Vĩnh Long qua mấy vần ca dao

BS Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Vinh long qua ca dao 01
Cầu Mỹ Thuận do Úc xây tặng và chiếc bắc ngày xưa

Vĩnh Long là tỉnh có vẻ đẹp thanh tao, rất là hấp dẫn kỳ diệu. Nó như người con gái hiền hoà, đầu đội nón lá, chèo xuồng ba lá trên dòng sông Cổ Chiên êm đềm, không cuồng loạn gây ngập lụt, tang thương biển dâu như các tỉnh lân cận vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh,

Quyện lòng du khách gợi tình nước non.

(Thượng Tọa Thích Giác Huệ)

 Vĩnh Long đất đẹp người xinh

Ruộng vườn tươi tốt, dân tình hiền lương

 

Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh

Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm. 

Vĩnh Long là vùng đất phì nhiêu nhứt, nằm giữa sông Hậu và sông Tiền, với sông rạch chằng chịt, tạo thành một hệ thống lưu thông và dẫn thủy nhập điền thiên nhiên, nên luôn luôn được tưới mát chất phù sa mầu mỡ. Chính vì vậy mà Vĩnh Long không những là vựa lúa Miền Tây mà còn sản xuất thủy sản và hoa mầu như cá, tôm, trái cây đủ loại như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, xoài, vân vân, nuôi dân cư trong tỉnh, số thặng dư chuyển lên Sài gòn bán.

Ðứng giữa cù lao nhìn về Vĩnh Long

Những vườn cây sai quả trĩu cành

Măng cụt, chôm chôm, thanh long, xoài tượng

Những trái sầu riêng mùi ngọt thơm lừng.

(Thi sĩ Trần Hoàn Trinh)

Quan trọng nhứt là Vĩnh Long lại là vùng nổi tiếng đất địa linh nhân kiệt:

Long Hồ là xứ địa linh

Ðất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng. 

Trước kia, vào năm 1779, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, tỉnh Vĩnh Long có tên Long Hồ (Gồm có Vĩnh Long và An Giang). Vua Gia Long lập Nam Bộ (17/6/1805) với 5 Trấn, lúc đó Vĩnh Long gọi là Vĩnh Trấn gồm Vĩnh Long và An Giang. Thành phố Vĩnh Thanh đóng ở Cái Bè, sau dời về Long Hồ, tức tỉnh lỵ hiện nay.

Năm 1832, khi Nam Kỳ Lục Tỉnh được thành lập, Vĩnh Long bao gồm Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh và một phần của tỉnh Bến Tre như Chợ Lách.

Nhưng vào ngày 20.3.1862, Đô đốc Bonard đem 11 chiến thuyền cùng 2 hai pháo thuyền đổ bộ bến Ðình Khao, để rồi tấn chiếm Vĩnh Long. Ðến ngày 20.6.1867, De Lagrandière ép cụ Phan Thanh Giản nhường ba tỉnh Miền Tây. Cụ xin chờ lịnh triều đình, nhưng khi ra về thì họ đã lấy mất thành. Cụ uống thuốc tự tử vào nửa đêm ngày chủ Nhật 4.8.1867, sau 17 ngày tuyệt thực mà không chết.

Vào thời Đệ I Cộng Hòa của TT Ngô Đình Diệm, tỉnh Vĩnh Long gồm có: Quận Châu Thành, Quận Chợ Lách (nay thuộc tỉnh Bến Tre), Quận Tam Bình, Quận Bình Minh, Quận Lấp Vò, Quận Sa Đéc. Đến năm 1966 trở thành tỉnh Sa Đéc.

Sau 1975, Vĩnh Long bao gồm: Quận Châu Thành, Chợ Lách, Tam Bình, Bình Minh, Minh Đức và Trà Ôn, còn Quận Lấp Vò và Sa Đéc thuộc Ðồng Tháp.

Năm sau 1976 Vĩnh Long và Trà Vinh (Vĩnh Bình) sáp nhập thành tỉnh Cửu Long. Nhưng đến năm 1991 lại tách rời ra thành Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ.

Và hiện nay tỉnh Vĩnh Long gồm có 5 quận:  Long Hồ (Minh Đức cũ), Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình và Trà Ôn.

CA DAO

Về ca dao ta có những câu đặc trưng của nó, nỗi lòng dân gian, tình yêu, lòng yêu nước, với các địa danh mang tên sông ngòi, cầu cống, vườn cây xanh tươi tốt, trái chín thơm ngon ngọt ngào như người con gái tuổi độ trăng tròn, ăn vào mát lòng người lữ khách!

