Sinh Hoạt Xã Hội trường Petrus Ký
Kỳ 1: Cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Hester (tháng 10, 1971)
Võ Phi Hùng (PK 1967-1974)
“Tuần lễ cứu lụt diễn ra sôi nỗi ác, số tiền tổng cộng mỗi ngày tăng lên như diều.”
Lời văn trên được trích dẫn từ tường trình của khối Xã Hội trong mục Sinh Hoạt Trương Vĩnh Ký do Ký Ròm ghi lại trong tờ báo Xuân Petrus Ký 1972.
Phần tin trên quá ngắn, không đủ chi tiết để người đọc am hiểu. Không rõ đây là khiếm khuyết của anh em trong khối Xã hội hay Báo chí trong việc tường thuật. Nếu muốn biết là quyên tiền cứu trợ cho đồng bào ở đâu, do trận bão lụt nào gây nên, vào ngày tháng nào, thâu được bao nhiêu tiền, mua những tặng phẩm gì thì lại không thấy nói. Quả là sự thiếu sót và vô tình của người trẻ ham nô đùa, như câu nói cà rỡn của anh Ký Ròm:
Gớm, chương trình của ông xã hội này sao mà nhiều mục quá xá, nào là mục đích, mục nhỉ, mục nhọt, mục tùm lum…
Trong khi đó, thành tích của khối Học tập với số lượng người đậu Tối ưu, hay bên Thể thao dành được bao nhiêu huy chương đều đuợc tường thuật đầy đủ. Nhưng đây không phải lần duy nhất, mà hầu như trong mỗi tờ báo Xuân đều gặp phải. Hiếm khi tờ báo Xuân Petrus Ký, diễn đàn của học sinh trong suốt một niên học, có đề cập đến những công việc từ thiện cứu tế một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ chi tiết. Mãi đến lúc gần đây, nhờ vào các bút ký của quý thầy cô, học sinh và báo Xuân các trường bạn cùng với các tờ báo phát hành ở Sài Gòn trước năm 1975, ta mới biết thêm chi tiết về các công tác xã hội học sinh Petrus Ký đã đóng góp, nhưng không được tường thuật đích đáng. Để ghi nhận lại, tôi xin cố gắng thu thập và ghi lại những hình ảnh này trong một loạt bài viết về:
- Cứu tế nạn nhân bị nhà cháy trong vụ dẹp loạn Bình Xuyên năm 1955.
- Cứu trợ trận lũ lụt năm Gíap Thìn 1964.
- Hình ảnh xây dựng trại tạm cư Petrus Ký sau Tết Mậu Thân 1968.
- Chương trình phát triển sinh hoạt thanh niên học đường (CPS) ở trường Petrus Ký.
- Quyên góp và thăm viếng đồng bào ở Quảng Ngãi sau trận bão lụt Hester (tháng 10, 1971).
- Cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc trong mùa Hè đỏ lửa 1972.
- Sinh hoạt khối xã hội niên khoá 1973-1974.
Cứu trợ sau trận cuồng phong và bão lụt (typhoon) Hester
Bài viết đầu tiên này sẽ cố gắng ấn định cái mốc khi thầy Mạch Tứ Hải – Giáo sư môn Công dân cho biết thầy cùng với thầy Trần An – Giáo sư Toán là hai vị GS hướng dẩn khối Xã hội niên khoá 1971-1972 cùng với anh Dương Minh Dũng, Tổng thư ký ban đại diện học sinh cùng niên khoá đi cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt ở Quảng Ngãi, mà thầy không còn nhớ là năm nào. Thầy Hải cho biết nên liên lạc với thầy Bùi Vĩnh Lập – cựu hiệu trưởng, vì có thể thầy Lập còn nhớ các chi tiết, nhưng rất tiếc khi hỏi thăm thì thầy không còn nhớ. Tôi có tìm được tin anh Dũng, nhưng khi biết anh lâm bệnh nặng lại không dám quấy rầy, và sau đó biết tin anh đã qua đời.
Thầy Hải cho biết là chuyến đi cực kỳ nguy hiểm, do trường Petrus Ký tổ chức và đi bằng phi cơ của USAID lo cho. Mặc dầu quên ngày tháng của chuyến đi, thầy vẩn còn nhớ mãi đến ngày hôm nay là sự xúc cảm ứa nước mắt của một người đản ông trung niên lúc nhận được chiếc mền thầy trao tặng để đấp ấm trong những đêm giá lạnh ẩm ướt của miền núi.
Nhờ qua anh Trần Thạnh (PK 1968-1975) phỏng vấn thầy Trần An trên điện thoại, ta biết đuợc những chi tiết sau:
- Hình như vụ việc xảy ra năm 1972.
