‘Con tằm là phải nhả tơ’

đoàn xuân thu

Con tam la phai nha to 01

O. Henry (1862 – 1910), người Mỹ, tác giả nhiều truyện ngắn lừng danh xưa giờ, với những kết cuộc bất ngờ nhưng hợp lý.

Kiep tam la phai nha to 02Câu chuyện nổi tiếng nhứt của O. Henry về Giáng Sinh có tựa đề là: “The Gift of the Magi”.

Chuyện rằng: Hai vợ chồng còn trẻ; trẻ dĩ nhiên là còn nghèo; nghèo nhưng lại tha thiết yêu nhau.

Mùa Giáng Sinh là phải tặng quà theo phong tục Mỹ. Nàng bán mái tóc xuân xanh, để có tiền mua cho chàng sợi dây đeo đồng hồ. Chàng bán cái đồng hồ, để có tiền mua cho nàng cái lược cài tóc. Tréo ngoe hết trơn!

Dây đồng hồ nhưng đồng hồ không còn nữa. Lược cài tóc mà mái tóc, nàng đã đau lòng cắt ngắn đi, thiếu điều đầu trọc lóc… mà lược giắt trâm cài cái nỗi gì? Mất hết ráo nhưng chỉ còn tình ta là ở lại!

Mới đầu để kiếm sống, O.Henry làm nhiều nghề từ dược tá cho tới nhân viên ngân hàng.

Về Houston năm 1895, để tránh cơn ho dai dẳng, ông viết cho tờ Post được 25 đô một tháng, một ngày chưa tới 1 đô la! (Lương trung bình lúc đó khoảng 300 đô Mỹ một năm!)

Ngoài viết báo, ông còn làm cho ngân hàng. Và như những con người có máu văn nghệ khác, chuyên xài trước trả sau, làm thất thoát tiền của nhà băng; ông trốn qua Honduras (Trung Mỹ)!

Khi nghe tin vợ mình bị bệnh lao hấp hối, ông quay về chăm sóc cho tới khi người vợ qua đời!

Sau đó, ông bị nhốt trong nhà tù Liên bang ở Ohio từ năm 1898 đến năm 1901. Con gái phải vào Viện mồ côi!

Kiep tam la phai nha to 03Gần Giáng Sinh, ở tù đâu có tiền, mà O.Henry lại muốn mua một món quà cho con gái mình nên ông cầm bút. Và nổi tiếng…

Trong sự nôn nóng của hàng chục ngàn độc giả hằng ái mộ, O. Henry mỗi tuần viết một truyện cho The New York World Sunday Magazine hơn một năm trời.

Tổng cộng, suốt cuộc đời con tằm phải trả nợ tơ, O. Henry viết được 381 truyện ngắn. Mỗi truyện được trả 1000 đô, bằng 3 năm tiền lương trung bình của dân Mỹ lúc đó. Quá đã!

Làm nhiều tiền, xài cũng dữ mà nhậu cũng nhiều! Năm 1910, O.Henry ra đi, chấm dứt bi kịch của đời mình vì bị suy thận, biến chứng của bịnh tiểu đường và bị phì tim!

Dẫu vậy, cuộc đời văn chương tao đàn của O. Henry so với các nhà văn khác trước và sau ông cũng ‘sang chảnh’ hơn nhiều!

Như ở bên Tây, thế kỷ thứ 19, nhà văn Honoré de Balzac (1799-1850) nghèo mạt rệp.

Chuyện rằng một tên trộm lẻn vào nhà của Balzac, lom khom lục tủ kiếm tiền.

Kiep tam la phai nha to 04Nhà văn nằm nhưng chưa ngủ, nghe tiếng lịch kịch, mở mắt ra cười khè khè, nói: “Bạn hiền ơi! Tội nghiệp bạn đã bỏ công chui vào nhà của Balzac để kiếm tiền trong đêm tối Mà ngay chính tôi, ban ngày ban mặt, trời sáng trưng hè mà tui kiếm mãi cũng hổng có ra!”