Bên kia dòng sông Cổ Chiên là cù lao An Bình, vườn cây ăn trái, cây xanh bóng mát, không khí trong lành, đẹp đẽ nổi tiếng như Cồn Tiên. Chính vì vậy mà nó thu hút nam thanh nữ tú xuống đò, qua sông dạo chơi, xem hoa ngắm cảnh tỏ tình thơ mộng của tuổi học trò, hái trái cây chín bói thơm ngon chia nhau thưởng thức… chia nhau nụ hôn đầu đời khó quên!

Cù lao An Bình vườn cây xanh mát

Dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông

Thương em chỉ để trong lòng

Biết bao ngày đợi, tháng trông mỏi mòn.

Đò đưa mấy chuyến An Bình

Lục bình còn có bạn, sao chúng mình lẻ đôi?

Anh đi Lục tỉnh giáp vòng

Đến đây trời khiến đem lòng nhớ thương

 

Anh hiếu bao nhiêu gọi rằng Hiếu nghĩa?

Em hiếu thế nào được gọi Hiếu Ân?

Chớ qua đây Trung Hiếu vẹn toàn

Như sông Cổ Thiên ngày đêm xuôi chảy chẳng màng lợi danh!

Vinh long qua ca dao 02
Ảnh: Internet

Vinh long qua ca dao 03

Ngoài ý nghĩa của chữ hiếu trong câu thơ, nó còn có cái hay nữa là gài được tên các xã của quận Vũng Liêm vào.

Lúc ấu thơ ở nhà quê, bánh tét, bánh bò, bánh kẹp, cốm dẹp… cả kẹo da trâu đen thùi lùi, vừa cứng vừa dai, cắn muốn gẫy răng mà cũng ráng nhai một cách ngon lành. Nhưng tối kỵ là ăn bánh tét nhưn mây (roi mây đánh đau lắm, ăn đòn. Trẻ con ngày nay không bị đánh đòn, nên không hề biết roi mây là gì. Thật là sướng!).

Bây giờ ở đây có biết bao nhiêu món ngon vật lạ mà không thèm, lại thèm các bánh tét, bánh bò, cơm tấm mẳn (cơm nấu bằng gạo nát). Gạo nguyên hột dành cho chủ nhà giàu, ông lớn ăn. Còn gạo nát, rớt xuống nia khi sàng. Người nghèo, làm công không tiền mới hốt, mót, đem về nấu cơm ăn. Câu này nói tới tình nghĩa thuở hàn vi nó đầm ấm thi vị sao đó:

Khi nghèo, một vợ một chồng

Một miếng cơm tấm mà lòng thanh tao.

(Ca dao)

Ðây là cách diễn tả các loại bánh, trái ngắn gọn rất tài tình khéo léo:

Bánh bò bột nếp

Bánh xếp nhưn dừa

Bánh tét nhưn đậu

Đón anh em hỏi còn kén lừa làm chi?

 

Bánh canh trắng, cọng ngắn, cọng dài

Rau tần ô, cải nhiếp liếp dọc liếp ngang

Trái dưa gang sọc vàng, sọc trắng

Trái khổ qua đắng, trong trắng ngoài xanh

Anh thương em đắp lũy, bồi thành

Sao em ở bạc, nỡ đành bỏ anh?

 

Anh đi ghe từ Vĩnh Long đi Vĩnh Mỹ

Xuống tàu thủy đi tuốt Vĩnh Bình

Trước là thăm viếng gia đình

Sau nhờ mai mối cho hai đứa mình kết duyên.

 

Châu thành Vĩnh Long      

Châu thành VL giống như một chiến lũy, một pháo đài phòng thủ. Nó như cù lao bao quanh bởi các sông ngòi, kinh rạch.

Ðèn nào cao bằng đèn Cầu Lộ

Gái nào ngộ bằng gái Cầu Kinh

Trai nào xinh bằng trai Thiền Ðức

Ngoài ra còn có tháp canh cao chót vót bởi cây da Cửa Hữu  (hoặc Cửu Hữu) lớn mọc trên mô đất cao 4-5 thước, rộng cỡ 10 thước. Từ trên ngọn cây, phóng tầm mắt thấy được địch quân từ xa.

Đèn Cầu Lầu hết dầu đèn tắt

Lửa nhà máy hết cháy còn than

Lấy chồng sao em không lựa chỗ giàu sang

Lấy chi thằng điếm dọn bàn Tây ăn?

