An Giang Qua Mấy Vần Ca Dao

Bác sĩ Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Cây lựu mộc trên rể mục, đơm bông kết trái

An Giang là tỉnh xinh đẹp, sạch sẽ, phì nhiêu và trù phú, nhứt là Long Xuyên hoàn toàn thanh bình như không có chiến tranh, trong suốt thời chiến Miền Nam trước 1975. Nó giàu có vì nằm giữa hai nhánh sông Tiền và Hậu của dòng sông Cửu Long từ Cao Miên chảy qua, với hệ thống kinh rạch lưu thông chằng chịt, chất phù sa rửa sạch phèn chua làm cho đất đai mầu mỡ. Nó không những chỉ có đồng ruộng bao la, mà còn có cá tôm đầy đồng, đầy sông rạch, hoa mầu, thổ sản khắp nơi.

Làng nhà bè nuôi cá trên dòng sông An Giang

Hiện nay, hai tỉnh Châu Ðốc và Long Xuyên kết hợp lại thành tỉnh An Giang. Sau 1975, nó được đổi thành Long Châu Hà, tức Long Xuyên, Châu Ðốc và Hà Tiên. Nhưng chỉ vài năm sau, nghe không ổn nên đổi lại tên cũ An Giang.

CHÂU ÐỐC

Châu Ðốc là tỉnh biên giới Việt Miên, có nhiều nguồn lợi kinh tế tại Tân Châu, Hồng Ngự. Cũng vì sát với Miên, nên có nhiều người Miên hiền lành, theo đạo Phật, sanh sống, hài hoà với người Việt mình. Một sự hoà hợp tâm tình thế nào cũng xẩy ra giữa hai dân tộc. Theo nhà văn nữ Bút Trà thì sự hòa hợp dị chủng nầy tạo ra nhiều thiếu nữ duyên dáng đẹp đẻ kỳ lạ, nhứt là lai Việt-Miên-Tàu. Và đây:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu

Anh thương em chẳng ngại sang giàu

Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân.

Ngoài ra cũng có một số ít người Chàm sinh sống nơi đây. Họ rất hiền hoà, chuyên sống về nghề tằm tang, dệt tơ lụa đặc sắc, rất nổi tiếng vì được nhuộm bằng mặc nưa, lụa Tân Châu còn gọi là lãnh Mỹ A.

Có ai thích đến xứ thơ,

Ghé qua xứ lụa bên bờ Tiền Giang.

Dòng sông thẳng tắp hang ngàn,

Tàu ghe xuôi nước đò sang bên nầy.

Bên này mặc lãnh Mỹ A,

Ðưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần.

Dốc nào cao bằng dốc ông Két

Lụa nào đẹp bằng lụa Tân Châu.

Và họ theo đạo Hồi.

 Châu Ðốc có vùng núi non hiểm trở, gồm bảy ngọn không cao, không lớn không hùng vĩ như dãy Trường Sơn như ta tưởng. Tuy vậy Thất Sơn rất đẹp, vẻ đẹp nên thơ kỳ lạ. Ðẹp nhứt là lúc chiều tà, lúc mặt trời từ từ xuống, những tia ánh sáng vàng rực rỡ chiếu xuyên qua, lơ thơ đó đây vài cây thốt lốt, lác đác đàn nhạn thơ thẩn bay về tổ, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, không thua những bức tranh Tàu. 

 ‘Anh đi lên bảy núi,

Anh chạy thẳng núi Tà lơn.

Căn nợ keo sơn thấu tới ông Trời,

Ngó lên trời thấy trời cao.

Ngó xuống đất thấy đất thấp,

Anh đến tam cấp.

Lập Cửu trùng đài,

Thời hư trời khiến, anh lập hoài phải nên.

