Chương 20

Cho Đến 100 Năm Sau Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký Mất Vẫn Chưa

Nguyễn Kim Dung

Bài viết được trích từ Đặc San Petrus Ký 2000 do Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam Cali Thực hiện.

(nguồn: Quyển Tuyển Tập về “Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký” – 2005)

truong vinh ky no luc 01
Pétrus Ký và các học trò. @historicvietnam.com/tim-doling/

 

Năm 1998 đánh dấu cụ Petrus Trương Vĩnh Ký qua đời cách đây 100 năm (1898 – 1998). Nhiều nơi trên thế giới tổ chức làm lễ tưởng nhớ cụ, đồng thời các nhà nghiên cứu lịch sử có dịp “mở lại” những trang sử cũ để đánh giá công trình Văn Hóa đối với Việt Nam .

Năm 1993, nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã cho xuất bản cuốn: Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa (tác giả giáo sư Nguyễn Văn Trung, sách dày 214 trang). Đọc trong thư mục của tác phẩm này những tác phẩm nghiên cứu của cụ Trương Vĩnh Ký, nếu chúng ta nhìn ngược lại lịch sử Việt Nam từ trước đến nay để đối chiếu, chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy công trình nghiên cứu về văn hóa của cụ thật to lớn mà từ trước tới nay chưa có ai làm được. Mặt khác, năm 1998, Nhà Nước hiện nay hứa sẽ trả lại ngôi trường Petrus Trương Vĩnh Ký (đường Cộng Hoà, Sài gòn) cho Petrus Trương Vĩnh Ký một khi họ xây xong ngôi trường mới ở Tân Bình sẽ dời tên Trường Lê Hồng Phong về đó.

Nhưng họ hứa một đằng, làm một nẽo khi xây xong trường mới, họ không dời trường Lê Hồng Phong về đó để đặt tên cho ngôi trường mới mà họ đặt tên trường Petrus Trương Vĩnh Ký! Còn ngôi trường cũ Petrus Trương Vĩnh Ký họ vẫn để nguyên tên Lê Hồng Phong!

Trong khi ở nước ngoài, thì ngược lại, có một chuyện: diễn biến … không hòa bình xảy ra ở San Diego, Cali. Năm 1996, Ông C.L. Lê Trọng Văn đã mở lại những trang sử cũ của cụ Petrus Trương Vĩnh Ký sớm hơn hai năm(!) cho xuất bản 1 tuyển tập Petrus Ký. (Sách dày 188 trang, không đề tên nhà xuất bản). Đọc “Tuyển tập Petrus Ký” chúng tôi thấy gồm có 2 phần: một phần trích yếu và một phần phụ lục. Phần trích yếu từ trang 7 – 104, phần phụ lục từ trang 105 – 188, tính ra cả 2 phần số trang gần bằng nhau. Trong số các phần trích yếu và phụ lục có rất nhiều bài không dính dáng đến cuộc đời của Petrus Trương Vĩnh Ký. Điều này cho chúng tôi thấy tác giả C.L. Lê Trọng Văn làm việc thiếu phương pháp, không có tính công bằng và nhất là một số bài viết và các bài trích in lại về cụ Trương Vĩnh Ký, các tác giả đã không nắm vững vấn đề mà tôi sẽ phân tích sau:

1. Phương pháp làm việc

Tôi được biết Ông C.L. Lê Trọng Văn trong mấy năm qua đã xuất bản một số sách “Tranh luận”, mà một người muốn tranh luận như ông, tôi nghĩ là người phải biết cách làm việc cũng như cách lý luận, tuy nhiên cả 2 điều ông đều không đạt tiêu chuẩn.

1.1. Làm việc thiếu phương pháp:

Trong tuyển tập Petrus Trương Vĩnh Ký, với một đề tài ghi như vậy, độc giả sẽ hiểu ngay đây là một tuyển tập viết về cụ Petrus Trương Vĩnh Ký. Nếu một người làm việc đứng đắn, ông sẽ trích hai phần, bề mặt cũng như bề trái, hoặc ưu và khuyết điểm của cụ Petrus Trương Vĩnh Ký để đọc giả khi đọc có nhận xét phê phán. Nhưng trong tuyển tập, chỉ có một bài của Ông Hồ Hữu Tường (Hiện tượng Trương Vĩnh Ký…) nhưng bài dùng làm phương tiện để “phục kích” cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, trong khi đó các bài khác có mục đích “tra tấn” cụ Petrus Ký rất kỹ. Trong “ Tuyển tập”, ông C.L. Lê Trọng Văn lại có một chủ ý “riêng” dùng cụ Petrus Trương Vĩnh Ký để “hạch tội đạo Thiên Chúa Giáo”. (Đây quả thật là việc làm thiếu nghiêm chỉnh” mượn râu ông kia cấm cằm bà nọ”. Vì muốn “hạch tội” đạo Thiên Chúa Giáo nên trong “Petrus Trương Vĩnh Ký Tuyển Tập “có đề cập đến Đạo Thiên Chúa Giáo.