(Thằng điếm dọn bàn là bồi bàn hay garcon (Pháp) và waiter (Anh). Câu này có ý khinh khi, chê bai, làm đầy tớ cho Tây sai).

Cầu Lầu bắt qua kinh Lò rèn. Nghe đâu xưa kia, nơi đây là chỗ chế tạo vũ khí, gươm giáo, móng thiết ngựa, vòng sắt bánh xe… Từ Cầu Lầu đưa tới Văn Thánh Miếu và Cụ Phan Thanh Giản, xuống ngã tư Nhà Đài, cua Long Hồ đi tận Trà Vinh.

Từ khi có cầu mới Khưu văn Ba, xe đò đi Trà Vinh tránh chợ VL đông người, nên chạy tắt qua cầu nầy. Nhưng về sau lại phải chạy vòng ngả ba Cần Thơ tới cua Long Hồ…

Còn cầu Lộ là cầu bằng bê tông cốt sắt do Tây xây cất năm 1935-37 bị Kỹ sư / Bác vật Lang gõ baton nghe âm thanh, biết ngay không tốt, bèn chê yếu, thế nào cũng sập. Tây sợ, sửa lại, nhưng chỉ có 23 năm sau nó sập thiệt năm 1960. Cầu đưa du khách vào tỉnh lỵ. Mỗi bên lan can có bốn cột đèn cao nghệu.

Đèn nào cao bằng đèn Cầu Lộ

Gái nào ngộ bằng gái Vĩnh Long.

Sao em lớn tuổi ở vậy chưa chồng

Anh đây muốn làm phò mã nhưng ngại lòng quá đi.

Gái Vĩnh Long

Gái VL đẹp nổi tiếng cho nên có câu sau đây:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

 

Vua Tự Đức có bà ba là Học phi Nguyễn thị Hồng, người tỉnh Vĩnh Long.

Trước kia, chúa Nguyễn Ánh cũng đã từng bôn ba nơi nầy. Về sau trong lúc bôn ba tại vùng nầy, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để có ý với cô thôn nữ, nhưng cô từ chối, mặc cho cha khuyên lơn. Phải chăng gái Nha Mân xinh đẹp là do các mệ tụ tập về đây sinh con đẻ cháu xinh đẹp, cho nên gái Nha Mân mới đẹp mê hồn?

Chợ ngã ba gọi là Cái Cá

Chợ ngã tư là chợ Nhà Đài

Thương em anh nói thiệt cho rồi

Chớ anh đừng đưa đẩy, kéo dài không nên!

 

Ai về Cái Cá hái lá rau mơ

Thương em chín đợi mười chờ

Biết người có đáp lại hay hững hờ với ai?

 

Đường đi từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh

Đoạn đường liên tỉnh VL-TV chỉ có ngoài 60 cây số, nhưng có rất nhiều địa danh, cầu cống sông ngòi. Chúng mang những tên  quen thuộc nối liền với những đặc sản, trận chiến để đời trong sử xanh…

Chèo lên Mang Thít, chèo xuống Phú Liêm

Thấy em đẹp nết có duyên

Anh đây ưng ý, cha mẹ đôi bên thế nào?

(Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày)

Hiện nay, hai nơi nầy trực thuộc tỉnh Bến Tre.

Chợ Ba Kè bán cá

Chợ Giồng Ké bán lươn

Gặp mặt nhau đây mới biết sống còn

Hồi năm Thìn bão lụt tưởng đâu chết đã khóc mòn con ngươi.

Anh đi khắp cả miệt giồng

Trở về Nước Xoáy mà lòng nhớ ai?

(Nói tới vùng Gò Ân Nước Xoáy)

Anh ở bên kia làng Mỹ Lộc

Em ở bên này làng Hậu Lộc

Chỉ cách trở một con sông

Làm ruộng chung ở một cánh đồng

Hiểu nhau từ chân tơ kẻ tóc

Sao anh ngại ngùng chẳng tính chuyện nợ duyên!

Ở đời hễ gặp cơ hội, vận mệnh hay duyên phận đến thì nắm lấy, nếu không thì đừng hối tiếc :

Vinh long qua ca dao 04

                                                                     Vinh long qua ca dao 05

Bơi xuồng qua kinh Mới,

Bơi dọc kinh Ngang

Em thương anh ăn nói dịu dàng

Trách anh không mai mối, để lỡ làng đôi ta!

 

Bắt lươn đừng bắt đằng đuôi

Nắm đuôi để sẩy, ai ơi chớ hòng

Cho hay hạnh phúc vợ chồng

Từ trong hạnh phúc giống dòng mà ra.

