Thương xá TAX – rồi ra chỉ còn là tiếng vọng xưa…

Phan Văn Thạnh

Thời điểm tháng 9/2014,khi tôi viết những dòng này thì bên ngoài cuộc sống vẫn không ngừng ào ạt tuôn chảy về phía trước,và tôi thì bị hất ngược về phía sau … Hàng cây lưu niên trước Nhà hát thành phố đã được đốn sạch – (nghe đâu 11 cây dầu- số gỗ 36.2m3 sẽ dùng để trùng tu chùa Giác Viên, Q11 đang xuống cấp). Dáng liễu rũ quanh đài phun nước (công trường Lam Sơn), đã về tay người khác – đành thôi “Mai về hỏi liễu Chương Đài/cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”. Tôi cũng như nhiều cư dân chôn cuống nhau nơi thành phố này dễ đến 2/3 thế kỷ – ít nhiều mang tâm sự Hàn Hoành : “Chương đài liễu tích nhật thanh thanh. Kim tại phủ, dã ưng phân chiết tha nhân thủ”(*) – (Cây liễu chương đài xưa xanh xanh, nay còn không, hay là tay kẻ khác bẻ mất rồi ?)…

Trong buổi chiều vàng xuống phố thực hiện chuyến thăm dối già khu thương xá Tax, tôi loanh quanh hết tầng dưới, theo thang cuốn lên tầng trên, chầm chậm nom thật kỹ từng gian hàng, biển hiệu, hình ảnh quảng cáo. Hình hài Tax còn đó nhập nhòa nhân ảnh – nhiều thiếu nữ phơi phới xuân thì trong nhân dáng “mannequin” cứng đơ ngồn ngộn đầy sức sống đâu biết mình sắp sửa rơi rụng tàn phai !

Hơn 230 tiểu thương được lệnh ngưng tất cả các hoạt động kinh doanh để bàn giao mặt bằng trước ngày 30/9. Thương xá Tax sầm uất trong những ngày cuối với hàng hóa được đổ ra bán giá rẻ, và dòng người tấp nập đến mua hàng, nhưng cũng là để lặng lẽ cảm nhận nỗi ngậm ngùi tiễn biệt. Tôi bấm thật nhiều, thật nhiều pô ảnh – chùm đèn lộng lẫy buông từ trần xuống như những dây hoa lộc vừng, hai nhánh cầu thang lượn cong như đôi râu bướm, tay vịn sang trọng, lát gạch mosaique độc đáo, tấm băng rôn “Tạm biệt thương xá Tax” căng chính diện. Những cô hàng thật trẻ thuộc lớp hậu sinh –  tiếp thị chộn rộn chào mời sale off, các cô nào hay thế sự như Bạch vân thương cẩu(**) – Tôi đứng bâng khuâng – “Tưởng bây giờ là bao giờ/Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao” – còn đó/mất đó!

 Được xây dựng từ năm 1880, khai trương 1924 – tên gọi ban đầu của tòa nhà : Tax Grands Magasins Charner (viết tắt GMC), là niềm hãnh diện của Saigon vì sinh cùng thời với các thương xá tương tự trên thế giới như: Le Bon Marché (1852), Printemps và Samaritaine (1865), Galerie Lafayette (1896) ở Pháp; cùng năm 1865, Le Bon Marché ra đời tại Bỉ, Rinascente tại Milano(Ý), Marshall Field tại Chicago (Hoa Kỳ)…

Ngày khai trương, tờ L’Echo Annamite (Tiếng vọng An Nam, 27/11/1924), đã tường thuật: “Tối qua, khi màn đêm vừa buông xuống, một đám đông khổng lồ chen chúc trước Magasins Charner sang trọng, sáng rực ánh đèn. Kiến trúc hoành tráng này chiếm ngự góc đường chọn lọc của Saigon Hòn ngọc Viễn Đông – giống như một góc của Kinh đô Ánh sáng mọc lên trên mặt đất dưới chiếc đũa thần của nàng tiên Pháp: Société coloniale des Grands Magasins.

