VAI TRÒ CỦA CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHAN THANH GIẢN, NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, PETRUS KÝ, GIA LONG HỒI TIỀN BÁN THẾ KỶ XX

Bài của Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN THANH LIÊM

nguồn: http://www.doanketvnch.com/nhung-nha-giao-duc-xuat-than-tu-dinh-tuong/

Nguyen Thanh LiemGiáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm sinh trưởng tại quận Bình Đại, Mỹ Tho – sau này là quận Hàm Long, tỉnh Kiến Hòa. Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, có bằng Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán, và bằng Ph.D. về Nghiên Cứu và Lượng Giá Giáo Dục, Giáo sư từng làm hiệu trưởng trường Trịnh Hoài Đức, Bình Dương và trường Petrus Ký, Sài Gòn, và là Chánh Thanh Tra trưởng ban soạn đề thi của Bộ Giáo Dục trong những năm  1965-67. Giáo sư cũng là Thứ Trưởng Bô Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Giáo sư hiện là Chủ Tịch của tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation và Trưởng Ban Biên Tập của hai tập san Đồng Nai Cửu Long và Tiền Giang Hậu Giang. Giáo sư là cố vấn của Viện Việt Học, cố vấn đặc biệt của hội Ái Hữu Petrus Ký, cố vấn của hội đồng hương Vĩnh Long, cố vấn của hội Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân, và của một số các hội đoàn khác.