Ở đời có nhiều trớ trêu, duyên số kỳ cục lắm, hễ mình chê thứ nào, trời cho thứ đó. Ngay cả ở đây mấy bà, mấy ông lớn tuổi nghe tới mắm kho, mắm chưng, mắm nêm… là chắt  lưỡi hít hà, thèm chảy nước miếng liền.

Bậu chê qua ở rẫy ăn còng

Bậu về ở chợ ăn ròng mắm nêm

Bây giờ biết rõ đừng than

Hồi nào nhứt quyết xuống Cái Ngang lấy chồng?

 

Bờ tràm ngay thẳng

Sao anh dậm cẳng kêu trời

Chiếc Cầu Đôi còn có nhịp

Sao anh chẳng kịp có lời mối mai.

Bước lên ba bước lại ngừng 

Tuổi em còn nhỏ chưa từng làm dâu!

Thò tay hốt ổ chim sâu

Thấy em côi cút giữ trâu một mình.

Phải chi anh hoá đặng hai mình

Để vô giữ thế cho bạn mình nghỉ ngơi!

Phải chi anh hóa đặng con dơi

Bay lên đáp xuống giỡn chơi trái đào.

Người con trai đưa lời trêu ghẹo sổ sàng, người con gái khôn ngoan, lanh lợi phải biết tránh né, từ chối khôn khéo như van xin kẻo bị lừa bịp bèn rào chận họng tên sở khanh như vầy:

Anh ơi đừng vạch vách phá rào

Vườn em mới tạo, trái hồng đào còn non.

Trời cao hơn trán,

Trăng sáng hơn đèn

Kèn kêu hơn quyển,

Biển rộng hơn sông,

Anh đừng thương trước uổng công,

Chờ cho thiệt vợ, thiệt chồng hãy thương.

Trời mưa nhỏ giọt ướt bìm bìm,

Tại anh ở bạc em mới tìm nơi xa

Trông lên trời, trời cao vằng vặc,

Ngó xuống đất, đất rộng thênh thang,

Thương em nhưng sợ lỡ làng,

Nhà cao cửa rộng, em đâu màng tới anh.

Áp dụng văn chương vào ca dao:

Nhiều người nhà quê lục tỉnh, không biết chữ nghĩa, nhưng họ thuộc nằm lòng truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Họ nằm võng kẽo kẹt nghêu ngao mấy vần thơ như ngâm thơ tao đàn cho bà con lối xóm nghe chơi.

Kiến bất thủ như tầm thiên ý

Thương không thương tự ý của mình,

Đừng như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.

Bùi Kiệm là tên sở khanh trong chuyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Ðình Chiểu. Anh này học hành không ra gì, thi thì rớt, nhưng tài dê gái thì số một. Ở Miền Nam hể nói Bùi Kiệm rồi, là nói đã thi rớt rồi!

Lòng dặn lòng ai dụ dỗ đừng xiêu

Giá như Kim Trọng với Thúy Kiều thuở xưa

Tình thương làm cho người ta ích kỷ lúc nào cũng thương nhớ và bo bo muốn giữ mãi làm của riêng. Lúc nào cũng sợ bị người ta bỏ rơi, chạy theo tiền tài, danh vọng…

Chợ Trà Ôn nay dời mai đổi

Chợ khi hợp khi tan

Xin ai trọng nghĩa đá vàng

Chớ tham quyền quý, để đôi đàng cách xa.

 

Chợ Thới Khánh bán toàn lúa gạo

Chợ Mỹ An mua sáo, bán nhồng

Sao em ở vậy chưa chồng

Anh nguyền ở vậy cho trọn lòng thủy chung.

 

Bước xuống ruộng sâu, mãn sầu tấc dạ

Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng

Trách ai làm lỡ chuyến đò ngang

Làm cho cạn nước, thiếp chàng biệt ly.

(Cho sông cạn nước, cho đôi đường cách xa).

Canh bầu nấu với tép khô,

Dẫu thác xuống mồ ngồi dậy đòi ăn.

 

Buổi chợ đông con cá lóc đồng chê lạt,

Buổi chợ tàn con cá sặc cũng mua.

Chiều chiều nhớ xóm Cây Điều,

Nhớ qua Rạch Lá, nhớ về Lông Công.

Thương em Rạch Bứa chưa chồng,

Anh trai chưa vợ sao nặng lòng nhớ ai?

 

Chiều Hựu Thành mưa sầu mù mịt,

Tối Thới Hòa gió thổi hiu hiu.