    • Chuyện Chúa Jésus chịu chết trên cây thập giá (trang mãsố VI, tờ thứ 3)
    • Lời kêu than của Giám Mục Desmond Tu Tu (Trang 136)
    • Giáo Chủ không thích tự do báo chí (trang 140)
    • Thánh tích 2000 năm lịch sử: tấm vải liệm xác Chúa (trang157)
    • Quan niệm giải thoát trong Phật Giáo và Gia Tô Giáo(trang 167-184),…

Ngoài ra, còn có một số bài viết không dính dáng đến cụ Petrus Trương Vĩnh Ký như: Alexandre de Rhodes: Công hay tội? (trang 185). Ai làm ra chữ quốc ngữ (trang 127), … và một số bài thơ, hịch, câu tuyên bố, … không ghi trong mục lục nhưng lại nằm trong tuyển tập!

Một điều quan trọng cần nói thêm, là trong tuyển tập, ở trang mã số IV (tờ thứ 2) tác giả ghi: “Theo đúng luật bản quyền: mọi trích, dịch, in hay sao, chụp dưới bất cứ hình thức nào đều phải có sự đồng ý của tác giả: Tôi O.K với tác giả. Ông C.L. Lê Trọng Văn về điểm này! Nhưng trong Tuyển tập, các bài trích in, sao, … của nhiều tác giả ông có theo đúng luật bản quyền không ??? Xin tác giả Lê Trọng Văn cho biết!

1.2. Làm việc thiếu công bằng:

Một người tranh luận, phê phán người khác, ít nhất người đó phải chấp nhận sự công bằng, nếu muốn cuộc tranh luận của mình thắng đối phương. Về điểm này, tác giả C.L. Lê Trọng Văn, không có và nếu có chăng ông có ngược lại, ở đây ông ghi nhận một vấn đề “Hơn 80 năm bị thực dân Pháp cai trị, 9 năm Miền Nam sống dưới chế độ Gia Tô Giáo, 10 năm sống dưới chế độ Diệm không Diệm, lại gặp gần 30 năm chiến tranh Nam Bắc, dân chúng rất là cơ cực chỉ lo kiếm sống cho qua ngày. Vì hoàn cảnh như thế lại có cả một guồng máy cai trị, họ thao túng, ngăn chận và tha hồ tấn phong, tô son điểm phấn cho các nhân vật thuộc về phe phái của họ.”…

Câu trên tác giả viết nào năm 1996, tác giả đã sống dưới cả 2 chế độ, Cộng Sản và Tư Bản, nhưng tác giả chỉ đề cập đến thời Pháp, chế độ đệ I, đệ II Công Hòa, còn chế độ hiện nay không thấy tác giả đề cập đến !!!

 

2. Một số vấn đề sai lầm cần xét lại

Trong tuyển tập Petrus Trương Vĩnh Ký có rất nhiều chỗ viết sai lầm nhưng ở đây chúng tôi chỉ điểm lại một số vấn đề.

Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký mất cách đây 100 năm, thời gian quá khứ đó đủ để cho chúng ta và lịch sử xét công hay tội của cụ. Nhưng cho đến nay việc luận suy công hay tội cụ đã được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá, riêng chỉ có Ông C.L. Lê Trọng Văn vẫn còn đang luận suy, cho xuất bản Tuyển tập Petrus Trương Vĩnh Ký mà theo lời tác giả: “Tuyển tập này ra đời chỉ có mục đích là chấn chỉnh lại nhận định của một số người về Petrus Trương Vĩnh Ký…“ (trang 5). Nhưng trước khi tác giả muốn chấn chỉnh người, tôi nghĩ những bài viết của C.L. Lê Trọng Văn và những bài trích in lại trong tuyển tập lại viết có tính chất quá khích, lập luận mâu thuẩn, phân tích không có cơ sở mà tôi sẽ phân tích dưới đây.

2.1. Đối với tác giả C.L. Lê Trọng Văn, ông đưa ra vấn đề về cụ Petrus Trương Vĩnh Ký .

– Trong lời nói đầu ông bảo:“Bổn phận của một người Việt Nam yêu nước khi có ngoại xâm thì thái độ phải ra sao? Ông Nguyễn Trường Tộ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký là những người không chống Pháp xâm lược mà còn hợp tác với Pháp ngay từ buổi đầu. Như vậy họ có là người yêu nước Việt Nam không? Họ có xứng đáng đặt tên đường, tên trường, và đúc tượng để ta ghi nhớ?” (trang 5)

– Bài “góp ý thêm về Petrus Trương Vĩnh Ký“, tác giả C.L. Lê Trọng Văn đặt vấn đề so sánh : “Cho nên đặt tên đường, tên trường cho Alexandre de Rhodes, Trần Lục, Nguyễn Trường Tộ, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Bình thì việc đặt tên đường, tên trường cho: Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Đình Chiểu … còn có ý nghĩa gì nữa???” (trang 90)

Tác giả C.L. Lê Trọng Văn đưa 2 vấn đề trên, tôi thấy không chịu tìm hiểu cuộc đời cụ Petrus Trương Vĩnh Ký… với các Ông Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng …

Nếu muốn xét cụ Petrus Trương Vĩnh Ký là người có yêu nước hay không? Có nên lấy tên cụ đặt tên đường, tên trường hay không … ta phải xét: (1) Cuộc đời của cụ, (2) Cách thế mỗi người trong mỗi hoàn cảnh, (3)Việc làm của cụ cho hậu thế, (4) Việc đặt tên đường, trường.