Người Pháp đã đặt xong nền đô hộ của họ ở Miền Nam nước Việt (mà họ gọi là Cochinchine) từ cuối thập niên 1860. Mười năm sau đó, trường trung học đầu tiên theo kiểu của Pháp ra đời ở Mỹ Tho, đó là trường Collège de Mỹ Tho hay Collège Le Myre de Vilers mà sau này đổi thành Trung Học Nguyễn Đình Chiểu. Rồi mãi đến thập niên 1920 cả Miền Nam mới có thêm được hai nơi nữa có trường trung học. Đó là Cần Thơ và Sài Gòn. Ở Cần Thơ thì chính quyền thuộc địa cho mở thêm Collège de Cần Thơ sau này là trường Phan Thanh Giản, và ở Sài Gòn thì cho mở Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký và Collège Gia Long. Đây là những trường trung học công lập dành cho học sinh Việt Nam rất nổi tiếng trong những thập niên 1920-1940 trước khi có sự rầm rộ ra đời của những trường trung học công lập khác sau này. Những trường trung học nổi tiếng nói trên đã đóng vai trò gì đối với xã hội Miền Nam nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung vào thời kỳ trên?  Trước khi có những trường trung học đó, nghĩa là trước khi bị Pháp đô hộ, nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục cũ của Nho gia. Nền giáo dục cũ này chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa, từ chương trình, sách vở, lối học đến cách thức thi cử. Tổ chức giáo dục xưa được Dào Duy Anh ghi lại như sau trong quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương:  “Ở mỗi huyện có quan Huấn đạo, mỗi phủ có quan Giáo thụ, dạy Tứ Thư Ngũ Kinh cho học trò khá. Ở mỗi tỉnh có quan Đốc học dạy các sinh đồ cao đẳng. Ở Kinh đô có trường Quốc tử giám. Các vị học quan kể trên đều ở dưới quyền giám đốc của bộ Lễ hoặc bộ Học. Trong dân gian thì xưa nay việc học vẫn hoàn toàn tự do. Thầy học thì có thầy khóa, thầy đồ, thầy tú dạy trẻ con, cho đến bậc đại khoa không xuất chính, hay các quan trí sĩ, có người dạy đến trăm nghìn học trò”.  Trường học thì phần lớn là nhà riêng của ông thầy, hoặc ở chùa hay ở đình, miểu trong làng. Giáo dục có thể xem như là công việc của nhà nho hơn là của quốc gia, không thuộc một cơ quan công quyền với sự tài trợ và kiểm soát đôn đốc của chính phủ. Không có một hệ thống tổ chức qui mô của một nền giáo dục quốc gia gồm đủ cơ sở và nhân viên giảng huấn và điều hành từ trung ương đến địa phương, từ cấp thấp (như tiểu học) lên cấp cao (như đại học). Chương trình học thì gồm có mấy quyển Tam Tự Kinh, Sơ Học Vấn Tân, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Dương Tiết và Minh Tâm Bửu Giám ở cấp vở lòng, xong rồi lên trên thì học Bắc sử (tức sử Tàu) và Tứ Thư Ngũ Kinh. Tất cả những sách này là sách gối đầu giường của Nho gia, chú trọng hầu hết vào triết lý, luân lý, đạo đức chứ không có một ý niệm khoa học kỹ thuật nào chen vào. Phương pháp giảng dạy thì phần lớn như Đào Duy Anh tả: “thầy thì cứ nhắm mắt mà giảng chữ nào nghĩa nấy chỉ sợ sai mất nghĩa của Tống Nho”. Phương pháp học hỏi thì hoàn toàn dựa vào sự học thuộc lòng thu gọn vào trong công thức “sôi kinh nấu sử” tức là học tới học lui mãi cho đến khi nào thuộc nằm lòng Tứ Thư Ngũ Kinh và Bắc sử. Người đi học thực tập nhiều nhất là viết chữ cho thật đẹp như “phụng múa rồng bay”, làm thơ, làm phú, kinh nghĩa, văn sách, chế chiếu, biểu, câu đối, cho thật nhanh, thật khéo và thật chỉnh, dùng được càng nhiều điển tích càng hay để có thể đậu được các kỳ thi do triều đình tổ chức. (Có ba kỳ thi: thi Hương tổ chức ở một số địa phương để lấy Tú Tài; thi Hội và thi Đình tổ chức ở trung ương để lấy Cử Nhân và Tiến Sĩ). Tất cả các kỳ thi đều là thi tuyển và chỉ nhắm vào một kỹ năng của thí sinh là làm văn làm thơ dưới nhiều dạng như thơ đường luật, kinh nghĩa, văn sách, v. v… Thường thì ba năm mới có một khoa thi, và đi thi là cả một vấn đề khổ nhọc cho sĩ tử vì trường thi ở xa, đường giao thông khó khăn, phương tiện giao thông còn rất thiếu kém. Thi đậu được thì có thể ra làm quan, không thì lui về làm thầy đồ thầy khóa, “tiến vi quan, thối vi sư” vậy. [Chữ viết chính thức dùng trong các kỳ thi và trong phạm vi công quyền là chữ Nho hay chữ Hán. Nhà Nho, lúc trà dư tửu hậu, khi hứng thú bên cạnh các ả đào, hay khi buồn khổ muốn thở than, muốn giải bày tâm sự mình thì thường làm thơ, phú, hay hát nói bằng chữ Nôm. Chữ Hán là chữ Trung Hoa mà người Việt vay mượn để sử dụng nhưng phát âm khác hơn là người Tàu. Chữ Nôm cũng cùng một lối kiến trúc như chữ Hán; đúng ra nó cũng gốc là chữ Hán được các nhà nho biến cải sửa đổi để ghi âm những tiếng Việt mà chữ Tàu không có. Khi nhà nho muốn nói “thiên, địa” thì nhà nho có sẵn chữ Tàu để dùng, nhưng khi họ muốn nói “trời, đất” thì không có chữ nho nào viết ra trời đất được nên họ phải mượn và ghép những chữ nho đã có làm thành chữ mới ghi âm tiếng Việt. Chữ mới ghép đó là chữ Nôm. Chữ Hán cũng như chữ Nôm là loại chữ tượng hình, tượng ý (ideographic) nghĩa là thứ chữ vẽ ra hình ảnh hoặc ý nghĩa của chữ mà không diễn tả cách đọc. Chữ Quốc Ngữ, cũng như chữ Anh, chữ Pháp, hay nói chung loại chữ dùng mẫu tự La Tinh ghép lại là loại chữ biểu tả cách đọc (phonetic) mà không diễn tả hình ảnh hay ý nghĩa. Chữ Nôm rất được thịnh hành trong văn chương Việt Nam hồi thế kỷ XVIII và XIX nhưng không được chính thức công nhận và sử dụng trong công quyền].  Lớp người được đào tạo từ lò Nho học cũ là lớp trí thức “Sĩ Phu”, lớp người đứng đầu trong tứ dân mà địa vị xã hội đã được Nguyễn Công Trứ ghi trong bốn câu mở đầu bài hát nói Kẻ Sĩ của ông:

“Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,

Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,

Có giang sơn thì sĩ đã có tên

Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý”.