Anh thương em ruột thắt chín chiều,

Ngày sáu khắc ra vào không thấy.

Anh thương em hổng biết mấy,

Vắng em, anh ướm mấy vần châu.

 Anh với em như lá sao bầu,

Ngủ đêm nào anh cũng nhớ đến em!

Có tình nhân đi học xa, như ở vườn ra tỉnh, hay học giỏi thi đậu vào trường trung học Cần Thơ, Mỹ Tho hoặc Petrus Ký trên Sài gòn cũng ngại lắm, vì lớ quớ là mất bồ như chơi. Cho nên phải nhắc chừng chừng, bởi vì ở đó có nhiều thiếu nữ văn minh tân thời, trẻ đẹp duyên dáng cám dỗ, thu hút hết hồn xác… vì Xa mặt cách lòng hay Loin des yeux, loin du coeur:

Chim chuyền trên ngọn cây bông

Cám cảnh thương chồng đi học đường xa

Đường xa ba tháng mới về

Chàng ơi, giữ vững lời thề cùng em.

Phải lo vì:

Ðường Sài gòn cong cong quèo quẹo

Gái Sài gòn không ghẹo mà theo.

Chùa chiền, đình miếu Vĩnh Long

 Đình Khao ơi hỡi Đình Khao

Nhớ em đứt ruột, tính sao bây giờ?

Có thương em anh ráng đợi chờ

Cây cầu Đình Khao sẽ bắc, em đứng bên bờ đón anh.

Đình Khao là cái đình nằm bên bờ sông Cổ Chiên. Nơi đây thờ các Ðại học sĩ.

Chùa Phước Hậu

Anh xa em chưa đầy một tháng

Nước mắt lai láng, hai tám đêm ngày

Bao giờ cạn rạch Thầy Cai

Nát chùa Phước Hậu em mới sai lời nguyền.

 Vinh long qua ca dao 06

Chùa Phước Hậu là chùa nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long. Chính nơi đây, Hòa thượng Thích Thiện Hoa trụ trì từ 1961 tới 1972, trước khi ông về Viện Hóa Đạo ở Sài gòn.

Chùa A Di Ðà hay Tiên Châu ở cù lao An Bình, ngang bến phà, đối diện với dinh tỉnh trưởng và Bangalow.

Tịnh Xá Ngọc Viên

Tịnh xá được xây cất vào năm 1948, tại xóm chài, ngã ba Cần Thơ, gần Lăng Ông (thờ cá Ông). Ðây là di tích khai hóa nền Phật giáo khất sĩ Việt Nam của Tổ sư Minh Ðăng Quang.

Vinh long qua ca dao 07
Văn Thánh Miếu

Văn Thánh Miếu là công trình xây cất từ 1864-1868 của cụ Phan Thanh Giản. Nơi đây thờ Ðức Khổng Tử, bực thầy muôn thuở, ‘Vạn thế sư biểu’, cũng có bốn đệ tử ruột là Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử và Tư Tử. Kế bên có Văn Xương Các thờ cụ Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông và các đại thần, các đại học sĩ. Theo nhà văn Sơn Nam thì phong trào Ðông Du hay Duy Tân cũng lấy cơ sở tại đây, dấy động phong trào dân tộc.

 

Chung tình

Tình yêu như ma quái, nó len lén đến lúc nào không biết. Nó xâm nhập vào tâm hồn lúc nào cũng không hay. Hể bị nó xâm nhập vào tâm hồn rồi, dầu người khôn kẻ ngu, người giàu kẻ nghèo gì cũng khờ dại, say mê không tránh nổi nhớ nhung. Nó như có ma lực làm cho người ta mê muội, cuồng si, gây lỗi lầm, phạm pháp, có thể tự sát chớ phải chơi!

Đồng ruộng xanh

Gò má em đỏ

Cặp mắt đen huyền

Cái miệng hay cười chúm chím núng đồng tiền

Có phải thương anh, em ừ một tiếng anh chết liền cũng vui

Vinh long qua ca dao 08
Nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long

Cô nầy hết sức là thẳng thắn và can đảm dám thố lộ tâm tình:

Em thương anh công khai, không còn sợ lộ

Dầu cho dao phay kề cổ

Dầu cho cha mẹ đánh trăm roi

Chết thì chịu chết, lìa đôi không lìa!

 

Em mặc áo bà ba đen

Nước da em trắng

Đôi má ngấn đồng tiền

Đêm nằm anh thao thức

Năm canh liền nhớ em!

 

Gặp anh đây lòng mình phơi phới,

Cẳng bước tới, miệng nọ liền chào

Anh ở làng chi, tổng chi?

