Tháng tư và nỗi nhớ

Ái Khanh

Ngày 30 tháng 4, tôi lại về thăm ngôi nhà cũ như đã từng bao năm, cứ đến ngày 30 tháng 4 như một thói quen, như một quán tính, tôi luôn dành riêng một ngày đó cho riêng tôi. Tháng 4 của mùa hè, “Mùa hè đỏ lửa” như tên một cuốn sách về chiến tranh của nhà văn mặc áo lính nỗi tiếng Phan Nhật Nam, tên quyển sách đặc biệt đã làm tôi phải để dành tiền mua cho bằng được khi đang học lớp 12 và chuẩn bị thi tú tài IBM năm 1975. Quyển sách đã đọc nhưng kỳ thi tú tài IBM đã không có và không bao giờ có vì cái ngày 30 tháng 4.

Thật kỳ lạ, tại sao tôi không nhớ nhiều hay nhớ rõ những kỷ niệm vui từ tuổi ấu thơ đến tuổi tóc đã đầy màu “sương trắng miền quê ngoại”. Mà tôi lại nhớ toàn những kỷ niệm buồn, không những buồn mà còn đau lòng đến uất nghẹn. Ai đó đã nói ngày 30.4.75 có triệu người vui và cũng có triệu người buồn. Tôi là một trong số triệu người buồn đó. Một nỗi buồn chung của bao nhiêu người. Nỗi buồn đó muốn quên cũng khó quên vì nỗi đau lớn quá và thời gian vẫn lần lượt theo chu kỳ “đến hẹn lại lên” để đến mốc tháng tư và ngày 30 đầy ám ảnh…Và rồi năm nào cũng vậy, tôi luôn quay về ngôi nhà cũ, nó nằm tận trong hẻm sâu, tôi cũng vui mừng khi cái tên con đường cũ vẫn còn hiện diện, nó chưa bị mất tên hay bị thay tên đổi họ, con đường Bến Vân Đồn đầy kỷ niệm thân thương của tuổi thơ tôi, nó vẫn còn tên nhưng thay đổi nhiều quá, nhiều đến mức khi trở về thăm lại nơi chốn xưa tôi vẫn không thể hình dung ra bến đò Cầu Kho nó nằm ở đoạn nào của con đường, cái bến đò ngang ngắn ngủn hồi đó đi học tôi vẫn phải đi qua đò để rút ngắn đoạn đường đến trường Petrus Ký khi phải đi bằng xe “lô ca chân” một quãng đường khá xa mà tôi không có nỗi cái xe đạp để đi vì là con nhà nghèo (nhắc lại bỗng thấy tội nghiệp con bé nữ sinh là tôi, chiều nào cũng hối hả đi bộ đến trường)

Với 48 năm dài đăng đẵng mà tôi cứ tưởng như mới vừa hôm qua, về lại con đường xưa, con hẻm xưa…ôi trời bao nhiêu kỷ niệm tràn về theo mỗi bước chân khi đi vào con hẻm cụt quanh co nhiều chỗ quẹo, những người hàng xóm năm xưa cũ không còn bao nhiêu, thậm chí tôi còn mơ mơ hồ hồ khi gặp lại những người quen ở độ tuổi “sống qua ngày chờ qua đời” tôi nhớ lại họ một cách khó khăn vì tôi đã xa nơi chốn cũ từ năm 1976 và những lần về thăm nhà chỉ là những lần về vội vàng và đi trong vội vàng. Những năm tháng sau ngày 30.4.75…nhìn ai cũng tội nghiệp, nhìn ai cũng “mình hạc xương mai” gầy gò đến mức má hóp vì phải ăn cái món lương thực có cái tên rất “dễ kêu là bobo” đã làm má ai cũng hóp vô vì bị nhai quá nhiều mà nó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” khi đi vào bao tử cho xong nhiệm vụ “đã ăn cơm”. Nhớ lại mà thương thân mình thương phận người trong những năm tháng bĩ cực sau ngày triệu người vui triệu người buồn đó.