- Có hai thầy ra Trung: thầy Hải và thầy An, cùng với anh Dũng.
- Đến thăm viếng đồng bào 3 xã bị nặng nhất ở Quảng Ngãi, gần núi Trường Sơn.
- Phương tiện di chuyển bằng máy bay từ Sài Gòn ra Đà Nẳng, và mang theo một số tiền rất lớn (trên 1 triệu đồng, khoảng từ 1.2M-1.5M). Thầy An nhấn mạnh là số tiền rất lớn.
- Ở Đà Nẳng, hai thầy ở nhà của ông Hiệu trưởng trưởng Phan Chu Trinh vì vấn đề an ninh.
- Ngày hôm sau dự định đi trực thăng vô Quảng Ngãi, nhưng sáng hôm đó ông Tướng Tư lệnh vùng I (thầy An nói hình như là tướng Hoàng Xuân Lãm) lấy trực thăng đi, nên hai thầy phải đi xe.
- Ở Quảng Ngãi, hai thầy ở Toà Hành Chánh tỉnh.
- Số tiền được phân ra thành nhiều phong bì $5K, phân phát đồng đều cho đồng bào ờ 3 xã đó (thầy không nhớ tên).
- Chuyến đi về, xe chở hai thầy và anh Dũng bị Việt Cộng bắn, nhưng may mắn không ai bị chuyện gì.
Hình 1: Bản đồ hướng đi của typhoon Hester vào những ngày 22 – 24 tháng 10 năm 1971
Theo bản đồ tin tức khí tượng cho biết typhoon Hester đến vào đất liền ở phía Nam Chu Lai, Quảng Ngãi [1] và thổi vê hướng Tây Bắc vào sáng ngày 23 tháng 10 năm 1972 với sức gió thồi mạnh đến 222km/giờ (138 mph). Số lượng nước mưa trong trận bão này ở Đà Nẳng từ ngày 22-10-1972 lúc 16:19 giờ chiều cho đến 03:00 giờ sáng ngày 24-10-1972, chỉ trong vòng 9 tiếng, đo dược lên tới 290 mm (11.44 in) làm ngập lụt khắp nơi.
Hình 2: Báo Chính Luận số ra ngày 26-10-1971, tường thuật sự thiệt hại do trận bão lụt Hester gây ra.
Theo báo Chính Luận số ra ngày 26-10-1972 [3] thì bão Hester đã tàn phá khủng khiếp ở các tỉnh miền Trung từ Bình Định trở ra, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như nhà cửa, mùa màng và chăn nuôi. Trong các tỉnh thì Quảng Ngãi là nơi bị nặng nhất. Ngay sau đó vào ngày 25-10, các nổ lực cứu trợ đồng bào do chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã được huy động.
Tại Sài Gòn, học sinh Petrus Ký đã tích cực hưởng ứng, tham gia cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Hester, và đã đạt được thành quả đáng kể như thầy An cho biết với số tiền lên tới 1,500,000 đồng, gấp đôi so với cuộc lạc quyên cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc sau đó ở Bình Long, An Lộc vào mùa Hè năm 1972[4] . Chuyến đi của phái đoàn cứu trợ Petrus Ký, chỉ có 3 người với hai thầy cố vấn khối Xã hội và anh Tổng thư ký đại diện học sinh trường, cho ta hình dung được sự khẩn cấp cần đi ngay để trao quà cho đồng bào, có lẽ đã diễn ra ngay trong năm 1971. Một điểm đáng lưu ý và đau buồn là cuộc chiến vẫn tiếp diễn không có cuộc ngừng bắn khi xe cứu trợ Petrus Ký bị bắn trên đường về. Việc này cũng đã xảy ra trong chuyến cứu trợ năm Giáp Thìn 1964, do anh Vũ Uyên tường thuật trong bài “Miền Trung đau thương” trên tờ báo Xuân năm 1965[5].
Hình 3: Sự tàn phá của typhoon Hester gây nên ở căn cứ Chu Lai, Quảng Ngãi
Chú thích:
[1] Typhoon Hester -1971, 366th Fighter Wing
https://www.366thgunfighters.org/typhoon-hester—1971.html
[2] Typhoon Hester aftermaths causes floods
[3] Báo Chính Luận 26-10-1972
http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Nhat%20Bao%20Chinh%20Luan/ChinhLuan_2294%2026OCT1971.pdf
[4] Hiểu thị của ông Hiệu trưởng trường Trung học Petrus Ký, Tưởng Thưởng Lục NK 1972-1973
https://petruskyaus.net/tuong-thuong-luc-nien-khoa-1971-1972-hieu-thi-ong-hieu-truong/
[5] Miền Trung đau thương, Vũ Uyên