Bác Phẩm, bác Hội

Bùi Hữu Anh Huy 6/7 –C8

(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)

Bao nhiêu năm qua rồi, nhưng mỗi lần nhớ đến cái cổng bên hông trường, hay xem hình cái cổng đó, là Huy vẫn luôn luôn liên tưởng đến hình ảnh của bác Phẩm.

Không biết bác ở trong trường từ thuở nào. Phải dùng chữ “thuở” để nói lên cái lâu lắm của sự hiện diện của bác. Các anh lớn, học trước mình không biết bao nhiêu năm vẫn còn nhớ đến bác. Không biết bây giờ bác còn đó, hay đã “về bên kia chân trời miên viễn chiêm bao.” Chỉ biết bác luôn luôn nằm trong kỷ niệm của mấy năm đi học.

Bác không gù, nhưng khi bác rảo quanh sân trường bác gợi cho mình nhớ đến nhân vật Quasimodo của Victor Hugo. Bác không nhìn thẳng vào mắt người đối diện bao giờ, và ít nói. Thế nhưng bác hay cười, và nụ cười của bác là nụ cười bí hiểm. Khi cười, bác không cười với mình, bác cười riêng cho bác. Bác không diễu cợt mình, nhưng mình cảm thấy đau đớn nếu vô tình là nạn nhân của bác, vì bác hay cười những lúc mình thấy không có gì để cười. Ví dụ như khi mình đi học trễ. Đi học trễ ngày xưa là một điều kinh hoàng. Trường đóng cửa, bạn bè vào lớp, chỉ còn mình lang thang và không ai có thể hiểu cho mình. Cửa hông còn hé, bác Phẩm đợi cửa. Bác nhìn mình, bác cười, và khi đến gần thì bác từ từ đóng lại, và tiếp tục cười. Bác bỏ đi mặc cho mình năn nỉ với bác. Cũng có đôi lần bác mềm lòng, hay bác hết “sắc bén”, bác quay lại mở hé cửa cho mình chui vào. Bác tận tụy với trường lớp. Có đêm trực lại trong trường, thấy bác đi quanh trường để bảo đảm trường lớp được an ninh(?)

Suốt mấy năm đi học chưa bao giờ được nói chuyện với bác. Không dám nói. Có lần đi lao động để con dao bên cửa phòng trực cạnh cổng chính. Quay đi quay lại tí, mất dao. Thế là vào năn nỉ xem bác có “cất” đi không. Bác chỉ nói ngắn gọn, cộc lốc, “tao không lấy”.

Bây giờ bao nhiêu năm nhớ lại, nhớ từng góc sân trường, nhớ cánh cửa hông và lại nhớ đến bác. Nhớ bác, và nhớ rõ là mình không biết gì về bác. Luyến tiếc, trong mỗi con người đều có cái xấu, và kèm theo đó là cái đẹp nằm giữa cái cô đơn thường trực của thân phận con người. Con người đến với nhau trong đời như những món quà của cuộc đời, và nếu mình không thấy được cái đẹp đó, hay thương cảm cho cái cô đơn đó, là mình đã lỡ đi một dịp mởquà.

Vừa nhắc đến bác Phẩm, thì lại nhớ đến bác Hội. Trong ký ức Huy hai bác đi kèm với nhau giống như hai ông Ác, ông Thiện trên chùa. Vâng, bác Phẩm cũng hiền từ chứ không độc ác gì. Ông Ác cũng đâu thích làm chuyện ác, ông ta chỉ thích thương người theo kiểu “cho roi cho vọt”.

Năm 2000 khi Trương Quí Hoàng Phương về Việt Nam có gặp bác Hội, và chụp hình kỷ niệm. Năm ấy bác vẫn làm, và như thế bác cũng thuộc vào muôn thuở như tháp đồng hồ, như cổng trường.

Chắc bác có hoài mong làm thầy giáo. Phương kể rằng gọi bác bằng Thầy, bác có vẻ thích lắm. Thế nhưng bác không được lên bục giảng. Bác làm trong phòng học vụ lo hồ sơ cho học sinh. Bác yêu nghề giáo, và trọng thầy cô giáo, bao nhiêu thế hệ thầy cô trôi qua. Có bao nhiêu thầy giáo ngày xưa còn chảy mũi đến nộp lệ phí năm Đệ Thất. Bây giờ trở lại làm thầy bác gọi là “thầy”, xưng “tôi”.

Đôi khi cần thiết bác cũng hơi nguyên tắc tí. Học trò lạng quạng bác cũng làm khó. Thế nhưng đa số bác nhỏ nhẹ, âm thầm chămsóc giấy tờ cho tụi học trò, và bác tồn tại qua bao đời hiệu trưởng. Sân trường nắng, rồi lại có mây đen, rồi lại mưa, rồi lại nắng, đôi khi có gió, đôi khi gắt gao. Bác vẫn còn.