Những vị giáo sư Toán đã ghi dấu ấn trong đời tôi

Trần Thạnh (PK1968–1975)

            “Các em hãy phát biểu định đề Euclide.” Thầy Cao Thanh Tùng vừa dứt lời, thằng nhỏ liền bấm chuông và ngay khi được Thầy Tùng điều khiển chương trình cho phép, nó đọc liền một hơi không nghỉ “Từ một điểm bên ngoài một đường thẳng, ta chỉ có thể kẻ được một đường thẳng song song với đường thẳng đó, và chỉ một mà thôi. Đó là định đề Euclide”. Thầy Cao Thanh Tùng và hai vị giám khảo bật cười, cả phòng quay cười ồ lên. Câu chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước, trong một chương trình Đố Vui Để Học của đài truyền hình Sài Gòn. Thằng nhỏ đã lặp lại từng chữ mà người thầy dạy toán năm lớp Đệ Lục của nó thường xuyên lặp đi lặp lại trước lớp, chỉ khác một chữ. Đúng ra nếu thằng nhỏ phát âm giọng Bắc, nó sẽ kết thúc phát biểu định đề bằng câu “Ấy là định đề Euclide”, như người thầy dạy nó thường nói mỗi khi ông nhắc lại định đề quan trọng này.

            Vị giáo sư Toán đó là Thầy Trần văn Thưởng. Sau này khi đọc quyển Tạ Ơn Thầy Nhớ Ơn Cô (TOTNOC, trang 582), tôi mới biết Thầy tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa. (Quyển TOTNOC do một nhóm cựu học sinh Petrus Ký 1965–1972 sinh sống tại Hoa Kỳ thực hiện năm 2008, với sự hợp tác của quý thầy cô và cựu học sinh khắp nơi trên thế giới.)

            Nhưng có lẽ tôi phải bắt đầu từ người thầy dạy toán đầu tiên của tôi ở Petrus Ký.

Thầy Ngô Thanh Nhàn

            Vừa rời trường Tiểu Học Chợ Quán, tôi vào Trung Học Petrus Ký năm 1968 với cảm giác vừa lạ lẫm, tò mò, lẫn hồi hộp lo âu. Chúng tôi học 3 giờ toán mỗi tuần, trong suốt 32 tuần lễ của năm học. Môn toán lại là môn có hệ số điểm cao nhất (hệ số 3), tương đương với môn Việt Văn và Sinh Ngữ.

            Người thầy dạy toán đầu tiên của tôi ở bậc học này là Thầy Ngô Thanh Nhàn. Dáng người cao, hơi ốm, giọng nói nhỏ nhẹ, Thầy thu hút tôi với những bài hình học và đại số, hoàn toàn khác với những bài toán động tử và đo lường mà tôi học năm lớp nhất để chuẩn bị thi vào lớp đệ thất. Với hình vẽ rõ ràng trên bảng, giọng nói từ tốn, ánh mắt đôi khi xa xăm như đang tìm lời giải cho bài toán, Thầy khiến giờ học toán trở nên vô cùng hấp dẫn đối với tôi. Chúng tôi thường nói với nhau khi giảng bài Thầy hay nhìn ra vô cực. Thầy là giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm đó.

Thầy Trần văn Thưởng

            Lên lớp đệ lục (về sau đổi lại là lớp 7) tôi được học toán với Thầy Trần văn Thưởng, cũng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi. Số giờ học toán và hệ số điểm không khác với năm lớp 6.

            Điều tôi nhớ nhất về Thầy là Thầy đã luyện cho chúng tôi cách viết bài giải toán sao cho đúng câu văn. Chúng tôi phải viết “So sánh hai tam giác ABC và DEF, ta có” hoặc “Tam giác ABC và tam giác DEF có”. Nếu ai viết “So sánh hai tam giác ABC và DEF có” thì sẽ bị trừ điểm ngay. “Zéro tất” là câu nói Thầy hay đem dọa chúng tôi nếu ai đó không viết đúng ý Thầy. Sau này khi được biết Thầy tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, tôi hiểu vì sao Thầy quan tâm đến việc viết văn khi học toán. Nhất là từ khi bước vào con đường nghiên cứu toán học, khi phải viết các bài khảo cứu gửi đăng ở các tạp chí chuyên ngành, tôi càng nhận ra tầm ảnh hưởng của những điều Thầy đã dạy dỗ tôi hơn nửa thế kỷ trước. Toán học không thể chỉ gồm những công thức và con số khô khan mà cần những lời dẫn giải. Khi phải chứng kiến nhiều sinh viên ở trường đại học mà tôi đang giảng dạy không viết nổi một bài giải toán cho mạch lạc để người đọc dễ hiểu, tôi thầm tri ân Thầy về những điều Thầy đã rèn luyện cho chúng tôi từ những năm đầu của bậc trung học.