Giới sĩ phu là giới sát cạnh nhà vua, giúp vua trị nước, thuộc hàng ngũ lãnh đạo quốc gia, là bậc thầy trong xã hội, đóng vai dẫn đầu, điều khiển, hướng dẫn dân chúng trong mọi sinh hoạt bảo vệ và phát triển đất nước. Nước giàu dân mạnh hay suy nhược đói nghèo, trách nhiệm ở giới lãnh đạo, ở Kẻ Sĩ, nhà Nho. Lớp trí thức nho sĩ cũng như cái học cũ của nho gia ngự trị trong xã hội Việt Nam từ thời Lý Trần cho đến khi có sự xâm chiếm và đô hộ của người Pháp hồi cuối thế kỷ XIX trong Nam và đầu thế kỷ XX ở miền Bắc và Miền Trung. Riêng trong Nam thì vì Nam Kỳ Lục Tỉnh chỉ mới được thành hình trọn vẹn từ giữa thế kỷ XVIII cho nên sự giáo dục ở đây chưa được tổ chức rộng rãi, chưa có cội rễ ăn sâu vào lòng đất như ở chốn ngàn năm văn vật của Thăng Long – Hà Nội. Tính ra thì Nho học chỉ có được chừng một thế kỷ ngự trị ở Phương Nam. Mãi đến năm 1826 Miền Nam mới có vị Tiến Sĩ đầu tiên theo lối học xưa là cụ Phan Thanh Giản. Nhưng nền học vấn cổ truyền của nho gia này ở Miền Nam chỉ mới có chừng trăm năm thì bị sụp đổ hẳn bởi sự thất bại, suy vong của triều Nguyễn trước sức mạnh quân sự và nền văn minh khoa học kỹ thuật Âu Tây. Khi nền cai trị của chính quyền đô hộ Pháp được thiết lập xong thì cái học nhà nho cũng bị xóa bỏ để nhường chỗ cho cái học mới hay Tây Học. Trần Tế Xương hồi đầu thế kỷ XX đã phải ngậm ngùi chua xót viết:

“Cái học nhà nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi.

Cô hàng bán sách lim dim ngủ,

Thầy khóa tư lương thấp thỏm ngồi”.