Tuy vậy vùng Bảy Núi lại rất hiểm trở, huyền bí linh thiêng, bởi nơi đây có nhiều am, đền, chùa chiền kỳ bí, tôn giáo lạ lùng, chánh đạo và tà đạo như đạo bay. Muốn bay được phải giết ít nhứt ba người vào thời 1950’. Làm nhiều người chết oan uổng, lòng dân hoang mang. Cho nên nói tới Thất Sơn Bảy Núi huyền hoặc, là nói tới chém giết, bùa ngải làm ai cũng phải khiếp sợ.

Tại sao, bởi vì xưa kia, hễ ai trốn xâu lậu thuế, tù tội, nhứt là người làm cách mạng chống Pháp, cứ chạy lên đây trốn. Núi không cao nhưng có nhiều hang động dễ trốn khi Tây ruồng bố ráp. Thời Việt Nam Cộng Hoà có dội bom, cả bom Napal cũng trớt quớt, không lọt vô hang được.

 Bảy Núi là nơi ẩn trú của những tay anh hùng tứ xứ, trôi giạt về đây. Họ là thành phần phức tạp, tạp nhạp như trốn nợ, trốn thuế, giết người, sống ngoài vòng pháp luật. Họ cũng có thể là người thường dân, yêu quê hương đất nước,tự do, độc lập, đứng lên chống cường hào ác bá phản quốc, nhứt là bọn Lang Sa thực dân hại dân, hại nước. Họ lẩn trốn vì bị chánh quyền truy nã.

Chim bay về núi tối rồi,

Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?

Theo nhiều người kể lại thì đây có thể là lời Ðức Thầy Tây An báo cho họ biết là Tây ruồng bố đã đi rồi, ra đi. Mà cũng có thể là thời cơ đã tới rồi, ra đi kháng chiến, làm cách mạng đi.

Ông chính là người chèo ghe, ngao du khắp nơi rao giảng bằng ca dao, giả điên giả dại, khù khờ để dạy đời. Ông là nhà cách mạng lâu đời, ai ai cũng mến thương.

Ði ngang qua đỉnh Núi Sam,

Thấy mộ ông lớn mà lòng lệ rơi.

Ông có công phối hợp Khổng giáo và Lão giáo thành đạo do ông sáng lập ra Bữu Sơn Kỳ Hương (BSKH) năm 1848, lấy từ bốn chữ đầu của bốn câu thơ sau:

Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyệt

Sơn trung sư mạng địa Nam tiền

Kỳ niên trạng tải tân phục quốc.

Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên.

BSKH là tiền thân của Phật Giáo Hòa Hảo (1939), cũng lấy tứ ân làm giáo lý.

Ân tổ tiên, cha mẹ,

Ân đất nước,

Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)

Ân đồng bào nhân loại.

Vì ông quá tốt, nên được người đời kính trọng và tôn vinh ông là sư vãi bán khoai hay là Phật sống, Ðức Thầy Tây An. Tên thật của ông là Ðàm Minh Huyền. Sau khi ông chết, người dân thương mến, tưởng nhớ công đức nên lập đền thờ Ðức Thầy Tây An ở Châu Ðốc.

Hiện nay có nhiều giả thuyết của các nhà nghiên cứu, và cả ông Hồ Hữu Tường cũng cho ông là Hoàng Tử Nguyễn Quang Mục, con của vua Quang Trung Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân. Vì sợ bị vua Gia Long tìm giết, nên trốn vào Nam ẩn náu. 

Đức Thầy Tây An

Ðèn Châu Ðốc

Châu Ðốc có nhiều núi non nên địa hình cũng khác lạ là không bằng phẳng. Do đó mới có lắm vùng cao thấp khác nhau.  Ðèn và dốc được ví von qua mấy vần ca dao sau đây:     

Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,

Ðất nào dốc bằng đất Nam Vang.

Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ,

Em có chút mẹ già biết bỏ ai nuôi?

Anh đi Châu Ðốc Nam Vang,

Gởi thơ nhắn lại em khoan có chồng

Hoặc

Hò ơ ơ…

Đất nào lắm dốc nhiều đồi,

Đèn nào cao nhất mọi người đều nghe.

 (Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi,

Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe.)