Nói cho em rõ đặng em vào làm quen.

 

Kinh Ngang nó nhớ kinh Xuôi

Anh biết em chòm xóm lâu rồi

Như con sông Cổ Chiên thầm lặng

Cảm thương người có chồng xa xứ biệt tăm?

 

Lên Sài Gòn phải qua sông Mỹ Thuận

Có thương không sao em lựng bựng không chịu trả lời

Năm đợi năm, tháng đợi tháng, anh hỏi ông trời ổng làm thinh!

 

Nước chảy re re con cá he xòe đuôi phượng

Cả tỉnh Vãng Long này anh đành bụng một mình em!

(Vãng tức Vĩnh, chợ Vãng là chợ Vĩnh Long, vì ngày xưa ông bà hay kỵ húy, nên tránh dùng chữ đụng tới dòng họ vua chúa…)

Nước trong xanh chảy quanh Cầu Vĩ

Trách lòng chàng không nghĩ đến em.

Sông Cái Cá không rộng không dài

Trăm năm xuôi chảy miệt mài

Tiếc cho người nghĩa thiếu ông mai dẫn đường.

Tấm trấn Vĩnh Long đứt tòng, còn tụi

Anh cưới vợ khác tổng, xa làng sở hụi bao nhiêu?

 

Tiếng anh chữ nghĩa đã già

Em đố anh phụ mẫu cất nhà

Cây cột đực ở đâu?

– Em hỏi anh đây phải trả lời

Cây cột đực nằm trên cây cột cái

Điệu hát hữu tình, ai hỏi trái như em?

Tinh thần mộc mạc chất phát của người dân quê thể hiện qua mấy câu ca dao sau đây. Nó nói các món ngon đặc sản Vĩnh Long mà quý vị thấy nhiều nhứt ở Bắc Mỹ Thuận: Chuột đồng.

Rau đắng nấu với cá trê,

Ai đến lục tỉnh thì mê không về.

Nhưng nếu về đồng quê nó còn chứa nhiều chân tình không gì bằng:

Bắt con cá lóc nướng trui

Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.

Cũng chưa thắm thía nhớ đời bằng:

Cần chi cá lóc cá trê,

Thịt chuột thịt rắn còn mê hơn nhiều.

Và mến bạn tâm giao cho đến hết mức, cũng có thể:

Ðến đây thì ở lại đây

Bao giờ bén rễ, xanh cây lại về.

Tình cảm

Học trò mà hể sa ngã vào đường tình ái thì chỉ có ngậm ngùi đèn sách, chớ không mong được thành công:

Học trò ba chữ lem nhem

Thấy gái mà thèm ba chữ trôi sông

Bởi vì

Giở sách ra lụy sa ướt sách

Quên chữ đầu bởi vì nỗi xa em

Ðắng khổ qua, chua chanh giấy,

Dầu ngọt thế mấy cũng tiếng cam sành

Giặc Lang Sa đánh tới Châu Thành

Dù ai có ngăn cản dạ anh không đành bỏ em.

 

Khăn mùi xoa, tặng em cái trắng,

Em tặng anh cái xanh,

Về nhà phụ mẫu hỏi, em phải nói cho rành,

Tiền em cấy mướn, gởi chợ Châu Thành mua khăn.

Khế với chanh cùng chua hơi ngọt

Mật với gừng, mật ngọt gừng cay

Cùng xóm nhau, hai ta hiểu biết lâu dài

Phụ mẫu em ừ một tiếng ông mai đến liền

 

Khổ qua xanh, khổ qua trắng 

Khổ qua mất nắng khổ qua đèo

Anh thương em chẳng ngại giàu nghèo

Cách mấy sông anh cũng lội, mấy bưng bàu anh cũng qua

 

Có cô đánh bóng thêm hương cho mấy lang ta, nghe cũng hay! 

Khoai lang chấm muối ăn bùi,

Lấy chồng thầy thuốc, thơm mùi xạ hương.

Trèo lên chót vót ngọn gòn,

Thấy em gò má trắng, mặt tròn anh muốn hun.

-Thân em tay lấm, chân bùn

Mặt em khét nắng mà anh hun nỗi gì?

 

Lòng yêu nước

Dân VL rất nghĩa khí. Thấy chúa Nguyễn Ánh lẩn tránh Tây Sơn, trú ngụ nơi đây, nên đã giúp đỡ. Chính vì vậy, sông Man Thít từng chứng kiến trận đánh dữ dội giữa quân của chúa Nguyễn và Tây Sơn Nguyễn Huệ.