(1) Cuộc đời cụ Petrus Trương Vĩnh Ký: Phải nói lúc sinh thời cụ là một người thiếu may mắn, cha mất sớm lúc cụ lên 3 tuổi. Nhưng bù lại cụ có các may mắn khác, linh mục người Pháp giúp đỡ nuôi dưỡng cụ. (chứ để người Việt nuôi chưa chắc cụ đã thành nhân tài). Song vấn đề việc nuôi dưỡng cụ không phải ở Việt Nam mà có lúc ở Cao Miên, sau đó ở Pénang, cho nên cụ không biết nhiều gì về tình hình Việt Nam, ngay cả bà con thân thuộc cụ, cụ cũng không biết hết. Đây là vấn đề chính đặt ra ta phải hiểu cụ. Cụ có nên chống Pháp để được yêu nước hay không chống Pháp để người đời chê trách! Đứng trước tình trạng của cụ, chưa kể luật pháp của Pháp bắt buộc, cụ đang ở một bên “Tình” cụ là đứa con Việt Nam, một bên “Nghĩa” Pháp đã có công nuôi dưỡng cụ, thật khó lựa chọn! Và nếu đặt trong tình trạng luật pháp như con em quý vị qua Hoa Kỳ lúc 9 tuổi, 10 tuổi, chưa kể là Hoa Kỳ nhận là, con nuôi, mà quý vị nuôi, đi học và lớn lên vào quân đội Hoa Kỳ đưa quân sang đánh Việt Nam, con quý vị sẽ từ chối hay phải đi, dù là đi đánh Việt Nam!

Quý vị nghĩ sao? Trong khi đó trong quân đội Hoa Kỳ có nhiều sắc dân khác nhau, họ đi đánh Việt Nam không phải vì quyền lợi quốc gia họ mà vì “ăn cây nào phải rào cây đo”.

Nhưng vấn đề cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, cha mẹ sinh con hẳn công lao mang nặng đẻ đau 9 tháng là xong, đó mới chỉ là điều kiện “cần”, để có Petrus Trương Vĩnh Ký. Còn điều kiện “đủ” để nuôi dưỡng, dạy bảo, khôn lớn thành tài, lâu dài mới là quan trọng. Trong trường hợp cụ, vào thời đó, dù cụ có tài nhưng nếu không có may mắn được linh mục Pháp nuôi dưỡng, cụ ở với me cụ, chắc chắn cụ chỉ là một nông dân thường, còn nếu có tham gia chống Pháp cũng chỉ là một anh hùng yêu nước là cùng ! Chứ không thể trở thành một nhà bác học. Và là một cách nghịch lý hiện nay, những đứa con lai, chỉ dính một chút cái họ hoặc cái tên, nhưng có tài, chúng ta đã vội “dành”, cô ấy cậu ấy gốc Việt, mà không hiểu chúng ta có xét căn cước yêu nước để định hình, thì các cô, cậu ấy chẳng có chút gì yêu nước Việt mà chúng ta vội dành để được “vẻ vang dân Việt”! Cho nên, muốn xét cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, nếu cụ còn sống, không dễ để cho chúng ta nhìn cụ trên con kênh một chiều! Và điều đáng nói, cha mẹ nuôi con mà không biết nuôi dưỡng, con nó lớn lên thành người xấu, không nói ra cha mẹ cũng đáng trách.

(2) Cách xử thế mỗi người trong mỗi hoàn cảnh, đối với cụ Petrus Trương Vĩnh Ký như trên tôi đã nói. Nếu đặt cụ vào vấn đề “yêu nước” để đánh Pháp, cũng thật vô lý. Đứng trước tình cảnh, bên Tình (nước Việt Nam quê cụ), bên Nghĩa (Pháp nuôi), cụ không thể trở cờ 180 độ để đánh Pháp, nhất là trong buổi đầu cụ mới đặt chân về lại trên đất Việt Nam. Và điều dĩ nhiên, cụ không chống Pháp thì phải làm việc cho Pháp (vì Pháp nuôi).

