Nghệ sĩ Phương Ánh và đêm hát đầu tiên

Vưu Văn Tâm

Thập niên 60, sân khấu ca kịch lâm vào khúc rẽ khi hàng loạt những cuốn phim kiếm hiệp được du nhập từ Hongkong tràn vào miền Nam Việt-Nam nói chung và Sài-Gòn nói riêng. Các gánh hát đại ban cũng như trung ban thêm phần khó khăn, khi các chủ rạp hát vì lợi nhuận đã biến những rạp hát cải lương thành rạp chiếu bóng. Để bảng hiệu có thể tồn tại và các anh chị em nghệ sĩ, hậu đài có phương kế mưu sinh, bầu gánh và các soạn giả thường trực đưa ra sáng kiến thực hiện những vở tuồng có nội dung và hình thức giông giống như các cuốn phim đang ăn khách tại các rạp ở đô thành.

Gánh Thanh Minh Thanh Nga cũng không ngoại lệ. Thay vì “chuyên trị” những vở tuồng tâm lý xã hội như trước đây, bà bầu Thơ đã cho dàn dựng nhiều vở hát “võ hiệp kỳ tình” với mong mỏi gánh hát được sống còn và vượt qua cơn hoạn nạn. Bên cạnh các nghệ sĩ hữu danh, hai bông hoa mới được mời về để đội ngũ nghệ sĩ của bổn đoàn thêm phần hùng hậu, chị Mộng Tuyền (Kim Loan) là hoa khôi của ban đờn ca tài tử đất Cần-Thơ và chị Phương Ánh vừa mới ra trường khóa đầu tiên ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ (1960-1963).

“Khói sóng Tiêu Tương” của soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng và cô Nguyệt là vở tuồng màu sắc Trung-Hoa lần đầu tiên được dàn dựng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Vở hát được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức. Chị Thanh Nga nhường vai diễn (vai chánh) ‘ca kỹ Vương Thúy Mai’ cho chị Phương Ánh và chị hát vai (vai nhì) ‘tiểu thơ Bàng Lộng Ngọc’. Nghệ sĩ Tám Vân chăm chút cho hai đồ đệ Thanh Tú và Mộng Tuyền trong hai vai Lưu Kiến Xuân và Chu Liên Phượng.

Đêm hát khai trương có mặt đầy đủ quan khách cũng như các ký giả kịch trường ở hàng ghế danh dự. Phía dưới khán phòng không còn một chỗ trống. Trong ảo đăng muôn màu, chị Phương Ánh hiện diện trên sân khấu với cảm giác bỡ ngỡ và lo lắng khiến chị không cất được tiếng ca. Anh Hữu Phước phải khéo léo thúc vào vai giúp chị bình tĩnh để nhập vai tuồng một cách suôn sẻ. Lời đối thoại, lời ca trong vở tuồng được chắt lọc bởi những ngòi bút nhà nghề. Hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng đã chấp bút để đưa nàng Vương Thúy Mai – Phương Ánh bước ra sân khấu lần đầu tiên năm 1964 và cũng vụt sáng từ đó giữa vòm trời nghệ thuật.

Khán giả khó mà quên được những lớp ca diễn xuất sắc giữa nàng Vương Thúy Mai nặng tình cùng tráng sĩ họ Hoàng trong vở tuồng “Khói sóng tiêu tương” ..

Thiếp xin dâng ly rượu này cho Hoàng tráng sĩ, để tinh sương trên con đường thiên lý, chàng chớ dừng chân ngoảnh lại bến sông .. (vô Vọng Cổ) mờ. Khách qua sông xin đừng nhớ con đò. Mai này ai sẽ dừng cương nơi bến vắng, cho ngựa hồng uống nước sông Thu. Sóng dạt đầu ghềnh, trăng phơi cuối bãi, một mình chàng sẽ thui thủi trở lại quê xưa. Trong giây phút tiễn đưa xin Hoàng lang hãy cạn chén quan hà ..

Vạn sự khởi đầu nan, tên tuổi Phương Ánh được định hình và đi lên trong sự dìu dắt của đồng nghiệp cùng với lòng yêu thương của khán giả. Tuy không là ngôi sao bắc đẩu nhưng cái tên Phương Ánh vẫn lung linh trên dải Ngân Hà và được nhắc nhở trong lòng người mộ điệu dù thời gian có sao dời, vật đổi.

30.05.2022