi là Biển Đông, việc họ xây dựng các đảo nhân tạo, việc họ quân sự hoá các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những việc làm này có ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của Nước Úc.

Ngoại giao phi truyền thống: Thương mại, Phát triển bền vững và Thay đổi khí hậu

Mặc dù chúng tôi mong muốn là khi tiến hành các giải pháp ngoại giao phi truyền thống, Nước Úc áp dụng các giá trị dân chủ, tinh thần pháp trị và minh bạch, nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. Bên ngoài những ràng buộc pháp lý, nếu có thể được chọn lựa, Nước Úc nên chọn không giao dịch hoặc hợp tác với các đề án không phù hợp với tiêu chuẩn của Úc.

Là một quốc gia doanh thương, dĩ nhiên là Úc cần mở rộng cơ hội giao dịch và đầu tư theo đúng quy định của WTO và luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên với những đối tác thương mại như Việt Nam hay Bangladesh, nơi mà công nhân bị bóc lột trái với quy ước ILO hay nơi mà đảng Cộng sản độc quyền kiểm soát chính trị, thì câu hỏi đặt ra là Nước Úc hay người dân Úc có nên phớt lờ những vi phạm trầm trọng này và tiếp tục giao dịch với họ hay không.

(4) Vì vậy chúng tôi kiến nghị

rằng Bạch thư này xem xét vấn đề đạo đức thương mại và đầu tư như một phần của nỗ lực tăng cường thế đứng quốc tế của Nước Úc.

Tương tự như vậy, trong lãnh vực phát triển bền vững Nước Úc cần cương quyết hơn nữa, vì Úc là một trong những quốc gia viện trợ chính trong chương trình ODA, và cũng vì khả năng chuyên môn của Úc được các nước nhận viện trợ đánh giá cao.

Vấn đề chúng tôi muốn nói đến là nguồn nước ở khu vực hạ nguồn sông Cửu Long, nơi mà 11 đập thuỷ điện (đã được xây dựng hoặc đang còn trong dự án) đang gây những tai hại không thể đảo ngược phục hồi được cho hệ thống sinh thái và cuộc sống của 60 triệu người, trong đó có 20 triệu người Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long.

(5) Vì vậy chúng tôi kiến nghị

rằng Bạch thư ghi rõ một nguyên tắc mà các nước nhận viện trợ ODA phải tuân thủ, đó là để phát triển bền vững các nước này phải chú trọng lợi ích xã hội, kinh tế và quyền của con người.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, sau thất bại của Hội Nghị Copenhagen, các nước gây ô nhiễm chính đã ký tên vào Thoả ước Paris 2016 và nỗ lực đầy tham vọng của họ mang lại nhiều hy vọng là những hậu quả cực xấu do sự biến đổi khí hậu gây ra sẽ được khắc phục. Tuy nhiên sau khi thoả ước này được ký kết, chính quyền tại Washington đã chuyển hướng và những người hoài nghi lại muốn xét lại sự chính xác của khoa học.

Bỏ sang một bên các tranh cãi về nguyên nhân, sự thay đổi khí hậu đang xảy ra. Nước Úc, không những là một nước gây ô nhiễm cao nếu tính theo đầu người mà còn là một nước kinh tế phát triển, có sự ràng buộc đạo lý phải giúp đỡ làm giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là ở vùng Nam Thái Bình Dương, vùng trũng của Bangladesh và Việt Nam (như đồng bằng sông Cửu Long).

(6) Vì vậy chúng tôi kiến nghị

rằng, như là một phần của chính sách ngoại giao của Úc trong 10 năm tới, Bạch thư vạch ra một chiến lược cho Úc để, tự mình hoặc thông qua một chương trình quốc tế, giúp kế hoạch phòng ngừa cho các nước đang phát triển.

Sydney, ngày 27 tháng 2 năm 2017

Thay mặt Nhóm Nghiên cứu Văn hoá Đồng Nai & Cửu Long

Luật sư Lưu Tường Quang, AO                     Tiến sĩ Huỳnh Long Vân

          (ký tên)                                                              (ký tên)

Tiến sĩ Trần Thạnh                                          Luật gia Trương Minh Hoàng
(ký tên)                                                                (ký tên)