Còn nếu cụ muốn làm việc với Việt Nam, chẳng ai tin cụ, vì cụ là người Pháp nuôi, và ở Việt Nam cũng ít ai biết cụ vì cụ rời Việt Nam lúc còn nhỏ. Nhưng đặt vấn đề yêu nước, có phải đánh Pháp là yêu nước không? Hay yêu nước còn có nhiều cách thế khác lợi hơn! Câu trả lời cho đến nay đã khá rõ, qua hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ, đã có nhiều người nhìn lại thấy không hợp lý. Bởi yêu nước chỉ biết có đánh, đánh,…thì dân chết, nước nhà tiêu tan thôi…Cho nên, vấn đề yêu nước chính là làm cho dân không chết, nước không bị tàn phá mới là điều quan trọng, ta không nên quan trọng ở cái tinh thần “bất khuất” hay ”anh hùng”. (Dĩ nhiên có tinh thần đó tốt, nhưng phải xét xem sự lợi hại)

(3) Việc làm của cụ Petrus Trương Vĩnh Ký cho hậu thế:

Vấn đề việc làm của cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, cụ làm thông ngôn cho Pháp, nhưng vì cụ có biệt tài, cho nên không phải chỉ làm thông ngôn mà cụ đi vào các vấn đề khác: Văn hóa. Khi còn chiến tranh Pháp – Việt mọi việc nghiên cứu của cụ đều bị quy trách về một mối “âm mưu văn hóa của thực dân”. Nhưng bây giờ mọi thứ “rác” văn hóa đó lại: thực dụng. Cho nên, cụ Petrus Trương Vĩnh Ký không làm anh hùng chống Pháp, nhưng cụ làm “anh hùng” văn hóa Việt Nam, cụ đã để lại cho hậu thế một kho tài liệu kiến thức văn hóa thật dồi dào. Ngoài các vấn đề văn hóa cụ còn viết các vấn đề khoa học và nghiên cứu về văn hóa Trung Hoa (Đại Nam Trung Quốc, Cổ Kim Sự Tích, Sử Lý Trung Hoa: đời Hán, Tam Quốc, …) mà có người đã gán ghép cho cụ làm việc đó chẳng qua là: “che dấu âm mưu”, thật vô lý!!! Đặc biệt, cái văn hóa cụ có lớn nhất, là đức tính, tuy tài giỏi, nhưng sống bình thường, không kiêu ngạo. (Tôi thích cụ nhất ở điểm này).

(4) Vấn đề đặt tên trường, đường:

Việc đặt tên đường, trường không có nghĩa là những người có yêu nước mới được đặt tên. Trong thực tế những người Việt hay ngoại quốc có công đối với đất nước trong mọi lĩnh vực: văn hóa, y khoa, kinh tế … đều được đặt tên, như trường hợp bác sĩ Yersin, ông là ân nhân của dân Việt, dù ông là người ngoại quốc, không yêu nước Việt như nước ông. Hoặc ở Hoa Kỳ, nhà khoa học A. Einstein, ông không yêu nước Hoa Kỳ, nhưng dân chúng mến mộ ông vì công trình khoa học của ông, có nơi đã lấy tên ông đặt tên trường. Hoặc ở Hoa Kỳ đặt tên Little SàiGòn, để đánh dấu một vấn đề, một mốc lịch sử … Đưa các vấn đề trên để cho thấy ông C.L. Lê Trọng Văn không nhìn thấy nhiều sự kiện đặt tên trường, đường mà ông nắm không vững để so sánh. Cho nên nếu các cụ Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng … yêu nước, các cụ được đặt tên đường, tên trường … thì các ông Alexandre de Rhodes, Petrus Trương Vĩnh Ký … có công với văn hóa Việt Nam thì việc dùng tên các ông đó đặt tên đường, trường là điều đương nhiên.

2.2. Các bài đã đăng trên tạp chí Bách Khoa ở Sàigòn trước 1975, tác giả trích lại in trong Tuyển tập.

– Trong Bách Khoa số 416, 1974, ông Nguyễn Sinh Duy viết bài: “Thương xác cùng nhà học giả Hồ Hữu Tường: Hiện tượng Trương Vĩnh Ký“. Bài này chỉ trích bài nói chuyện của Học giả Hồ Hữu Tường: “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay quá trình từ người trí thức đến kẻ sĩ phu”. Đối với bài của học giả Hồ Hữu Tường, chúng tôi ghi nhận ông nhìn lại toàn diện cuộc đời của cụ Petrus Trương Vĩnh Ký qua đó ông chứng minh lời cụ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng nghĩa “sĩ phu” này đối với ông Petrus Ký. Nhưng qua các lời chỉ trích của Nguyễn Sinh Duy, chúng tôi thấy ông không nắm vững vấn đề khi so sánh các nhà yêu nước khác như: Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, … hoặc Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, viết lên những thi văn rực cháy lòng yêu nước, kháng chiến … trong khi đó thì cụ Petrus Trương Vĩnh Ký hoàn toàn quay lưng lại với thực tại đất nước … Việc so sánh này không hợp lý, như tôi đã nói, từ khởi điểm, nếu các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu … bị mồ côi, được Pháp nuôi dưỡng dạy nên người, chưa chắc quý vị đó đã quay lưng lại để chống Pháp!