            Tôi còn nhớ một câu chuyện xảy ra trong lớp. Một hôm Thầy sai một học sinh đi giặt miếng khăn lau bảng. Sau khi giặt xong, người bạn này mang khăn vào lớp đặt xuống đất chỗ bục cao mà Thầy đang đứng. Thầy từ tốn nhỏ nhẹ nói “Em mang giặt lại cho Thầy”. Lần thứ hai cũng vậy. Đến lần thứ ba cả lớp chúng tôi hiểu ra và nhắc người bạn đặt khăn vào chỗ máng khăn ở chân bảng. Với thái độ hiền từ và với sự kiên nhẫn, Thầy đã dạy chúng tôi bài học phải biết chăm chút cho từng việc nhỏ mà mình làm. Sau này khi đi dạy, tôi học được từ Thầy và nhiều thầy cô khác phong cách chững chạc khi đứng trước học trò, từ việc lau bảng sao cho bụi phấn không bay đầy vào người mình và vào các em học trò ngồi dãy bàn trên.

Thầy Trần An

            Lên lớp 8 (lúc này tên gọi các cấp lớp đã được thay đổi, không còn gọi đệ ngũ) tôi học 4 giờ toán mỗi tuần với Thầy Trần An. Hệ số môn học vẫn là cao nhất, hệ số 3 bằng với Việt Văn và Sinh Ngữ.

            Những bài toán quỹ tích lại cuốn hút tôi vào thế giới hình học. Thầy An người Huế nên giọng nói có hơi khó nghe đối với nhiều bạn trong lớp. Mỗi khi Thầy phát biểu định lý, tới câu “Điều kiện ắt có và đủ” thì cả lớp cười lăn ra, tôi ngây thơ không hiểu gì. Đến khi nghe các bạn giải thích tôi mới hiểu vì sao. Thì ra các bạn cười vì chữ “đủ” được Thầy phát âm theo giọng Huế. Đúng là nhất quỷ nhì ma. Không biết lúc đó Thầy có hiểu vì sao đám học trò cười không, nhưng Thầy vẫn thản nhiên giảng bài. Sau này khi gặp lại Thầy tại Sydney, nghe tôi kể lại chuyện cũ, Thầy chỉ cười hiền từ.

Thầy Đặng Quốc Khánh

Thầy Đặng Quốc Khánh

            Thầy Đặng Quốc Khánh dạy tôi hai năm liền, lớp 9 và lớp 10. Năm lớp 10 Thầy cũng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi. Thầy viết giáo trình in ronéo đẹp mắt rất dễ hiểu. Chúng tôi sử dụng giáo trình này, ít khi phải chép giáo khoa. Những bài toán khảo sát hệ đa thức với thông số thật mới lạ tạo nhiều thích thú cho tôi. Thêm vào đó lần đầu tôi được làm quen với hình học không gian.

            Ở lớp 9, toán vẫn chiếm 4 giờ mỗi tuần với hệ số 3. Sang năm lớp 10, vì tôi chọn học ban B (ban Toán–Lý–Hoá) nên toán chiếm 6 giờ mỗi tuần, với hệ số 4. Năm học lớp 10, ngày cuối niên học Thầy Khánh nói với tôi “Phải chi tôi biết trước thì đã đề nghị cho em được ít nhất là phần thưởng Đạo Đức Học Đường”. Lúc nghe Thầy nói tôi không hiểu gì, chỉ dạ. Đến hôm đi lãnh thưởng, xem quyển Kỷ Yếu (1973) mới biết, thì ra số lần “xướng danh” của tôi (nghĩa là số lần đứng đầu các môn học) cao hơn hẳn những học sinh được phần thưởng cao toàn trường năm đó.

