Ai là ‘ông tổ’ nghề báo của Việt Nam?
Trương Quí Hoàng Phương
Gia Định Báo là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được phát hành năm 1865. Chính ông Trương Vĩnh Ký là người viết thư đề nghị chính quyền Pháp lập tờ báo bằng chữ quốc ngữ này, và đặt làm những chữ in ở Pháp để có thể in chữ quốc ngữ. Khi tờ Gia Định Báo ra đời ông Trương Vĩnh Ký đã hợp tác và viết trong tờ báo này ngay từ đầu. Tuy nhiên ban đầu đây chỉ là một tờ công báo của chính phủ Pháp nhằm đăng những công văn, nghị định của chính quyền Pháp và những tin tức địa phương. Tờ báo ban đầu do một người Pháp tên Ernest Pottea làm chủ bút. Chỉ đến năm 1869 khi ông Trương Vĩnh Ký thay thế Ernest Pottea trong chức vụ này, thì nội dung tờ báo mới phong phú hơn, với những bài nghiên cứu về lịch sử, những mục thơ, chuyện cổ tích v.v… Với tờ Gia Định Báo ông Trương Vĩnh Ký đã tiên phong trong việc truyền bá và phát triễn chữ quốc ngữ, khuyến khích dân chúng học một văn tự mới mà người dân nào cũng có thể đọc được.
Ông đã vận dụng kiến thức Tây học và Nho học của mình, để cổ động cho một lối học mới nhằm đưa đất nước vào con đường canh tân. Tiếc rằng ông Trương Vĩnh Ký chỉ làm chủ bút tờ Gia Định Báo được 5 năm, qua năm 1874 chính quyền thuộc địa của Pháp đã lấy lại tờ Gia Định báo và sử dụng tờ báo như vai trò một tờ công báo lúc ban đầu, từ 16 trang tờ báo bị rút lại còn 4 trang!
Sau tờ Gia Định Báo ông Trương Vĩnh Ký còn là người lập ra tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đó là nguyệt san Thông loại khóa trình (Miscellanées), do ông tự bỏ vốn xuất bản và điều hành. Thông loại khóa trình là một tờ nguyệt san về văn hóa và giáo dục ra đều đặn hàng tháng kể từ năm 1888. Ngoài dạy chữ Hán, chữ Pháp, còn có những bài giảng nghĩa về luân lý, khảo cứu về thi ca, phong tục, nghiên cứu về thực vật, động vật, văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, địa lý, danh nhân và sưu tầm, dịch thuật. Đặc biệt “Sưu tầm” là mục phong phú nhất của tờ nguyệt san Thông loại khóa trình. Ông đã sưu tầm được rất nhiều bài đồng dao, câu đố, bài vè … và viết nhiều bài giải thích các lễ tục Thanh minh, Tam nguyên, Đoan ngọ, Trung thu, Trùng cửu… cũng như chú thích các điển tích, từ ngữ. Ông sưu tầm nhiều bài thơ của Bùi Hữu Nghĩa, Tôn Thọ Tường, Phan Thanh Giản, giới thiệu tiểu sử Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Tôn Quyền …
Vì đây là một tờ báo nhằm mục đích giáo dục phổ cập không vì thương mại, như ông Trương Vĩnh Ký đã nêu rõ trên báo: “miễn là bán được lấy tiền mà trả tiền tổn phí mà in, cho tiện việc học, thì là toại chí, chẳng kì là có lợi”, tờ Nguyệt San sau hai năm ấn hành đều đặn được 18 số đã phải đóng cửa do báo phát hành không bù đắp nổi chi phí, khiến ông Trương Vĩnh Ký lâm vào cảnh bị đổ nợ vì thiếu vốn. Trong số cuối cùng 18, phát hành tháng 10 năm 1889, Trương Vĩnh Ký đã viết: “Nay vì bởi không có vốn cho đủ in luôn Thông loại khoá trình nữa nên ta cực chẳng đã, phải đình in”.
Không chỉ là người làm chủ tờ báo tư nhân đầu tiên, là chủ bút báo tiếng Việt đầu tiên, Trương Vĩnh Ký với sở học của mình, còn cộng tác với nhiều tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ khác nhau. Bởi vậy mà trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển cho rằng ông Trương Vĩnh Ký “là tổ nghề báo quốc văn ta vậy”.
Trương Quí Hoàng Phương