Chúng ta cũng cần nhìn lại trong quá trình nghiên cứu sự nghiệp của cụ Petrus Ký trước 1975, chính giáo sư Nguyễn Văn Trung, ông là người đã đề ra việc “tra tấn: Phạm Quỳnh và Trương Vĩnh Ký, nhưng sau năm 1975, tạp chí Văn học của Hà Nội đã yêu cầu ông nghiên cứu lại Phạm Quỳnh nhân 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh), trong đó ông đã viết bài “Từ Phạm Quỳnh đến Petrus Trương Vĩnh Ký”, đối với Phạm Quỳnh, ông thấy vẫn không thay đổi theo phê phán của ông trước đây 20 năm. Riêng đối với cụ Petrus Trương Vĩnh Ký, ông đã tìm hiểu, thu thập tài liệu, đánh giá lại và ông đã viết: “Một cách cụ thể, dựng lại tượng Trương Vĩnh Ký và nhất là phục hồi tư cách, sự nghiệp của ông trong tâm tư con cháu chúng ta”. (Trương Vĩnh Ký, nhà Văn Hóa, trang 49).

– Trong tờ Nghiên cứu Lịch Sử số 60, tháng 3, 1964, ông Mẫn Quốc đã viết bài: “Trương Vĩnh Ký một nhà bác học trứ danh, đã ngang nhiên đóng vai đặc vụ tình báo, làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp”. Trong bài này tác giả viết như một người mới “tập sự” nghiên cứu sử. Ông ta đưa, đặt ra nhiều vấn đề quá máy móc. Chẳng hạn như: “Khi quân Pháp bắt đầu đánh chiếm Đà Nẵng thì Trương đã 21 tuổi, vừa đúng tuổi thành niên.

Đứng trước tình hình nước ta bị giặc xâm chiếm như vậy thì bổn phận người dân phải làm gì? Lẽ tất nhiên là phải bảo vệ tổ quốc, đánh đuổi quân xâm lược … Thế thì những bậc thức giả, sĩ phu như Trương Vĩnh Ký có lẽ đâu lại có khuynh hướng đóng vai bàng quan mà không tham gia việc cứu quốc? Nhưng kỳ thay,… Trương lại còn tích cực hoạt động giúp cho quân địch một cách đắc lực”.

Đứng trước tình cảnh đất nước bị xâm chiếm, nhưng tình cảnh của cụ Trương Vĩnh Ký có khác, cụ không giống như một người Việt Nam sống trên đất Việt Nam. Cụ Trương Vĩnh Ký xa Việt Nam lúc còn nhỏ (qua Cao Miên lúc 11 tuổi, qua Penang lúc 15 tuổi), cụ sống ở Pénang đến năm 21 tuổi. Năm 1858 (21 tuổi) vì nghe tin mẹ mất cụ phải về Việt Nam, quê ở Cái Mơn để thọ tang mẹ. Trong thời gian này Pháp đánh vào Đà Nẵng. Chắc cụ cũng không bận tâm với quân Pháp ngay “từ đầu”, mà mãi đến 1859 (có sách ghi 1860!) cụ mới làm thông ngôn cho Pháp. Với trường hợp cụ Trương Vĩnh Ký, nếu cụ sống ở Việt Nam mà không tham gia chống Pháp như các sĩ phu khác là điều đáng trách, chụp mũ cho cụ cái tội “không yêu nước’. Nhưng, đàng này, cụ được Pháp nuôi (khác với một số người Việt Nam, sống và lớn lên ở Việt Nam làm việc cho Pháp), ơn chưa trả, nghĩa chưa đền, tôi tin chắc dù ông Mẫn Quốc là một nhà tỉ phú yêu nước cũng không thể quay lưng lại “phản” người nuôi mình, tức phản lại “đạo lý”: ăn quả nhớ kẻ trồng cây! Trong khi đó, ngược lại cho đến nay chưa có tài liệu nào bảo, người Việt Nam đã vận động cụ “chiêu hồi” về phe ta mà cụ không chấp nhận, và nếu có chăng, nếu cụ từ chối, ta chỉ “trách” cụ, chứ chưa phải “kết tội” cụ, vì Pháp dù sao đối với cụ vẫn là người ơn nghĩa. Và sự việc cụ làm thông ngôn, không phải là chuyện đơn giản, dĩ nhiên là có sự tròng tréo, cụ vừa làm cho Pháp vừa phải khôn khéo, nếu không sinh mạng cụ, chắc Pháp cũng không tha, dù cụ là một nhân tài.

– Trong tập san Nghiên Cứu Lịch sử, số 59, tháng 2, năm 1964, Ông Tô Minh Tùng viết bài: “Trương Vĩnh Ký, tên tay sai đắc lực đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp trong lịch sử nước ta”.