Thầy Nguyễn Minh Dân

            Từ niên khoá trước tôi, học sinh không còn phải thi kỳ thi Tú Tài I sau năm học lớp 11. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải dốc sức học để chuẩn bị cho kỳ thi cuối lớp 12. Toán vẫn chiếm số giờ và hệ số cao nhất, 6 giờ mỗi tuần với hệ số 4.

            Thầy Nguyễn Minh Dân thu hút chúng tôi với sự gần gũi, lối ăn mặc đẹp và cách giảng bài từ tốn nhưng rõ ràng. Thầy thường vào lớp trên tay chỉ cầm vài viên phấn trắng và phấn màu, hầu như rất ít khi xem tài liệu khi giảng. Thầy có thể ngẫm nghĩ rồi ghi lên bảng những bài toán về phương trình lượng giác mà đáp số vẫn đẹp. Thầy đặc biệt thích hai đề mục cấp số cộng và cấp số nhân. Thường những bài toán Thầy cho rất khó, nghe Thầy nói Thầy lấy từ những quyển sách toán của Pháp. Vì chúng tôi không phải thi kỳ thi Tú Tài I, và ở kỳ thi Tú Tài II chúng tôi không phải thi hình học không gian, Thầy hầu như bỏ qua phần này.

            Cuối thập niên 1980 một hôm tôi tình cờ gặp Thầy ở quận Bình Thạnh. Tôi mời Thầy vào quán uống nước, hai thầy trò nhắc lại chuyện xưa trường cũ. Hôm đó tôi đã hãnh diện khoe với Thầy là tôi đang đi theo con đường của Thầy.

Thầy Phan Lưu Biên

            Môn toán trong năm học cuối cùng của tôi ở Petrus Ký khá nặng, 8 giờ mỗi tuần với hệ số 5. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với phép tính vi tích phân và tân toán học. Người thầy trẻ tuổi, Thầy Phan Lưu Biên, thu hút chúng tôi với sự giản dị gần gũi và với kiến thức thâm sâu. Năm đó Thầy là Thanh Tra ra đề thi môn Toán cho kỳ thi Tú Tài, kỳ thi đã không bao giờ xảy ra vì biến cố 1975.

            Thầy rời trường sau năm 1975, và sau nhiều năm bị đời vùi dập, Thầy về giảng dạy tại Trường Bổ Túc Công Nông ở Thủ Đức, trước đó là cơ sở của Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức. Tôi gặp lại Thầy tại đây một lần vào giữa thập niên 1980.

§§§

            Ngẫm lại, tôi thấy thật may mắn được những người thầy tận tâm truyền đạt cho tôi kiến thức và niềm đam mê học toán. Với hành trang đó, tôi rời trường Petrus Ký vào đại học đi theo con đường của quý thầy. Nơi đây tôi đã tiếp xúc nhiều hơn với môn học đam mê của mình, được gặp nhiều người thầy đáng kính khác. Trên hết là Giáo Sư Đặng Đình Áng, người thầy đã ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời tôi. Năm 2006, nhân lễ thượng thọ 80 của Thầy, tôi đã viết về công ơn của Thầy đối với tôi. Trước khi Thầy vĩnh viễn đi về thế giới vô cùng cách đây gần hai năm, tôi kịp viết lời tiễn biệt.

            Để đền đáp công ơn của quý thầy cô đã dạy tôi nên người, tôi chỉ còn biết tiếp tục con đường mà quý thầy cô đã đi. Con xin được dâng bài viết này như một lời tri ân kính gửi đến Quý Thầy Cô.

Sydney 11.02.2022

Phụ lục: Số giờ học và hệ số các môn học (32 tuần mỗi năm học)

Đệ nhất cấp

Đệ nhị cấp ban B (Toán–Lý–Hoá)

* Niên khoá 1974–1975 lần đầu tiên môn Việt Văn được đưa vào chương trình lớp 12. Trước đó học sinh chỉ học môn này tới lớp 11, khi lên lớp 12 môn học được thay thế bằng môn Triết.