Những người tò mò, già trẻ lớn bé, thuộc mọi chủng tộc, mọi tầng lớp, tập hợp lại theo nhiều hàng, dưới tòa nhà rộng mênh mông, trước những tủ kính lộng lẫy hay những quầy hàng bày biện một cách nghệ thuật những món hàng hết sức đa dạng, niềm kiêu hãnh của kỹ nghệ Pháp.

Nhiều người đàn ông lịch lãm trong bộ smoking tiếp đón khách tham quan tại cửa vào với phong cách lịch sự của những thương nhân hoàn hảo. Xin mời vào, quý bà và quý ông, xin mời vào ! Ở đây có tất cả mọi thứ, cho đủ loại gu khác nhau”…

Năm1942 Charner xây thêm một tầng lầu – năm 1960 đổi tên là thương xá Tax. Nơi đây trở thành điểm hẹn mua sắm của cư dân Saigon thập niên 60 và 70, bày bán nhiều mặt hàng từ sang trọng cho đến bình dân dành cho mọi giới. Góc nhìn ra hồ liễu là quán kem North Pôle (Bắc cực), nơi gặp gỡ của bạn bè, đôi lứa rong chơi một thời.

Sau 1975, nền kinh tế bao cấp đã chuyển thương xá Tax thành nơi buôn bán của các gian hàng thương nghiệp quốc doanh: “Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố” (năm 1978), “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố”(năm 1981) nhưng người Saigon vẫn quen gọi là Tax  cho đến tháng Giêng 1998, được chính thức phục hồi tên gọi cũ(thương xá Tax).

Ngày đất nước thống nhất, người Saigon chứng kiến “thừa mứa” sự đổi thay và… bây giờ Tax có biến mất cũng vậy thôi. Nhiều ý kiến băn khoăn tiếc nuối cho một giá trị lịch sử mất đi, một phiên bản kiến trúc thời kỳ đầu thuộc Pháp bị xóa sổ. TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng : “Không cứ phải có danh hiệu thì mới trở thành di sản… Khu vực bùng binh Nguyễn Huệ và Lê Lợi, toàn bộ cảnh quan và kiến trúc của khu vực đấy nên coi là di sản văn hóa của quy hoạch đô thị. Đừng xem xét tòa nhà thương xá Tax chỉ như một nơi bán hàng hay một công trình đơn lẻ, mà phải đặt vào trong tổng thể quy hoạch chung của cả khu vực trung tâm đó thì mới thấy cái giá trị của tòa nhà… – Bất cứ một di sản, một tòa nhà cổ nào cũng luôn luôn hiện diện trong ký ức của những con người đã sống ở khu vực đó, ở thành phố đó… – nếu chỉ đánh giá thương xá Tax chỉ là một địa điểm thương mại, bây giờ đã cũ thì phá đi xây cái mới, thì vô hình chung đã xóa bỏ ký ức của rất nhiều người”.

Dự án xây mới cao ốc 40 tầng thay thế Tax, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn ở góc độ chuyên môn góp ý : Tòa nhà Grands Magasins Charner lúc mới ra đời, kiến trúc đẹp nhất, sau nhiều lần sửa sang, Tax mất đi vẻ đẹp cổ kính ban đầu chỉ còn là khối cấu trúc bê-tông bình thường – giá trị còn chăng  là tình cảm của người dân. Do đó có thể xem xét giải pháp dung hòa : vừa cải tạo,vừa xây mới.

– Trường hợp phải đập thương xá Tax đi, thì khi xây lại, cái podium cũng không được cao hơn tòa nhà khách sạn Rex. Khối tháp phải thụt vào, chứ không phải đập rồi xây một cái thiệt to ngay ngã tư thì trông rất phản cảm.