Với tư cách một người nghiên cứu sử, chỉ nghiên cứu có một cá nhân cụ Petrus Ký mà không nắm vững vấn đề thì làm sao có thể nghiên cứu các đề tài lịch sử nước nhà! Ông Tô Minh Tùng đã gọi cụ Trương Vĩnh Ký là tên tay sai “đầu tiên”! Thực ra, Pháp nuôi cụ thì cụ phải làm cho Pháp thôi, chứ chẳng phải cụ ở Việt Nam lớn lên rồi Pháp qua cụ làm việc “đầu tiên”. Mặt khác, Ông Tô Minh Tùng cũng đặt vấn đề cụ Trương Vĩnh Ký:“Chưa hề được giáo dục chính đáng nào của gia đình và nhà trường về lòng yêu nước theo tinh thần quật khởi của dân tộc …”. Cách đặt vấn đề của ông Tô Minh Tùng chỉ làm giảm giá trị kiến thức nghiên cứu sử của ông vì lẽ, cụ Trương Vĩnh Ký mồ côi cha lúc 3 tuổi, mà việc giáo dục, nếu gia đình cụ cha còn, giáo dục ấy, lại cũng bị ghép cái tội giáo dục theo tinh thần Gia Tô Giáo! Nhưng trong việc giáo dục con người đâu phải chỉ giáo dục có lòng yêu nước! Và dù có giáo dục cũng chưa chắc yêu nước! Nhưng yêu nước là điều tự nhiên, giáo dục thành tài dùng trí để đánh mới là quan trọng, còn chuyện tinh thần quật khởi của dân tộc lại đổ máu, mất thì giờ. Cứ xem đánh Tàu phải mất 1000 năm … mà bảo tinh thần quật khởi? Và đánh Pháp cũng phải mất gần 100 năm! Phải chăng nếu giáo dục dân trí cao, biết cách xoay sở, ngoại giao … tôi tin chắc Việt Nam bây giờ không tàn tạ trong cái tinh thần quật khởi mà ta đã đánh mất khá nhiều thì giờ rêu rao vô ích. Và cứ nhìn xem, cụ Trương Vĩnh Ký không chống Pháp nhưng cụ đã làm được nhiều chuyện cho dân Việt về văn hóa. Khi cụ nhắm mắt, đã có nhiều báo chí, các nhà yêu nước viết thơ văn ca tụng công đức của cụ.

Về sau nhóm Minh Tân (1901 – 1908) và một số người yêu nước chống Pháp, đánh giá lại cụ Trương Vĩnh Ký và vận động dựng tượng cụ Trương Vĩnh Ký. Trong đạo Cao Đài, xem cụ Trương Vĩnh Ký như “hậu sự chi thánh” như Victor Hugo, Lý Thái Bạch, .. Trong văn thư, cụ Ưng Bình Thúc Gia Thị có viết về vụ Trương Vĩnh Ký:

Đạo đức văn chương là Ông Trương Vĩnh Ký

Có văn thơm có báo chí, tự vị rõ ràng

Thanh danh rạng giữa đinh hoàn

Học xưa biết trước chỉ đàng cho hậu sanh.

– Trong Bách Khoa số 417, 418, năm 1974, ông Phạm Long Điền viết 2 bài về cụ Trương Vĩnh Ký: “Petrus Ký trong quỉ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp” đã đặt vấn đề Truyện Kiều và Lục Vân Tiên mà ông đã không nắm vững khi đặt vấn đề.

a) Ông Phạm Long Điền bảo: “… Cuốn Truyện Kiều do Trương Vĩnh Ký diễn quốc ngữ chào đời năm 1875 và Lục Vân Tiên cũng do Trương Vĩnh Ký diễn quốc ngữ in 1889. Tại sao có sự cách biệt quá xa về năm ấn hành 2 tác phẩm lớn của 2 miền… Vả lại Trương Vĩnh Ký là người Miền Nam chắc ông không thể nhìn nhận cuốn Lục Vân Tiên đã đi sâu vào nếp sống quần chúng trong Nam … ấy vậy mà Truyện Kiều in trước năm 1875 ..” (xem trang 40, 61)

Vấn đề 2 cuốn Truyện Kiều và Lục Vân Tiên in ra cách nhau 14 năm như vậy, không nói ra chắc ai cũng hiểu đó là “âm mưu văn hóa của thực dân Pháp” xúi dại cụ Trương Vĩnh Ký làm? Thực ra vấn đề in ra cách biệt giữa 2 quyển Truyện Kiều và Lục Vân Tiên có nguyên nhân. Muốn xét cuốn Lục Vân Tiên tại sao ra trễ 14 năm, sau Truyện Kiều, ta phải xem cụ Đồ Chiểu lúc cụ còn sống cùng thời với cụ Trương Vĩnh Ký. Cụ Đồ Chiểu là một người chống Pháp rất “cực đoan”, đến nỗi giặt quần áo, cụ chỉ dùng nước tro, chứ không dùng xà phòng. Mặt khác, theo ông Nguyễn Đình Chiêm, con thứ 7 của cụ thuật lại, thì cụ Đồ Chiểu không ưa chữ quốc ngữ, con ông, các hương chức trong làng đến xin cho con đi học chữ quốc ngữ, tiên sinh gắt lên:“Tôi vì đâu mà phải đến góc biển chân trời này? Các ông sao còn đem chuyện ấy mà nói với tôi.” (Lục Vân Tiên, Nguyễn Thanh Tâm chú thích, Đại Nam, Cali, phần tiểu sử).

