CÔ  SÂM

nguồn: Petrus Ký Nam Cali (http://www.pkynamcali.org/tho-van)

Kính thưa cô.

nguyenthisamNghe tin anh Sơn, một học cựu học sinh L.Petrus Ký, học trò của cô, vừa về thăm quê hương và đến thăm cô nhưng đã trễ, chỉ được thắp nhang trước bàn thờ của cô, bản tin ngắn ngủi này đến với em vào chiều tối Thứ Bẩy 29 tháng 10 năm 2011 đã khiến em ngưng tất cả mọi công việc để nhớ về cô, để chọn màu mực xanh viết về cô ở tuổi thanh xuân và em mới chỉ là một học trò lớp Đệ Thất của cô.

Thưa cô! Đã 56 năm rồi, hơn nửa đời người, trải qua biết bao thăng trầm từ một học sinh rời trường L.Petrus Ký rồi vào Võ Bị, 13 năm lính, 10 năm tù cải tạo, hơn 20 năm lao đao lận đận tỵ nạn xứ người, nay được biết tin cô đã quy tiên em bỗng cảm thấy một nỗi buổn man mác. Em thú thật với cô là không chảy nước mắt khi nghe tin cô mất, nhưng nếu em nói dối là có khóc như năm xưa đã nói dối cô khi không thuộc bài là cô biết ngay em nói láo, lửa thầy, làm sao có thể nói dối được với ngưởi đã khuất. Nhưng chắc ở chốn bình yên nào đó cô đang chứng giám lòng thành của cậu trò nhỏ năm xưa đang nghĩ nhiều về cô, nhớ và viết những kỷ niệm về cô.

Nếu có ai hỏi họ của cô là gì thì em quên rồi mà chỉ nhớ tên cô là Sâm, cô Sâm dậy môn Sử Địa lớp Đệ Thất niên khóa 55-56, và nhà của cô ở khu cư xá giáo sư  phía sau trường, gần phía đường Nguyễn Hoàng, em biết được điều đó là do những lẩn tập thể dục với thầy Bích ở sân vận động thì thấy cô đi về hướng đó chứ em đâu có học giỏi để được cô sai ôm tập đem theo về nhà để cô chấm bài. Em cũng nhớ các cô Dung, cô Hồng, cô Ngà v.v.. và thầy toán hình học Nguyễn Văn Binh, thầy Pháp Văn Phạn Văn Ba, thầy Đảnh, thầy Đính lý hóa, thẫy Võ Trọng Phỏng, thầy Đồ và thầy Thái dậy Anh Văn, thầy Tạ Ký, thầy Thái Chí, thầy Trần Thượng Thủ tức thầy TTT mà thầy thường khôi hài là trong túi thầy lúc nào cũng có cái lược v.v.. Nhưng mỗi khi gặp bạn cùng lớp, nhắc về thầy cũ trường xưa thì vị giáo sư thường được các em nhắc đến đầu tiên là “Cô SÂM” dậy Sử Địa, bởi vì tuy cô còn trẻ, còn độc thân, chỉ là vai chị của các em học sinh, nhưng cô có một tấm lòng, một tình thương của một người mẹ hiền.

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò LPK”, tuổi 11, 12, thì biết sợ là gì đâu, cứ nghịch cứ phá nhưng khi nghe tiếng thước kẻ gõ cạch-cạch trên bàn, ngước lên thấy cô mỉm cười là đám giặc im phăng phắc, lúc đó thấy cô đẹp và dễ thương làm sao! Nay tuy đã bước vào tuổi “cổ lai y” mà nhớ về kỷ niệm xưa em vẫn cảm thấy nhỏ bé trước hinh ảnh của cô và cô là hiền mẫu của em lúc này. Hiện cô là người cõi trên, thấy hết, biết hết thì sao em dám nói dối cô được.

Có một lần thằng quỷ sứ Nguyễn Xuân Thanh ngồi bàn sau, nó lấy giấy cuộn lại rồi gài vào lưng quần em rồi quẹt diêm (quẹt) đốt, giật mình nóng quá em nhẩy lên bàn rồi kêu chí chóe, sợ muốn khóc, cô xuống lấy tay cốc-cốc nhẹ vảo đầu thằng Thanh rồi cô vỗ vỗ vai em để an ủi em nhưng em vẫn tức, đánhg lẽ cô phải tát tai, vả miệng cho xưng môi nó lên chứ, sao chỉ cốc-cốc nhè nhẹ thôi? Lúc đó em nghĩ hay là cô cũng kỳ thị Bắc Nam, cô bênh thằng Nam Kỳ con Xuân Thanh còn cô không thương thằng nhóc tì Bắc Kỳ di cư 1954 là em, sau dần dà rồi em mới hiểu cô thương tất cả, tất cà cùng là con, là gà cũng một mẹ Sâm Sử Địa.

Cô không biết chứ lúc đó em khổ lắm, sợ tụi bạn cùng lớp Nam Kỳ lắm, vì chỉ một mình em là Bắc Kỳ di cư, còn dư lại là dân Nam Kỳ quốc, em bị mặc sức làm bù nhìn cho chúng trêu chọc, em giận lắm nhưng đành nhịn rồi nhớ ghi xương khắc cốt từng tên để sau này trả thù, người quân tử 20 năm sau trả thù chưa muộn, nhưng rất tiếc là 20 năm sau, một số bọn chúng đã trở thành người “quân tử”, đám còn lại thì gặp nhau trên chiến trường còn vương khói súng thì ôm nhau cười, chỉ tay về phía trước, “kẻ thù của tao ở đằng kia, còn tao và mày là anh em là con của Cô Sâm Sử-Địa”.

Hỡi nhưng tên “quỷ ma học trò Đệ Thất B1 55-56 là Cao Hoàng Anh, Đặng Văn Ba, Ngô Văn Bê, Bửu, Cảnh, Cần, Cẩn, Chí, Chí, Chiểu, Dương, Đạt, Điện, Đởm, Đức, Hiếu, Hòa, Hoàng, Huệ, Hưng, Khoa-Lé, Khải, Khiết, Khôi, Kỵ-Chột Phạm Huỳnh Tam-Lang, Long-Trên, Long-Dưới … Thanh, Tư Xe Bò, Tư Tù-Ti v.v..tụi bay ở đâu? Những thằng đã là “quân tử” thì đến gõ cửa nhà trời thăm cô, nhựng tên còn nặng nợ trần gian, dù hiện ở trong nước hay tỵ nạn hải ngoại thì báo tụi bay biết để dâng lên cô 3 nén nhang, xin cô thương tha lổi cho chúng em và phù hộ cho các cựu học sinh LPKY cùng đệ đơn lên Thiên Quốc để đòi lại cái giấy khai sinh cho trường mẹ, trưởng Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký.

 Little Saigon 12 giờ đêm 29/10/2011.

Em vừa dâng lên Cô 3 nén nhang xong.

LPK 55-62 Captovan

nguyen thi sam 2

Anh Phạm Quý Châu thăm hỏi Cô Sâm

Trích: Chương trình viếng thăm cựu Giáo sư & Nhân viên Trường Petrus Trương Vĩnh Ký (nhóm Petrusky.org)