Con hẻm nhỏ ngoằn ngèo đã thay đổi nhiều quá, nó bỗng hẹp đi khi bây giờ tấc đất là tấc vàng ở đất Sài Gòn lệ nhiều hơn hoa này. Dân tứ xứ về đây sao nhiều quá, hàng xóm cũ của tôi đâu mất hết rồi??? Họ đã đi về miền đất hứa nào có thật không hay chỉ là  một con đường lành ít dữ nhiều? Đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm có những đôi mắt xa lạ tò mò nhìn tôi, họ là dân lao động tứ xứ nhập cư về hẻm tôi và tôi một cư dân gốc gác ba đời nơi đất Sài Gòn bây giờ chỉ là người cũ về thăm nơi chốn cũ và thấy đau đáu một nỗi buồn âm ỉ bấy lâu trở đậy trong lòng mình khi tâm trí quay về miền quá khứ với những êm ấm an vui dù nghèo bên mái ấm gia đình trước ngày 30.4 ngày của triệu người vui triệu người buồn.

Ngôi nhà cũ của tôi đó, đã mất đi con rạch nhỏ nước trong xanh mát lạnh vào những mùa hè oi, con rạch ngày xưa mỗi khi nước cạn chỉ còn một dòng nước nhỏ ngoằn ngèo, con rạch mà tôi từng xăn quần lội xuống để xúc cá bảy màu cho bầy vịt màu lông trắng nõn ăn tạp suốt ngày, rồi những hàng dừa xiêm bao quanh ngôi nhà mái ngói âm dương của ông bà nội đã biến mất như chưa từng có, cây cầu đan bắc qua con rạch để vào nhà cũng chỉ còn trong nỗi nhớ…cây ổi xá lỵ mùi thơm ngọt ở bờ rạch cũng đã mất tăm….tất cả đều biến mất như cái tên Sài Gòn của tôi đã mất tên mãi mãi.

Một số sông, rạch ngày xưa đã bị lấp đất để xây nhà cửa san sát, nhà nào còn được một khoảnh sân để gọi là sân coi như nhà đó rất may mắn khi còn thừa chút đất để làm sân. Nhà ba má tôi là một trong rất ít những ngôi nhà nơi hẻm nhỏ còn được khoảnh sân để vài chậu bông kiểng cho có màu xanh  cây lá, trồng thêm một cây mai để kỷ niệm khoảnh sân ngày xưa ông bà nội tôi có cây mai già cứ mỗi mùa tết đến các chị em tôi xúm nhau lặt lá mai mệt nghĩ…cái câu “Thương hải biến vi tang điền” sao mà đúng quá, sông rạch biến thành đất bằng lúc nào không biết. Cũng như tôi về thăm lại ngôi nhà cũ mà cứ ngỡ mình đi lạc vì mọi thứ thay đổi đến không ngờ.

Tháng tư về thăm lại ngôi nhà xưa, trầm mặc bao nhiêu nỗi nhớ thương, cuốn phim kỷ niệm quay chầm chậm lại trong trí nhớ đã đến tuổi quên nhiều hơn nhớ….nhưng quên gì thì quên, tôi vẫn không thể quên buổi chiều 30 tháng 4 năm 1975, sau buổi sáng 30 đầy hoang mang sợ hãi, cuối buổi chiều tôi mới dám bước chân ra đầu hẻm, đứng bên lề đường gần chợ Cầu Dừa và nhìn thấy bao ánh mắt tuyệt vọng xung quanh mình, nhìn thấy những người thanh niên ngồi trên xe jeep mui trần đang chạy rầm rập trên con đường Bến Vân Đồn nhỏ hẹp của tôi, họ hô to các khẩu hiệu, tay cầm súng giơ cao, tay phất lá cờ nửa xanh nửa đỏ …lúc đó tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc vì tôi đã biết một sự thật hiễn nhiên Sài Gòn của tôi không còn nữa, miền Nam thương yêu của tôi không còn nữa…

Và kể từ buổi chiều 30.4 ngày đó đến nay, mỗi tháng tư về luôn làm lòng tôi chìm đắm trong ngàn nỗi nhớ thương mọi thứ của ngày xưa.

Ái Khanh (Petrus Ký 69-75)