Gởi gió cho mây ngàn bay để tưởng nhớ những người bạn đã chia xẻ cùng tôi vui buồn của sáng nắng chiều mưa Saigon. Nhứt là suốt 7 năm Petrus Ký tràn đầy chuyện đã kể mà vẫn khoái nhắc lại cho nhau nghe rồi cười hề hà. Bây giờ, ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhìn lại sau lưng, biết làm sao sống lại ngày hôm qua ?

Thôi thì họp lại nhau đây, những đứa chưa trả hết nợ đời, chờ giấy xuất cảnh rời Cõi Tạm. Nói đi, nhớ gì nói đó, cho người nằm xuống và cho bạn bè còn đứng trên “ke” (quai) tàu, đợi chuyến cuối cùng ra khơi biết mặt trùng dương. Tuốt luốt !

Rồi lên bàn ngồi, nhếch mép cười nhìn gà khỏa thân qua nhang khói mờ nhơn ảnh. Khỏe ru !

Năm 1971, tôi đi giáp vòng ngôi trường Petrus Ký: ba dãy lớp, cả trên lầu xuống dưới đất, nơi nào cũng in dấu chân âm thầm của tôi. Những buổi sáng từ lớp đệ thất mà mọi môn học đều in rõ ràng sơ đẳng, cho đến buổi trưa chiều nắng tắt ngoài sân. Những ngày mưa gió nhìn qua cửa sổ, cả lớp yên lặng chuyên cần nghe lời giảng dạy của thầy cô.

Bảy năm Petrus Ký biết bao nhiêu tình. Từ những rụt rè, lo âu dưới kỷ luật răn đe ban đầu cho đến những màn nhứt quỉ nhì ma, học sinh khả …ố, nhưng luôn trong một giới hạn phải dừng ở nơi phải ngừng, chúng tôi trở thành một đại gia đình dưới cổng trường mang tên nhà bác học, bác ngữ Trương Vĩnh Ký, khắc rõ nét hai hàng chữ Nho của Giáo Sư Ưng Thiều:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Ba mươi năm sau khi tôi rời trường ( 1971 ), trở về thăm chốn cũ. Cây phượng vĩ kế bên phòng của chú gác-dan không còn, tên trường cùng hai câu đối cũng bị đục bỏ. Biển xanh đã biến thành ruộng đỏ.

Một cảm giác lạc lõng, bơ vơ tràn ngập trong lòng. Xa lạ, lạnh lùng, hờ hững từ miếng gạch bông lót hành lang trước lớp … Tôi là đứa học trò lưu vong ngay chính trong ngôi trường cũ của mình. Buồn man mác.

Tôi đang đứng trong sân, hồi ức khó quên trong bao kỷ niệm không thể nào quên dưới mái trường đã cho tôi hành trang vững chắc để tiến xa hơn trong bút nghiên khi ra đời.

Trước tiên, kính dâng hương linh của các Thầy Cô Petrus Ký. Cũng như thương tiếc gởi đến bạn bè đã sớm bỏ cuộc vui trong cà phê “Minh Tuấn “, ” Quán Con Mùi “, cà phê ” Năm Dưỡng ngày xưa, và gởi về bạn còn ở lại hôm nay, trong ” Bụi “, ” Viện Tim “, “Trần Phú”, “Lữ Gia” … Để vui, để thương, để nhớ một thời tuổi trẻ chúng mình đã mãi mãi không tìm lại được.

Xin cho phép tôi nhắc tên anh em, và tha thứ cho người kể, nếu có chi không phải.

Lỗi tại tôi mọi đàng !

Tất Niên năm đó, 1971, năm cuối cùng trước khi những con ” chim non ” thuộc promo 1964, chưa đủ lông, rụt rè, ngơ ngáo ” gian thần” bước vô 8 lớp đệ thất. Gồm 4 lớp ” Le Francais Elementaire ” và 4 lớp ” English for to go “, ăn không hết đem dìa.

Như thông lệ hàng năm, mỗi lớp tổ chức Tất Niên để chia tay về quê ăn Tết.