Cái học mới này (tân học) diễn ra ở Miền Nam trước nhất vào cuối thế kỷ XIX sau khi người Pháp đặt xong nền đô hộ ở đây. Nền giáo dục mới này lấy giáo dục Pháp làm khuôn mẫu, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Trường học gồm có các trường công do chính phủ xây cất, đài thọ chi phí và kiểm soát, và một số trường tư của Thiên Chúa giáo hoặc của tư nhân. Hệ thống giáo dục mới này được thiết lập nhằm hai mục tiêu: (1) mục tiêu thực tiễn là đào tạo một số người biết tiếng Pháp, chữ Quốc Ngữ, và có chút kiến thức về văn minh Tây phương để làm công chức ở ngạch trật thấp phục vụ cho chính phủ thuộc địa, và (2) mục tiêu lý tưởng là đồng hóa người bản xứ biến họ thành những người Pháp về phương diện văn hóa. Một số nhà trí thức Pháp tự cho họ cái sứ mạng cao cả là đem văn minh khoa học Âu Tây phổ biến khắp nơi. Đó là sứ mạng văn minh hóa (“mission civilisatrice”) tức là đi khai hóa các nước chậm tiến, kém văn minh, kém mở mang. Người đầu tiên thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa (cultural assimilation) đó ở Miền Nam là Thống Đốc Le Myre de Vilers. Ông là người dân sự đầu tiên được cử sang làm Thống Đốc Nam Kỳ từ năm 1879 đến 1892. Các ông thống đốc trước ông đều là những người bên quân đội, nhất là bên hải quân. Để thực hiện sứ mạng văn minh hóa dân bản xứ, ông cho mở rất nhiều trường ở mỗi làng và mỗi tổng cho cấp sơ và tiểu học. Tuy nhiên vì thiếu hụt ngân sách và không đủ giáo chức cho nên nhiều trường chỉ được mở ra rồi liền sau đó lại đóng cửa thôi. Vào cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ, với dân số độ 1 triệu rưỡi mà chỉ có khoảng 5 ngàn học sinh ở các cấp Sơ học và Tiểu học. Sang đầu thế kỷ XX chế độ giáo dục mới mới được thiết lập ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ sau một vài sửa đổi theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau hồi 1906-07. Theo quyết định này thì một hội đồng cải tổ giáo dục được thành lập để đem chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp và nền tân học vào chương trình học và chế độ khoa cử mới. Các thầy đồ, thầy khóa ở xã thôn, các quan giáo huấn, đốc học ở phủ, huyện, tỉnh, phải dạy thêm chữ Quốc Ngữ cho học trò ngoài việc dạy chữ Hán như trước. Các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có có chút đổi mới từ 1909. Bài luận chữ Quốc Ngữ và bài dịch Pháp văn ra Việt văn được thêm vào các kỳ thi nhưng chỉ là môn phụ và có tính cách tự nguyện chớ không bắt buộc. Trong kỳ thi Hội và thi Đình năm 1910 có thêm bài thi cách trí, địa dư nước nhà, sử Thái Tây, nhân vật nước nhà và thời sự. Đặc biệt là bài thi được chấm điểm theo lối mới của Pháp với thang điểm từ 0 đến 20. Triều đình tựa trên thang điểm đó mà định làm 6 hạng trúng tuyển: Trạng Nguyên (20 điểm), Bảng Nhỡn (18-19 điểm), Thám Hoa (16-17 điểm), đệ nhị giáp Tiến Sĩ (từ 12 đến 15 điểm), Đồng Tiến Sĩ (từ 10 đến 12 điểm), và Phó Bảng (từ 7 đến 9 điểm). Song song với việc thành lập hội đồng cải cách giáo dục, một trường sư phạm cũng sẽ được thiết lập để đào tạo giáo viên tiểu học người Việt. Ngoài ra, trong mục đích tuyên truyền, Toàn Quyền Paul Beau cũng cho mở một trường đại học hồi năm 1907 ở Hà Nội để thu phục nhân tâm (sau khi chính quyền cho đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục và bắt giam một số nhà cách mạng). Nhưng đại học chỉ được mở ra mà không hoạt động, phải đến năm 1918, dưới thời Toàn Quyền Albert Sarraut, trường mới thật sự mở cửa. Trước đó một năm, năm 1917, chánh quyền thuộc địa đã cho ban hành một hệ thống giáo dục mới có qui cũ, thống nhất trên toàn quốc, về tất cả các phương diện tổ chức hành chánh, chương trình học, qui chế giáo chức, và tổ chức thi cử. Đến đây cái học cũ             trên toàn  toàn lui vào bóng tối nhường chổ cho giáo dục mới.  [Hệ thống giáo dục mới này, giáo dục thời Pháp thuộc, gồm có ba bậc: Tiểu Học, Trung Học và Đại Học. Tiểu học lại được phân làm hai cấp: (1) cấp Sơ Học gồm các lớp Đồng Ấu hay lớp Năm (Cours Enfantin), lớp Dự Bị hay lớp Tư (Cours Préparatoire), lớp Sơ Đẳng hay lớp Ba (Cours Élémentaire); (2) cấp Tiểu Học gồm lớp Nhì Một Năm (Cours Moyen Première Année), lớp Nhì Hai Năm (Cours Moyen Deuxième Année), và lớp Nhất (Cours Supérieur). Mỗi làng có một trường Sơ cấp. Ở tổng hay quận thì có thể có trường Tiểu học nếu ở đó có đủ sĩ số. Tại mỗi trường Tiểu học lớn (có nhiều lớp cho mỗi cấp lớp). Học sinh ở làng khi học xong lớp Ba (Sơ Đẳng) thì phải thi vào lớp Nhì Một Năm ở tỉnh. Khi học xong lớp Nhất thì học sinh phải dự thi lấy bằng Sơ Tiểu hay CEPCI (Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise). Đậu bằng CEPCI thì học sinh mới được dự kỳ thi tuyển vào Năm Thứ Nhất trường Trung Học (Collège hoặc Lycée). Đây là chương trình học theo Pháp thành ra từ lớp Nhì Một Năm trở lên là dùng toàn tiếng Pháp trong các môn học, mà phần mới mẻ, chính yếu là toán, khoa học thường thức, lịch