Tuy đa số nghèo rớt mồng tơi nhưng nhà văn, nhà thơ lại giàu tự ái… vặt!

Có giai thoại rằng: Trong một bữa tiệc, có hai chú thanh niên choai choai, hợm hĩnh hỏi Voltaire (1694 –1778), giọng chế giễu: “Thưa nhà văn, nói thế nào cho đúng: Cho chúng tôi uống hay là: Mang thức uống cho chúng tôi!”

Voltaire từ tốn, đốn cho hai chú em nầy một búa, là: Đối với các bạn, cả hai câu ấy đều không đúng! Các bạn phải nói: “Dẫn chúng tôi ra vũng nước”!” He he! Um bò!

***

Chẳng qua, viết văn, làm văn nghệ là nghèo, mà nghèo hay tự ái vặt hay giận lẫy người dưng lắm đó, nên tui rất lấy làm kính nhi viễn chi, ở xa mà xá, chớ hổng dám lại gần chọc quê, vì sợ nhà văn, nhà thơ quạu, đem chữ ra mà chọi cho tui u đầu sứt trán.

Trong giới văn nghệ Việt Nam mình xưa giờ, ai cũng biết bài thơ: “Gửi Trương Tửu” của Nguyễn Vỹ.

“Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An nam khổ như chó!

Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương!

Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết… “

 Rồi hồi thời tui còn đi học, thơ Tản Đà đã được đưa vào sách giáo khoa.

Đã từng làm Chủ báo tờ An Nam tạp chí, nhưng Tản Đà không biết quản lý, hứng làm, mệt nghỉ, chi tiêu lung tung, ăn nhậu hết mình!

Kiep tam la phai nha to 05Năm 1927, Luật sư Diệp Văn Kỳ, chủ tờ Đông Pháp thời báo, và mời Tản Đà từ Hà Nội vào Sài Gòn cộng tác. Bước đầu đã giúp cho Tản Ðà 1,000 đồng lúc mới sơ ngộ, một số tiền quá xá lớn thời đó!

Rồi một chiều cuối năm, xuất bản xong số báo Xuân, phát lương thầy thợ đâu đó rồi, thì thi sĩ Tản Đà, chiều 30 Tết lù lù tới thăm chủ nhiệm để mượn tiền ăn Tết.

Một tháng lương mới lãnh, thêm một tháng lương thưởng và một tháng cho vay trả làm bốn lần, nhà thơ đã làm gì hết sạch bách? Ông Diệp đưa tặng thêm cho thi sĩ 5 đồng bạc.

Tản Đà cầm tiền, đi ra nhà dây thép mua măng-đa 3 đồng gửi ra Hà Nội giúp một bạn văn cũng nghèo xơ xác như mình.

Còn 2 đồng, tiên sinh bao một cỗ xe lô-ca-xông qua Bà Chiểu đón ông bạn thơ, Tùng Lâm Lê Cương Phụng ra Sài Gòn ăn Tết một cách phong lưu quý phái.

Dẫu được tiếp đãi hào phóng như vậy nhưng khi bị Chủ báo Diệp văn Kỳ thúc bài đi cho kịp in là Tản Đà cự lại: “Ông muốn tôi vào đây viết văn hay bửa củi, nếu bửa củi thì lúc nào bửa cũng được. Bằng viết văn thì phải đợi hứng, không hứng không thể viết”.

Để cuối đời, Tản Đà chua chát viết: “Khi làm chủ bút, lúc viết mướn/ Hai chục năm dư, cảnh khốn cùng!”

Và rồi Tản Đà qua đời ngày 17 tháng Sáu năm 1939, hưởng dương 51 tuổi, vì bị bệnh sơ gan; chắc do nhậu nhiều quá xá!