Vì lẽ cụ Nguyễn Đình Chiểu không ưa chữ quốc ngữ, chống Pháp khi đó cụ Trương Vĩnh Ký làm việc cho Pháp, cho nên cụ Trương Vĩnh Ký dù có dịch truyện Lục Vân Tiên sớm hơn cụ Trương Vĩnh Ký cũng không thể in, vì còn phải xin phép tác giả, mà xin thì chắc cụ Đồ Chiểu không cho. (Còn Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du mất từ lâu, không cần phải xin phép tác giả).

Cho nên, chúng ta để ý, khi cụ Đồ Chiểu qua đời năm 1888, cuốn Lục Vân Tiên một năm sau mới in ra (1889).

b) Ông Phạm Long Điền đặt vấn đề Ông Trương Vĩnh Ký dịch quyển Truyện Kiều và Lục Vân Tiên ra chữ quốc ngữ là “trong chỉ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp”. Thực ra vấn đề này Ông Phạm Long Điền đã không thấy sự diễn biến của chữ quốc ngữ mới ra lò. Chính vì chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, Nôm nên việc dịch ra chữ quốc ngữ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu 2 cuốn Truyện Kiều và Lục Vân Tiên được dịch ra chữ quốc ngữ là “âm mưu” của thực dân Pháp, thì chính 2 cuốn kia cũng được dịch ra tiếng Pháp, giới thiệu văn hóa Việt Nam, chẳng lẽ cụ Trương Vĩnh Ký cũng có “âm mưu” dùng văn hóa Việt Nam để lật đổ văn hóa Pháp! Trong khi đó, vì việc làm văn hóa rất đa dạng, cụ Trương Vĩnh Ký nghiên cứu về sử Trung Quốc, rồi cũng gán cho cụ là âm mưu của Trung Quốc! Mặt khác hệ thống giáo dục Việt Nam thời đó chỉ chuyên về thơ, văn đã làm cho nước nhà chậm tiến về khoa học, cụ Trương Vĩnh Ký vì tiếp xúc với Pháp, viết về đề tài khoa học cho dân chúng hiểu biết, rồi cũng bảo đó là âm mưu”!!!

c) Trường hợp Truyện Kiều, Ông Phạm Long Điền đặt vấn đề: “Giữa lúc Nho học còn thịnh, Truyện Kiều bị xem là một dâm thư thì việc ấn hành và phổ biến tập truyện này gây một ảnh hường không mấy tốt đẹp trong quần chúng nhất là đối với việc xướng chữ quốc ngữ vừa xuất hiện trên sân khấu Nam Kỳ.

Về phương diện tôn giáo, chắc chắn giáo hội Gia Tô Giáo Việt Nam hồi ấy cũng không thể chấp nhận sự có mặt của Truyện Kiều trong nếp sống tinh thần của Gia Tô Giáo bản xứ. Trương Vĩnh Ký vốn xuất thân từ một nhà dòng, chắc cũng nhìn thấy không mấy tốt đẹp … Trương tiên sinh, vốn trọng đạo lý thánh hiền, một lòng cúc cung tận tụy cho quốc học. Ấy thế tại sao Trương Vĩnh Ký lại không nhìn thấy khía cạnh vô luân mà các nhà cựu học thường gán cho Truyện Kiều …” (trang 61)

Cách đặt vấn đề trên của Ông Phạm Long Điền tôi thấy hơi lạ… Nếu thời cụ Trương Vĩnh Ký “giữa lúc Nho học thịnh hành”, Truyện Kiều bị xem là “dâm thư”, tại sao Trương Vĩnh Ký dịch? thì ta có thể trả lời, nhìn lui lại, tại Trung Quốc, xứ Nho, vậy mà Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân vẫn cho xuất bản. Rồi thời cụ Nguyễn Du, thời Nho học còn cực thịnh hơn, tại sao Nguyễn Du phải đọc, đọc rồi phải dịch, dịch rồi lại được in?? Nếu trách, ta phải trách cụ Nguyễn Du trước tại sao Truyện Kiều là một tác phẩm dâm thư mà cụ dịch! Nhưng Truyện Kiều khi được Nguyễn Du chuyển sang chữ Nôm đã được dân chúng Việt Nam mến mộ, các vua quan OK, chính vì thế cụ Trương Vĩnh Ký mới tuyển dịch ra quốc ngữ. Song trong Truyện Kiều không phải chỉ có vấn đề “dâm thư” mà tác phẩm đó đã tổng hợp hóa nhiều vấn đề: đạo đức, luận lý, tôn giáo… tùy mỗi người đọc tiếp nhận. Nếu ta thấy Kiều “bán mình” không tốt đẹp, đó cũng là một bài học phản diện cho ta tránh.