Sở dĩ người ta nói đến Châu Ðốc cao là vùng nầy có vị thế cao hơn bình nguyên bởi dãy núi Thất Sơn. Ðã vậy mà còn dựng đuốc đốt lên cao, đương nhiên nó sẽ cao hơn bên Nam Vang.  Ở đây đuốc được dựng lên giữa rừng núi là để ngắm đường thẳng mà đào kinh.

Thời ông Thoại Ngọc Hầu và bà Vĩnh Tế, ra sức đào con kinh nối liền Châu Ðốc, Hà Tiên và Vịnh Xiêm La dài 30.000 mét vào năm 1818, chớ đâu có máy ngắm để phóng đường như ngày nay. Hơn nữa vào thời đó vùng nầy còn hoang vu rừng rậm, thì làm sao mà phóng cho ngay thẳng được, nên ông cho đốt đuốc ban đêm để ngắm đường thẳng.

Kinh được đào trong năm năm trời mới hoàn thành. Ðây là một kỳ công của Ông Bà Thoại Ngọc Hầu. Kinh đào không những mang lại phương tiện lưu thông bằng đường thủy hay bộ, vì đất đào bỏ lên đấp lộ, mà còn giúp việc phòng thủ biên thùy Việt – Miên.

Nhớ ông Bảo Hộ cầm cờ chiêu quân.

Vua Miên yêu cầu triều đình ta giúp họ chống lại sự tấn công của quân Xiêm La, vua ta trao ấn bảo hộ cho Thoại Ngọc Hầu thống lãnh binh lần thứ nhứt năm 1813 và lần thứ hai năm 1821, giúp Miên đánh bại Xiêm La.

Kinh Vĩnh Tế Hà Tiên,

Ghe thuyền xuôi ngược, bán buôn dập dìu.

Chính vì vậy, vua mới ban tên kinh đào này là kinh Thoại Ngọc Hầu, sau đổi lại tên là Vĩnh Tế, tên của nội tướng ông.

Tại sao? Vì đây là kỳ công của bà Thoại Ngọc Hầu, cho nên mới đổi sang tên bà cho nó công bằng. Nhưng việc nầy trái với đạo lý thời xưa. Có câu: ‘Của chồng công vợ’.

Có vẻ hơi bất công. Mà phải là ‘của vợ công chồng’ mới đúng.

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ Kinh Vĩnh Tế, vía Bà Núi Sam

Và đây là bài vè của cụ Huy Vũ ghi lại công trình đào kinh Vĩnh Tế, như sau:

Chia ba người một thước.

Đào sâu xuống nước,

Hai thước sáu ba.

Bề ngang đào qua,

Là sáu thước chẵn.

Việc mần mệt nặng,

Kẻ cuốc người rinh.

Chừa hai bên kinh,

Đắp hai con lộ…

Còn câu nầy

Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,

Gió nào độc bằng gió Gò Công.

Sở dĩ gió Gò Công độc là vì tại đây có vùng đất trũng đầm lầy gọi là Rừng Sát. Rừng thiêng nước mặn, độc, ám khí, nước đọng, uống vào bụng báng mà chết? Thật ra đầm lầy nước đọng mặn, uống không được, lại là môi trường tốt cho muỗi sanh sôi nẩy nở, để gây bịnh sốt rét rừng. Người Pháp cho là ‘mal de l’air’ hay malaria.

 Dòng sông Cửu Long chảy vô Biển Hồ, rồi tới Châu Ðốc chia thành hai nhánh sông, sông Tiền và sông Hậu. Người mình ở Tịnh Biên, Tân Châu vượt sông qua Nam Vang làm ăn, sinh sống ở Biển Hồ bằng nghề đánh cá. Cá lớn nhiều quá ăn không hết phải làm cá khô, làm cá mặn để dành. Ở lâu buồn nên họ lập gia đình sinh sống, cho nên có câu:

Biển Hồ cực lắm em ơi,

Ban đêm xẻ cá, ban ngày phơi khô.