sử, địa dư, và ngôn ngữ văn chương Pháp. Bậc Trung Học cũng chia làm hai cấp. Cấp thứ nhất là Cao Đẳng Tiểu Học (tức Enseignement Primaire Superieur, như Đệ Nhất Cấp sau này) gồm các lớp: Năm Thứ Nhất (Première Année), Năm Thứ Hai (Deuxième Année), Năm Thứ Ba (Troisième Année) và Năm Thứ Tư (Quatrième Année). Hết Năm Thứ Tư học sinh phải dự kỳ thi lấy bằng Thành Chung hay Cao Đẳng Tiểu Học tức DEPSI (Diplôme d’Études Primaire Supérieures Indochinoises). Ai muốn lấy bằng cấp Pháp thì có thể dự thi lấy bằng Brevet Élémentaire hay bằng Brevet Premier Cycle. Cấp thứ hai, tức là ban Tú Tài, gồm các lớp Seconde (như Đệ Tam hay lớp 10 sau này), lớp Première (như Đệ Nhị hay lớp 11) và lớp Terminale (như Đệ Nhất hay lớp 12). Học xong lớp Première học sinh phải dự thi Tú Tài I (Baccalauréat Première Partie). Đậu Tú Tài I mới được vào học lớp Terminale. Học xong lớp này mới dự thi Tú Tài II (Baccalauréat Deuxième Partie). Đậu xong Tú Tài II mới được vào học đại học. Hệ thống giáo dục Trung Tiểu Học thời Pháp thuộc là hệ thống 6-4-3. Sau 1945 hệ thống này là 5-4-3 thời Việt Nam Cộng Hòa. Trước 1945 chỉ có một đại học duy nhất ở Hà Nội cho toàn cõi Đông Dương (Việt, Miên, Lào)].  Các trường trung học Petrus Ký, Gia Long, Le Myre de Vilers, Cần Thơ là những trường trung học công lập được mở ra cho học sinh Việt Nam ở Nam Kỳ. Trong bốn trường nói trên chỉ có trường Petrus Ký duy nhất là lycée, tức là trường có ban Tú Tài (như trung học đệ nhị cấp sau này). Các trường kia chỉ có đến Năm Thứ Tư bậc Cao Đẳng Tiểu Học, trừ trường Le Myre de Vilers có được thêm các lớp Seconde và Première từ giữa thập niên 1940. Tuy chỉ là trường trung học nhưng vào thời gian này (1920-1945) các trường trung học là các trường cao cấp nhất trong xã hội Miền Nam, đóng vai những trường quan trọng nhất trong lãnh vực đào tạo người trí thức tân học thay thế lớp người theo nho học ngày trước. Hầu hết những người xem như hạng trí thức tân học đều có qua ngưỡng cửa của các trường trung học này. Đây là lò đào tạo những người trí thức mới thay thế cho lớp sĩ phu cũ trong vai trò dạy học và làm quan. Ở thời trước năm 1945 người có học được tới bậc trung học là kể như đã là người trí thức lắm rồi. Một số ít người học lên cao nữa thì có thể liệt vào hàng đại trí thức của xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh. Những người có học lên cao nữa thì cũng phải đi qua các trường trung học nói trên trước khi tiếp tục việc học ở Hà Nội hay ở Pháp. Giáo viên các lớp sơ cấp chỉ cần có bằng Sơ Tiểu (Certificat) là đủ tư cách để dạy ở các trường trong xã. Ở trong làng có học được đến Certificat là kể như hạng trí thức tại địa phương. Có bằng diplôme là đã có thể làm thầy giáo dạy các lớp Tiểu học của trường lớn ở quận hay tỉnh, hoặc làm thầy thông, thầy ký trong cơ quan công quyền hay và các tư sở. Có Tú Tài là có thể làm giáo sư dạy Trung học được rồi. Số người có Cử Nhân trở lên thì thật quý giá vô cùng, chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong cả Miền Nam.  Được chọn lựa vào học các trường này là thành phần ưu tú của xã hôi Miền Nam. Không mấy người được đi học ở các trường trung học này. So với tổng số thanh thiếu niên cùng lứa tuổi ở Nam Phần Việt Nam có lẽ số người được đi học ở đây không hơn một phần trăm? Xuất thân từ các trường này là những người đã từng giữ địa vị quan trọng trong xã hội, phía bên này hay phía bên kia trong các thập niên 1940 – 1970. [Phần lớn những người giữ chức vụ then chốt trong chánh phủ từ trung ương đến địa phương thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều xuất thân từ trong những trường trung học nói trên. Cứ hỏi một số tướng lãnh, kỹ sư, giáo sư, bác sĩ, chính trị gia thì thấy ngay họ phần đông đều xuất thân từ những trường trung học này. Xin đơn cử một ít thí dụ. Cựu Chủ Tịch Quốc Hội và sau đó Thủ Tướng Chính Phủ, ông Nguyễn Bá Cẩn, xuất thân từ trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Giáo sư Nguyễn Văn Trường, hai lần làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục, đã có học ở Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu trước khi sang Pháp. Tiến sĩ Trần Hữu Thế, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã xuất thân từ Collège Le Myre de Vilers và Petrus Ký. Rất nhiều tổng trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng, tổng giám đốc, giám đốc, chánh sự vụ, chủ sự phòng, ở trung ương, đến tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng, quận trưởng, phó quận trưởng, các trưởng ty, ở địa phương, đều đã xuất thân từ các trường trung học này. Tướng Lâm Quang Thi từng học Phan Thanh Giản và Petrus Ký. Phần đông các thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện Nhiệm Kỳ II, Đệ Nhị Cộng Hòa, đều đã có học ở trường Petrus Ký (đó là các ông Trần Văn Linh, Trần Minh Tiết, Mai Văn An, Trần Khương Trinh, Nguyễn Văn Biện, Trần Văn Thuận và Nguyễn An Thông)].