Còn vấn đề các nhà cựu học gán cho Truyện Kiều là một dâm thư, gán Kiều là con “đỉ” chỉ xảy ra khoảng 1920 khi Phạm Quỳnh dùng Truyện Kiều làm diện chính trị. Điều đáng nói ở đây, mặc dù trước đây khi Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều, cả ông Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế,… vẫn mến truyện Kiều.

Nhưng khi Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều, cả hai ông đều lên án Truyện Kiều là “dâm thư”. Nhưng thật ra, vấn đề ông Phạm Quỳnh “đề cao” Truyện Kiều là “quốc hồn, quốc túy” không hợp lý vì Truyện Kiều vốn gốc của Trung Quốc, nếu chúng ta mặc nhiên xem Truyện Kiều là quốc hồn, quốc túy, thì chính chúng ta đã chấp nhận văn hóa Trung Quốc một cách vô điều kiện.

Còn vấn đề Gia Tô Giáo Việt Nam, cụ Trương Vĩnh Ký là người nệ cổ, trong đạo lý thánh hiền… mà tại sao lại dịch “dâm thư”, không thấy khía cạnh “vô luân”, … Tôi tin chắc, đạo Gia Tô Giáo, cụ Nguyễn Du, cụ Trương Vĩnh Ký (hay người Nhật dịch Truyện Kiều trước đây từ Trung Quốc)… đều biết, nhưng đó là một tác phẩm văn chương hay, ngay cả người Trung Quốc, Nhật, Việt Nam… đọc chỉ thưởng thức phần hay, còn phần “xấu” cho đến nay không ai bắt chước Kiều phải đi làm điều đó. Trong khi đó việc dịch ra Truyện Kiều cũng được chọn là tác phẩm yêu thích của dân Việt Nam như Lục Vân Tiên, còn nếu không, tại sao cụ Trương Vĩnh Ký không dịch thơ Bà Hồ Xuân Hương! Nhưng nếu bảo Truyện Kiều là một tác phẩm ”dâm thư” tại sao cụ Trương Vĩnh Ký dịch, thì ta cũng nên nhìn ngược lại, cụ Trương Vĩnh Ký dịch Lục Vân Tiên đề cao đạo thánh hiền. Cho nên nhìn cụ Trương Vĩnh Ký dịch Truyện Kiều mà không dịch Lục Vân Tiên là nhìn phiến diện. (và cụ Trương Vĩnh Ký còn dịch các tác phẩm khác: Lục Súc Tranh Công, Phan Trần , …)

Nay, nếu ta xem Truyện Kiều là một tác phẩm “dâm thư” thì tôi nghĩ các Ông Lê Trọng Văn, Phạm Long Điền nên xin đề nghị Nhà Nước hiện nay bỏ tên đường, tên trường Nguyễn Du đi và cũng xin bỏ luôn tên bà Hồ Xuân Hương, vì cả hai vị này viết dâm thư, chứ không có công gì với văn hóa Việt Nam. Và nếu đặt tên trên điều kiện “dân tộc tính” thì cụ Nguyễn Du còn bị tội nặng hơn vì có công, thay vì rước Pháp, cụ đem “con đỉ Kiều” về làm nhơ nhớp đạo lý thánh hiền! Nhưng xét, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du tồn tại cho đến ngày hôm nay, thiết nghĩ chúng ta cũng biết, không phải vì là dâm thư mà nó tồn tại.

Riêng cụ Trương Vĩnh Ký, không phải vì cụ không đánh Pháp mà người ta quên cụ, ngược lại tên tuổi cụ còn lưu truyền cho đến ngày nay là vì công lao văn hóa của cụ đối với Việt Nam.

 

3. Đoạn kết

Petrus Ký là nhà tiên phong đã xử dụng lối văn xuôi và đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc xây dựng chữ Quốc ngữ, nhất là ngữ pháp Việt Nam trong lịch sử ngôn ngữ cận đại. Vậy, với một nước tự mình có bốn ngàn năm văn hiến, một nước có đạo lý đem dạy con người: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chúng tôi nghĩ, Ông Petrus Trương Vĩnh Ký (hay là người ngoại quốc) một người có công đối với văn hóa Việt Nam, thì không thể nào người Việt Nam lại không chấp nhận công lao văn hóa của Ông (Chỉ trừ trường hợp một nước phi văn hóa). Cho nên chính quyền Việt Nam ngày nay, muốn xây dựng quốc gia và con người có văn hóa (ít nhất là trong sự công bằng) cần phải trả lại danh dự cho Ông Petrus Ký với tư cách là một nhà văn hóa Việt Nam và là một nhà bác học được thế giới công nhận. Đồng thời Chính Quyền phải trả lại ngôi trường cũ mang tên Ông Petrus Trương Vĩnh Ký (đúng địa danh tại Sàigòn) đã đào tạo ra nhiều nhân tài phục vụ quốc gia.