***

Ngày nay ở Mỹ, ở Úc, thị trường văn chương viết bằng tiếng Anh rộng lớn! Nhiều bạn đọc sẵn lòng móc xỉa; nên làm nhà văn Tây phẻ hơn nhà văn Ta gấp ngàn lần. Vừa có danh có lợi. Tiền dư sức sống, rồi rủng rỉnh tiền ăn nhậu, nhờ nhuận bút rất sộp và tác quyền rất khẳm khi xuất bản sách! Thấy mà nhễu nước miếng!

So lại, cũng hải ngoại, nhà văn, nhà báo mình viết bằng tiếng Việt, số người sống được bằng nghề lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay!

Cộng tác viên, viết chủ yếu cho vui hoặc cho đỡ cái buồn…rầu; bởi kiếp tằm là phải nhả tơ!

Người Việt mình khi đi mua một món đồ mà người bán phán một câu: Giá văn nghệ mà… thì mình hiểu nó không mắc, không đáng giá bao nhiêu. Nghĩa là nó rẻ mạt hè!

Văn nghệ của nền báo chí hải ngoại mình cũng chung phần số! Thơ là hỏng có cái chuyện trả nhuận bút rồi. Vì bài thơ hay thế mấy, nhưng đâu có bao nhiêu chữ mà trả tiền hè?!

Còn văn thì mỗi bài được chừng 100 đô là hết mức, bằng giá một dĩa mồi nghêu xào XO và một thùng beer VB 24 lon, một mình tác giả nhậu còn chưa đã, chưa say nên mấy nhà văn nhà báo thường hay nhậu beer và ăn chực của quý độc giả ái mộ văn tài mời ngài ra quán!

Kiep tam la phai nha to 07Còn trong nước, trừ mấy tay Tổng biên tập, làm quan chức chóp bu của tờ báo, thì cái đám bồi bút báo chí quốc doanh sống còn thê thảm hơn nhiều!

Bằng mọi cách để kiếm ăn nuôi vợ, nuôi con là phải theo phe nầy làm bồi bút, văn nô cho anh Ba hoặc cho anh Tư! Lỡ phe mình theo phò, kiếm miếng cơm chén rượu, bị thất thế là mình phải bị đi ở tù.

Còn không theo phe nào, chỉ muốn tống tiền doanh nghiệp làm ăn bê bối, bằng cách gỡ bài phóng sự điều tra xuống… mà xui rủi, nó có ‘piston’ mạnh, nó gài bẫy, kêu CA phục sẵn. Cô em nhà báo mới ló tay ra nhận phong bì, tiền có ghi seri trước, là nghe còng cái cốp, vô tù ngồi gỡ lịch… Hu hu!

***

Để kết luận nhà văn, nhà báo trong, ngoài nước bây giờ so với nhà thơ Lý Bạch bên Tàu, cả ngàn năm trước, thua xa lắc!

Kiep tam la phai nha to 08Năm 742, Lý Bạch đến Trường An, Đường Minh Hoàng nghe danh đã lâu nên rất ái mộ! Đến năm 745, do lối sống của ông gàn dở bê bối, say xỉn suốt ngày, lại bị gièm pha nên vợ vua là Dương Quý Phi cũng phát ghét!

Lý Bạch nhận thấy việc đó, cộng với lòng đam mê du lãm đang trỗi dậy, ông liền từ biệt vua Đường. Vua rất buồn, nhưng cũng phải đành theo.

Ngày đưa tiễn, vua tặng thêm rất nhiều nén vàng làm lộ phí nhưng thi nhân không nhận!, Cuối cùng vua cho ông quyền uống rượu miễn phí tại bất cứ quán rượu nào mà ông đi qua, tiền rượu sẽ do ngân khố thanh toán.

Tui khoái vậy đó! Đừng trả nhuận bút! Hỏng bao nhiêu! Mấy ông chủ báo chỉ cần cho tui cái ‘credit card’. Nhậu xong, tui quẹt một cái, là vui… về viết nữa! Hi hi!

Nhưng buồn thay! Chuyện nầy ở thế kỷ 22 mới có!

đoàn xuân thu.

melbourne