Nam Vang đi dễ khó về,

Trai đi có vợ, gái về có con.

Vì quá cơ cực và buồn tẻ, nên những tâm hồn cô đơn tìm niền vui trong mái ấm gia đình, mới sanh con đẻ cháu sum vầy.

Còn ở Thất Sơn trời nắng nóng lắm nên da dẻ đậm đà:

Thất Sơn bảy núi nằm kề,

Lúc đi thì trắng lúc về thì đen.

Ðạo nghĩa vợ chồng khắng khít bên nhau, anh đi đâu em theo đó, dầu dãi đói no, ăn quán ngủ đình, còn hơn lẻ loi một mình:

Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,

Dốc nào thấp bằng dốc Nam Vang.

Ðói no em chịu cùng chàng,

Xuống sông ra biển lên ngàn cũng theo.

            Nhớ nhung khi xa cách người yêu

 ‘Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,

Dốc nào thấp bằng dốc Nam Vang.

Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,

Ðêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Chàng đi Châu Ðốc Nam Vang,

Nỗi sầu em chịu đa mang một mình!

Ðậu phọng béo đậu nành cũng béo,

Bước lên xe kéo réo xe hơi.

Ðường đi Châu Ðốc xa vời,

Gởi thơ thì khó, gởi lời cũng không.

Tri Tôn Châu Ðốc rất gần,

Thương anh em nhớ, em lần xuống thăm.

Ngó lên Châu Ðốc,

Thấy gốc bần trôi

Ngó xuống Vàm Nao

Thấy sóng bủa lao xao

Anh thương em ruột thắt gan bào

Biết em có thương lại chút nào hay không?

Ðể nói lên tình mẫu tử bao la, rộng rãi lúc nào cũng sẳn sàng tha thứ; dầu con mình có làm chi sai trái cũng dang tay ôm con vào lòng, không chút ngại ngùng  khó khăn. Cho nên có câu:

Cha mẹ thương con như Biển Hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Ðặc sản Châu Ðốc

Châu Ðốc có món ăn nổi tiếng khắp vùng, không thể quên được là mắm ruột hoặc mắm thái ngon đáo để:

Mắm Châu Ðốc

Dốc Nam Vang.

Miếu Bà Chúa Xứ

Miếu bà Chúa Xứ ở núi Sam rất linh thiêng, nên hằng năm không biết bao nhiêu người tứ xứ tấp nập về đây cúng kiến, cầu xin tài lợi, công danh vào ngày vía Bà, từ 24 đến 26 tháng Tư Âm lịch. Vía Bà rất vui nhộn, có đồng bóng tựu tập về biểu diễn, cúng kiến múa ca nhộn nhịp, khói nhang mù mịt. Miếu được xây dựng vào năm 1820-1825. Ðến năm 1972 được tu bổ lại rất đồ sộ, mà vẫn không đủ cho số người đến chiêm bái. 

Ðạo Hoà Hảo

Trước khi kết thúc đoạn Châu Ðốc, xin nói thêm chút về Ðạo Hòa Hảo. Khi tiếp nối sự nghiệp của Ðức Thầy Tây An, Ngài Huỳnh Phú Sổ mới dời đạo về quê mình ở làng Hòa Hảo, Tân Châu và lấy tên là Phật giáo Hòa Hảo (1939). Ngài tiếp nối việc tu hành và chủ trương việc canh tân đạo pháp.                       

‘Không tụng niệm, cúng bái’.

Không giấy tiền vàng bạc để cúng lễ’.

Nếu làm như vậy coi như hối lộ thần thánh. Bởi Ngài cho:

‘Phật tại tâm chớ đâu mà tìm’.      

Ðời không đạo, đời vô liêm sĩ,

‘Ðạo không đời, đạo biết dạy ai’

Tuy hồi nhỏ Ngài học ít, nhưng có tâm đạo rất tốt, trí tuệ minh mẫn, như có quới nhơn cùng thánh nhân siêu nhập, nên hễ mở miệng ra là văn thơ lưu loát, ngụ đầy ý nghĩa thanh cao, thâm sâu nên chỉ một sớm một chiều mà cả hai triệu đồng bào Miền Tây, nhứt là vùng Châu Ðốc, Long Xuyên theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo.