Xây mới cũng có cái lợi – phần tháp thụt vào phía sau, tháp cao thì móng cũng phải sâu, có thêm tầng hầm – bố trí là nơi đậu xe, có thể kết nối thẳng vào những tầng hầm của trạm métro sắp xây (giờ đã gần hoàn thiện 5/2022). Như vậy khi ra khỏi métro người ta sẽ đi thẳng vào nhà luôn, không cần phải đi lên công trình bên trên, giải quyết được nạn kẹt xe vào giờ cao điểm.

-Ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ từ hồi thành lập thành phố cho tới giờ vẫn là một ngã tư rất quan trọng. Hiện nay có những công trình còn giữ được tới ngày nay : trụ sở Ủy ban Nhân dân, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành, khách sạn Rex. Riêng cao ốc Vincom Center B sau những góp ý của thành phố, khi xây lại họ cũng không cao lắm, và phong cách bán cổ điển tương đối tương hợp.

Như vậy Tax cũng như góc tư còn lại, bốn góc tư này khối đế của nó tức là podium không nên xây cao quá, chừng năm, bảy tầng thôi, và trên mái nên có vườn. Khối tháp nếu muốn xây nên thụt vào, giựt thấp, chuyển từ từ. Nếu xây một cục 40 tầng to đùng thì rất phản cảm ! Phải chia thành những khối tháp chuyển tiếp dần với những mái có cây xanh.

Cái lõi giới hạn bởi tuyến đường Hàm Nghi – Nguyễn Huệ – Lê Lợi, khu vực đó có thể xây nhà cao tầng. Nhưng khu gần ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi thì không nên xây cao. Nếu muốn làm 40 tầng đi nữa thì phải xa hơn một tí, tức là khi đứng ở ngã tư này thì tầm nhìn được mở lên không bị ngăn cản ; và cây xanh tầng tầng lớp lớp chuyển lên thì sẽ nhẹ nhàng hơn….

***

Dự án giải tỏa đã được công bố, lúc này đây tôi dường như nghe được mạch đập thoi thóp của Tax – chỉ dấu sinh tồn trên màn hình máy thở co duỗi yếu ớt. Sau 134 năm chứng kiến những thăng trầm của “Hòn ngọc Viễn Đông”, Tax rồi đây sẽ hóa thân vào cuộc biến đổi vô thường – “Dĩ kiến Đông hải, tam vi tang điền”- (Đã ba lần thấy biển Đông biến thành ruộng dâu). Grands Magasins Charner – Thương xá Tax rồi ra chỉ còn là hình ảnh cũ trong ký ức cư dân Saigon ! Chỉ dám mong hiện đại hóa nhưng đừng chặt đứt với quá khứ …

Viết thêm : Đến nay thương xá Tax vẫn là khu đất trống vây tôn. Phố đi bộ Nguyễn Huệ rộng rinh bên những tòa tháp cao như hẻm núi dưới góc nhìn từ Fly cam . Bùng binh hồ cây Liễu nghe đâu đang bàn để phục hồi – hi vọng gặp lại “cố nhân”. Cuộc thế chuyển biến “dữ dội”, các bạn trẻ sinh sau 75 hồn nhiên phấn chấn – riêng lòng già Saigon mỗi bận qua đây chập chờn cơn mê hoài niệm – cảm giác trầm lắng suy tư khi thấy bình minh lên lẫn lộn trong tàn tro lịch sử  – bước chân thúc giục lùi nhanh vào bờ  – và, con sóng sau cứ thế tràn lên phía trước !

Phan Văn Thạnh

(Saigon,08/9/2014 – chỉnh sửa 23/5/22)

 (*)Tích Chương Đài,tr161; (**) Thơ của Thi hào Đỗ Phủ,tr 35 – “Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển” –Trịnh Vân Thanh – NXB Hồn Thiêng – Saigon,1966,Quyển I .