Giáo dục, hiểu theo nghĩa xã hội, là cách thức xã hội hóa (socializing) con người. Giáo dục có nhiệm vụ dạy cho con người biết cách sống trong xã hội, biết nền văn hóa mà con người được sinh ra trong đó để sống cho thích hợp. Cách ăn uống, lễ phép, cách đối xử, các nghề nghiệp sinh sống, phong tục tập quán, v v… tất cả đều có trong xã hội đương thời và nhiệm vụ của giáo dục (từ giáo dục trong gia đình đến giáo dục ngoài xã hội) là tập luyện cho con người thích nghi vào trong xã hội văn hóa đó. Tuy nhiên trong ba bậc học (tiểu học, trung học, và đại học) ở học đường, mỗi bậc có cách xã hội hóa khác nhau. Ở tiểu học giáo dục nhằm xã hội hóa con người ở mức độ cơ bản, nghĩa là người ta chỉ dạy những cái cần thiết căn bản của xã hội. Ở bậc trung học sự xã hội hóa nhắm vào việc thích nghi con người vào tình trạng văn hóa mà người ta muốn có. Thường khi người ta (các nhà làm chính trị, những nhà lãnh đạo) muốn có xã hội thế nào thì người ta nhắm vào lớp người vào trung học để đào luyện họ trở thành những công dân kiểu mẫu cho xã hội người ta muốn có. Những người này sẽ được xã hội hóa để bảo tồn những gì đã có. Ở bậc đại học sự xã hội hóa bớt đi rất nhiều tính cách uốn nắn mà thường có tính cách khơi động nhiều hơn. Người lên đại học phải mở rộng sự hiểu biết của mình để đón nhận những mới lạ để có thể hướng xã hội đến những sửa đổi, tiến triển, hiện đại nhiều hơn là bảo tồn những gì đã có sẵn từ trước. Các trường trung học của chúng ta cũng đóng vai trò xã hội hóa học sinh giống như bao nhiêu trường trung học khác trên thế giới. Việc xã hội hóa ở đây là thích nghi con người vào trong xã hội Miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ XX.  Thành ra nếu chúng ta cho rằng lịch sử của một quốc gia, trong một giai đoạn nào đó, không phải chỉ được viết ra bằng việc làm của một vài nhân vật lỗi lạc nào mà là được viết nên bởi số đông người dẫn đầu trong xã hội – nhất là lớp trí thức – thì chúng ta phải nhìn nhận rằng những người xuất thân từ những trường Petrus Ký, Gia Long, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản trong các thập niên 1920 – 40 là những người đã góp nhiều công lao trong việc làm nên lịch sử của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Công Hòa ở Miền Nam Tự Do vậy.