Cũng vì đạo Hòa Hảo chủ trương lấy tứ ân làm trọng, vào ngày 21/9/46 Ngài thành lập đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng, gọi tắt thành Dân Xã Ðảng để lồng chính trị vào lòng nhân dân hầu phục vụ nước nhà. Như vậy Ngài chủ trương đấu tranh lồng trong đạo pháp để dễ thu hút nhân tình. Các tín đồ kỳ cựu đều thuộc nằm lòng mấy câu sau đây:

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha,

Ðền xong nợ nước thù nhà

Thiên môn trở lại Phật đà Nam Mô.

Hay

 ‘Tu đền nợ nước cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

Long Xuyên     

 Hình sau đây là bó lúa bằng đồng tượng trưng người cày có ruộng của TT Nguyễn Văn Thiệu.

Cả Miền Nam nằm trong biển lửa, không ít thì nhiều đâu đâu cũng có súng nổ, chỉ riêng Long Xuyên là không hề có dấu vết chiến tranh tàn phá, kể luôn Tết Mậu Thân 1968. Thật là kỳ diệu!

Long Xuyên trù phú, sạch sẽ nhứt các vùng khác vì nó có dòng sông An Giang uốn khúc qua đồi núi, tưới chất phù sa mầu mỡ cho ruộng vườn tươi xanh, tô điểm thêm vẻ đẹp mỹ miều, huyền ảo. Nó đã cảm hoá thi nhân, nhạc sĩ Anh Việt Thu tạo nên khúc nhạc tuyệt vời: ‘Dòng An Giang’ để đời!

Bó lúa bằng đồng tượng trưng người cày có ruộng
của TT Nguyễn Văn Thiệu

Long Xuyên trù phú, cá tôm đầy sông, rạch, ruộng vườn (Muốn biết thêm xin xem bài ‘An Giang trong tim tôi’, Tuyển tập PGS I, tr 297-305):

Bao phen quạ nói với diều,

Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

 (Có chỗ ‘Chiều chiều quạ nói với diều

Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm).

Cù lao Ông Chưởng là một trong những cù lao lớn của LX. Cứ vào tháng Mười, mùa cá dại, tha hồ mà vớt cá dưới sông. Chỉ cần bơi xuồng ba lá ra giữa sông, lấy vợt mà vớt lá linh, cá rói, cá lòng tong từ sáng tới chiều cũng có vài giạ cá. Cá bắt được đem về gài mắm, làm nước mắm nhỉ để ăn quanh năm, không tốn đồng nào hết. Ruộng vườn làm bằng máy cày, máy đập, nhà nhà đều có TV, máy đuôi tôm, đủ thấy sự giàu sang của LX.

Tại sao kêu là cù lao Ông Chưởng?Bởi vì chính nơi đây, dòng sông Cửu Long có nhiều cồn nổi lên, lát và cây bần mọc lên, chất phù sa vun bồi thành cù lao, dân chúng tụ tập, đến sinh sống, lập nghiệp.

Thân em như trái bần trôi

Sóng dập gió dồi biết tấp về đâu?

Nhưng cũng có khi tán gia bại sản, chết chóc bởi lở cồn như cồn nhỏ ngang sân quần vợt và trại hải quân LX, được bồi đắp rộng ra trước 1975, nhưng đã tan biến mất sau 1975, do chính phủ CS bồi đất chỗ khác: Ðất bồi rồi lại lở ‘Biển dâu’ là vậy.

Cù lao mang tên Ông Chưởng là nói tới nhân vật vào giữa thế kỷ 18, ông có tước vị Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông có công dẹp giặc Cao Miên, khai phá vùng đất này trở nên trù phú, nên người dân địa phương nhớ ơn, lập miếu thờ và đặt tên Cù lao Ông Chưởng, gọi tắt chức vụ Chưởng cơ của ông lúc còn hoạt động ở đây.