Vĩnh Long là cái nôi của những cuộc cách mạng. Sau khi Tây chiếm nước ta, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để bôn ba bên Nhựt về cổ súy phong trào Đông Du cũng lẩn lút nơi đây. Nhiều văn nhân, đại điền chủ cho con du học, đóng góp bạc tiền. Nổi tiếng nhứt là Ông Trương Duy Toản: nhà thơ, soạn giả tuồng và bầu hát cải lương.

Trong lúc nơi nơi cả thành phố lớn Sài Gòn còn mơ màng tham danh trục lợi, thì:

Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán,

Chợ Vĩnh Long lập quán cầu hiền.

Hơn thế nữa mới đủ cho thấy lòng yêu nước của người dân nơi đây, đã sôi động lên cao đến chừng nào:

Hễ ai dám chống Lang Sa,

Của tiền ủng hộ hết nhà cũng vui.

Nổi tiếng nhứt là nghĩa quân của Ðốc binh Lê Cẩn giết chết tên tham biện, tức tỉnh trưởng Tây đầu tiên là Alex Salicitti. Cho nên có câu :

Anh đi đánh giặc Lang sa

Ðể thiếp ở nhà lo tần lo tảo

Chén cơm manh áo, nhà cửa ruộng vườn

Ðể anh lên ngựa đề cương

Thiếp về mặc thiếp liệu lường nuôi con.           

Còn nữa :

Có chồng đi lính nghĩa quân

Dầu nghèo dầu cực vẫn thương mình ai ơi.

Lấy chi cái lũ báo đời

Chuyên nghề bán nước, phá đời

Nước mất nhưng còn dân

Mai mốt dân đòi lại

Non nước này của dân’

Cụ Phan tiếp

Nước của vua nhưng vua để mất

Dân đòi lại trên tay giặc là nước của dân chớ của ai ?

(tuyệt quá, đúng với thời thế hiện nay, nhưng không biết dân bây giờ có đứng lên làm nên lịch sử như ngày xưa hay không?)

Bà Ðồ châm thêm:

Nghĩa Trị đến tao đàn

Lo đời hay vấn an ?

 Cụ Nghĩa đề nghị hay ta làm thành bài thơ ngũ ngôn?

Cụ thêm :             Tình người tình tổ quốc

Cử Trị :                Nợ thế nợ giang san

Bà Ðồ :                Ðuổi giặc nên dùng võ

Cử Trị :               Rèn lòng phải dụng văn

Cụ Nghĩa:            Võ văn cùng hoạt động

Cụ Trị:                 Toàn diện vượt nguy nan.

Gia Ðịnh có nhóm Chiêu Anh Các gồm có thi nhân : Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Ðức và Lê quang Ðịnh. Hà Tiên Rạch Giá có nhóm của Mạc Thiên Tích và Nguyễn Cư Trinh. Cần Thơ có nhóm Tao Ðàn ở Bình Thủy do thi sĩ Bà Ðồ chủ trương.

(Theo: Tưởng nhớ ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) của Hàng Lâm Nguyễn Phú Thứ, ĐN&CL số 1, tr 263-287)

Ðịa linh nhân kiệt

Long Hồ là xứ địa linh

Ðất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng.

Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, cho nên tại đây phát xuất những anh tài đất nước. Ngoài Đại học sĩ Phan Thanh Giản ra, còn có

  • Nguyễn Cư Trinh, có biệt tài kinh bang tế thế, lại là nhà thi sĩ viết ra quyển ‘Truyện sãi vãi’, để nhắc nhở bổn phận và nghĩa vụ hầu lo cho dân cho nước.
  • Quốc công Tống Phước Hiệp,
  • Nguyễn Thông,
  • Phan Văn Trị, cử Trị vì ông đã đỗ Tiến sĩ
  • Châu Văn Tiếp, nổi tiếng trong trận thuỷ chiến ở Mân Thít giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn. Ông nổi danh nhứt là một trong ‘Tam hùng Gia Ðịnh’ (Ðỗ Thành Nhân, Châu VănTiếp và Võ Tánh)
  • Còn có nhà bác học, Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký , người đã thông suốt trên 10 thứ tiếng. Ông cũng tận lực cùng cụ Phan Thanh Giản điều đình Pháp, cũng bị mang tiếng xấu thân Pháp. Oan ôi ông địa!