Ngồi ở lớp 12, tự xem là có quyền ” mưu cầu hạnh phúc “, dầu rằng ” yêu là khổ, không yêu mới lỗ “, chúng tôi phá lệ, mời bạn gái hay những ” mối tình con ” đeo vai vô trường. Trước mua vui, sau để phước cho con cháu sau nầy ăn không hết. Có ông cạo đầu phán như vậy !

Tiên nữ đáp xuống rất đông, đếm không xuể. Từ chùa bên Bà Huyện Thanh Quan, bên Thảo Cầm Viên, cho tới con Cha cháu Chúa ở cổng xe lửa số 6, trên đường mang tên nữ tướng nhà Tây Sơn. Kể luôn các ” Nữ Vương ” của các bà sơ vv và vv .

Trong ngày đó, bộ mặt của sân trường tươi mát, thay đổi rõ rệt. Những bóng hồng thật đẹp nở giữa rừng gươm.

Cuộc vui đến gẩn cuối buổi sáng trong tiếng nhạc dập dìu, cười nói rộn rã, một chuyện đáng tiếc xảy ra do hiểu lầm và một tàn thuốc lá vô tình bay trúng áo dài của người đẹp Bạch Hoa Thôn.

Phan Việt Quốc Vận, Nguyễn Thành Phụng, Nguyễn Tiến Chung cùng với quân trừ bị gồm Trương văn Vẹn ( thất 4 ), Đặng Thành Danh ( thất 2, con trai của Bác Vốn, thủ quỹ trường ) ẩu đã với Nguyễn Minh Mẫn ( thất 1 ), được sự bênh vực của Phan Lến, Châu văn Tấn.

Cả sân trường náo động. Các hoa khôi lẫn hoa hậu có giấy mời hoảng sợ, mặt mài tái mét, ôm cột nhà trường bình tĩnh run theo.

Tôi tình cờ từ lớp 12A1 đi ra, thấy vậy nên nhào vô can thiệp tứ phía, do quen biết cả đôi bên. Mọi việc được giải quyết ổn thỏa sau đó, theo như slogan phản chiến thời thượng của thập niên 60’s: ” Make Love, Not War “.

Châu Văn Tấn

Ba mươi năm sau trở về, gặp lại bạn bè trong cuộc trùng phùng vô cùng cảm động.

Nhìn từ cổng trường, trước mặt là hành lang danh dự chỉ dành riêng cho giáo sư. Dãy bên phải là văn phòng Tổng Giám Thị của Thầy ” Le Cid ” Tăn văn Chương, nơi mà học trò chúng tôi không bao giờ muốn được … mời lên trà đạo. Phía bên trái là phòng bệnh xá của ” bác sĩ Aspirine “.

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, Châu văn Tấn đang làm an ninh trong dinh Thống Nhứt. Và cũng nhờ vậy, tôi mới có dịp ” tham quan ” mọi nơi, mọi chỗ trong dinh Độc Lập, ngay cả các phòng ốc không dành cho khách du lịch vào thời điểm đó.

Và cũng nơi đây, tôi gặp lại Phan Việt Quốc Vận đang nuôi gấu trong dinh.

Cần nhắc lại về gia thế của Phan Việt Quốc Vận:

Năm 1962, hai phi công Nguyễn văn Cử và Phạm Phú Quốc dùng oanh tạc cơ dội bom làm hư hại một phần của dinh Độc Lập. Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh cho KTS Ngô Viết Thụ ( khôi nguyên La Mã ) thiết kế lại và giao cho cố đại tá Phan văn Điển ( thân sinh của Vận, lúc đó Ông mang lon trung tá, chỉ huy trưởng trường quân cụ ) điều hành công tác.

Hai cựu đồng môn, đã từng đấu võ trong sân Petrus Ký, nay cùng ở một dinh, chuyện kiếm hiệp Thiếu Lâm Trường Hận ngày xưa đã chôn vùi trong dĩ vảng, nhận ra nhau thật tình cờ và li kỳ.

Hôm nay, Châu văn Tấn đã ra người thiên cổ. Phan Việt Quốc Vận đến thắp nén hương tiễn bạn lên đường.

Tất cả chỉ còn là tiếc thương nhau …

Lâm Thụy Phong

Petrus Ký 1964-1971

23/5/2024 Cecilia