Chuyện tình cảm nam nữ

Trai nhân ái, gái Long Xuyên

Thà rằng chẳng biết cho cam.

Biết rồi kẻ Bắc người Nam thêm rầu.

Thôi thì chàng hãy cùng thiếp về quê em đi, có gì ăn nấy, nghèo mà thấm đậm tình quê

Chàng ơi theo thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.

Ðể rồi cùng cùng chung vui sống trong cảnh nghèo đạm bạc đến đổi không có tôm nên phải nấu với râu tôm và không tiền đành lượm ruột bầu nấu canh,  ăn vẫn thấy ngon.

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.

Canh bầu nấu với mùng tơi

Húp vô một miếng, anh ơi em nè!

Dại gái

Anh muốn về Long An Vàm Cỏ,

Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ không đành.

Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,

 Núi kia hết đá anh mới đành xa em.

(Núi ở nầy là núi Sập, bởi vì chỉ nơi đây mới được thầu lấy đá ở đây mà thôi)

Anh thấy em nhỏ lại có hường nhan,

Chân mày em loan, con mắt em phụng

Anh đi lục tỉnh mà ưng bụng chỉ có mình em.

Thương cha thương mẹ có khi

Thương lúc đứng, lúc đi, lúc ngồi.

Thương cha thương mẹ có hồi,

Thương em lúc đứng, lúc ngồi cũng thương. 

Anh ra đi, cha đánh, mẹ rầy

Không đi thì sợ dưới nầy bậu trông.

Ra đi lội suối băng sông,

Tới đây nuôi bậu, lòng không muốn về.

Chiếc chiếu treo là ngãi,

Chiếc chiếu trải là tình

Thiên minh minh, địa cũng minh minh

Họ xa kệ họ, hai đứa mình đừng xa.‘ 

Trong những ngày bôn ba vùng sông nước Cửu Long, chúa Nguyễn Ánh đã từng khen ngợi dòng sông xinh đẹp An Giang, và đã từng sinh sống nơi đây nên Ngài cũng từng nếm hương vị đồng quê đạm bạc nơi nầy. Cho nên mới có câu:

 ‘Ðiên điển đem nấu canh chua

Thêm cặp cá nướng đến vua cũng thèm’

Ở miệt chợ Vãng (Vĩnh Long), chúng tôi không biết ăn bông điên điển, chỉ biết ăn canh chua tôm bông so đũa, rất ư là tuyệt. Chỉ miệt Long Xuyên, Ðồng Tháp, Sa Ðéc mới ăn bông điên điển cũng rất ngon, nhờ ít đắng hơn bông so đũa. Nhờ vậy mới quen nước quen cái, theo nàng về quê chứ!

Lúc còn nhỏ khi thấy cây điên điển là tôi ghét, và có ý nghĩ xấu, bởi vì chỗ nào có nó là đất xấu, làm ruộng không trúng mùa. Tôi tưởng đúng, thật ra là sai. Vì chặt cây điên điển đi, rễ nó mục rã ra nhanh lắm, làm phân rất tốt cho loại đất hết mầu mỡ nầy.

Nhân tài

  • Tạ Thu Thâu sanh tại Tân Bình LX, sang Pháp học nhưng hoạt động chánh trị, bị trục xuất về nước. Ông tiếp tục đấu tranh cho quê hương tổ quốc, ông xuất bản tờ La Lutte. Ông là thần tượng của giới thanh niên thời đó.
  • Nguyễn Ngọc Thơ, làm Phó Tổng Thống dưới thời TT Ngô Ðình Diệm.
  • Thẩm Thúy Hằng, người đẹp Bình Dương lại gốc ở Long Xuyên.

Trai thanh nhân ái

Nữ tú ở Long Xuyên

Ðặng Minh Quân: Bửu Sơn Kỳ Hương, Nghiên Cứu  Văn hóa ÐNCL số 6, trang 114