Chính cụ Petrus đã làm rạng danh nền văn học quốc ngữ mới mẽ mà ta học hiện nay. Không những cụ là nhà Bác học uyên thâm, mà còn là nhà thực vật học, biết đem giống cây trái quý từ Mã Lai về quê trồng, mà ngày nay mới có mà ăn và sản xuất lên Sài Gòn như: xoài riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, để làm giàu cho tỉnh nhà. Ðúng là nhà bác học có tâm hồn và trí óc sáng tạo hơn người.

Ngoài ra còn nhiều nhà hảo tâm, làm từ thiện nổi danh nhứt cả ba miền như bà Trần Thị Thọ được vua Khải Ðịnh tặng Kim Bảng:

Háo Nghĩa Khả Gia’  (Theo Vĩnh Long xưa, Huỳnh Minh)

Dân Vĩnh Long rất hiếu học, cho nên có nhiều nhân tài, đã rạng danh nhờ  có quan đốc tỉnh Nguyễn Thông, khuyến kích học tập. Vì vậy cả nước có 260 cử nhân thì Vĩnh Long chiếm hết 56 vị.

Về văn nghệ phải nói đến Út Trà Ôn, cô Bảy, Trương Duy Toản, soạn giả và chủ gánh cải lương.

Vĩnh Long còn có năm người con xuất thân từ làng Long Hồ trở thành anh kiệt lưu danh trong lịch sử, đã từng làm thủ tướng cho đất nước trước và sau 1975 :

  • Trần Văn Hữu thời kỳ Bảo Ðại
  • Nguyễn Văn Lộc thời Ðệ Nhị Cộng Hòa
  • Trần Văn Hương, Ðệ Nhị Cộng Hòa và Tổng thống vào giờ chót.
  • Mai Hữu Xuân, Tướng VNCH
  • Tam Mộc, Mai Lan Quế, NV
  • Hồ trường An, Trần Long Hồ, NV
  • Thụy Vũ, NV
  • Kiệt Tấn, Lê Tấn Kiệt, NV
  • Hứa Hoành, Biên Khảo
  • Nguyễn Văn Trường, GS ĐH Huế, Tổng Trưởng GD
  • Lê Minh Trí, GS Tổng Trưởng GD
  • Phan Khắc Sửu, Quốc Trưởng 1964-1965
  • Phạm Hùng
  • Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm)

(Theo Người Vĩnh Long : Ngũ Hổ Trấn Long Hồ, DN&CL Q1, 2007, tr 256)

Vinh long qua ca dao 09Vinh long qua ca dao 10

Cụ  Phan Thanh Giản làm đại thần ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, tuẫn tiết để tỏ lòng trung quân ái quốc, sau khi bị De Lagrandière ép ký Hòa ước, giao ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên ngày 20/06/1867.

Trước khi tuẫn tiết, cụ làm bài thơ tuyệt mệnh như sau :

 Trời thời, đất lợi, lại người hòa,           

 Há dễ ngồi coi phải nói ra.

Lăm trả ơn vua đền nợ nước,

Đành cam gánh nặng, ruỗi đường xa.   

Lên ghềnh xuống thác, thương con trẻ,

Vượt biển trèo non, cám phận già.

Cũng tưởng một lời an bốn cõi,

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.

Cái hay là họ là nhà khoa bảng lại không vì danh lợi mà làm quan. Trong thời gian đi sứ ở Âu Châu, cụ Phan nhận thấy được nền văn minh, khoa học kỹ thuật Tây Âu tiến bộ vượt bực, cụ dưng sớ xin canh tân xứ sở nhưng bị đồng bang bác bỏ, ghi lại qua mấy câu thơ sau đây.

Từ ngày đi sứ đến Tây kinh,

Thấy việc Âu Châu luống giựt mình.

 Nhắn nhủ đồng bang mau tỉnh dậy,

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin !

Gương đời sáng tợ sử kinh,

Trai ngay thờ chúa, gái trinh thờ chồng. 

Trước khi chết cụ khuyên các con của cụ đừng theo Tây mà nhập vào nghĩa quân. Ðó là  Phan Tôn và Phan Liêm.

Nếu có chi sơ xuất, xin chỉ giáo để sửa lại. Cám ơn quý vị.

Cám ơn anh bạn thân vui tánh quá cố, Trương Văn Tài đã giúp cho mấy vần ca dao trên.

Sách đọc

  1. Huỳnh Minh: Vĩnh Long Xưa và nay
  2. Nam Sơn Trần Văn Chi: Nhân vật Miền Nam một thời vang bóng.
  3. Phạm Văn Sơn: Việt sử toàn thư.
  4. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản.
  5. Vĩnh Long địa linh nhân kiệt.